Thông tin y tế trên các báo ngày 05/04/2021

Dưới đây là một số thông tin y tế đáng chú ý trên các báo ra ngày 05/04/2021, mời quý đọc giả đón đọc:

“Thuốc gia truyền” tràn lan trên YouTube: Bà con không nên mua, tránh tiền mất tật mang!

Theo nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, bài thuốc gia truyền phải được công nhận theo Quyết định của Bộ Y tế; các video quảng cáo “thuốc gia truyền” phát trên YouTube là quảng cáo tự phát, không chính thống…

Thông tin trên báo chí, thầy thuốc nhân dân, bác sĩ cao cấp Trần Văn Bản – nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết, nội dung các video quảng cáo này chưa được công nhận hợp chuẩn theo quy định của pháp luật.

Phạm vi quảng cáo cũng chưa được xác minh có đúng với giấy phép hành nghề của lương y hay không? Các bài thuốc gia truyền cũng chưa được kiểm chứng có đúng sự thật là bài thuốc gia truyền nhiều đời hay không?

Bà con không nên mua thuốc và sử dụng các loại thuốc rao bán trên YouTube để rồi “tiền mất tật mang”.

Cũng theo đánh giá của ông Bản, lâu nay, người Việt vẫn sử dụng các kinh nghiệm dân gian để chữa các bệnh thông thường như: Xông cảm, đau bụng lấy gừng nướng ăn, cảm cúm, kiết lỵ, tiêu chảy…

Tuy nhiên, đây chỉ là các vị thuốc dân gian chứ không phải bài thuốc gia truyền và người lấy các cây thuốc này cho người ốm uống cũng không phải lương y. Nhiều người thường ngộ nhận, nhầm lẫn giữa kinh nghiệm dùng vị thuốc dân gian với bài thuốc gia truyền.

Theo ông Bản, kinh nghiệm chữa bệnh dân gian và bài thuốc gia truyền chữa bệnh là rất khác biệt. Đã là bài thuốc gia truyền thì phải có tác dụng chữa bệnh thật sự và được trải nghiệm qua nhiều đời. Bộ Y tế đã có quy định về việc công nhận bài thuốc gia truyền.

“Việc có nhiều người tự xưng là lương y, có bài thuốc gia truyền nhiều năm, 3 đời, 7 đời, thậm chí là mười mấy đời… là điều không đúng vì các bài thuốc này chưa được kiểm chứng, công nhận của các cơ quan chức năng” – ông Bản nhận định.

Việc công nhận bài thuốc gia truyền, theo Quyết định số 039/2007/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc ban hành quy chế xét duyệt cấp “Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền”. Theo đó, người có bài thuốc gia truyền sẽ được Sở Y tế tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương cấp cho người có đủ các điều kiện  được công nhận là bài thuốc gia truyền.

“Bài thuốc gia truyền” là bài thuốc kinh nghiệm lâu đời của dòng tộc, gia đình truyền lại, có hiệu quả điều trị với một bệnh nhất định, có tiếng trong vùng, được nhân dân tín nhiệm, được Hội Đông y và y tế xã/phường/thị trấn sở tại và Sở Y tế công nhận.

Không phải hội viên nào của Hội Đông y cũng được phép hành nghề. Các lương y muốn hành nghề phải có giấy phép hành nghề được sự công nhận của Bộ Y tế hoặc Sở Y tế địa phương mà lương y đó hoạt động.

Người có bài thuốc gia truyền và người được khám chữa bệnh bằng phương pháp Đông y cũng phải cấp phép thì mới được thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh hoặc bán thuốc.

Tự xưng thần y và lương y đang là hiện tượng nở rộ thời gian gần đây

Thông qua mạng xã hội và kênh YouTube, nhiều người ngang nhiên thực hiện hoạt động khám chữa bệnh và tung ra thị trường các sản phẩm không rõ nguồn gốc, mập mờ về chất lượng.

Đặc biệt, nhan nhản các mẩu quảng cáo về một số lương y, thần y, ba đời gia truyền, với những thông tin sai sự thật, phản khoa học, qua nhiều hình thức như viết bài, dựng video ngang nhiên cho mình là “thần y” có thể “chữa bách bệnh”… đang lan truyền trên mạng xã hội gây bất bình trong dư luận.

Các chuyên gia cho rằng, sự bùng nổ quảng cáo trên mạng xã hội, nhất là các quảng cáo liên quan đến vấn đề y tế sức khoẻ đang đặt ra nhiều thách thức với các nhà quản lý trong việc kiểm soát những thông tin sai phạm.

Google thông tin trên báo chí cho hay, cơ quan này đã có các chính sách hạn chế quảng cáo thuốc theo toa, thuốc không kê đơn, thuật ngữ thuốc và chất không được chấp thuận cùng các hạn chế khác. Và tại Việt Nam, thuốc là mặt hàng cấm chạy quảng cáo.

Tuy nhiên, hiện tại các quảng cáo đang gây khó chịu cho người dùng Việt lại hướng đến các bài thuốc gia truyền, đông y… khiến thuật toán của Google khó phát hiện. Vì thế, suốt nhiều tháng, nội dung quảng cáo thuốc đông y vẫn tồn tại nhan nhản trên ứng dụng YouTube từ tivi, máy tính đến cả smartphone của người dùng Việt.

Theo ông Ngô Huy Toàn – Trưởng phòng Thanh tra Báo chí và Thông tin trên mạng, Bộ Thông tin – Truyền thông (TT-TT): Dù đã có nhiều hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về quảng cáo đối với các cơ quan báo chí, các tổ chức cá nhân thực hiện quảng cáo trên môi trường mạng, tuy nhiên, những vi phạm quảng cáo trên môi trường mạng đặc biệt là quảng cáo sản phẩm, dịch vụ thuộc lĩnh vực y tế trên các nền tảng công nghệ của nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam vẫn chưa được ngăn chặn, xử lý rốt ráo, quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới đang đặt ra nhiều thách thức với cơ quan quản lý.

Chúng ta có thể nhận thấy, vì lợi nhuận, một số công ty nước ngoài bất chấp chuẩn mực chung, không tuân thủ nghiêm túc pháp luật Việt Nam, thả nổi, dung túng cho các quảng cáo vi phạm.

Bên cạnh đó, lợi dụng tiện ích của môi trường mở, bản thân người quảng cáo cũng sử dụng nhiều thủ đoạn để đối phó với cơ quan quản lý như ẩn danh tính, sử dụng tên miền quốc tế, đặt hosting ở nước ngoài, thiết lập tài khoản để thực hiện hành vi vi phạm trong thời gian ngắn sau đó xóa tài khoản và tiếp tục lập tài khoản khác để thực hiện hành vi vi phạm… do đó việc truy tìm khó khăn, mất nhiều thời gian hơn.

Mạng xã hội với những ưu thế nổi trội, tiếp cận người tiêu dùng nhanh, hiệu quả, là ưu tiên trong lựa chọn của nhiều doanh nghiệp, những năm gần đây dòng tiền quảng cáo chuyển dịch mạnh từ báo chí sang loại hình này, trong đó các mạng nước ngoài facebook, google chiếm khoảng 70% thị phần quảng cáo trực tuyến.

(giaoducthoidai.vn)

Thanh niên mọc tàn nhang quanh miệng, không ngờ mắc bệnh gây hoại tử ruột

Nam thanh niên mọc nhiều tàn nhang quanh miệng, được chẩn đoán mắc bệnh di truyền, có nguy cơ ung thư cao hơn 15 lần.

BS Lê Văn Quốc, Khoa Phẫu thuật Hậu môn Trực tràng, Viện Phẫu thuật Tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 (Hà Nội) cho biết, nam bệnh nhân 20 tuổi được chuyển vào viện trong tình trạng đau bụng và nôn nhiều.

Vài ngày trước đó, bệnh nhân có hiện tượng đau bụng quanh rốn, rối loạn tiêu hóa, khi tình trạng nặng hơn được gia đình đưa đi cấp cứu.

Sau khi khám, bác sĩ kết luận bệnh nhân bị nhiễm khuẩn, tắc ruột gây hoại tử, viêm phúc mạc. Quanh môi, trong miệng, mi mắt, tay, chân và quanh hậu môn bệnh nhân có nhiều tàn nhang.

Bệnh nhân được phẫu thuật cấp cứu cắt đoạn ruột hoại tử, cắt nhiều polyp ruột non có kích thước lớn. Kết quả giải phẫu các polyp là hamartomatous (mô thừa dạng bướu) do mắc hội chứng Peutz-Jeghers. Sau ca mổ, bệnh nhân hồi phục tốt, được xuất viện tuy nhiên sẽ cần quay lại bệnh viện khám định kỳ nội soi ruột non.

PGS.TS Triệu Triều Dương, Viện trưởng Viện Phẫu thuật Tiêu hóa cho biết thêm, hội chứng Peutz-Jeghers (PJS) là một bệnh lý di truyền gene trội trên nhiễm sắc thể STK11.

Đây là bệnh hiếm gặp với tần suất gặp từ 1/60.000 – 1/300.000 người, đặc trưng bởi các nốt tăng sắc tố trên da, niêm mạc do lắng đọng melanin và đường tiêu hóa có rất nhiều polyp.

Các polyp thường mọc nhiều ở ruột non (chiếm trên 70%), kế đó là dạ dày, đại tràng. Polyp nếu không được phát hiện sớm có thể gây biến chứng tắc ruột do lồng ruột, chảy máu tiêu hóa, hoại tử ruột và có nguy cơ tiến triển thành ung thư biểu mô tuyến đường tiêu hóa.

Bệnh nhân mắc hội chứng PJS có nguy cơ bị ung thư đường tiêu hóa cao gấp 15 lần so với người bình thường.

Hội chứng Peutz-Jeghers thường xảy ra ở độ tuổi thanh niên và giai đoạn sớm của tuổi trưởng thành. 1/3 các triệu chứng xảy ra trong 10 năm đầu. Thời gian trung bình các polyp đầu tiên xuất hiện là vào độ tuổi 11 -13 tuổi, khoảng 50% bệnh nhân trải qua các triệu chứng ở tuổi 20.

Bệnh nhân thường có các đám sắc tố mọc rất đặc trưng (quanh môi, trong miệng, ở tay, chân, mi mắt) và các triệu chứng rối loạn tiêu hóa.

Một ca bệnh được xác định mắc hội chứng Peutz-Jeghers khi hội tụ đủ 3 yếu tố: Có ít nhất 2 polyp hamartomatous trong ruột non; có tàn nhang trong miệng, môi, ngón tay, chân và có ít nhất 1 người thân được chẩn đoán mắc PJS.

Bệnh nhân nào có đủ 3 tiêu chí này sẽ được xét nghiệm di truyền để tìm kiếm một đột biến di truyền trong gene STK11.

Hội chứng này chưa có cách điều trị triệt để, bệnh nhân mắc PJS cần được tầm soát định kỳ để điều trị kịp thời.

(vietnamnet.vn)

Sáng 5/4, Việt Nam không có ca COVID-19

Sáng 5/4, theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam không ghi nhận thêm ca COVID-19 mới.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, hiện Việt Nam chữa khỏi cho 2.383 ca bệnh.

Trong số những trường hợp mắc bệnh đang điều trị tại nước ta, 38 người có kết quả âm tính lần 1. Ngoài ra, 15 người âm tính lần 2 và 28 bệnh nhân âm tính lần 3 với SARS-CoV-2.

Số ca tử vong vì COVID-19 ở nước ta đến nay là 35, gồm 31 người tại Đà Nẵng, 3 người ở Quảng Nam và 1 người ở Quảng Trị. Phần lớn trong số họ là người cao tuổi, có bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hóa chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hoá đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, tiểu đường type 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng.

Theo Bộ Y tế, trong tuần qua, Việt Nam có thêm 9.158 người được tiêm chủng vaccine COVID-19. Tính đến 16h ngày 4/4, nước ta tiêm vaccine COVID-19 cho tổng cộng 52.413 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch.

Hiện nay, các địa phương trên cả nước đang xây dựng kế hoạch triển khai tiêm vaccine COVID-19 để sớm đưa số vaccine do COVAX viện trợ vào sử dụng.

(vtc.vn)

Chuyên gia y tế lo ngại “dịch chồng dịch” khi thời tiết chuyển mùa

Theo chuyên gia y tế, chúng ta không nên chỉ mải mê phòng chống dịch COVID-19 mà quên phòng các bệnh theo mùa, dễ dẫn đến nguy cơ “dịch chồng dịch”.

Hiện nay thời tiết đang chuyển sang mùa hè, khí hậu nóng ẩm tại khu vực miền Bắc và bắt đầu mùa mưa tại khu vực miền Trung, miền Nam, sự giao lưu đi lại của người dân tăng cao, trong khi ý thức và hành vi vệ sinh phòng bệnh của một số người dân chưa cao là những điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh và phát triển.

TS.BS Vũ Minh Điền, Phó Giám đốc Trung tâm phòng, chống dịch, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cùng với dịch COVID-19, hiện chúng ta vẫn phải đối mặt với các dịch bệnh thường lưu hành hàng năm ở nước ta như sởi, quai bị, thủy đậu, rubella, tay chân miệng, sốt xuất huyết… Điều mà các chuyên gia y tế lo ngại là nguy cơ “dịch chồng dịch” nếu chúng ta chỉ mải mê chống COVID-19 mà quên đi cách phòng, chống dịch bệnh khác ở nước ta theo mùa.

BS Điền khuyến cáo, bên cạnh việc tích cực phòng chống và dập dịch COVID-19, cần phải lưu tâm đến phòng các dịch bệnh khác.

Cụ thể, với dịch sốt xuất huyết, đây là bệnh lưu hành hàng năm. BS Điền cho rằng, thống kê 4 năm 1 lần, ở miền Bắc, các ca bệnh sốt xuất huyết sẽ tăng. Năm nay đúng với chu kỳ của dịch nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch phát triển.

Cùng với đó là bệnh tay chân miệng cũng sẽ lưu hành. “Nếu chúng ta không tích cực phòng ngừa, dịch chân tay miệng có nguy cơ bùng phát vào mùa hè tới.  Bên cạnh đó, dịch cúm mùa cũng thường trực rình rập, có độc lực mạnh vô cùng nguy hiểm. Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo người dân không được lơ là, kịp thời phát hiện các chủng cúm mới để ngăn chặn, dập dịch kịp thời”- BS Điền cho biết.

Để chủ động phòng chống dịch ngay từ đầu mùa hè năm 2021 và không để “dịch chồng dịch”, ngày 01/4/2021 Bộ Y tế đã ban hành Công văn gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị chỉ đạo chính quyền các cấp, các ngành, tổ chức chính trị, chính trị – xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống, ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát dịch bệnh mùa hè trên địa bàn.

Theo đó, Bộ Y tế chỉ đạo Sở Y tế các địa phươngtriển khai quyết liệt công tác kiểm soát dịch bệnh, tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm, cách ly, đáp ứng ngay, xử lý triệt để ổ dịch, không để lan rộng và kéo dài tại cộng đồng; đẩy mạnh công tác tiêm chủng mở rộng, bảo đảm đạt tỷ lệ trên 95% quy mô xã, phường, thị trấn; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết.

Tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, bố trí khu điều trị riêng cho bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm, hạn chế người nhà vào thăm bệnh nhân, lưu ý đối với các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong. Thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị, đặc biệt phòng việc lây nhiễm chéo giữa bệnh tay chân miệng với bệnh sởi, viêm phổi và viêm đường hô hấp khác.

Tổ chức phát động chiến dịch vệ sinh môi trường dưới hình thức phù hợp với thực tế tại địa phương; chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, các hoạt động dọn bỏ vật dụng phế thải đọng nước là nơi muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết đẻ trứng và phát triển để phòng chống bệnh sốt xuất huyết.

Về công tác phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết và các dịch bệnh mùa hè khác, Y tế cũng khuyến cáo người dân nên đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi tiêm, thực hiện tốt việc vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng và nước sạch, ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm.

(VOV.VN)

Bình luận

Thông tin y tế trên các báo ngày 05/04/2021

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hỗ trợ
Bạn cần tư vấn?

Tin mới

TOP 10 thuốc đặt âm đạo trị nấm phổ biến nhất hiện nay [ĐỪNG BỎ QUA]

Thuốc đặt âm đạo Polygynax có tốt không? Nên dùng cho đối tượng nào?

Viêm cổ tử cung sau sinh: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách chữa trị [ĐỌC NGAY]

Viêm cổ tử cung khi mang thai và cách chữa trị hiệu quả [TÌM HIỂU NGAY]

Điều trị viêm cổ tử cung bằng các phương pháp tốt nhất hiện nay [ĐỪNG BỎ QUA]

Chữa viêm lộ tuyến cổ tử cung ở đâu tốt? TOP 8 địa chỉ uy tín [THAM KHẢO NGAY]

Bà bầu bị viêm lộ tuyến cổ tử cung nguy hiểm không? Chuyên gia tư vấn cách điều trị hiệu quả

Thuốc trị viêm lộ tuyến cổ tử cung cực kỳ an toàn, hiệu quả [TÌM HIỂU NGAY]

TOP 12 cách CHỮA VIÊM LỘ TUYẾN TẠI NHÀ cực hiệu quả [ĐỪNG BỎ QUA]

Khám viêm cổ tử cung ở đâu tốt? TOP 10 địa chỉ uy tín toàn quốc [XEM CHI TIẾT]

Ẩn