Thông tin y tế trên các báo ngày 26/5/2021

Dưới đây là tổng hợp một số tin tức y tế đáng chú ý nhất ngày 26/5, mời quý đọc giả đón đọc:

Hà Nội: Thêm 8 ca dương tính liên quan đến chung cư Times City và Công ty T&T

Sáng 26-5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội công bố thêm 8 ca dương tính mới thuộc chùm ca bệnh liên quan đến khu chung cư Times City và Công ty T&T.

1. N.Đ.T, nam, sinh năm 2000; địa chỉ ở phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng. Bệnh nhân là F1 của bệnh nhân 5.410.

2. L.Q.V, nam, sinh năm 1979; địa chỉ ở khu đô thị Việt Hưng, phường Việt Hưng, quận Long Biên. Bệnh nhân là F1 của bệnh nhân 5.601.

3. Đ.V.A, nữ, sinh năm 1984; địa chỉ ở phường Tương Mai, quận Hoàng Mai.

4. T.B.Tr, nữ, sinh năm 2011; địa chỉ ở phường Tương Mai, quận Hoàng Mai. Bệnh nhân là con của bệnh nhân 5.934.

5. T.Đ.Kh, nam, sinh năm 2015; địa chỉ ở phường Tương Mai, quận Hoàng Mai. Bệnh nhân là con của bệnh nhân 5.934.

6. V.T.Đ, nam, sinh năm 2007; địa chỉ ở phường Tương Mai, quận Hoàng Mai. Bệnh nhân là cháu của bệnh nhân 5.934.

7. Đ.T.T.V, nữ, sinh năm 1978; địa chỉ ở phường Giang Biên, quận Long Biên. Bệnh nhân làm việc tại tầng 5 tòa nhà T&T.

8. N.T.T.T, nữ, sinh năm 1963; địa chỉ ở phường Yên Sở, quận Hoàng Mai. Bệnh nhân là F1 (mẹ) của bệnh nhân 5.408.

Tính đến thời điểm này, chùm ca bệnh tại khu chung cư Times City và Công ty T&T đã có 37 bệnh nhân.

Như vậy, tính từ ngày 29-4 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 148 ca Covid-19 tại 20 quận, huyện: Thanh Xuân, Thường Tín, Gia Lâm, Hoàng Mai, Đông Anh, Hà Đông, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Đống Đa, Ba Đình, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Long Biên, Thanh Trì, Nam Từ Liêm, Thanh Oai, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đan Phượng và Thạch Thất. Trong đó, những quận, huyện có số mắc cao là: Thanh Xuân (25 ca), Thường Tín (20 ca), Hoàng Mai (17 ca), Gia Lâm (14 ca), Đông Anh (10 ca), Hà Đông (9 ca), Phúc Thọ (8 ca)…

(hanoimoi.com.vn)

20% bệnh nhân Covid-19 có thể nhanh chóng trở nặng

Cục trưởng Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê đánh giá 80% bệnh nhân đợt dịch này ít triệu chứng, khoảng 20% có thể trở nặng và diễn biến nặng rất nhanh.

Ông Khuê sáng 26/5 cho biết gần 80% bệnh nhân ít triệu chứng, cơ thể ít biến đổi như sốt không cao, ít mệt mỏi, viêm phổi chưa biểu hiện. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân triệu chứng nhẹ như vậy song đã diễn biến nặng lên rất nhanh, gây khó khăn cho điều trị.

“Các chuyên gia vừa hội chẩn một bệnh nhân có nồng độ oxy trong máu ở mức 99% nhưng nhịp thở tăng lên, tình trạng khó thở cũng tăng nên phải chỉ định đặt oxy trợ giúp”, ông Khuê dẫn chứng.

Chỉ số nồng độ oxy trong máu giúp đánh giá mức độ suy hô hấp. Thông thường nồng độ oxy trong máu trên 95%, nếu 90-95% tức là oxy trong máu thấp một phần, thấp hơn nữa thì ở tình trạng suy hô hấp với mức độ tương ứng lượng oxy trong máu.

Cục trưởng Khuê nhấn mạnh, chiến lược điều trị trong giai đoạn hiện nay tập trung vào khoảng 20% bệnh nhân có thể diễn biến nặng. Trong số này, 10% có thể diễn biến từ biểu hiện ho, sốt, khó thở sang cấp cứu; 5% diễn biến chuyển thành nặng và 5% thành rất nặng.

Tuy vậy, ông Khuê cảnh báo bệnh nhân Covid-19 khỏe mạnh, không bệnh nền vẫn phải cảnh giác vì có thể nhanh chóng chuyển nặng. Khi ấy họ cần được đưa vào khu điều trị đảm bảo an toàn, tăng cường thể trạng và theo dõi sát.

Hiện tại, tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 nặng tại nước ta ít thay đổi so với các đợt dịch trước. Tuy nhiên, do số bệnh nhân đông nên số ca nặng cũng nhiều hơn. Trong đợt dịch này đã ghi nhận 9 ca tử vong, hầu hết đều mắc bệnh nền và cao tuổi như ca 94 tuổi, 81 tuổi. Duy nhất, một trường hợp nữ công nhân trẻ tuổi, là ca 4807, 38 tuổi, không rõ bệnh nền nhưng diễn biến viêm phổi nhanh và tử vong.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo điều trị bệnh nhân Covid-19

Theo Cục trưởng Khuê, rút kinh nghiệm từ trường hợp bệnh nhân trẻ, khỏe mạnh nhưng tử vong này, Bộ Y tế đang điều chỉnh phác đồ, xây dựng phần mềm có hỗ trợ trí tuệ nhân tạo nhằm phát hiện sớm người bệnh Covid-19 có nguy cơ cao, dễ diễn biến nặng trên cả nước.

Trên ứng dụng theo dõi này, các bệnh nhân diễn biến nặng sẽ xuất hiện cảnh báo đỏ, giúp các bác sĩ điều trị trực tiếp và chuyên gia đầu ngành dễ dàng theo dõi, đánh giá, sớm đưa ra các chỉ định can thiệp. Ngoài ra, ứng dụng còn hỗ trợ sàng lọc các F1 nguy cơ cao có khả năng tiến triển thành F0.

Với nguyên tắc 4 tại chỗ, hệ thống này khi được kết nối với tất cả cơ sở điều trị sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các y, bác sĩ, theo kỳ vọng của Bộ Y tế.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đang chuẩn bị phần mềm theo tiêu chí quốc tế, cập nhật từ các nước trên thế giới, gồm 5-10 tiêu chí để bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh nhân. Ví dụ như khi nhịp thở bệnh nhân tăng 22 lần thì đội ngũ y tế điều trị phải cảnh giác ngay. Ứng dụng này cũng thể hiện các chỉ số về nồng độ oxy trên máu, một số chỉ số lâm sàng khác… giúp bác sĩ theo dõi tình trạng bệnh nhân.

“Có thể bệnh nhân hiện tại vẫn thấy khỏe nhưng các chỉ số sinh tồn này sẽ cảnh báo cho bác sĩ biết diễn biến tiếp theo để chuyển trạng thái theo dõi và điều trị bệnh nhân, ví dụ chuẩn bị sẵn các thiết bị như oxy, máy thở, phương tiện cấp cứu hoặc chuyển tuyến…”, ông Khuê giải thích.

Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh đánh giá “Việt Nam vẫn đang làm chủ được tình hình”. Dù vậy, do số lượng bệnh nhân tại các khu công nghiệp đông, đội ngũ y tế điều trị cần cảnh giác, tập trung trí tuệ và các biện pháp, cố gắng giảm tỷ lệ tử vong xuống mức thấp nhất.

Tính đến sáng nay, hơn 2.500 bệnh nhân Covid-19 đang được điều trị tại 84 cơ sở y tế trên cả nước. Trong đó, 81 người tiên lượng rất nặng, một người nguy cơ tử vong.

(vnexpress.net)

Thêm 288.000 liều vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca về Việt Nam

Lô vắc xin phòng COVID-19 AstraZeneca thứ tư với số lượng 288.000 liều đã về đến sân bay Tân Sơn Nhất đêm khuya ngày 25/5. Hiện đang được bảo quản lạnh và sẽ thông quan vào sáng nay- 26/5.
288.000 liêu vắc xin này hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất lúc 22h ngày 25/5. Đây là lô vắc xin thứ 2 do Bộ Y tế đặt mua thông qua VNVC và lô vắc xin AstraZeneca thứ tư về tới Việt Nam.

Như vậy, đến nay đã có 4 lô vắc xin AstraZeneca về tới Việt Nam với tổng gần 2,9 triệu liều. Lô đầu tiên gồm 117.600 liều về ngày 24/2, lô thứ 2 của Covax về ngày 1/4 với 811.200 liều, lô thứ 3 của Covax về ngày 16/5 với 1,682 triệu liều và lô mới nhất 288.000 liều.

Việt Nam chính thức triển khai tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 từ ngày 8/3. Tính đến 16 giờ ngày 25/5/2021, tổng cộng đã thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh/TP với 1.034.072 liều cho các đối tượng là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 là 28.503 người.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã nỗ lực tìm kiếm, đàm phán với các tập đoàn, công ty để sớm tiếp cận được các nguồn vắc xin. Đến nay, Bộ Y tế đã đàm phán thành công với AstraZeneca, với Pfizer/BioNTech, với COVAX Facility – một cơ chế chia sẻ vắc xin cho toàn cầu. Ngoài ra, Bộ Y tế đã đăng ký với COVAX để mua thêm vắc xin phòng COVID-19 theo cơ chế cùng chia sẻ chi phí.

Như vậy, cho đến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có khoảng 110 triệu liều vắc xin phòng COVID-19. Trong số này có 38,9 triệu liều vắc xin từ chương trình Covax, 30 triệu liều từ AstraZeneca thông qua Công ty VNVC, 31 triệu liều từ Pfizer/BioNTech.

Tuy nhiên nhiệm vụ của Bộ Y tế từ nay đến cuối năm là làm sao có đủ 150 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 để tiêm chủng cho 75% dân số Việt Nam theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Chính phủ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, một trong những chủ trương căn bản, chiến lược của chúng ta để phòng chống dịch COVID-19, để đưa cuộc sống trở lại bình thường là làm sao để mọi người dân đều được tiếp cận vắc xin phòng COVID-19.

Quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị là huy động mọi nguồn lực trong xã hội làm thế nào để Việt Nam có thể tiếp cận vắc xin phòng COVID-19 nhanh nhất và đảm bảo tiếp cận rộng nhất để người dân được tiêm vắc xin, nhằm kiểm soát dịch bệnh và đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Để thực hiện những chiến lược tiếp cận vắc xin phòng COVID-19 nhanh nhất, rộng nhất, yếu tố rất quan trọng là cần nguồn tài chính đảm bảo, do đó việc huy động sự đóng góp, ủng hộ của các tập đoàn, doanh nghiệp tham gia đồng hành cùng góp tài chính cho Quỹ vắc xin là rất cần thiết.

(suckhoedoisong.vn)

19.000 người ở Bắc Giang được test nhanh nCoV

Công nhân và người dân tại các ổ dịch Covid-19 nóng nhất của Bắc Giang sẽ được lấy mẫu xét nghiệm kháng nguyên định kỳ 3 ngày một lần.

Sáng 26/5, Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế và 400 nhân viên y tế tại Bắc Giang đã triển khai test nhanh (xét nghiệm kháng nguyên) cho gần 19.000 công nhân và người dân tại 3 ổ dịch Covid-19 nóng nhất của huyện Việt Yên gồm Núi Hiểu, Trung Đồng, Tam Tầng.

Mục đích nhằm sàng lọc nhanh những người có nguy cơ cao và sớm tách họ ra khỏi cộng đồng.

Ngay từ sáng sớm, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã có mặt tại các điểm nóng để kiểm tra quá trình thực hiện. Công tác chuẩn bị cho phương án test nhanh cũng được ngành y tế, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang chuẩn bị đầy đủ từ rạng sáng. Sau khi phát phiếu điền thông tin cho người dân, lực lượng y tế hỗ trợ sẽ chia thành các nhóm nhỏ tới từng nhà để lấy mẫu.

Sinh viên Nguyễn Thị Ngọc Mai (khoa Xét nghiệm, Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương) nhận nhiệm vụ test nhanh tại thôn Núi Hiểu (xã Quang Châu, huyện Việt Yên, Bắc Giang). Cô cho biết ngay khi có ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Y tế, đêm 25/5, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Bắc Giang đã tập huấn việc lấy mẫu test nhanh rõ ràng, cụ thể.

Theo Giáo sư, tiến sĩ Lê Thị Quỳnh Mai, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Hà Nội), phương pháp test nhanh sẽ có kết quả sau 15 phút, độ chính xác lên tới 70-75%.

Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đánh giá test nhanh định kỳ 3 ngày một lần tại những điểm có nguy cơ cao rất quan trọng. Nó sẽ phát hiện và tách những trường hợp dương tính ra khỏi cộng đồng nhanh nhất có thể. Đây là quá trình tiêu diệt, làm sạch ổ dịch, cần kiên trì thực hiện mới mong sớm dập dịch.

Tại buổi giám sát, kiểm tra, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn động viên người dân bình tĩnh, tuân thủ nghiêm túc khuyến cáo của Bộ Y tế trong phòng, chống dịch. Ông đánh giá cao và cảm ơn sự nhiệt huyết, làm việc hết mình của lực lượng y tế hỗ trợ. Thứ trưởng mong người dân và đội ngũ thầy thuốc giữ gìn sức khỏe để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, hỗ trợ cùng Bắc Giang chiến thắng dịch bệnh.

Tính đến ngày 26/5, Bắc Giang ghi nhận 1.454 ca mắc Covid-19 chỉ sau gần 3 tuần bùng phát dịch bệnh. Địa phương đã cách ly y tế 157 thôn, tổ dân phố; 4 xã, phường, thị trấn; giãn cách xã hội 31 xã, phường, thị trấn và 18 thôn, tổ dân phố; cách ly xã hội 4 huyện; giãn cách xã hội TP Bắc Giang và huyện Yên Thế.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, số ca mắc tại Bắc Giang tăng cao do việc tổng lực tăng tốc xét nghiệm 3 ngày qua. Các trường hợp F0 đều đang lưu trú tại khu vực cách ly, phong tỏa, số ca chủ yếu vẫn tập trung tại huyện Việt Yên.

Dự báo những ngày tới, số F0 tiếp tục tăng nhưng không đột biến do đối tượng nguy cơ cao đã được xét nghiệm và có kết quả. Các ca bệnh phát hiện trong cộng đồng chủ yếu trong khu vực đã giãn cách xã hội.

(zingnews.vn)

4.8/5 - (9 bình chọn)

Bình luận

Thông tin y tế trên các báo ngày 26/5/2021

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hỗ trợ
Bạn cần tư vấn?

Tin mới

TOP 10 thuốc đặt âm đạo trị nấm phổ biến nhất hiện nay [ĐỪNG BỎ QUA]

Thuốc đặt âm đạo Polygynax có tốt không? Nên dùng cho đối tượng nào?

Viêm cổ tử cung sau sinh: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách chữa trị [ĐỌC NGAY]

Viêm cổ tử cung khi mang thai và cách chữa trị hiệu quả [TÌM HIỂU NGAY]

Điều trị viêm cổ tử cung bằng các phương pháp tốt nhất hiện nay [ĐỪNG BỎ QUA]

Chữa viêm lộ tuyến cổ tử cung ở đâu tốt? TOP 8 địa chỉ uy tín [THAM KHẢO NGAY]

Bà bầu bị viêm lộ tuyến cổ tử cung nguy hiểm không? Chuyên gia tư vấn cách điều trị hiệu quả

Thuốc trị viêm lộ tuyến cổ tử cung cực kỳ an toàn, hiệu quả [TÌM HIỂU NGAY]

TOP 12 cách CHỮA VIÊM LỘ TUYẾN TẠI NHÀ cực hiệu quả [ĐỪNG BỎ QUA]

Khám viêm cổ tử cung ở đâu tốt? TOP 10 địa chỉ uy tín toàn quốc [XEM CHI TIẾT]

Ẩn