Thông tin y tế trên các báo ngày 3/4/2021

Dưới đây là một số thông tin y tế đáng chú ý trên các báo ra ngày 02/04/2021, mời quý đọc giả đón đọc:

Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh mùa hè

Bộ Y tế vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh dịch mùa hè.

Hiện nay, thời tiết đang chuyển sang mùa hè, khí hậu nóng ẩm tại khu vực miền Bắc và bắt đầu mùa mưa tại khu vực miền Trung, miền Nam, sự giao lưu đi lại của người dân tăng cao. Trong khi ý thức và hành vi vệ sinh phòng bệnh của một số người dân chưa cao là những điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh và phát triển, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa như COVID-19, sởi, cúm, tay chân miệng, tiêu chảy do virus Rota…; các bệnh do muỗi truyền như sốt xuất huyết, viêm não do virus… thường có nguy cơ gia tăng số mắc và có thể bùng phát dịch bệnh.

Để chủ động phòng chống dịch ngay từ đầu mùa hè năm 2021 và không để dịch chồng dịch, Bộ Y tế ban hành công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị chỉ đạo triển khai một số nội dung tăng cường công tác phòng, chống bệnh dịch mùa hè.

Cụ thể: Chỉ đạo chính quyền các cấp, các ngành, tổ chức chính trị, chính trị – xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống, ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát dịch bệnh mùa hè trên địa bàn.

Chỉ đạo Sở Y tế triển khai quyết liệt công tác kiểm soát dịch bệnh, tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm, cách ly, đáp ứng ngay, xử lý triệt để ổ dịch, không để lan rộng và kéo dài tại cộng đồng; đẩy mạnh công tác tiêm chủng mở rộng, bảo đảm đạt tỷ lệ trên 95% quy mô xã, phường, thị trấn; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết.

Tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, bố trí khu điều trị riêng cho bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm, hạn chế người nhà vào thăm bệnh nhân, lưu ý đối với các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong. Thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị, đặc biệt phòng việc lây nhiễm chéo giữa bệnh tay chân miệng với bệnh sởi, viêm phổi và viêm đường hô hấp khác.

Tổ chức phát động chiến dịch vệ sinh môi trường dưới hình thức phù hợp với thực tế tại địa phương; chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, các hoạt động dọn bỏ vật dụng phế thải đọng nước là nơi muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết đẻ trứng và phát triển để phòng chống bệnh sốt xuất huyết.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là các cơ sở sản xuất thực phẩm ăn ngay, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể, các cơ sở kinh doanh, cơ sở thức ăn đường phố; thông báo công khai các cơ sở không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.

Chuẩn bị đầy đủ kinh phí, thuốc, phương tiện, vật tư, hóa chất cho công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân và đáp ứng các tình huống dịch bệnh. Tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế.

Chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với ngành y tế và các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở về công tác phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết và các dịch bệnh mùa hè khác, vận động người dân đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi tiêm, thực hiện tốt việc vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng và nước sạch, ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm. Thực hiện tuyên truyền tại các hộ gia đình và cộng đồng bằng nhiều hình thức như họp tổ dân phố, họp dân, tập huấn, hướng dẫn tại chỗ, tờ rơi, loa đài, phát thanh, báo chí, truyền hình.

Chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động phối hợp với ngành y tế để tổ chức tuyên truyền sâu rộng tại các trường học, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo về các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng và các dịch bệnh trong trường học, bảo đảm các cơ sở giáo dục có đủ các phương tiện rửa tay, xà phòng và có vị trí thuận tiện tạo điều kiện thuận lợi cho người chăm sóc trẻ và trẻ em rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Thực hiện vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường, cung cấp đủ nước uống, nước sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể. Thường xuyên vệ sinh mặt bàn, ghế, làm sạch bề mặt và đồ chơi hằng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời.

Chỉ đạo Sở Tài chính trình UBND tỉnh, thành phố quyết định kịp thời bổ sung kinh phí theo đề xuất của Sở Y tế và các đơn vị liên quan để đảm bảo nhu cầu đáp ứng phòng chống dịch bệnh, sẵn sàng cơ số thuốc, vaccine, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.

Tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra và hỗ trợ các địa phương giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch bệnh và có biện pháp chỉ đạo kịp thời, phù hợp để khắc phục các tồn tại của địa phương, tập trung các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mùa hè.

Thực hiện chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm về Bộ Y tế theo quy định tại Thông tư số 54 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

(vtv.vn)

Phát động chiến dịch xây dựng khách sạn, nhà hàng không khói thuốc

Sáng 3/4, tại Hà Nội, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá – Bộ Y tế tổ chức lễ phát động Chiến dịch xây dựng khách sạn, nhà hàng không khói thuốc.

Tại Lễ phát động, một số khách sạn, nhà hàng đã được gắn biển cấm hút thuốc như: Khách sạn Hilton Hanoi Opera (số 1 Lê Thánh Tông – Hà Nội), Nhà hàng San Fu Lou – Cantonese Kitchen (số 6 Phan Chu Trinh – Hà Nội).

Theo Ban tổ chức, ngay sau Lễ phát động, 200 khách sạn, nhà hàng trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng sẽ tham gia chiến dịch và cam kết thực tuân thủ nghiêm các quy định về địa điểm cấm hút thuốc theo Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá.

Phát biểu tại Lễ phát động, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá chia sẻ: “Môi trường du lịch không khói thuốc lá là một biện pháp hữu hiệu để thực hiện quyền của người không hút thuốc được hít thở bầu không khí trong lành không có khói thuốc lá; giúp nhân viên ngành du lịch, khách du lịch giảm nguy cơ mắc bệnh do tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá, giảm các chi phí y tế trực tiếp và gián tiếp cho việc khám và chữa các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá đồng thời góp phần bảo vệ cảnh quan du lịch, tạo môi trường du lịch trong lành, thu hút khách du lịch”.

Theo thống kê, hiện Việt Nam có hơn 15 triệu người trưởng thành hút thuốc, trong khi số người không hút thuốc là 75 triệu người. Những người không hút thuốc sẽ không muốn đến những khách sạn, nhà hàng ô nhiễm khói thuốc lá, vì vậy các khách sạn, nhà hàng không khói thuốc sẽ là những điểm đến ưu tiên đối với các khách hàng.

Chiến dịch này được phát động với mục đích thông tin tới cộng đồng ý nghĩa của việc xây dựng môi trường không khói thuốc lá, kêu gọi các nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch tham gia tích cực hơn nữa vào việc xây dựng môi trường không khói thuốc, mang lại những lợi ích cho chính các khách sạn, nhà hàng. Đồng thời chiến dịch này cũng nhằm bảo vệ sức khỏe cho mọi người, thúc đẩy việc thực thi quy định cấm hút thuốc tại các khách sạn nhà hàng theo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

(baotintuc.vn)

Nhân viên y tế 63 tỉnh thành học dùng phần mềm xây dựng thực đơn dinh dưỡng cho mẹ và bé

Ngày 2/4/2021 hơn 90 lãnh đạo và cán bộ y tế ở Hà Nội tham gia tập huấn sử dụng phần mềm “Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú và trẻ em từ 7 tháng đến 60 tháng tuổi”.

Tập huấn xây dựng thực đơn 4.0 trên toàn quốc

Chuỗi tập huấn sử dụng phần mềm “Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú và trẻ em từ 7 tháng đến 60 tháng tuổi” do Bộ Y tế phối hợp cùng Ajinomoto Việt Nam tổ chức từ tháng 3/2021. Chuỗi tập huấn dành cho toàn bộ hệ thống y tế trung ương và tuyến tỉnh toàn quốc.

Tính đến đầu tháng 4/2021, đã có gần 630 cán bộ y tế thuộc mạng lưới chăm sóc dinh dưỡng sản nhi tuyến trung ương và tuyến tỉnh của 63 tỉnh/thành phố trên toàn quốc thành thạo về Phần mềm qua hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp.

Tại Hà Nội, khách mời tham gia tập huấn là hơn 90 lãnh đạo và cán bộ y tế của Sở Y tế Hà Nội, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hà Nội, các bệnh viện bộ ngành, các bệnh viện công lập, tư thục và các đơn vị thuộc sở Y tế Hà Nội như Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện 103, Bệnh viện Quân đội 108, bệnh viện Phụ sản Hà Nội…, các trường đại học y tại Hà Nội như Đại học Y tế Công cộng, Đại học Y Hà Nội…

Theo TS. Trần Đăng Khoa – Phó Vụ trưởng, Vụ Sức khỏe Bà mẹ – Trẻ em, thực trạng dinh dưỡng ở Việt Nam hiện nay là vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc tộc thiểu số phải đối mặt gánh nặng suy dinh dưỡng, đặc biệt thể còi cọc cao gấp 3 lần so với đồng bằng. Trong khi đó ở các tỉnh, thành phố lớn, tỉ lệ béo phì đang gia tăng. Vì vậy cân bằng dinh dưỡng trở thành nhu cầu cấp bách hơn bao giờ hết.

Từ đó, TS. Trần Đăng Khoa mong muốn đội ngũ tham gia tập huấn ngày hôm nay sẽ trở thành những hạt nhân giúp phần mềm được triển khai rộng rãi ra hệ thống cơ sở y tế toàn thành phố. Nhờ vậy, phần mềm sẽ tiếp tục được các cán bộ y tế giới thiệu tại các cơ sở y tế khám chữa bệnh có khoa sản/chuyển sản tới phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú và những người chăm sóc trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, lan tỏa đến cộng động, đóng góp vào chăm sóc dinh dưỡng sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em tại Việt Nam.

Tại sự kiện, cán bộ kỹ thuật của Công ty Ajinomoto Việt Nam chia sẻ chi tiết về phần mềm, hướng dẫn thao tác sử dụng từng chức năng của phần mềm và được trải nghiệm thực hành đăng ký và sử dụng phần mềm ngay tại lớp tập huấn.

Không chỉ vậy, khách mời tham gia còn được đặc biệt khám phá và thử vị trực tiếp khẩu phần 1 ngày cân bằng dinh dưỡng của phụ nữ mang thai/bà mẹ cho con bú.

Tham gia buổi tập huấn, chị Tuyến (Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Thanh Nhàn) nhận xét, “Đây là phần mềm hữu ích và tiện lợi không chỉ với cán bộ y tế mà còn cả với người dùng trong cộng đồng. Tôi hy vọng phần mềm sẽ có thêm thực đơn dành cho bệnh nhân bệnh lý cụ thể”.

BS. Đông (Khoa Phụ sản, Bệnh viện E) cũng đánh giá cao tính tiện lợi và thân thiện với người dùng của phần mềm. “Tôi thực sự ấn tượng về sự đẹp mắt, dễ sử dụng của phần mềm. Cách xây dựng thực đơn cũng rất dễ sử dụng dù với người quen hay không quen dùng mạng. Tôi cũng cho rằng nếu áp dụng thực đơn cân bằng dinh dưỡng như phần mềm xây dựng cho các bà mẹ mang thai sẽ góp phần hạn chế các vấn đề bệnh lý trong quá trình mang thai như tiểu đường, tiền sản giật…”, BS. Đông chia sẻ.

Tiếp tục bắt tay để hoàn thiện phần mềm

Phần mềm “Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú và trẻ em từ 7 tháng đến 60 tháng tuổi” là kết quả suốt 3 năm nghiên cứu của các chuyên gia dinh dưỡng của Công ty Ajinomoto Việt Nam và Vụ Sức khỏe Bà mẹ – Trẻ em, dưới sự tư vấn, hướng dẫn, đánh giá và thẩm định chuyên môn về dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

Phần mềm được thực hiện nghiên cứu và phát triển theo quy trình bài bản: từ nghiên cứu thói quen ẩm thực, xác định tiêu chuẩn dinh dưỡng, dữ liệu dinh dưỡng của các thực phẩm phổ biến, phát triển thực đơn, tính toán dinh dưỡng, đến hướng dẫn chế biến, thực nghiệm thực đơn và hoàn thiện… Từ đó, một “ngân hàng” thực đơn với hơn 1.300 món ăn đã ra đời, hướng đến chăm sóc sức khỏe phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú và trẻ em từ 7 – 60 tháng tuổi toàn diện hơn, cải thiện tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em tại Việt Nam.

Với sự tham gia của những chuyên gia ẩm thực của 3 miền Bắc, Trung, Nam, các thực đơn trong “ngân hàng” đảm bảo không lặp lại, đáp ứng đủ về năng lượng, cân đối các chất dinh dưỡng, đa dạng thực phẩm, đáp ứng đủ nhu cầu canxi, rau và trái cây, phù hợp đặc tính sinh lí, khẩu vị vùng miền, ngon miệng và dễ dàng áp dụng.

Từ “ngân hàng” thực đơn hơn 1.300 món ăn, phần mềm cho phép người dùng tự xây dựng thực đơn mới cân bằng dinh dưỡng từ các món ăn có sẵn trong ngân hàng thực đơn đã được phát triển.

Chia sẻ tại sự kiện, TS. Trần Đăng Khoa cho biết phần mềm đang tiếp tục hoàn thiện về phần thực đơn cho trẻ em. Đồng thời, các bên đang tiếp tục hướng đến xây dựng module tiếp theo những chế độ dinh dưỡng cho bệnh lý đặc thù, giúp cán bộ y tế hướng dẫn cho bệnh nhân.

Phần mềm cùng các nội dung chăm sóc dinh dưỡng và sức khỏe khác được cung cấp miễn phí tại website:

https://dinhduongmevabe.mch.vn

https://dinhduongmevabe.com.vn

Người dùng chỉ cần đăng ký một tài khoản là có thể sử dụng đầy đủ mọi chức năng.

(vietnamnet.vn)

Khách chủ động khai báo y tế để giảm ùn tắc sân bay Nội Bài

Hành khách chưa thực hiện khai báo y tế điện tử vẫn xếp hàng vào làm thủ tục an ninh hàng không còn nhiều, dẫn đến tình trạng ùn tắc tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Để chuẩn bị tốt công tác phục vụ hành khách giai đoạn dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 và cao điểm bay mùa Hè 2021, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài khuyến cáo trước khi lên sân bay, hành khách nên chủ động khai báo y tế trên trang https://tokhaiyte.vn/, lưu lại thông tin (chụp ảnh lại mã QR sau khi khai báo thành công).

Hành khách xuất trình mã QR này cho nhân viên của hãng hàng không tại quầy làm thủ tục, tại khu vực kiosk check-in, hoặc tại khu vực trước lối vào điểm kiểm tra an ninh để lấy dấu xác nhận đã khai báo y tế trước khi vào kiểm tra an ninh.

Bên cạnh đó, các hãng hàng không, các đơn vị phục vụ mặt đất bố trí đủ nhân viên tại quầy làm thủ tục, khu vực kiosk check-in, trước lối vào điểm kiểm tra an ninh và tại vị trí đặt bàn khai báo y tế để kiểm soát và hỗ trợ hành khách, đảm bảo 100% hành khách phải hoàn thiện khai báo y tế điện tử trước khi vào điểm kiểm tra an ninh soi chiếu.

Ngoài ra, để tạo điều kiện hỗ trợ hành khách đặc biệt là các trường hợp như hành khách cao tuổi không sử dụng điện thoại thông minh, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài mới tổ chức thêm các điểm khai báo y tế gồm 6 máy tính để bàn kết nối internet lắp đặt khu C và tại sảnh E nhà ga hành khách T1 ngay trước điểm xếp hàng để vào soi chiếu an ninh.

Được biết, sau gần một tháng thực hiện quy định này của Cục Hàng không Việt Nam, tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài ghi nhận tình trạng hành khách chưa thực hiện khai báo y tế điện tử vẫn xếp hàng vào làm thủ tục an ninh hàng không còn nhiều.

Cụ thể, ngày 30/3 vừa qua có 1.447 khách chưa khai báo y tế, ngày 31/3 có 712 khách chưa khai báo y tế, trong đó phần lớn là những khách làm thủ tục hàng không qua web check-in, kiosk check-in (chiếm tỷ lệ 80%).

Với số lượng lớn hành khách chưa thực hiện khai báo y tế đã vào các điểm kiểm tra an ninh, đặc biệt trong các khung giờ cao điểm dẫn đến tình trạng ùn tắc, gây tâm lý bức xúc cho hành khách, chậm chuyến bay và ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

(vietnamplus.vn)

Bình luận

Thông tin y tế trên các báo ngày 3/4/2021

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hỗ trợ
Bạn cần tư vấn?

Tin mới

TOP 10 thuốc đặt âm đạo trị nấm phổ biến nhất hiện nay [ĐỪNG BỎ QUA]

Thuốc đặt âm đạo Polygynax có tốt không? Nên dùng cho đối tượng nào?

Viêm cổ tử cung sau sinh: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách chữa trị [ĐỌC NGAY]

Viêm cổ tử cung khi mang thai và cách chữa trị hiệu quả [TÌM HIỂU NGAY]

Điều trị viêm cổ tử cung bằng các phương pháp tốt nhất hiện nay [ĐỪNG BỎ QUA]

Chữa viêm lộ tuyến cổ tử cung ở đâu tốt? TOP 8 địa chỉ uy tín [THAM KHẢO NGAY]

Bà bầu bị viêm lộ tuyến cổ tử cung nguy hiểm không? Chuyên gia tư vấn cách điều trị hiệu quả

Thuốc trị viêm lộ tuyến cổ tử cung cực kỳ an toàn, hiệu quả [TÌM HIỂU NGAY]

TOP 12 cách CHỮA VIÊM LỘ TUYẾN TẠI NHÀ cực hiệu quả [ĐỪNG BỎ QUA]

Khám viêm cổ tử cung ở đâu tốt? TOP 10 địa chỉ uy tín toàn quốc [XEM CHI TIẾT]

Ẩn