Thông tin y tế trên các báo ngày 23/3/2021
Dưới đây là điểm báo thông tin y tế trên các báo ngày 23/3/2021, mời quý bạn đọc theo dõi
Đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sản xuất vắc-xin phòng Covid-19 trong nước
Chiều 22-3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo.
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Cục trưởng Khoa học công nghệ và Ðào tạo, Bộ Y tế Nguyễn Ngô Quang, Chánh Văn phòng Chương trình quốc gia nghiên cứu phát triển vắc-xin cho biết, đến nay các đơn vị trong nước đang nghiên cứu ba loại vắc-xin phòng Covid-19.
Ðó là vắc-xin Nano Covax của Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen (NANOGEN) hiện đang tiến hành thử nghiệm giai đoạn hai; đồng thời đề xuất thử nghiệm giai đoạn ba… Nếu theo đúng lộ trình (đã được rút ngắn), có thể cuối quý III – 2021, Việt Nam sẽ có vắc-xin phòng Covid-19 đầu tiên do các nhà khoa học trong nước nghiên cứu và sản xuất.
Ngoài vắc-xin Nano Covax, các nhà khoa học, đơn vị sản xuất trong nước cũng đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu vắc-xin Covivax của Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một và một loại vắc-xin nữa của Công ty TNHH một thành viên vắc- xin và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) dự kiến triển khai thử nghiệm giai đoạn một vào tháng 4-2021.
Tại cuộc họp, các chuyên gia, thành viên Thường trực Ban Chỉ đạo đều cho rằng, các kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm ở giai đoạn tiền lâm sàng của cả ba vắc-xin đều được đánh giá tốt, có triển vọng. Có được kết quả bước đầu này do Việt Nam có đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu vắc-xin giàu kinh nghiệm.
Trong quá trình nghiên cứu, các đơn vị của Việt Nam hợp tác chặt chẽ, trao đổi trực tiếp với các cơ quan nghiên cứu, sản xuất vắc-xin uy tín trên thế giới. Hoạt động nghiên cứu, phát triển vắc-xin phòng Covid-19 của Việt Nam tuân thủ đầy đủ các quy trình, quy chuẩn; khẩn trương, rút ngắn giai đoạn nhưng bảo đảm các điều kiện khoa học. Ðánh giá Việt Nam đã có bước tiến dài trong nghiên cứu, phát triển vắc-xin, các chuyên gia, nhà khoa học tin tưởng, Việt Nam sẽ sớm có vắc- xin sản xuất trong nước.
Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam đánh giá cao nỗ lực của Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, nhất là các đơn vị nghiên cứu, phát triển vắc-xin trong thời gian qua đã nỗ lực nghiên cứu và phát triển vắc-xin phòng Covid-19 trong nước, thực hiện theo đúng với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
Tuy nhiên, việc nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước cần tiếp tục thực hiện khẩn trương hơn nữa. Thời gian qua, thời gian thử nghiệm lâm sàng giai đoạn hai của vắc-xin Nano Covax đã rút ngắn được ba tháng và phương án dự kiến thử nghiệm giai đoạn ba cũng sẽ tiếp tục rút ngắn thời gian để cuối quý III, đầu quý IV năm 2021, Việt Nam sẽ có vắc-xin sản xuất trong nước.
Phó Thủ tướng nhắc lại nhận định của các chuyên gia, nhà khoa học, vi-rút SARS-CoV-2 có thể có những biến đổi và tồn tại một số năm nữa. Do đó, nhiều khả năng các vắc-xin phòng Covid-19 đều phải tiêm nhắc lại, không chỉ tiêm một đợt hay một năm.
Với hơn 100 triệu người dân, Việt Nam phải có giải pháp để sản xuất vắc-xin trong nước, không chỉ phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 mà còn chuẩn bị để ứng phó đối với những dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai. Việc phát triển thành công vắc-xin trong nước cũng khẳng định năng lực, niềm tự hào của đội ngũ khoa học y tế Việt Nam.
Cũng tại cuộc họp, trước thông tin các công ty được nhập vắc- xin phòng Covid-19 về Việt Nam để tiêm, lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định, theo Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Y tế được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương có liên quan làm đầu mối tổ chức việc mua, nhập khẩu, tiếp nhận viện trợ, tài trợ vắc-xin; chịu trách nhiệm về chất lượng, giá cả, tổ chức quản lý, phân phối, sử dụng bảo đảm công khai, minh bạch.
Vì vậy, Bộ Y tế không có chủ trương để các công ty, doanh nghiệp tự nhập khẩu vắc-xin phòng Covid-19. Hiện nay, các nhà sản xuất vắc – xin phòng Covid-19 đã được cấp phép trên thế giời đều có mối liên hệ trực tiếp với Bộ Y tế. Ðối với những vắc-xin được Bộ Y tế cấp phép tại Việt Nam, chỉ các doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu vắc- xin mới được nhập khẩu.
Việc tiêm vắc-xin phải theo sự điều phối chung của Bộ Y tế, đúng với tinh thần đã được Nghị quyết 21/NQ-CP nêu ra. Việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 phải do các cơ sở y tế của ngành y tế thực hiện.
Theo thông báo của Bộ Y tế, ngày 22-3, Việt Nam ghi nhận ba trường hợp mắc Covid-19, đều là các ca nhập cảnh và được cách ly ngay. Hiện, các người bệnh được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi, Bệnh viện Phổi Ðồng Nai, Trung tâm Y tế TP Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang). Trong ngày, 36 người bệnh mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh.
Bộ Y tế cho biết, từ ngày 24 đến 28-3, Bộ Y tế sẽ tổ chức Ðoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch (PCD) và triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh.
Theo đó, Bộ Y tế tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định về nhập cảnh, giám sát, cách ly y tế, PCD Covid-19, nhất là các điều kiện trước khi nhập cảnh (Giấy xét nghiệm âm tính với vi-rút SARS-CoV-2, giấy khai báo y tế…); việc đưa đón từ cửa khẩu, các khu vực cách ly y tế đối với người nhập cảnh (bao gồm khu cách ly trong, ngoài quân đội có thu phí) tuyệt đối không để lây lan trong khu vực cách ly, lây lan ra cộng đồng; bảo đảm việc xét nghiệm đúng số lượng, thời gian, đối tượng…
Tính đến ngày 21-3, có 33.891 người tại 16 tỉnh, thành phố đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19, trong đó tỉnh Hải Dương chiếm khoảng 50% tổng số người được tiêm. Dự kiến, đến cuối tháng 3-2021, Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia sẽ tổ chức các khóa tập huấn chuyên môn cho các tỉnh, thành phố còn lại để sẵn sàng triển khai tiêm khi đợt vắc-xin Covid-19 tiếp theo về đến nước ta thời gian tới.
Tại Hà Nội, từ ngày 25-3, năm đoàn kiểm tra về công tác PCD do Sở Y tế TP Hà Nội chủ trì sẽ triển khai trên địa bàn. Từ 0 giờ ngày 23-3, thành phố cho phép các quán bar, ka-ra-ô-kê, vũ trường hoạt động trở lại, nhưng phải bảo đảm PCD, khai báo y tế bằng mã QR Code.
Chính quyền các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, nếu phát hiện sai phạm sẽ yêu cầu đóng cửa, dừng hoạt động. Thành phố yêu cầu Sở Giáo dục và Ðào tạo có kế hoạch lùi thời gian tuyển sinh lớp 10 và tuyển sinh đầu cấp phù hợp kế hoạch tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Ðào tạo.
Tại tỉnh An Giang, năm người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần một với vi-rút SARS-CoV-2. Trước đó, người dân ở ấp Bình Thành, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú phát hiện năm người Trung Quốc tập trung ở ngoài đồng ruộng có biểu hiện bất thường đã báo tin cho công an địa phương kiểm tra, xử lý.
Những người này khai nhận, nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc vào Việt Nam qua tỉnh Lạng Sơn rồi đến An Giang để tìm cách xuất cảnh sang Cam-pu-chia. Công an huyện Châu Phú đã bàn giao năm trường hợp này cho ngành chức năng để lấy mẫu xét nghiệm và đưa đi cách ly tập trung.
Ban Chỉ đạo PCD Covid-19 tỉnh An Giang cho biết, 34 trường hợp người Trung Quốc khác nhập cảnh trái phép vào Việt Nam đến An Giang tìm cách xuất cảnh trái phép qua Cam-pu-chia qua kiểm tra lần hai đều âm tính với vi-rút SARS-CoV-2.
UBND tỉnh An Giang vừa ban hành công văn về việc thực hiện các biện pháp PCD Covid-19 tại các sự kiện dân tộc, tôn giáo trong thời gian tới như: Tết Chol Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer; tháng Ramadan của cộng đồng dân tộc thiểu số Chăm; lễ Phật đản…
Trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, UBND tỉnh vận động chức sắc, chức việc, người có đạo nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về PCD; chủ động phối hợp chính quyền địa phương rà soát, tuyên truyền vận động tín đồ có thân nhân ở nước ngoài, các tín đồ từ các địa phương khác hạn chế di chuyển về tỉnh An Giang, nên tham gia các hoạt động lễ hội dân tộc, tín ngưỡng – tôn giáo tại nơi cư trú.
Sở Y tế phối hợp Ban Tôn giáo, Ban Dân tộc và các địa phương hướng dẫn các cơ sở tôn giáo khi tổ chức lễ phải thực hiện các biện pháp PCD Covid-19. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ tình hình tại địa phương để xem xét, thống nhất với các tôn giáo về quy mô tổ chức lễ hội, sự kiện tôn giáo, Tết của đồng bào dân tộc.
Ðể giúp lực lượng vũ trang tỉnh Xvây Riêng (Vương quốc Cam-pu-chia) giảm bớt khó khăn trong việc phối hợp Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An tuần tra, kiểm soát PCD Covid-19 trên tuyến biên giới, ngày 22-3, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã tặng nước khử khuẩn, nước rửa tay khô, khẩu trang y tế, nhiệt kế hồng ngoại và tiền mặt cho Ty Công an tỉnh Xvây Riêng, Tiểu khu Quân sự, Hiến binh và Ðồn Công an Cửa khẩu Quốc tế Ray Vo, tổng trị giá khoảng 130 triệu đồng.
(nhandan.com.vn)
Vắc xin của AstraZeneca: 79% ngăn ngừa bệnh COVID-19 có triệu chứng
Sáng 23/3 Bộ Y tế cho biết có thêm 2.060 người được tiêm chủng vắc xin COVID-19 trong ngày 22/3.
Tin từ Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia cho hay, tính đến 16 giờ ngày 22/3, tổng cộng đã thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho 36.082 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch.
Chi tiết 36.082 người được tiêm tại 16 tỉnh/TP trong các ngày từ 8-22/3 như sau:
- Tỉnh Hải Dương: 17.248 người
- TP. Hà Nội: 6.545 người
- TP. Hải Phòng: 376 người
- Tỉnh Hưng Yên: 2.665 người
- Tỉnh Bắc Ninh: 2.533 người
- Tỉnh Bắc Giang: 2.904 người
- Tỉnh Hòa Bình: 887 người
- Hà Giang: 176 người
- Điện Biên: 244 người
- TP. Đà Nẵng: 117 người
- Tỉnh Khánh Hòa: 105 người
- Tỉnh Gia Lai: 380 người
- TP. Hồ Chí Minh: 926 người
- Bà Rịa Vũng Tàu: 87 người
- Bình Dương: 645 người
- Tỉnh Long An: 244 người
Bộ Y tế thông tin cho biết, AstraZeneca đã công bố kết quả tổng quan trên cơ sở phân tích sơ bộ các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III của vắc xin AZD1222 do AstraZeneca thực hiện tại Hoa Kỳ.
Dữ liệu cho thấy hiệu quả bảo vệ của vắc xin đã được chứng minh có ý nghĩa thống kê là 79% trong việc phòng ngừa COVID-19 có triệu chứng và 100% trong việc phòng ngừa bệnh nặng và nhập viện do COVID-19. Đặc biệt:
Thử nghiệm giai đoạn III này được AstraZeneca tiến hành tại Hoa Kỳ với chế độ hai liều vắc xin tiêm cách nhau 4 tuần.
Hiệu quả bảo vệ của vắc xin là nhất quán giữa các nhóm chủng tộc và các nhóm tuổi khác nhau. Đáng chú ý, hiệu quả bảo vệ của vắc xin là 80% ở những đối tượng tham gia từ 65 tuổi trở lên, chiếm khoảng 20% tổng số đối tượng tham gia thử nghiệm.
Thử nghiệm giai đoạn III tại Mỹ do AstraZeneca triển khai với chế độ hai liều dùng trong khoảng thời gian bốn tuần. Các thử nghiệm trước đây cho thấy, việc kéo dài khoảng cách giữa hai liều dùng đến 12 tuần được chứng minh mang lại hiệu quả cao hơn. Kết quả này cũng được củng cố qua dữ liệu về đáp ứng sinh miễn dịch.
TS Nguyễn Ngô Quang – Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết, các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm ở giai đoạn tiền lâm sàng, thử nghiệm lâm sàng ở các giai đoạn khác nhau của 3 vắc xin do Việt Nam nghiên cứu, phát triển đều cho kết quả tốt, triển vọng. Hy vọng vào cuối quý 3- tháng 9/2021, Việt Nam sẽ có vắc xin phòng COVID-19 đầu tiên.
(tienphong.vn)
Sáng 23/3, thêm 15 người tiêm thử nghiệm vắc xin COVIVAC phòng COVID-19 của Việt Nam
PGS.TS.BS Phạm Thị Vân Anh- Giám đốc Trung tâm Dược lý lâm sàng, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết sáng ngày 23/3 sẽ có thêm 15 tình nguyện viên tham gia tiêm thử nghiệm vắc xin COVIVAC của IVAC. Đây là vắc xin phòng COVID-19 thứ 2 do Việt Nam sản xuất đang thử nghiệm lâm sàng.
“Do điều kiện người tiêm thử nghiệm phải lưu trú trong 24h để theo dõi nên chúng tôi sẽ chỉ tiêm tối đa cho 15 người trong bổi sáng ngày 23/3. Mỗi buổi sẽ có 8 người nam và 7 nữ hoặc 8 nữ 7 nam. Độ tuổi của người tiêm từ 18-59”- PGS.TS.BS Vân Anh thông tin.
Buổi tiêm tiếp theo trong tuần này, dự kiến sẽ diễn ra ngày 25/3, cũng với 15 người tình nguyện.
Trước đó, sáng ngày 15/3, nhóm 6 tình nguyện viên đầu tiên đã được tiêm mũi đầu tiên của vắc xin COVIVAC. Sau khi tiêm mũi đầu tiên, các tình nguyện viên được lưu lại tại khu vực thử nghiệm lâm sàng trong vòng 24h để các bác sĩ tiếp tục theo dõi, phát hiện, xử trí kịp thời và ghi nhận lại các biến cố bất lợi nếu xảy ra.
Với liều tiêm thứ nhất, 114 người còn lại sẽ lần lượt được tiêm theo các đợt, mỗi đợt cách nhau 08 ngày cho đến 20/04/2021. Theo lịch trình nghiên cứu, mỗi đợt sẽ tổ chức tiêm từ 12-18 người/ngày.
Sáng ngày 22/3, nhóm 6 người đầu tiên đã được khám sức khoẻ lần 1 sau tiêm. 6 người đã được xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm đánh giá chức năng thận, chức năng gan… cùng các đánh giá khác. Nhìn chung sức khoẻ của họ đều ổn định sau tiêm 1 tuần, họ vẫn sinh hoạt, đi làm bình thường.
3 tuần nữa, nhóm người này sẽ trở lại Đại học Y Hà Nội để tiêm tiếp mũi 2. Trong 21 ngày này, các nghiên cứu viên của Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng sẽ thường xuyên gọi điện cho các tình nguyện viên để hỏi về sức khỏe của họ, đồng thời nhắc nhở họ theo dõi sức khỏe và điền vào phiếu theo dõi sức khỏe đầy đủ, chính xác
Theo thiết kế nghiên cứu, 120 tình nguyện viên thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 được chia thành 5 nhóm để tiêm với các mức liều khác nhau: 03 nhóm vắc xin không có tá chất với các mức liều: 1mcg kháng nguyên S; 3mcg kháng nguyên S; 10mcg kháng nguyên S; 01 nhóm vắc xin mức liều 1mcg kháng nguyên S có bổ sung tá chất; 01 nhóm gồm 20 người tiêm giả dược (nước muối vô trùng dùng để tiêm) để so sánh với những nhóm tiêm vắc xin trên.
Dự kiến hoàn thành báo cáo giữa kỳ giai đoạn 1 vào tháng 7/2021. Sau khi có báo cáo kết quả giữa kỳ và cuối kỳ của giai đoạn 1, nếu vắc xin cho thấy đạt các tiêu chuẩn về an toàn và tạo được miễn dịch có khả năng phòng bệnh, trên cơ sở được Bộ Y tế phê duyệt, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 với cỡ mẫu lớn hơn tại Trung tâm Y tế huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.
COVIVACc sau Nano Covax hiện đã sang giai đoạn 2. Sắp tới, Việt Nam sẽ có thêm vắc xin của công ty VABIOTECH thử nghiệm giai đoạn 1.
Bộ Y tế cho biết, IVAC đã mua bảo hiểm cho toàn bộ đối tượng tham gia nghiên cứu với tổng giá trị 40 tỷ đồng. Đây là quy định bắt buộc không chỉ tại Việt Nam mà tại tất cả các nước.
Vắc xin toàn hạt vi rút tinh khiết, bất hoạt, dạng dung dịch có hoặc không có tá chất bổ trợ, không có chất bảo quản. COVIVAC là sản phẩm hợp tác của IVAC với các trường Đại học Y Icahn ở Mount Sinai, New York, Đại học Texas ở Austin, Tổ chức PATH (Mỹ) và các đối tác trong và ngoài nước khác.
Tổ chức nhận thử nghiệm là Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tổ chức phối hợp thực hiện là Trường Đại học Y Hà Nội. Nghiên cứu được giám sát độc lập bởi Vietstar Biomedical Research và số liệu được quản lý và phân tích bởi Trung tâm BIOPHICS (Trường Đại học Mahidol, Thái Lan).
(suckhoedoisong.vn)
Nhiều nước châu Âu gia hạn phong tỏa, Tổng thống Nga sẽ tiêm vắc xin ngừa Covid-19
Đến 6h sáng 23-3, thế giới đã ghi nhận 124.257.490 ca mắc Covid-19, trong đó 2.734.344 người đã thiệt mạng, 100.158.700 người được điều trị bình phục.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ lo ngại về sự gia tăng các hành vi bạo lực nhắm vào người châu Á và người gốc Á trên toàn cầu trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành.
Mặc dù thông báo của người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất thế giới không nêu tên quốc gia cụ thể, nhưng được đưa ra ngay sau vụ nổ súng tại thành phố Atlanta (Mỹ) hồi đầu tháng này. Vụ việc đã khiến 8 người thiệt mạng, trong đó có 6 người là người Mỹ gốc Á.
Trong buổi họp báo chính thức về kết quả thử nghiệm tại Mỹ đối với vắc xin ngừa Covid-19 của AstraZeneca, Phó Chủ tịch phụ trách nghiên cứu và phát triển Mene Pangalos cho biết, tính hiệu quả trong các thử nghiệm đạt tới 79%. Cũng trong khuôn khổ họp báo, đại diện hãng dược phẩm này cũng kỳ vọng sản lượng vắc xin sẽ tăng đáng kể trong thời gian tới, sau khi một nhà máy mới tại Hà Lan được châu Âu cho phép đi vào hoạt động.
Cũng tại châu Âu, Đức đã chính thức từ bỏ kế hoạch nới lỏng các biện pháp phòng dịch và sẽ gia hạn lệnh phong tỏa một phần. Quyết định này đã được Thủ tướng Angela Merkel và 16 Thủ hiến các bang nhất trí áp dụng tới ngày 18-4.
Tương tự Đức, Áo cũng sẽ chưa mở lại các quán cà phê, nhà hàng và bar vào ngày 27-3 theo kế hoạch. Nước này cũng đang chuẩn bị cơ chế để cho phép từng địa phương áp dụng các quy định giới hạn phòng dịch khác nhau.
Tại Anh, việc đi lại không thiết yếu sẽ tiếp tục bị hạn chế trong toàn bộ vùng England kể từ đầu tuần tới. Ngoài ra, những người cố tình đi ra khỏi địa phận sẽ bị phạt tới 5.000 bảng Anh.
Tại Nga, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định sẽ được tiêm vắc xin ngừa Covid-19, dự kiến vào ngày 23-3. Bộ trưởng Công nghiệp nước này Denis Manturov cùng ngày cũng cho biết, Nga đang theo đuổi lộ trình sản xuất hơn 80 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 trong nửa đầu năm 2021. Trong đó, riêng tháng 3 sẽ có khoảng 12,5 triệu liều xuất xưởng. Sản lượng dự kiến trong tháng 4 sẽ là 17 triệu liều.
Ấn Độ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch Covid-19, với 11.686.300 người bị mắc bệnh, trong đó 160.199 trường hợp đã tử vong.
Trong khi đó, tại Đông Nam Á, Indonesia là điểm nóng về dịch, với 1.465.928 người nhiễm vi rút SARS-CoV-2, trong đó 39.711 người đã tử vong. Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục nghiêm trọng sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Tuy nhiên, chỉ có 4 quốc gia ASEAN ghi nhận các ca tử vong vì dịch trong 24 giờ vừa qua, gồm: Philippines, Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Trong đó, Philippines vẫn chứng kiến dịch diễn biến xấu với số ca mắc mới theo ngày nhiều nhất trong khu vực. Sau mấy tuần hạ nhiệt, nước này đang đứng trước lo ngại làn sóng dịch tái phát. Riêng trong ngày 22-3, Philippines đã đứng thứ hai châu Á về số trường hợp tử vong.
(hanoimoi.com.vn)
Bình luận
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!