Thông tin y tế trên các báo ngày 27/3/2021

Dưới đây là điểm báo thông tin y tế trên các báo ngày 27/3/2021, mời quý bạn đọc theo dõi.

7 thành viên phi hành đoàn và 82 hành khách trên chuyến bay VJ458 âm tính lần 1 với SARS-CoV-2

Đêm 26-3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã thông báo, kết quả xét nghiệm 89/89 trường hợp liên quan đến chuyến bay có ca Covid-19 đều âm tính lần 1 với vi rút SARS-CoV-2.

Trên chuyến bay VJ458 từ Phú Quốc hạ cánh tại sân bay Nội Bài vào chiều 22-3, có 2 ca mắc Covid-19 nhập cảnh trái phép. Sau khi nhận được thông tin, CDC Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện điều tra, xác minh sơ bộ được 7 thành viên phi hành đoàn và 147 hành khách trên chuyến bay VJ458, trong đó có 82 hành khách đang cư trú tại 13 quận, huyện trên địa bàn Hà Nội.

CDC Hà Nội đã tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm 89 người (7 thành viên phi hành đoàn và 82 hành khách) tiến hành xét nghiệm, trong đó có 12 trường hợp F1. Kết quả xét nghiệm lần 1 vào đêm 26-3, 100% người được lấy mẫu đều âm tính.

Trước đó, ngày 22-3, cả hai bệnh nhân nhập cảnh trái phép về Phú Quốc bằng đường biển cùng một nhóm người. Đến 10h ngày 22-3, hai bệnh nhân bay trên chuyến bay VJ458 (ngồi ghế 9B và 9C) hạ cánh tại sân bay Nội Bài lúc 15h cùng ngày. Từ sân bay Nội Bài, hai bệnh nhân đi xe riêng do lái xe từ Hải Phòng lên đón về huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng. Ngày 24-3, hai bệnh nhân tới Bệnh viện Vinmec Hải Phòng để xét nghiệm sàng lọc và kết quả dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Ngày 26-3, CDC Hải Phòng cũng xét nghiệm khẳng định, hai bệnh nhân dương tính với vi rút SARS-CoV-2.

Liên quan đến các ca nhập cảnh trái phép dương tính với vi rút SARS-CoV-2, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra chiều 26-3, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, tình hình biên giới Tây Nam khá phức tạp, bởi có cả đường bộ và đường biển, do đó, vấn đề nhập cảnh trái phép ở khu vực này đáng quan ngại. Nguy cơ có thể xảy ra đợt dịch thứ tư tại Việt Nam rất lớn.

Người đứng đầu ngành Y tế đề nghị các địa phương chủ động tăng cường giám sát sàng lọc, giám sát trọng điểm để phát hiện càng nhanh càng tốt các ca bệnh; chuẩn bị kỹ kịch bản về xét nghiệm, cách ly và điều trị cho các trường hợp lây nhiễm có thể xảy ra.

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thống nhất việc phải tăng cường kiểm soát nhập cảnh tại các tỉnh biên giới. Mặt khác, với các trường hợp nhập cảnh trái phép phải xử lý thật nghiêm. Mọi người dân cần thông báo cho cơ quan chức năng khi phát hiện người từ nước ngoài về hay người về từ vùng dịch không khai báo y tế. Riêng những người đi cùng trên thuyền nhập cảnh trái phép với các bệnh nhân nhiễm Covid-19 từ đường biển, các cơ quan chức năng yêu cầu ra trình diện ngay lập tức, nếu không, khi bị phát hiện, sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.

(hanoimoi.com.vn)

Tiến độ tiêm vaccine COVID-19 đạt hơn 50%

Sau 19 ngày triển khai, vaccine COVID-19 đã được tiêm cho 44.000 người, đạt hơn 50% tổng số liều vaccine tiêm trong đợt 1.

Tin từ Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia sáng 27/3 cho hay, hôm qua (26/3), có thêm 1.775 người được tiêm vaccine COVID-19. Như vậy đến nay, sau 19 ngày triển khai, vaccine COVID-19 của AstraZeneca đã được thực hiện tại 19 tỉnh/TP thuộc giai đoạn 1 cho 44.000 người.

Đối tượng được tiêm là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch.

Trong đợt 1, Việt Nam đã nhận 117.600 liều vaccine COVID-19 của AstraZeneca. Ngoại trừ 600 liều vaccine COVID-19 được sử dụng để kiểm định chất lượng, lưu mẫu tại đơn vị nhập khẩu và Viện Kiểm định Quốc gia Vaccine và Sinh phẩm y tế theo quy định, 30.000 liều được cấp cho hai Bộ gồm Quốc phòng và Công an, số 87.000 liều còn lại được cấp cho 13 tỉnh/thành và 21 bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19.

Chi tiết 44.000 người được tiêm tại 19 tỉnh/TP trong các ngày từ 8-26/3 như sau: (1) Hải Dương: 17.291 người; (2) Hà Nội: 7.584 người; (3) Hải Phòng: 964 người; (4) Hưng Yên: 2.752 người; (5) Bắc Ninh: 2.869 người; (6) Bắc Giang: 3.125 người; (7) Hòa Bình: 1.670 người; (8) Hà Giang: 1.078 người; (9) Điện Biên: 834 người; (10) Đà Nẵng: 117 người; (11) Khánh Hòa: 105 người; (12) Gia Lai: 1.513 người; (13) TP. Hồ Chí Minh: 1.337 người; (14) Bà Rịa Vũng Tàu: 87 người; (15) Bình Dương: 1.854 người; (16) Long An: 244 người; (17) Quảng Ninh: 10 người; (18) Đồng Tháp: 286 người; (19) Tây Ninh: 280 người.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long hôm qua cho biết khan hiếm nguồn cung vaccine toàn cầu hiện nay là thách thức với các nước. Theo kế hoạch trong tháng 4/2021, Việt Nam sẽ nhận khoảng 1,4 triệu liều vaccine AstraZeneca đầu tiên qua cơ chế COVAX. Tuy nhiên, do điều kiện khách quan từ nhà cung cấp nên lộ trình cung ứng sẽ chậm lại khoảng gần 1 tháng. Điều này có nghĩa là trong 3 tuần đầu tháng 4 sẽ không có vaccine của COVAX hay bất kỳ vaccine nào khác.

Trong sử dụng vaccine, Bộ trưởng cho hay vừa qua có tâm lý e ngại phản ứng không mong muốn sau tiêm. Thực tế, tất cả vaccine kể cả vaccine cũ đều có phản ứng. Tổ chức Y tế thế giới phân ra 2 loại phản ứng thông thường và phản ứng không mong muốn nặng sau tiêm. Với phản ứng thông thường như sốt, đau mỏi cơ,… sẽ hết nhanh, tỷ lệ này khá cao.

Tại Việt Nam, Bộ trưởng cho hay, Bệnh viện Bạch Mai đã rà soát kỹ tất cả các trường hợp phản ứng nặng hơn bình thường, không ghi nhận bất cứ trường hợp nào có hiện tượng đông máu sau tiêm.

Khẳng định tất cả loại vaccine đều có phản ứng sau tiêm và không vì lý do đó mà chậm lại hay e ngại vaccine, Bộ trưởng nhấn mạnh những phản ứng không mong muốn sau tiêm vaccine AstraZeneca ở nước ta đều nằm trong khuyến cáo của nhà sản xuất và WHO.

Do đó, ông đề nghị “phải hết sức bình tĩnh và trên quan điểm xử lý cao hơn một mức”. Lãnh đạo Bộ yêu cầu hội đồng chuyên môn và các cơ quan cần đánh giá tổng thể, chi tiết các trường hợp phản ứng không mong muốn sau tiêm. Bộ Y tế xác định “tiêm đến đâu an toàn đến đấy”.

Bộ trưởng nhấn mạnh với các cơ sở y tế, điều quan trọng nhất là xử lý ngay và cao hơn một mức với các trường hợp có biểu hiện phản ứng sau tiêm để đảm bảo an toàn, hiệu quả.

(moh.gov.vn)

Thương tâm bỏng 80% cơ thể vì nổ bình ga

Vụ tai nạn thương tâm do bình ga phát nổ đã khiến nam thanh niên 26 tuổi bị bỏng 80% cơ thể. Hiện vẫn trong tình trạng rất nguy kịch.

Chiều 25/3, các bác sĩ Khoa Cấp cứu Chống độc – Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp cấp cứu khẩn 1 trường hợp chấn thương nặng do bình ga phát nổ. Đó là trường hợp của nam bệnh nhân P.N.T, 26 tuổi, ở Phú Xuyên, Hà Nội, bỏng toàn thân do nổ bình ga.

Trước khi vào viện 1h, người nhà phát hiện bệnh nhân bỏng do nổ bình ga trong phòng khép kín. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng lơ mơ, rung giật toàn thân, tóc chảy sun đỏ, bỏng đen và đỏ toàn thân, nhiều tổn thương trợt da, diện tích bỏng khoảng 80%, chảy máu đụng rập vùng trán, bàn cánh tay trái.

Qua thăm khám và hội chẩn, bệnh nhân được chẩn đoán: Sốc – Bỏng diện rộng theo dõi đa chấn thương kèm theo.

Các bác sĩ ngay sau đó đã tiến hành đặt ống nội khí quản đảm bảo hô hấp, huyết động, đã sơ cứu chấn thương. Sau xử trí cấp cứu kết hợp Khoa Chấn thương và Khoa Cấp cứu chống độc, bệnh nhân nhanh chóng được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực  – Viện Bỏng Quốc Gia.

BSCKII. Đặng Hắc Dương – Khoa cấp cứu chống độc – Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp cho biết bệnh nhân gặp chấn thương rất nặng, vẫn còn trong tình trạng nguy kịch,cần theo dõi tiếp.

Theo các bác sĩ, bình ga phát nổ dễ gây thương tích. Vì vậy, để đảm bảo an toàn trong sử dụng ga, người dân nên tự bảo vệ an toàn của mình và gia đình bằng cách kiểm tra kỹ bếp.

Nên chọn và mua các loại bình ga, bếp ga có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không nên mua và sử dụng các sản phẩm trôi nổi trên thị trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ có thể xảy ra. Đồng thời, có thể chuyển qua sử dụng bếp điện để tránh tai nạn nổ bình ga.

Nếu chẳng may bị tai nạn thì cần sơ cứu kịp thời và chuyển ngay đến cơ sở y tế gần nhất.

(suckhoedoisong.vn)

Phòng, chống dịch Covid-19: Mừng và lo

Sau gần hai tháng phải đóng cửa để chống dịch Covid-19, từ 0 giờ ngày 23/3 vừa rồi, các dịch vụ quán bar, karaoke, vũ trường ở Hà Nội được mở cửa trở lại.

Để có trở lại nhịp sống hằng ngày trong trạng thái bình thường mới, Hà Nội đã thực hiện những biện pháp quyết liệt phòng chống dịch, trong đó có việc vận động người dân thực hiện triệt để thông điệp 5K của Bộ Y tế.

Có thể nói, trong cái rủi, có cái may. Đợt dịch bùng phát từ Chí Linh, Hải Dương, một địa phương gần kề, rồi việc xuất hiện ca lây nhiễm ngay trên địa bàn thành phố như một sự nhắc nhở, cảnh báo cho người Hà Nội về sự cấp thiết phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, mà quan trọng nhất là đeo khẩu trang.

Nói vậy là bởi thời gian cuối năm 2020, sau gần 100 ngày không có ca mắc mới trong cộng đồng, ở Hà Nội và nhiều thành phố lớn đã xuất hiện tình trạng chủ quan, lơ là không thực hiện các biện pháp phòng dịch, mà dễ thấy nhất là không đeo khẩu trang nơi công cộng. Từ những ngày dịch tái bùng phát vào cuối tháng 1/2021, việc đeo khẩu trang nơi công cộng đã được người Hà Nội thực hiện nghiêm túc, tự giác. Đó là dấu hiệu tích cực, bởi như chúng ta đã biết, việc đeo khẩu trang không chỉ có tác dụng phòng dịch, mà còn là biện pháp tốt để bảo vệ sức khỏe trước sự ô nhiễm của không khí và nguy cơ tiềm ẩn các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp.

Hiện tại, với đa phần người Hà Nội, khi ra đường không đeo khẩu trang đã có cảm giác thiêu thiếu, thậm chí bất an như đi xe máy không đội mũ bảo hiểm vậy. Điều đó rất đáng mừng.

Tuy nhiên, cùng với biểu hiện đáng mừng đó, lại xuất hiện một hiện tượng gây lo lắng. Lo lắng là bởi số lượng khẩu trang y tế được sử dụng ngày càng cao đã tiềm ẩn khả năng gây ô nhiễm từ loại rác thải này. Hiện tại, ước tính trên toàn thế giới mỗi tháng có tới 129 tỷ, tức là mỗi phút có 3 triệu, chiếc khẩu trang, hầu hết là loại dùng một lần được thải ra sau khi sử dụng.

Nhóm các nhà khoa học tại Đại học Nam Đan Mạch và Đại học Princeton đã đưa ra cảnh báo: Tình trạng trên tiềm ẩn vấn nạn về môi trường. Nếu không được xử lý để tái chế, giống như các chất thải nhựa khác, khẩu trang dùng một lần có thể tồn tại trong môi trường, hệ thống nước ngọt và đại dương. Ngoài việc sẽ bị phân hủy thành những hạt nhựa nano có kích thước nhỏ hơn 1 micromet, khẩu trang dùng một lần cũng có thể tích tụ và giải phóng các chất hóa học và sinh học có hại. Như vậy, giống như rác thải nhựa truyền thống, khẩu trang y tế cũng mang lại nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Nguy hại hơn, chúng còn là nguồn lây truyền các loại bệnh truyền nhiễm, trong đó có Covid-19.

Đáng lo hơn là trong khi chú ý đến việc đeo khẩu trang y tế để phòng dịch, không ít người đã có hành vi vứt khẩu trang đã dùng không đúng nơi quy định. Ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác không khó thấy hình ảnh những chiếc khẩu trang y tế đã qua sử dụng bị vứt bỏ một cách tùy tiện trên hè phố, bồn hoa, trước cửa trường học, cổng chợ…

Rõ ràng, không còn là sớm để cần nghĩ đến biện pháp xử lý, ngăn chặn nguồn ô nhiễm này. Trong khi chờ đợi các nhà khoa học có thể đưa ra những biện pháp căn cơ như xem xét phát triển các loại khẩu trang có thể phân hủy sinh học hay đưa ra công nghệ tái chế với khẩu trang đã qua sử dụng… có những việc có thể và cần làm ngay. Đó là nghiên cứu và thu gom khẩu trang đã sử dụng như một loại rác thải đặc biệt, đặt thùng rác chuyên thu gom, xử lý khẩu trang đã qua sử dụng, thay khẩu trang dùng một lần bằng khẩu trang tái sử dụng bằng vải… Đặc biệt, cần tuyên truyền và vận động người dân thực hiện nghiêm việc vứt bỏ khẩu trang đã sử dụng đúng nơi quy định. Thậm chí, cần có chế tài xử phạt nghiêm hành vi vứt khẩu trang đã sử dụng không đúng nơi quy định.

Một trong những thông điệp của Giờ trái đất năm nay là chung tay loại bỏ rác thải nhựa. Hà Nội cũng đang tiếp tục nói không với đồ nhựa dùng một lần. Vứt khẩu trang dùng rồi đúng chỗ, dùng khẩu trang vải thay cho khẩu trang y tế khi không cần thiết… cũng là cách để mỗi người hưởng ứng những thông điệp trên, hành động vì trái đất.

(kinhtedothi.vn)

Hơn 500 triệu người trên thế giới đã được tiêm vắc xin COVID-19

Trong lúc châu Âu vẫn đang tranh cãi gay gắt về các vấn đề cung cấp và tích trữ vắc xin COVID-19, giới chức y tế toàn cầu đã triển khai được hơn 500 triệu liều vắc xin.

Theo Hãng tin AFP, tính tới ngày 26-3, toàn cầu đã tiêm được hơn 508 triệu liều vắc xin, trong đó đáng kể nhất có 133 triệu liều tại Mỹ và 91 triệu liều tại Ấn Độ.

Bất kể những nỗ lực khẩn trương triển khai chích ngừa, đại dịch vẫn đang tăng tại châu Âu và châu Mỹ Latin. Brazil lúc này đã có hơn 300.000 người chết, trong khi Mexico là 200.000 người.

Theo số liệu cập nhật thời gian thực của trang Worldometers, tới 10h sáng nay 27-3, toàn cầu đã có hơn 126 triệu ca mắc COVID-19, trong đó hơn 2,7 triệu người đã chết và hơn 102 triệu người đã khỏi bệnh.

Tiến độ triển khai tiêm vắc xin hiện cũng đang rất không đồng đều. Mỹ chiếm hơn 1/4 tổng số những người đã được tiêm toàn cầu. Các nước nghèo đang bị bỏ lại rất xa so với những nước giàu trong lộ trình tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19.

Các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) cũng đang chật vật tăng tốc quy mô tiêm chủng trong bối cảnh nguồn cung vắc xin khả dụng hạn chế. Sức ép từ tình hình này cũng khiến nhiều quan chức EU “nổi xung”.

Sau một phiên họp thượng đỉnh EU mới đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nói có “một kiểu chiến tranh thế giới mới” và bổ sung: “Chúng tôi đang đặc biệt xem xét các cuộc tấn công của Nga và Trung Quốc, cũng như những ý đồ giành ảnh hưởng thông qua vắc xin”.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian sau đó cáo buộc Anh đã “tống tiền” tạo sức ép trong các thỏa thuận vắc xin của họ với EU.

Matxcơva ngay lập tức bác lại cơn giận của ông Macron. Giới chức Nga cho biết họ “hoàn toàn không đồng tình” với những bình luận đó.

Trong một tín hiệu cho thấy sự chia rẽ đang lớn thêm tại châu Âu, chính quyền Đức cho biết họ sẵn sàng dùng vắc xin Sputnik V của Nga nếu vắc xin này được Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) phê chuẩn.

Trước đó, một quan chức cấp cao EU từng tuyên bố EU không cần phải dùng tới vắc xin Sputnik V.

Đức cũng công bố xếp Pháp vào nhóm khu vực nguy cơ cao về dịch bệnh COVID-19. Những người đi lại từ quốc gia này tới Đức phải xuất trình chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính COVID-19 và sẽ phải cách ly y tế bắt buộc khi tới nơi.

Trong diễn biến liên quan, theo thông báo từ Liên Hiệp Quốc, khoảng 180 nước trong 193 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc đã cùng cam kết đảm bảo sự tiếp cận bình đẳng với các vắc xin COVID-19.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi toàn cầu đóng góp để có 10 triệu liều vắc xin COVID-19, giúp mọi quốc gia đều có thể khởi động tiêm chủng trong 100 ngày đầu tiên của năm 2021.

(tuoitre.vn)

Bình luận

Thông tin y tế trên các báo ngày 27/3/2021

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hỗ trợ
Bạn cần tư vấn?

Tin mới

TOP 10 thuốc đặt âm đạo trị nấm phổ biến nhất hiện nay [ĐỪNG BỎ QUA]

Thuốc đặt âm đạo Polygynax có tốt không? Nên dùng cho đối tượng nào?

Viêm cổ tử cung sau sinh: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách chữa trị [ĐỌC NGAY]

Viêm cổ tử cung khi mang thai và cách chữa trị hiệu quả [TÌM HIỂU NGAY]

Điều trị viêm cổ tử cung bằng các phương pháp tốt nhất hiện nay [ĐỪNG BỎ QUA]

Chữa viêm lộ tuyến cổ tử cung ở đâu tốt? TOP 8 địa chỉ uy tín [THAM KHẢO NGAY]

Bà bầu bị viêm lộ tuyến cổ tử cung nguy hiểm không? Chuyên gia tư vấn cách điều trị hiệu quả

Thuốc trị viêm lộ tuyến cổ tử cung cực kỳ an toàn, hiệu quả [TÌM HIỂU NGAY]

TOP 12 cách CHỮA VIÊM LỘ TUYẾN TẠI NHÀ cực hiệu quả [ĐỪNG BỎ QUA]

Khám viêm cổ tử cung ở đâu tốt? TOP 10 địa chỉ uy tín toàn quốc [XEM CHI TIẾT]

Ẩn