Thông tin y tế trên các báo ngày 2/4/2021

Dưới đây là một số thông tin y tế đáng chú ý trên các báo ra ngày 02/04/2021, mời quý đọc giả đón đọc:

Bộ Y tế làm việc với các tổ chức quốc tế, EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản về tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Cùng với đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng COVID-19 trong nước; tăng cường đàm phán với nước ngoài; Việt Nam rất cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các quốc gia, tổ chức, trong việc tăng cường khả năng sớm tiếp cận với các nguồn vắc xin.

Tiếp nối các cuộc gặp với đại diện ngoại giao các nước trong ngày 31/3, ngày 1/4 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã dành thời gian tiếp và làm việc với các ngài Đại sứ Liên minh châu Âu (EU), Hoa Kỳ, Nhật Bản tại Việt Nam. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng tiếp và làm việc với tổ chức quốc tế tại Việt Nam gồm: Tổ chức Y tế Thế giới (WHO); Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) và Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNPFA).

Tại các cuộc tiếp và làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long trân trọng gửi lời cảm ơn đối với những hỗ trợ và hợp tác của EU, Hoa Kỳ và Nhật Bản, WHO; UNICEF và UNFPA đã dành cho công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân, đặc biệt trong công cuộc phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam nói riêng thời gian qua.

Trong cuộc tiếp và làm việc với bà Rana Flowers – Trưởng Đại diện UNICEF, ông Kidong Park – Trưởng Đại diện WHO, bà Naomi Kitahara – Trưởng Đại diện UNPFA, Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ, vắc xin COVID-19 là một trong những ưu tiên của mọi quốc gia hiện nay. Tại Việt Nam, song song với những biện pháp nỗ lực kiểm soát dịch, Chính phủ dành sự quan tâm đặc biệt với vấn đề vắc xin phòng COVID-19 để sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường và khôi phục nền kinh tế.

Với mục tiêu đảm bảo miễn dịch cộng đồng trong năm 2021, Việt Nam cần 150 triệu liều vắc xin COVID-19 để tiêm chủng cho người dân. Cùng với nỗ lực thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, sản xuất vắc xin COVID-19 trong nước, Việt Nam đang tiến hành đàm phán với các nhà sản xuất vắc xin.

Tuy nhiên so với nhu cầu, Việt Nam vẫn còn thiếu lượng vắc xin khá lớn, do vậy Việt Nam rất cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các quốc gia, tổ chức, trong việc tăng cường khả năng sớm tiếp cận với các nguồn vắc xin phòng COVID-19.

Bày tỏ lời cảm ơn về lô vắc xin COVID-19 hơn 811.000 liều đầu tiên của COVAX Facility đã về Việt Nam ngày 1/4, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh cần có một thông báo chung giữa các tổ chức của Liên Hợp quốc (UN) tại Việt Nam, đặc biệt là WHO, UNICEF và Bộ Y tế về tính an toàn, hiệu quả của vắc xin phòng COVID-19, cũng như về công tác tiêm chủng an toàn của Việt Nam.

“Chúng tôi đã áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết để đảm bảo tiêm chủng an toàn vắc xin phòng COVID-19 tại Việt Nam. Chúng tôi cũng vui mừng thông báo, đến nay trên 50.000 người thuộc đối tượng ưu tiên trong Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 đều được tiêm chủng an toàn. Có một số người có phản ứng nặng sau tiêm, tuy nhiên hệ thống y tế của Việt Nam đã xử lý rất hiệu quả và các trường hợp này đều đã bình phục”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin.

Bộ trưởng mong muốn phối hợp với các tổ chức quốc tế tại Việt Nam cùng triển khai các chương trình truyền thông để nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với vấn đề tiêm chủng vắc xin. Có như vậy mới tăng tốc được kế hoạch tiêm chủng vắc xin COVID-19 tại Việt Nam.

“Chúng tôi bày tỏ niềm vui mừng khi được biết sẽ có thêm khoảng 4,1 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 nữa sẽ về đến Việt Nam trong tháng 5/2021. Số liều vắc xin còn lại, chúng tôi rất mong các tổ chức thuộc UN thúc đẩy để có lộ trình cung ứng phù hợp, ưu tiên trong năm 2021 để có thể bao phủ được tỷ lệ tiêm vắc xin tới đông đảo người dân. Đây là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi trong năm 2021”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Các vấn đề liên quan đến dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin COVID-19 và tăng cường hỗ trợ về chuyên môn tiêm chủng cũng được Bộ trưởng Bộ Y tế và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam bàn thảo tại buổi tiếp và làm việc.

“Chúng tôi cho rằng việc có vắc xin COVID-19 đã quan trọng nhưng việc tổ chức tiêm để đảm bảo an toàn và hiệu quả cũng không kém phần quan trọng. Chúng tôi mong muốn có những hỗ trợ về tăng cường năng lực, tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng hiệu quả”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Tiếp Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cảm ơn phía EU vì đã có nhiều hỗ trợ cho Việt Nam trong lĩnh vực y tế. Đặc biệt, trong khi đại dịch COVID-19 xảy ra, Việt Nam đã nhận được những hỗ trợ của EU qua cơ chế COVAX, WHO và nhiều tổ chức khác.

Bộ trưởng đề nghị ngài Đại sứ và phía EU quan tâm, hỗ trợ Việt Nam trong các chính sách tiếp cận nguồn vaccine của châu Âu, không chỉ qua cơ chế COVAX mà còn từ nguồn trực tiếp hay các chương trình khác; đồng thời có những hỗ trợ giúp tăng cường năng lực, hỗ trợ kỹ thuật để đảm bảo tổ chức chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19 thành công.

Ngài Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti thông tin, EU đã đóng góp trên 2,5 tỷ USD Mỹ vào cơ chế COVAX với mục tiêu mang vắc xin đến cho càng nhiều người càng tốt. Ông vui mừng khi Việt Nam đã nhận được hơn 810.000 liều vắc xin đầu tiên qua cơ chế COVAX.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đồng tình quan điểm hỗ trợ vắc xin của COVAX và khẳng định sẽ triển khai tiêm vắc xin COVID-19 theo đúng tinh thần Nghị quyết 21/NQ-CP đảm bảo công bằng, hiệu quả.

Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn kêu gọi các doanh nghiệp, hãng dược phẩm, trang thiết bị y tế của châu Âu sẽ đầu tư, sản xuất tại Việt Nam bởi với dân số đứng thứ 15 thế giới, Việt Nam là thị trường rất tiềm năng để đầu tư.

Tiếp ngài Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J Kritenbrink, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bày tỏ lời cảm ơn Chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ đã có nhiều hỗ trợ cho Chính phủ và nhân dân Việt Nam nói chung và lĩnh vực y tế nói riêng.

Trong đại dịch COVID-19, hai nước đã hợp tác chặt chẽ trong trao đổi, chia sẻ. Bộ trưởng trân trọng cảm ơn chính phủ Hoa Kỳ đã gửi 100 máy thở giúp Việt Nam trong thời điểm hết sức khó khăn.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, việc chính phủ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Astralia có thể hỗ trợ 1 tỷ liều vắc xin cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương là tin vui đối với các nước trong khu vực này, trong đó có Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng chúc mừng Hoa Kỳ đã có những công ty sản xuất thành công vắc xin COVID-19 như Moderna, Pfizer, Johnson & Johnson… và tổ chức chiến dịch tiêm chủng thành công nhất trên thế giới khi trong thời gian ngắn đã tiêm hơn 220 triệu liều cho người.

Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị Hoa Kỳ hỗ trợ trực tiếp cho người dân Việt Nam các loại vắc xin của Hoa Kỳ; đồng thời tạo điều kiện cho Việt Nam có thể tiếp cận nguồn vắc xin sản xuất của Hoa Kỳ như Moderna, Pfizer, Johnson & Johnson.

Đánh giá công tác tiêm chủng vắc xin COVID-19 ở Hoa Kỳ là bài học quý báu với nhiều nước trên thế giới, Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ mong muốn Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính cho Việt Nam để có thể tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin thành công.

Ngài Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink trân trọng cảm ơn sự hợp tác chặt chẽ của Bộ Y tế Việt Nam trong nhiều năm gần đây với Hoa Kỳ. Theo ông, hợp tác y tế giữa hai nước là bộ phận tích cực, quan trọng trong mối quan hệ song phương. Đồng thời, ngài Đại sứ bày tỏ cảm ơn Việt Nam trong thời điểm khó khăn đã gửi tặng thiết bị bảo hộ y tế, giúp cứu sống nhiều người dân Hoa Kỳ.

Về những đề xuất của phía Bộ Y tế Việt Nam, hai bên thống nhất sẽ thiết lập nhóm công tác tạm thời trong tiếp cận và hỗ trợ vắc xin COVID-19.

Tại cuộc tiếp và làm việc với ngài Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết các công ty ở Nhật Bản cũng đang phát triển các vắc xin với những tín hiệu khả quan, cùng với nguồn cung vắc xin ở Nhật Bản dồi dào, Bộ trưởng đề nghị Nhật Bản hỗ trợ, chia sẻ nguồn vắc xin với Chính phủ và người dân Việt Nam;

Đồng thời phối hợp, hợp tác với các cơ quan, đơn vị có khả năng sản xuất vắc xin ở Việt Nam để trao đổi, chia sẻ, hợp tác chuyển giao công nghệ để sản xuất và thử nghiệm vắc xin ở Việt Nam.

Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn phía Nhật Bản có hỗ trợ giúp hệ thống dây chuyền tiêm chủng mở rộng thời gian tới để giúp Việt Nam có đủ khả năng cung cấp vắc xin cho người dân. Đây là hoạt động lớn, đòi hỏi sự đầu tư, năng lực cho cả hệ thống y tế để đáp ứng yêu cầu này.

Tại cuộc tiếp và làm việc, ngài Đại sứ Yamada Takio cho hay: Hiện Chính phủ Nhật Bản và Chính phủ Việt Nam đã có những hỗ trợ trong phòng chống COVID-19.

Ngài Yamada thông tin, tại cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với Thủ tướng Suga Yoshihide hôm 22/3, phía Nhật Bản sẽ hỗ trợ cho Việt Nam khoản trị giá 220 triệu Yen.

Đại sứ cho biết Nhật Bản sẽ nghiên cứu các khả năng hợp tác với Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bày tỏ lời cảm ơn đối với khoản hỗ trợ trị giá 220 triệu Yen của Nhật Bản, hỗ trợ trang thiết bị cho các cơ sở điều trị COVID-19 và một số cơ sở y tế khó khăn. Bộ trưởng cho biết các cơ sở hiện rất mong muốn sớm có trang thiết bị này.

Đại diện các tổ chức quốc tế và các ngài Đại sứ đều gửi lời chúc mừng Việt Nam đã kiểm soát thành công dịch COVID-19 thời gian qua. Đại sứ Hoa Kỳ Daniel J. Kritenbrink khẳng định: “Việt Nam là nước chống dịch COVID-19 hiệu quả nhất thế giới”.

(suckhoedoisong.vn)

Nga đăng ký thuốc điều trị COVID-19 dựa trên huyết tương bệnh nhân

“COVID-Globulin” đã trở thành thuốc trị COVID-19 được đăng ký đầu tiên trên thế giới, do công ty cổ phần Natsimbio trực thuộc Tập đoàn Rostec điều chế dựa trên huyết tương của người dân mắc bệnh.

Ngày 1/4, Bộ Y tế Nga đã cho phép lưu hành loại thuốc điều trị virus SARS-CoV-2 dựa trên huyết tương bệnh nhân COVID-19.

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Bộ Y tế Nga đã phê duyệt việc sử dụng globulin miễn dịch đặc biệt để điều trị bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2.

Như vậy, thuốc “COVID-Globulin” đã trở thành thuốc trị COVID-19 được đăng ký đầu tiên trên thế giới. Loại thuốc này do công ty cổ phần Natsimbio trực thuộc Tập đoàn Rostec điều chế dựa trên huyết tương của người dân mắc bệnh. Để tạo ra chế phẩm này, cần 2,5 tấn vật liệu sinh học.

Trong quá trình nghiên cứu, thuốc chứng tỏ an toàn, không có tác dụng phụ và có khả năng vô hiệu hóa virus SARS-CoV-2. Thuốc sẽ được sử dụng để điều trị các bệnh nhân COVID-19 thể vừa đến nặng sau khi hoàn thành giai đoạn thử nghiệm lâm sàng II và III dự kiến mất khoảng 6 tháng.

Giám đốc điều hành Rostec Sergei Chemezov nhấn mạnh, loại thuốc mới được cấp phép không dùng để phòng ngừa mà để điều trị COVID-19. Theo ông Chemezov, loại thuốc mới sẽ tăng đáng kể năng lực của các bác sỹ trong cuộc chiến chống COVID-19.

Giấy chứng nhận đăng ký cho phép sử dụng “COVID-globulin” ở bệnh nhân từ 18 đến 60 tuổi. Hiện loại thuốc này sẽ chỉ được sử dụng trong khuôn khổ nghiên cứu tại các bệnh viện thủ đô Moskva để điều trị cho bệnh nhân vừa và nặng.

Từ tháng 4/2020, thủ đô Moskva đã áp dụng phương pháp truyền huyết tương miễn dịch cho bệnh nhân mắc COVID-19. Tính đến ngày 11/3 vừa qua, trên địa bàn thủ đô đã có hơn 10.000 bệnh nhân được truyền huyết tương có kháng thể.

Cùng ngày 1/4, Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho biết vaccine EpiVacCorona do Trung tâm Vector ở Novosibirsk phát triển đã sẵn sàng để tiêm chủng cho người dân và sẽ được cung cấp cho các cơ sở y tế trong tuần này.

Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Rossiya 24, ông Murashko cho biết các cơ sở y tế sẽ bắt đầu tiếp nhận vaccine EpiVacCorona trong tuần này để sử dụng song song với vaccine Sputnik V đang được lưu hành hiện nay.

Ngày 30/3 vừa qua, khoảng 200.000 liều vaccine EpiVacCorona đã được đưa vào lưu hành dân sự.

Theo Cục Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và sức khỏe con người (Rospotrebnadzor), con số này sẽ tăng lên 1,5 triệu liều trong tháng 4, lên 3 triệu vào tháng 5 và 5 triệu liều mỗi tháng vào giữa năm./.

(vietnamplus.vn)

Kiện toàn bộ máy làm công tác dân số và cơ cấu tổ chức Hội đồng Y khoa quốc gia

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Ðề án Nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức bộ máy, mạng lưới và cơ chế phối hợp liên ngành làm công tác dân số và phát triển các cấp.

Mục tiêu của đề án nhằm kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng mạng lưới cộng tác viên dân số, cơ chế phối hợp liên ngành làm công tác dân số và phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính để giải quyết đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo đảm sự phát triển nhanh và bền vững. Ðề án phấn đấu giai đoạn 2021 – 2025 giữ ổn định mô hình tổ chức bộ máy làm công tác dân số và phát triển các cấp; đồng thời, tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính.

* Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Y khoa quốc gia. Theo đó, về cơ cấu tổ chức, Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Y tế kiêm nhiệm; ủy viên hội đồng có từ 27 đến 29 thành viên do Bộ trưởng Y tế bổ nhiệm, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Thành viên hội đồng được bổ nhiệm theo nhiệm kỳ 5 năm và có thể được bổ nhiệm lại. Hội đồng Y khoa quốc gia hoạt động theo nguyên tắc tập thể, dân chủ, độc lập, công khai, minh bạch khi thực hiện các nhiệm vụ…

(nhandan.com.vn)

4.8/5 - (5 bình chọn)

Bình luận

Thông tin y tế trên các báo ngày 2/4/2021

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hỗ trợ
Bạn cần tư vấn?

Tin mới

TOP 10 thuốc đặt âm đạo trị nấm phổ biến nhất hiện nay [ĐỪNG BỎ QUA]

Thuốc đặt âm đạo Polygynax có tốt không? Nên dùng cho đối tượng nào?

Viêm cổ tử cung sau sinh: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách chữa trị [ĐỌC NGAY]

Viêm cổ tử cung khi mang thai và cách chữa trị hiệu quả [TÌM HIỂU NGAY]

Điều trị viêm cổ tử cung bằng các phương pháp tốt nhất hiện nay [ĐỪNG BỎ QUA]

Chữa viêm lộ tuyến cổ tử cung ở đâu tốt? TOP 8 địa chỉ uy tín [THAM KHẢO NGAY]

Bà bầu bị viêm lộ tuyến cổ tử cung nguy hiểm không? Chuyên gia tư vấn cách điều trị hiệu quả

Thuốc trị viêm lộ tuyến cổ tử cung cực kỳ an toàn, hiệu quả [TÌM HIỂU NGAY]

TOP 12 cách CHỮA VIÊM LỘ TUYẾN TẠI NHÀ cực hiệu quả [ĐỪNG BỎ QUA]

Khám viêm cổ tử cung ở đâu tốt? TOP 10 địa chỉ uy tín toàn quốc [XEM CHI TIẾT]

Ẩn