Thông tin y tế trên các báo ngày 26/3/2021

Dưới đây là điểm báo thông tin y tế trên các báo ngày 26/3/2021, mời quý bạn đọc theo dõi

Tăng cường phòng, chống dịch phục vụ bầu cử Quốc gia

Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã ký công điện gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Theo công điện, trước tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, với nhiều biển thể mới của virus có tốc độ lây lan nhanh, tại Việt Nam cơ bản đã kiểm soát được, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ với sự bùng phát của dịch trong thời gian tới.

Để tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch dịch Covid-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác trong thời gian tổ chức các hoạt động bầu cử Quốc gia; Bộ Y tế có công điện gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19.

Xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó với các tỉnh huống của dịch Covid-19 để chủ động ứng phó hiệu quả bảo đảm phát hiện sớm các trường hợp mắc Covid-19 và triển khai quyết liệt các biện pháp khoanh vùng dập dịch triệt để trong thời gian nhanh nhất.

Tăng cường các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại các cửa khẩu, các cơ sở khám chữa bệnh và tại cộng đồng, đặc biệt đối với dịch Covid-19, ngoài ra cần chú ý đến các dịch bệnh lưu hành như cúm A(H5N1), sốt xuất huyết, ho gà, bạch hầu, sởi, rubella, tay chân miệng: kịp thời lấy mẫu xét nghiệm để chẩn đoán xác định tác nhân gây bệnh, triển khai xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh xâm nhập và lây lan trong cộng đồng.

Sở Y tế các địa phương cần phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan thông tin đại chúng, truyền thông cơ sở đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác.

Đẩy mạnh truyền thông thực hiện nghiệm thông điệp 5K, nhất là đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, không tụ tập đông người; áp dụng xử phạt nghiêm những người không đeo khẩu trang khi đi ra ngoài và nơi công cộng; thông báo cho người dân những địa điểm nguy cơ để người dân biết, khai báo với cơ quan y tế để được sáng lọc, xét nghiệm kịp thời;

Phối hợp với các ban, ngành của địa phương để thưởng xuyên truyền thông khuyến cáo nhân dân giám sát, phát hiện người từ những địa điểm nguy cơ về nơi cư trú trên địa bàn mà không khai báo y tế hoặc khai báo không đúng sự thật.

Tiếp tục chỉ đạo rà soát triệt để các trường hợp đi về từ khu vực có dịch, các trường hợp tiếp xúc gần với các trường hợp mắc bệnh, các trường hợp nhập cảnh trái phép qua biên giới; khi có ca bệnh phải thực hiện việc truy vết thần tốc, khoanh vùng dập dịch triệt để, tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm có chỉ định và yêu cầu thực hiện nghiêm việc cách ly, giám sát y tế theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; thực hiện khai báo y tế tại các địa điểm công cộng, các khu vực tập trung đông người.

Tổ chức tốt công tác phân tuyển thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, phân luồng khám bệnh, thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị, cấp cứu bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm để tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện, hạn chế đến mức thấp nhất số trường hợp tử vong do mắc Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác.

Ngành y tế các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19 bảo đảm an toàn hiệu quả, đạt tỷ lệ tại các tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 đợt 1 theo đúng quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế.

Rà soát, xây dựng kế hoạch sử dụng vaccine Covid-19 tại địa phương trình UBND tỉnh, thành phố phê duyệt, lập danh sách đối tượng tiêm theo nhóm ưu tiên quy định tại Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26-2-2021 của Chính phủ, phương án tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản và tiến hành tổ chức tiêm ngay khi có vaccine phòng Covid-19 về đến địa phương.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, địa phương và đơn vị liên quan để tổ chức triển khai công tác phòng, chống dịch theo phương châm “bốn tại chỗ”; bảo đảm sinh phẩm xét nghiệm, vật tư, trang thiết bị y tế được cung ứng đầy đủ, kịp thời cho công tác phòng, chống dịch.

Phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức các đoàn công tác liên ngành kiểm tra, chỉ đạo kịp thời các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trong đó có dịch Covid-19, tiêm chủng.

(nhandan.com.vn)

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Nguy cơ xuất hiện đợt dịch COVID-19 thứ 4 ở nước ta hiện hữu

Tại hội nghị tập huấn về công tác tiêm chủng vắc xin COVID-19 tại Việt Nam diễn ra sáng ngày 26/3, GS.TS Nguyễn Thanh Long- Uỷ viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ quan ngại về việc nguy cơ cao xuất hiện đợt dịch COVID-19 thứ 4 tại Việt Nam là hiện hữu

Hội nghị kết nối đến tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh, các điểm tiêm chủng tại hơn 700 điểm cầu trên toàn quốc.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, thời gian qua, chúng ta kiểm soát dịch thành công ba đợt dịch. Đợt dịch cuối cùng tại Hải Dương có số ca nhiễm khá cao, đến thời điểm hiện nay vẫn có một số ca mắc mang tính rải rác do chúng ta thực hiện cách ly, truy vết nhưng đôi khi một vài địa phương, một số nơi chưa thực hiện triệt để.

“Chúng tôi rất quan ngại vấn đề có thể xuất hiện đợt dịch thứ 4 ở nước ta nguy cơ cao và mang tính hiện hữu vì trong bối cảnh hiện nay các nước trong khu vực tình hình dịch còn phức tạp.

Từ đầu cuộc chiến chống dịch, chúng ta đã thiết lập 1600 điểm chốt với 10 nghìn cán bộ biên phòng cắm chốt kết hợp với lực lượng chính quyền địa phương tại các chốt để quản lý việc xuất nhập cảnh. Tuy nhiên, chúng ta có đường biên giới trải dài, rộng nên việc quản lý xuất nhập cảnh đường biển hết sức khó khăn, đặc biệt là việc nhập cảnh trái phép rất phức tạp”- Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, sáng nay, Việt Nam ghi nhận hai ca bệnh nhập cảnh trái phép qua đường biển vào Phú Quốc và về Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh. Bộ Y tế yêu cầu các địa phương có trường hợp nhập cảnh cách ly ngay lập tức những trường hợp này.

“Đây là trường hợp xác định được nhưng có thể có trường hợp nhập cảnh trái phép vào không phát hiện được và có thể có người không có dấu hiệu về mặt lâm sàng, có thể thành nguồn truyền nhiễm trong cộng đồng”- Bộ trưởng bày tỏ.

Do đó, Bộ Y tế đề nghị các địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch theo Chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch, của Bộ Y tế về xét nghiệm, truy vết, cách ly, điều trị… “Để khi dịch xảy ra không bỡ ngỡ, luống cuống. Xử lý càng nhanh, càng hạn chế mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh với cộng đồng”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói

Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế đã thêm một lần nữa tuyên dương toàn bộ hệ thống y tế “các chiến sĩ áo trắng đã không quản ngại khó khăn, lăn lộn với cuộc chiến chống dịch”. Việt Nam được đánh giá phòng chống dịch thành công, hiệu quả với chi phí thấp, trong đó có công lao đóng góp của các chiến sĩ áo trắng.

(suckhoedoisong.vn)

Hà Nội yêu cầu người đi cùng chuyến bay với ca Covid-19 mới phải cách ly

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội vừa phát đi thông báo liên quan đến các hành khách đi trên chuyến bay có ca mắc Covid-19 mới được ghi nhận.

Thông báo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội yêu cầu những hành khách đi trên chuyến bay VJ458 từ Phú Quốc về Nội Bài ngày 22/3, hạ cánh tại Sân bay Quốc tế Nội Bài khoảng 15h phải tự cách ly theo dõi sức khỏe tại nhà. Đồng thời, những trường hợp này cần liên hệ ngay với trạm y tế, trung tâm y tế trên địa bàn hoặc gọi điện thông báo đến số điện thoại đường dây nóng phòng chống dịch: 0969082115 – 0949396115 để được tư vấn.

Ca Covid-19 đã đi trên chuyến bay VJ458 ngày 22/3 là bệnh nhân nữ 25 tuổi, địa chỉ tại Cẩm Phả, Quảng Ninh.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, ngày 22/3, bệnh nhân cùng nhập cảnh trái phép vào Việt Nam qua tàu cá tại Phú Quốc. Cùng ngày, bệnh nhân cùng 1 người khác lên chuyến bay VJ458 di chuyển từ Phú Quốc về Sân bay Quốc tế Nội Bài, sau đó đi xe riêng về Hải Phòng. Ngày 24/3, bệnh nhân đến làm xét nghiệm tại Bệnh viện Vinmec Hải Phòng. Ngày 25/3, bệnh nhân có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, 1 người đi cùng bệnh nhân có kết quả âm tính.

(dantri.com.vn)

Hà Nội phát hiện 1 ca bệnh COVID-19 tái dương tính sau gần 1 tháng ra viện

Bệnh nhân COVID-19 số 1555 (86 tuổi), ở Ba Đình, Hà Nội, từ Mỹ về nhập cảnh tại Đà Nẵng, đã điều trị tại Đà Nẵng từ ngày 27-1 đến 16-2, được cách ly thêm tại bệnh viện 14 ngày, vừa được phát hiện tái dương tính ngày 25-3.

Theo Sở Y tế Hà Nội, bệnh nhân 1555 (86 tuổi, ở phường Thành Công, Ba Đình, Hà Nội) vừa có kết quả xét nghiệm tái dương tính. Bệnh nhân nhập cảnh từ Mỹ, cách ly tại thành phố Đà Nẵng và điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng từ ngày 27-1 đến 16-2.

Sau khi được điều trị khỏi, bệnh nhân được cách ly thêm 14 ngày tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng đến ngày 1-3, với kết quả xét nghiệm âm tính 5 lần. Sau đó, bệnh nhân về nhà và cách ly thêm 2 tuần tại nhà.

Ngày 21-3, bệnh nhân khám và điều trị u thận trái tại Bệnh viện Hữu Nghị. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng ho, được bệnh viện lấy mẫu xét nghiệm vào ngày 24-3. Mẫu bệnh phẩm chuyển Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội xét nghiệm, có kết quả dương tính ngày 25-3.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho hay thời gian qua có khoảng 10% bệnh nhân COVID-19 tái dương tính, tuy nhiên không trường hợp nào làm lây ra người nhà hoặc người có tiếp xúc.

(tuoitre.vn)

Hơn 10 nghìn người tử vong trong một ngày vì COVID-19

Đến sáng 26/3, thế giới có tổng số 126.048.061 ca nhiễm và 2.766.624 ca tử vong vì dịch COVID-19, sau khi ghi nhận thêm lần lượt 621.533 và 10.319 ca chỉ trong vòng 24 giờ qua. Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm bệnh và tử vong nhiều nhất do đại dịch này.

Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 26/3, đã có 101.712.058 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 21.569.379 ca bệnh đang điều trị, có 21.477.187 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,6%) và 92.192 ca (chiếm 0,4%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện vẫn hoành hành tại 221 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trong 24 giờ qua, với thêm 97.586 ca nhiễm, Brazil tiếp tục là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Mỹ (67.043 ca) và Ấn Độ (59.069 ca). Đồng thời, Brazil cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất trong một ngày qua với 2.639 ca, sau đó là Mỹ (1.164 ca) và Italy (460 ca).

Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy châu Âu vẫn là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất thế giới, hiện ở mức 38.401.282 ca, trong đó có 892.812 ca tử vong và 27.159.710 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, châu lục này đã ghi nhận thêm 238.074 ca nhiễm và 3.682 ca tử vong mới vì COVID-19. Nga, Pháp, Anh tiếp tục là 3 nước bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch này tại châu Âu khi có lần lượt 4.492.692; 4.424.087 và 4.319.128 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Và Anh hiện là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất khu vực, với tổng số 126.445 ca, sau khi có thêm 63 ca trong 24 giờ qua, tiếp sau đó là Italy (106.799 ca) và Nga (96.612 ca).

Tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ tiếp tục tăng trong 24 giờ qua, khi có thêm 82.390 ca nhiễm COVID-19 và 1.825 ca tử vong vì dịch bệnh này, nâng các con số thống kê được tại khu vực này tới thời điểm hiện tại lên lần lượt là 35.402.045 và 810.268 ca. Đây là khu vực có số ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ hai thế giới. Với 30.774.030 ca nhiễm và 559.743 ca tử vong vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau là Mexico và Canada với con số thống kê lần lượt là 2.208.755 và 951.562 ca nhiễm, cùng 199.627 và 22.790 ca tử vong vì COVID-19.

Với 27.522.627 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 26/3, châu Á là khu vực có nhiều ca nhiễm thứ ba thế giới. Trong đó, 420.802 ca đã tử vong do COVID-19 và 25.456.748 ca được điều trị khỏi. 3 quốc gia có số người nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất tại châu Á là: Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 ghi nhận tới thời điểm hiện tại là 11.846.082; 3.120.013 và 1.830.823 ca; và số trường hợp tử vong lần lượt là 160.983; 30.619 và 62.142 ca.

Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 133.912 ca nhiễm và 3.320 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 20.485.196 ca và 530.157 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê của khu vực, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực khi có thêm tới 97.586 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp bị nhiễm COVID-19 lên con số 12.324.765 vào thời điểm hiện tại, và 2.639 ca tử vong mới do dịch bệnh này, khiến tổng số ca tử vong đã ở mức 303.726 ca.

Tính đến sáng 26/3, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 4.181.204 ca, trong đó có 111.450 ca tử vong và 3.738.001 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 1.541.563 ca nhiễm và 52.535 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 1.554 ca nhiễm và 163 ca tử vong mới trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Morocco và Tunisia, với tổng số lần lượt 496.353 và 248.037 ca nhiễm bệnh cùng 8.788 và 8.663 ca tử vong.

Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 54.986 ca nhiễm (tăng 38 ca) và 1.120 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19. Đứng đầu danh sách thống kê trên trang worldometers.info vẫn là Australia với 10 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 29.228 ca, trong đó 909 ca tử vong.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp với số ca nhiễm và tử vong không ngừng gia tăng, các quốc gia trên thế giới tiếp tục đẩy nhanh tiến trình tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Bộ Y tế Israel cho biết tính đến ngày 25/3, quốc gia Trung Đông này đã có trên 4,65 triệu người được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19, chiếm trên 50% dân số, đồng thời đã có hơn 5,2 triệu người được tiêm ít nhất một mũi vaccine.

Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca thông báo Ankara đã khởi động tiến trình đàm phán sơ bộ về hợp đồng mua vaccine Sputnik V từ Nga, đồng thời cho biết, tới cuối tháng 5, nước này sẽ nhận được tổng cộng 100 triệu liều vaccine ngừa COVID-19.

Cũng trong ngày 25/3, Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) và các đối tác đã cảnh báo về sự chậm trễ trong việc cung ứng vaccine ngừa COVID-19 liên quan đến một nhà sản xuất quan trọng ở Ấn Độ. Đây được xem là trở ngại lớn đối với việc triển khai Chương trình COVAX nhằm giúp các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình tiêm chủng cho người dân và chống lại đại dịch COVID-19./.

(dangcongsan.vn)

4.9/5 - (7 bình chọn)

Bình luận

Thông tin y tế trên các báo ngày 26/3/2021

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hỗ trợ
Bạn cần tư vấn?

Tin mới

TOP 10 thuốc đặt âm đạo trị nấm phổ biến nhất hiện nay [ĐỪNG BỎ QUA]

Thuốc đặt âm đạo Polygynax có tốt không? Nên dùng cho đối tượng nào?

Viêm cổ tử cung sau sinh: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách chữa trị [ĐỌC NGAY]

Viêm cổ tử cung khi mang thai và cách chữa trị hiệu quả [TÌM HIỂU NGAY]

Điều trị viêm cổ tử cung bằng các phương pháp tốt nhất hiện nay [ĐỪNG BỎ QUA]

Chữa viêm lộ tuyến cổ tử cung ở đâu tốt? TOP 8 địa chỉ uy tín [THAM KHẢO NGAY]

Bà bầu bị viêm lộ tuyến cổ tử cung nguy hiểm không? Chuyên gia tư vấn cách điều trị hiệu quả

Thuốc trị viêm lộ tuyến cổ tử cung cực kỳ an toàn, hiệu quả [TÌM HIỂU NGAY]

TOP 12 cách CHỮA VIÊM LỘ TUYẾN TẠI NHÀ cực hiệu quả [ĐỪNG BỎ QUA]

Khám viêm cổ tử cung ở đâu tốt? TOP 10 địa chỉ uy tín toàn quốc [XEM CHI TIẾT]

Ẩn