Thông tin y tế trên các báo ngày 3/5/2021
Dưới đây là tổng hợp một số tin tức y tế đáng chú ý nhất ngày 3/5, mời quý đọc giả đón đọc:
12h trôi qua, Việt Nam không có ca mắc COVID-19, thế giới thêm gần 577.000 ca
Bản tin sáng 3/5 của Bộ Y tế cho biết không có ca mắc COVID-19, như vậy đã 12h trôi qua, Việt Nam tạm thời không ghi nhận thêm ca bệnh, trong khi thế giới tăng thêm gần 577.000 ca.
Tính từ 18h ngày 2/5 đến 6h ngày 3/5: Việt Nam tạm thời không ghi nhận ca mắc mới COVID-19. Như vậy 12h trôi qua, số ca bệnh COVID-19 ở nước ta hiện vẫn là 2.962
Tính đến 6h ngày 3/5: Việt Nam có tổng cộng 1595 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay: 935 ca.
Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 39.870, trong đó:
Cách ly tập trung tại bệnh viện: 553
Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 22.046
Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 17.271.
Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế: Tổng số bệnh nhân khỏi bệnh ở nước ta đến nay là 2.549 /2.962
Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước hiện có 72 bệnh nhân đã âm tính với virus SARS-CoV-2 từ 1-3 lần gồm: 19 ca âm tính lần 1; Số ca âm tính lần 2: 19 ca; số ca âm tính lần 3 là 34 ca.
Số ca tử vong liên quan đến COVID-19 ở nước ta đến nay là 35 ca, đây là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (03) và Quảng Trị (01).
Để sống chung an toàn với đại dịch COVID-19, Bộ Y tế khuyến cáo mỗi người dân cần tuân thủ thực hiện nguyên tắc 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang; Khử khuẩn; Khoảng cách; Không tụ tập và Khai báo y tế.
532.247 người Việt Nam đã tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19
Bản tin sáng nay của Bộ Y tế cũng cho biết có thêm 6.143 người được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trong ngày 02/5/2021.
Tính đến 16 giờ ngày 02/5/2021, tổng cộng đã thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh/TP cho 532.247 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội.
Chi tiết 6.143 người được tiêm tại 13 tỉnh/thành phố trong ngày 02/5/2021 như sau:
1- Bắc Giang: 210 người
2- Hải Dương: 422 người
3- Hà Tĩnh: 56 người
4- Hà Giang: 1.930 người
5- Cao Bằng: 176 người
6- Sơn La: 454 người
7- Quảng Trị: 158 người
8- Gia Lai: 492 người
9- TP. Hồ Chí Minh: 155 người
10- Trà Vinh: 129 người
11- Bình Phước: 67 người
12- Kiên Giang: 1.811 người
13- Cà Mau: 83 người
(suckhoedoisong.vn)
Công điện của Thủ tướng chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19
Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện 570/CĐ-TTg ngày 2/5/2021 về việc chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Công điện gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các đồng chí Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nêu rõ:
Thời gian vừa qua Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã luôn quan tâm chỉ đạo quyết liệt, cả hệ thống chính trị đã tích cực vào cuộc kịp thời, nhiều biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp đã được triển khai. Đến nay, chúng ta vẫn cơ bản kiểm soát được tình hình. Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp, xuất hiện tình huống xấu và khó lường. Thực tế, nhiều nơi đã có tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, thực hiện chưa nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, đặc biệt là giám sát thực hiện quy định 5K, nhất là việc đeo khẩu trang nơi công cộng, tập trung đông người.
Trong điều kiện cả nước đang tích cực chuẩn bị cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, để kịp thời chấn chỉnh những bất cập và tăng cường công tác phòng chống dịch, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và các quy định, quy chế về phòng, chống dịch của Bộ Y tế. Mọi trường hợp lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm, thực hiện không nghiêm các quy định, chỉ đạo về phòng, chống dịch phải được xác định trách nhiệm tập thể và cá nhân để xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
2. Trên cơ sở bám sát tình hình thực tiễn, kinh nghiệm phòng chống dịch của các nước và các địa phương trong thời gian qua; bám sát chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 để rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định hiện hành về phòng, chống dịch COVID-19 theo tinh thần phân cấp, phân quyền tối đa đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và cá thể hóa trách nhiệm cho các cấp, các ngành, các địa phương chủ động , sáng tạo, linh hoạt phòng, chống dịch có hiệu quả nhất, đồng thời chịu trách nhiệm về kết quả công tác phòng chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội trong tình hình hiện nay.
3. Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương, đề nghị các cấp có thẩm quyền khẩn trương rà soát, xem xét khen thưởng kịp thời theo quy định đối với các địa phương: Vĩnh Phúc, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Lâm Đồng… đã kịp thời, phản ứng nhanh, chủ động có các biện pháp hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.
Thủ tướng Chính phủ phê bình, nhắc nhở, yêu cầu:
- Các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa nghiêm túc rút kinh nghiệm và kịp thời chấn chỉnh nghiêm tình trạng không tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo quốc gia, nhất là việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi tiếp xúc nơi công cộng;
- Các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, Tiền Giang rút kinh nghiệm trong việc chậm triển khai các khuyến nghị của Bộ Y tế về bảo đảm điều kiện vật chất, trang thiết bị phòng chống dịch và năng lực xét nghiệm tại địa phương;
- Các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Hà Nam, Yên Bái bám sát quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, căn cứ hậu quả xảy ra để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, xử lý theo quy định, kể cả xử lý trách nhiệm hình sự, theo tinh thần khách quan, công bằng, nghiêm minh.
Bộ Y tế kiểm tra, giám sát việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về nội dung này; tăng cường đôn đốc, kiểm tra giám sát việc bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc và điều kiện phòng chống dịch ở các địa phương.
4. Các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nhất là trong công tác quản lý nhập cảnh. Tổ công tác liên ngành gồm 05 Bộ: Y tế, Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải tập trung thống nhất xử lý, kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh của người Việt Nam ở nước ngoài, của các chuyên gia, công nhân kỹ thuật cao nước ngoài.
5. Bí thư cấp ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tại địa phương tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, động viên tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân để tập trung cho việc phòng chống dịch hiệu quả. Tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác để phải trả giá đắt. Mọi sự chủ quan, lơ là, mất cảnh giác sẽ phải trả giá về tính mạng con người, sức khỏe cộng đồng, tiền của, cơ hội, phát triển kinh tế-xã hội, trật tự an toàn xã hội và niềm tin, uy tín với nhân dân.
6. Cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan báo chí tăng cường công tác tuyên truyền, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác nhưng cũng không gây tâm lý hoang mang, lo sợ, mất bình tĩnh, nhất là gây mất ổn định và hoảng loạn trong xã hội.
7. Tăng cường phối hợp hơn nữa giữa các cơ quan trong công tác phòng chống dịch; luôn tỉnh táo, sáng suốt bám sát thực tế, tích cực, chủ động, sáng tạo, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả trong việc xử lý tình huống.
8. Các lực lượng chức năng trên tuyến đầu chống dịch nêu cao tinh thần trách nhiệm, xả thân, cống hiến vì danh dự, nghĩa vụ thiêng liêng, cao quý, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, sức khỏe cộng đồng, vì hạnh phúc của nhân dân. Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao và sẽ có hình thức động viên, khen thưởng kịp thời, phù hợp.
9. Về việc đảm bảo vắc–xin tiêm phòng dịch COVID-19:
a) Bộ Y tế rà soát toàn bộ số vắc-xin còn lại, thúc đẩy tiến độ tiêm hết số vắc-xin này nhanh nhất và công bố trên thông tin đại chúng để cho nhân dân biết và giám sát.
b) Bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 50, Nghị quyết số 21 của Chính phủ để rà soát, xem xét tiếp cận nhiều nguồn vắc-xin nhất có thể để chủ động mở rộng phạm vi tiếp cận, tăng tính cạnh tranh và các sinh phẩm xét nghiệm mới, hiện đại, tập trung đàm phán với các đối tác, tận dụng các mối quan hệ, tổ chức mua và kiểm soát được nguồn cung cấp, chất lượng, giá vắc-xin và các sinh phẩm xét nghiệm một cách công khai, minh bạch.
c) Quản lý và sử dụng có hiệu quả, kịp thời nguồn tài chính ngân sách đã được bố trí. Đồng thời có cơ chế, chính sách và các giải pháp kiểm tra, giám sát để các doanh nghiệp và người dân tích cực, chủ động tham gia xã hội hóa trên cơ sở đặt lợi ích chung, lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, trước hết. Tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm trong việc mua bán, sử dụng vắc-xin.
10. Bộ Y tế bám sát kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Chính phủ về nhập khẩu, sản xuất và tiêm vắc-xin, cập nhật tình hình trong và ngoài nước để chỉ đạo xây dựng Báo cáo và Tờ trình ngắn gọn xin ý kiến thành viên Chính phủ tại phiên họp Chính phủ tháng 5 năm 2021 cho một số chủ trương lớn, trong đó chuẩn bị cho tình huống có 30.000 ca nhiễm COVID-19 để Bộ Y tế có cơ sở thực hiện mua trang thiết bị dự trữ; phương án thúc đẩy nghiên cứu sản xuất, nhập khẩu và tổ chức tiêm vắc-xin.
11. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 thay mặt Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo toàn diện các công việc liên quan đến phòng, chống dịch; trường hợp cần thiết báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ Y tế phát huy trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống dịch, nêu cao trách nhiệm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao, chủ trì tổ chức, hướng dẫn, đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc triển khai thực hiện.
(baochinhphu.vn)
Toàn bộ mẫu xét nghiệm cư dân tòa Viễn Đông Star âm tính với SARS-CoV-2
Sáng 3/5, trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hoàng Mai Lê Đức Thọ cho biết, toàn bộ mẫu xét nghiệm cho cư dân chung cư Viễn Đông Star (số 1, phố Giáp Nhị, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai), nơi cư trú của ca nhiễm Covid-19 đều âm tính với SARS-CoV-2.
Trước đó, liên quan đến ca nhiễm Covid-19 – là nhân viên quan Bar Sunny (Vĩnh Phúc), ngành chức năng Hà Nội đã thực hiện phong tỏa toàn bộ chung cư Viễn Đông Star và lấy 17 mẫu xét nghiệm cho cư dân tầng 10 của tòa nhà này – là tầng bệnh nhân B.N.H. sinh sống.
Với kết quả 17 mẫu âm tính, sẽ không xét nghiệm toàn bộ 209 cư dân của tòa nhà, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch quận Hoàng Mai cũng sẽ gỡ bỏ phong tỏa tòa nhà này, chỉ cách ly tầng 10 trong thời gian 14 ngày kể từ ngày 2/5.
Theo lãnh đạo UBND phường Thịnh Liệt, phường đã lên phương án để bảo đảm nhu yếu phẩm cho cư dân tòa nhà trong thời gian phong tỏa. Hiện toàn bộ cư dân tòa nhà rất hợp tác và nghiêm túc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch, không có vấn đề gì phát sinh.
Trong tối muộn 2/5, đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội do Phó Chủ tịch UBND TP, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội Chử Xuân Dũng dẫn đầu đã đến kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại chung cư Viễn Đông Star. Phó Chủ tịch UBND TP lưu ý quận tiếp tục trích xuất camera để truy vết các trường hợp tiếp xúc liên quan đến ca bệnh tại đây để khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm, không được để sót. Ngoài khu vực tòa chung cư Viễn Đông Star, quận Hoàng Mai cần đặc biệt chú ý đến công tác rà soát người nhập cảnh trái phép.
(kinhtedothi.vn)
Nhân viên quán karaoke mắc COVID-19: Có 9 F1, 90 F2 ở BV Nhi Trung ương
Sáng 3.5, Bệnh viện Nhi Trung ương đã cung cấp thông tin liên quan đến ca bệnh mắc COVID-19 (là nhân viên quán karaoke Sunny ở Vĩnh Phúc) đến bệnh viện ngày 26.4.2021 và có tiếp xúc với các nhân viên y tế, người lao động.
Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, ca bệnh COVID-19 mắc tại Vĩnh Phúc liên tục mang khẩu trang khi đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Các nhân viên y tế có tiếp xúc với bệnh nhân đều mang phương tiện phòng hộ đầy đủ và tất cả đều có kết quả xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2 lần 1 âm tính.
Theo khai báo của bệnh nhân mắc COVID-19 B.N.H (bệnh nhân mắc COVID-19 nghi lây từ quán bar Sunny Club, Vĩnh Phúc), từ khoảng 15h00 đến 17h00 ngày thứ Hai, 26.4.2021 đã đến Bệnh viện Nhi Trung ương để lấy hộ xét nghiệm cho một bệnh nhi có khám trước đó tại khoa Khám bệnh, Trung tâm Quốc tế S, Bệnh viện Nhi Trung ương.
Qua trích xuất camera, phỏng vấn, truy vết, phát hiện có 9 nhân viên y tế và người lao động tiếp xúc gần với bệnh nhân (F1), không có tiếp xúc với bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân.
Các nhân viên bao gồm 2 người làm nhiệm vụ sàng lọc, 1 người tiếp đón, 2 người hướng dẫn, 3 nhân viên phòng xét nghiệm và 1 bác sĩ tư vấn.
Theo Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhân đến Bệnh viện thực hiện khai báo điện tử tại chốt sàng lọc, sau đó đến bộ phận hành chính, tiếp đón, phòng xét nghiệm và cuối cùng là gặp bác sĩ tư vấn. Trong khi di chuyển tại đây, bệnh nhân liên tục mang khẩu trang và có thời gian tiếp xúc ngắn với các nhân viên. Các nhân viên y tế tiếp xúc với bệnh nhân đều mang phương tiện phòng hộ đầy đủ theo quy định. Phân tích nguy cơ tiếp xúc cho thấy các nhân viên đều có nguy cơ thấp.
Hiện có 8 nhân viên y tế đã được cách ly tập trung tại Bệnh viện và lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Một nhân viên hiện đang ở Nha Trang, Khánh Hòa đã được yêu cầu khai báo y tế cho địa phương và thực hiện cách ly, lấy mẫu theo quy định. Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã tiến hành truy vết, lập danh sách gần 90 trường hợp F2, đồng thời triển khai việc cách ly, phòng ngừa theo quy định hiện hành.
Đại diện Bệnh viện Nhi cho biết, ngày thứ 7 sau khi tiếp xúc với ca bệnh, các nhân viên y tế nói trên đều khỏe mạnh, không có các biểu hiện của viêm đường hô hấp cấp.
Đến 23h30 phút ngày 2.5.2021, kết quả xét nghiệm lần 1 Realtime RT-PCR với SARS-CoV-2 của 8 nhân viên có tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19 B.N.H, đang được cách ly tập trung tại bệnh viện đều cho kết quả âm tính.
Trước đó, tối 2.5, Bộ Y tế công bố các ca bệnh 2957-2962 (BN2957-2962) ghi nhận tại Vĩnh Phúc. Các bệnh nhân đều là nhân viên quán Karaoke ở thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc; đều có tiền sử tiếp xúc gần với chuyên gia Trung Quốc nhập cảnh cách ly ngay từ ngày 9-23.4.2021 tại tỉnh Yên Bái và hoàn thành cách ly về địa phương. Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.
Trong đó, bệnh nhân Đ.N.H, SN 1993, ở tại chung cư trên địa bàn Thịnh Liệt- Hoàng Mai- Hà Nội, là nhân viên quán Bar Sunny – Khu đô thị Đông Sơn – TP. Phúc Yên – tỉnh Vĩnh Phúc, có lịch trình di chuyển dày đặc.
Khoảng 15h ngày 26.4, bệnh nhân có đến Khoa Khám bệnh quốc tế – Bệnh viện Nhi T.Ư để lấy kết quả xét nghiệm cho con anh H – quản lý quán Sunny. Tại viện có tiếp xúc với bác sĩ nhưng không biết tên. Quá trình tiếp xúc có đeo khẩu trang. Sau đó trở về nhà.
Kết quả xét nghiệm tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương của bệnh nhân ngày 2.5 là dương tính SARS-CoV-2.
(laodong.vn)
Bình luận
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!