Thông tin y tế trên các báo ngày 28/5/2021

Dưới đây là tổng hợp một số tin tức y tế đáng chú ý nhất ngày 28/5, mời quý đọc giả đón đọc:

Hà Nội thêm 3 ca dương tính mới, trong đó, 2 ca thuộc chùm Times City và Công ty T&T

Trưa 28/5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã thông tin ghi nhận 3 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó, có 2 trường hợp thuộc chùm Times City và Công ty T&T, 1 trường hợp thuộc chùm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Tất cả những trường hợp mắc bệnh đều đã được cách ly từ trước đó.

Trường hợp 1: Bệnh nhân L.K.N., nữ, sinh năm 2010, địa chỉ: P1206 GH6 khu đô thị Việt Hưng, phường Việt Hưng, quận Long Biên, là người tiếp xúc gần (con) của BN5601 (bệnh nhân N.T.H., sinh năm 1979, làm việc tại tầng 5 tòa nhà T&T dương tính với SARS-CoV-2 ngày 25/5). Bệnh nhân L.K.N. được cách ly tập trung ở Trường Cao đẳng Đường sắt, quận Long Biên ngày 24/5.

Ngày 27/5, bệnh nhân có triệu chứng sốt được lấy mẫu và gửi về Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, kết quả dương tính với SARS-CoV-2 (do Bệnh viện Đa khoa Đức Giang thực hiện).

Trường hợp 2: Bệnh nhân Đ.T.T., nữ, sinh năm 2009, địa chỉ: P203 chung cư Đầm Nấm, tổ 3, phường Thượng Thanh, quận Long Biên, là người tiếp xúc gần (con) của BN5319 (bệnh nhân N.T.N.H., sinh năm 1975 làm việc tại tầng 5 tòa nhà T&T và là F1 của BN5243). Bệnh nhân Đ.T.T. đã được cách ly tập trung ở Trường Cao đẳng Đường sắt, quận Long Biên, lấy mẫu xét nghiệm lần 2 ngày 27/5 có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 (do CDC Hà Nội thực hiện).

Trường hợp 3: Bệnh nhân liên quan đến chùm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là N.X.T., nam, sinh năm 1950, địa chỉ tại xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn. Ngày 6/5, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả âm tính và chuyển cách ly tập trung tại Trường Quân sự Sơn Tây. Ngày 27/5, bệnh nhân có sốt 37,5 độ C, được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Tính từ ngày 29/4 đến nay, Hà Nội ghi nhận 159 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 liên quan cộng đồng. Trong đó, chùm ca bệnh tại Times City và Công ty T&T (42 ca), chùm Đà Nẵng (46 ca), chùm Bắc Ninh (19 ca), chùm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung (19 ca), chùm Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (14 ca), chùm Hưng Yên (8 ca), chùm Hải Dương (1 ca) và chùm khác (10 ca).

(kinhtedothi.vn)

Nữ bệnh nhân 22 tuổi ở Việt Trì tử vong do Covid-19, có bệnh máu ác tính

Một bệnh nhân nữ dương tính với SARS-CoV-2 và có bệnh máu ác tính đã trở thành ca tử vong thứ 47 liên quan đến Covid-19 tại Việt Nam.

Trưa nay, 28-5, Tiểu ban điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 thông báo ca tử vong số 47: BN3026, nữ 22 tuổi, có địa chỉ tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Bệnh nhân được phát hiện suy tủy xương từ tháng 3/2021, được điều trị tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương.

Ngày 21/4, bệnh nhân được cấy máu nhiễm vi khuẩn E.Coli, nấm C. Tropicalis điều trị bằng kháng sinh phối hợp nhưng không đỡ, bệnh nhân còn sốt liên tục.

Ngày 29/4, bệnh nhân được chuyển bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung. Chẩn đoán khi vào viện: Nhiễm nấm huyết trên bệnh nhân suy tuỷ xương (giảm 3 dòng).

Ngày 05/5, bệnh nhân được xét nghiệm SARS- CoV- 2 và cho kết quả dương tính. Bệnh nhân được điều trị tích cực bằng kháng sinh, kháng nấm phối hợp theo kháng sinh đồ, thở máy, truyền các chế phẩm máu, nuôi dưỡng tĩnh mạch.

Tuy nhiên, bệnh nhân đáp ứng kém với điều trị, kiệt 3 dòng tế bào máu, tình trạng bệnh tiến triển xấu dần. Bệnh nhân rơi vào tình trạng sốc nhiễm trùng và tử vong lúc 21 giờ 48 phút ngày 27/5/2021.

Chẩn đoán tử vong: Sốc nhiễm khuẩn, nhiễm nấm huyết trên bệnh nhân suy tủy xương, nhiễm SARS-CoV-2.

(anninhthudo.vn)

Bệnh viện dã chiến Bắc Giang nhận 500 bệnh nhân Covid-19

Đêm 27/5, Bệnh viện Dã chiến số 2 tiếp nhận hơn 500 ca Covid-19 chuyển tới từ Bệnh viện tâm thần và huyện Việt Yên.

Đây không phải là những ca nhiễm mới mà đã được ghi nhận trong những ngày qua. Ngay trong đêm, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh, đã trực tiếp kiểm tra công tác tiếp nhận.

“Việc chuyển hơn 200 F0 từ Bệnh viện tâm thần Bắc Giang sang Bệnh viện Dã chiến số 2 nhằm giải phóng để lấy cơ sở thành lập thêm trung tâm điều trị hồi sức tích cực (ICU). Ngoài ra, 300 F0 từ Việt Yên cũng được chuyển sang nhằm giảm tải cho địa phương đang được xem là tâm dịch”, ông Khoa nói.

Bệnh viện Dã chiến số 2 đặt tại Nhà thi đấu thể thao tỉnh Bắc Giang. Cơ sở này có chức năng cách ly, chăm sóc, điều trị và cấp cứu bệnh nhân Covid-19. Các phòng bệnh nhân tại đây được bố trí bằng vách ngăn, theo nguyên tắc một chiều, tách biệt, phòng chống lây nhiễm chéo.

Cơ sở này có quy mô 620 giường với sự phục vụ của 500 cán bộ nhân viên y tế. Tất cả đều được điều chuyển từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, Trung tâm y tế các huyện và phòng khám tư nhân trên địa bàn. Cùng với đó là 165 cán bộ y tế công tác của Bệnh viện 198 và Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an tăng cường hỗ trợ.

Chiều cùng ngày, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn chọn trường Cao đẳng Ngô Gia Tự của Bắc Giang làm khu tiếp nhận, theo dõi cách ly y tế người nhiễm nCoV không có triệu chứng. Dự kiến sẽ hoàn thiện khu này vào ngày 29/5.

Thứ trưởng nhận định Bệnh viện dã chiến số 2 đặt tại Nhà thi đấu tỉnh Bắc Giang đi vào hoạt động song khó đảm bảo đủ chỗ cho các bệnh nhân. Vì thế, yêu cầu cần phải có thêm một bệnh viện dã chiến để luôn sẵn sàng đón nhận số ca bệnh mới.

Qua khảo sát, đoàn công tác đánh giá trường Cao đẳng Ngô Gia Tự với khuôn viên rộng, nhiều cây xanh, với 2 dãy nhà 3 tầng có thể bố trí đến 600 giường bệnh cùng đầy đủ chỗ ăn ở cho 100 y bác sĩ khi chăm sóc, theo dõi bệnh nhân.

Thứ trưởng giao cho ông Nguyễn Trọng Khoa phối hợp với huyện Việt Yên triển khai hoàn thiện nhanh địa điểm này trong 2 ngày. Theo đó, khu này cần dọn vệ sinh sạch sẽ, bổ sung xe Xquang để theo dõi định kỳ, camera tại các phòng và hành lang, chuông báo theo dõi…

(vnexpress.net)

Bộ Y tế ra hướng dẫn khẩn chặn dịch Covid-19 ở các khu công nghiệp

Bộ Y tế ban hành hướng dẫn khẩn gửi 63 tỉnh, thành phố triển khai các biện pháp cách ly, xét nghiệm trong khu công nghiệp, nhà máy.

Trưa 28/5, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký công văn khẩn gửi các bộ ngành, cơ quan trực thuộc Chính phủ và UBND 63 tỉnh, thành phố về việc triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tại các khu công nghiệp.

Bộ Y tế yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm các hướng dẫn, văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và của Bộ Y tế.

Các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp phải thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại nơi làm việc và ký túc xá. Căn cứ kết quả kiểm tra, đánh giá sẽ quyết định cơ sở, dây chuyền nào được phép hoạt động lại hay buộc phản dừng sản xuất cho đến khi đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Sau đánh giá, cập nhật kết quả lên bản đồ an toàn phòng chống dịch.

Bộ Y tế cũng yêu cầu tất cả cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp phải tổ chức xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên SARS-COV-2 hàng tuần cho người lao động thêm gia cung cấp các dịch vụ như ăn uống, khách sạn, lưu trú, vận chuyển…

Riêng lực lượng công nhân, địa phương và doanh nghiệp phải đảm bảo xét nghiệm ngẫu nhiên định kỳ cho 20% số lao động trong khu vực nguy cơ cao.

Tất cả người lao động đều phải hai báo y tế bắt buộc, quản lý chặt người lao động đến, đi từ hu vực có dịch hoặc tham gia sự kiện tập trung đông người nguy cơ cao.

Các phương tiện vận chuyển người lao động phải đảm bảo giãn cách, sử dụng dưới 50% công suất vận chuyển, mở cửa số, khử khuẩn thường xuyên, hạn chế dùng điều hoà…

Trường hợp có ca mắc trong khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, trước khi đưa F1 đi cách ly phải phân nhóm theo từng dây chuyền, phân xưởng. Những nhóm có cùng nguy cơ bổ tri cách ly y tế trong cùng phân khu, để tránh lây chéo.

2 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang thí điểm áp dụng cách ly F1 ngay tại khu phong toả nơi công nhân thuê trọ, sinh sống khi số lượng F1 vượt quá khả năng cách ly tập trung của địa phương.

Các khu vực này phải lắp camera giám sát, yêu cầu không ra khỏi nơi lưu trú; xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ, để lây nhiễm chéo trong khu vực phong tỏa và lây lan rộng ra cộng đồng.

Hiện tại Bắc Giang và Bắc Ninh là 2 tâm dịch nóng nhất cả nước khi hầu hết các ca bệnh đều xuất hiện trong khu công nghiệp. Hiện tại, Bắc Giang đã ghi nhận tổng cộng 1701 ca, Bắc Ninh đứng thứ 2 với 689 ca.

(vietnamnet.vn)

Bộ Y tế tiếp nhận hỗ trợ 185 tỷ đồng ủng hộ Quỹ vắc xin phòng COVID-19

Sáng 28/5, tại Bộ Y tế, GS.TS. Nguyễn Thanh Long – Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng – Bộ trưởng Bộ Y tế đã thay mặt Bộ Y tế tiếp nhận 185 tỷ đồng ủng hộ từ các tổ chức, doanh nghiệp cho Quỹ vắc xin phòng COVID-19.

Phát biểu tại Lễ tiếp nhận, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh đợt dịch thứ 4 ở Việt Nam từ cuối tháng 4 đến nay đang diễn biến phức tạp, khó lường, thời gian kéo dài hơn so với các đợt dịch trước.

Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đang cùng các địa phương, đặc biệt là hai địa bàn Bắc Ninh, Bắc Giang triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống, huy động tổng lực ngành Y tế, với sự hỗ trợ của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương để trong thời gian ngắn nhất kiểm soát được. “Kiểm soát được tình hình dịch ở Bắc Giang và Bắc Ninh có nghĩa là cơ bản sẽ khống chế, kiểm soát được dịch ở Việt Nam” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Gửi lời trân trọng cảm ơn tới sự đóng góp quý báu của các doanh nghiệp, tổ chức trong thời gian qua cho ngành Y tế và công cuộc phòng chống dịch ở Việt Nam, GS.TS Nguyễn Thanh Long khẳng định một trong những bài học thành công của Việt Nam trong 3 đợt dịch vừa qua là huy động và phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, sự nỗ lực, tham gia của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp đều tham gia vào cuộc chiến chống COVID-19.

Chính nhờ điều này, Bộ trưởng tin rằng dù khó khăn, gian khổ nhưng với sự đoàn kết, nỗ lực, Việt Nam sẽ sớm chiến thắng trong đợt dịch thứ 4. Bộ Y tế đã thành lập hai Bộ phận thường trực đặc biệt tại hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, với những chuyên gia có bề dày kinh nghiệm, đã kinh qua tất cả các đợt dịch trước ở Vĩnh Phúc, Bình Thuận, Đà Nẵng, Hải Dương… và huy động nguồn nhân lực y tế lớn nhất chưa từng có về hai tỉnh này.

Theo Bộ trưởng, hiện nay, vắc xin phòng COVID-19 được xem là giải pháp hiệu quả, là trọng tâm ưu tiên trong công tác phòng, chống dịch. Mục tiêu của chúng ta là tiếp cận sớm, tăng độ bao phủ vắc xin, đạt được miễn dịch cộng đồng phòng, chống dịch COVID-19, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, phát triển kinh tế xã hội.

Ngay từ tháng 5/2020, Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan đã tích cực đàm phán, tiếp cận tất cả các nguồn vắc xin phòng COVID-19. Đặc biệt, Việt Nam đã rất nỗ lực, là 1 trong những quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á ký hợp đồng mua vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca.

Việt Nam cũng là 1 trong 92 quốc gia được COVAX facility hỗ trợ tới 38,9 triệu liều vắc xin. Vừa qua, Bộ Y tế cũng đàm phán, ký thỏa thuận với Pfrizer để mua 30 triệu liều vắc xin.

Ngoài ra, Bộ Y tế đã đăng ký với COVAX để mua thêm khoảng 10 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 theo cơ chế cùng chia sẻ chi phí và tiếp tục đàm phán mua thêm 20 triệu liều vắc xin Pfizer. Đến nay, số liều vắc xin đã có thông qua đàm phán là 110 triệu liều, dự kiến sẽ được cung ứng cho Việt Nam trong năm 2021. Bộ Y tế vẫn đang tích cực đàm phán để đảm bảo mua đủ 150 triệu liều vắc xin phục vụ nhu cầu tiêm chủng của người dân Việt Nam.

Song song với việc tích cực tiếp cận nguồn vắc xin trên thế giới, Việt Nam cũng đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước. Việt Nam là một trong 4 quốc gia đầu tiên trên thế giới phân lập được virus SARS-CoV-2, mở đường có khả năng nghiên cứu, sản xuất vắc xin. Chúng ta cũng có kế hoạch mua bản quyền vắc xin, tiếp cận chuyển giao vắc xin, hợp tác trong nghiên cứu, liên doanh liên kết các đơn vị sản xuất vắc xin trên thế giới để làm sao có vắc xin sớm nhất và tự chủ vắc xin sử dụng trong nước.

Đảm bảo nguồn tài chính vững bền cho tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 là rất quan trọng. Chính phủ Việt Nam đã có quyết định thành lập Quỹ vắc xin phòng COVID-19 Việt Nam để huy động các nguồn lực cho việc mua và sản xuất vắc xin, đảm bảo an ninh vắc xin của Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Y tế hoan nghênh các tập đoàn, cá nhân, người dân đã ửng hộ, tham gia vào chương trình này.

Ngày 27/5, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát động kêu gọi tất cả người dân, doanh nghiệp đóng góp vào Quỹ vắc xin phòng COVID-19 Việt Nam. Quỹ sẽ do Bộ Tài chính quản lý, Bộ Y tế chịu trách nhiệm chuyên môn, mua và sử dụng vắc xin.

Tại lễ tiếp nhận, đại diện các doanh nghiệp, tập đoàn gửi lời cảm ơn, trân trọng những nỗ lực của các ban, ngành, cơ quan, đặc biệt là Bộ Y tế và cán bộ y tế trên cả nước đã không ngừng nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn để kiểm soát tốt dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, giúp các doanh nghiệp có thể duy trì phát triển sản xuất.

Chia sẻ với những khó khăn trong công tác phòng chống dịch COVID-19, các doanh nghiệp, tập đoàn cam kết sẽ đồng hành với ngành Y tế với niềm tin sẽ sớm đẩy lùi dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Tại buổi lễ, 8 đơn vị, doanh nghiệp trao tặng 185 tỷ đồng cho Quỹ vắc xin phòng COVID-19 Việt Nam, bao gồm: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tài trợ 50 tỷ đồng; Công ty Cổ phần thiết bị Điện Việt Nam tài trợ 30 tỷ đồng; Tập đoàn BIM Group tài trợ 30 tỷ đồng; Công ty Cổ phần VNG tài trợ 20 tỷ đồng; Ngân hàng Hàng hải tài trợ 20 tỷ đồng; Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tài trợ 30 tỷ đồng; Tập đoàn KOSY tài trợ 3 tỷ; Công ty cổ phần Dược Hậu Giang tài trợ 2 tỷ đồng.

(suckhoedoisong.vn)

Chết vì bệnh phổi mãn tính trở nặng nhưng không dám đi viện vì ‘sợ COVID-19’

Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết bệnh nhân chết vì đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD). Bệnh nặng lên đã 1 tuần nay nhưng ngại không đi khám vì ‘sợ COVID-19’.

Sáng 28-5, thông tin với Tuổi Trẻ Online, PGS.TS Hoàng Bùi Hải – trưởng khoa cấp cứu và hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội – cho biết tại bệnh viện vừa có một bệnh nhân chết do đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).

Đáng nói, bệnh tình của bệnh nhân nặng lên đã 1 tuần nay nhưng ngại không đi khám vì “sợ COVID-19”.

“Bệnh nhân nam ở Thanh Xuân, Hà Nội, 85 tuổi, có tiền sử bệnh phổi mãn tính tâm phế mạn, vẫn đang điều trị tại nhà bình thường. 10 ngày gần đây khó thở, lẽ ra phải đi khám, nhưng do dịch COVID-19 nên e ngại, không tới bệnh viện”, PGS.TS Hải cho biết.

Khoảng 10h ngày 26-5, bệnh nhân khó thở hơn, sau đó gọi 115 đến đưa đi cấp cứu nhưng đã thở ngáp, nguy kịch.

“Lúc lên xe cấp cứu, mạch bệnh nhân rời rạc, các bác sĩ phải cấp cứu ngừng tuần hoàn ngay trên xe. Từ lúc tiếp cận đến lúc vào viện khoảng 20 phút nhưng lúc tới viện đã ngừng tuần hoàn. Các bác sĩ nỗ lực cấp cứu hơn 15 phút thì tuần hoàn tái lập. Sau đó bệnh nhân được hồi sức tích cực. Tuy nhiên đến ngày 27-5, bị suy đa tạng và không qua khỏi”, ông Hải nói thêm.

Theo PGS.TS Hoàng Bùi Hải, tình hình dịch COVID-19 phức tạp rất nguy hiểm với những người có bệnh nền. Tuy nhiên các trường hợp có bệnh nền cần giữ liên hệ với bác sĩ qua các kênh khác nhau để tiếp tục được dùng thuốc và theo dõi tình trạng bệnh, không nên tự xử lý ở nhà.

“Nếu bệnh nhân có bệnh nền như trên có các biểu hiện bất thường như khó thở tăng, mệt mỏi, đau ngực, vã mồ hôi, không tỉnh táo buộc phải báo người nhà đưa đi cấp cứu kịp thời.

Trong bệnh viện có hệ thống sàng lọc, trong cấp cứu cũng sàng lọc kỹ càng để phân loại những bệnh nhân có nguy cơ về COVID-19. Đặc biệt, khi có vấn đề nặng đe dọa tính mạng sẽ cho vào khu riêng, tuy chưa loại trừ được COVID-19 nhưng vẫn được cấp cứu kịp thời”, PGS.TS Hải lưu ý.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu – giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội – cho biết hiện nay bệnh viện là nơi có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 lớn, nên tâm lý lo ngại tới bệnh viện của bệnh nhân là có thể thông cảm.

Để tránh tình trạng người không cần thiết đến viện cũng tới khám, ngược lại người bị bệnh nặng lo sợ lây nhiễm COVID-19 lại ở nhà, các bệnh nhân trước khi đến viện khám nên gọi trước cho các bác sĩ để được tư vấn, chẩn đoán tình trạng bệnh.

Những ca bệnh nặng sẽ được các bác sĩ khuyên đến viện sớm, cấp cứu kịp thời; các ca nhẹ không cần đến viện sẽ được tư vấn chữa bệnh từ xa.

“Nhiều ca giờ sợ quá nên nhẹ cũng đến viện, trong khi khả năng sàng lọc của mỗi bệnh viện cũng có hạn. Bệnh nhân tới đông quá, nơi sàng lọc chờ đợi sẽ quá tải, cũng là nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Ngược lại, bệnh nhân nặng vì lo sợ nên không tới sẽ rất nguy hiểm tới tính mạng”, giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nói.

(tuoitre.vn)

4.9/5 - (8 bình chọn)

Bình luận

Thông tin y tế trên các báo ngày 28/5/2021

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hỗ trợ
Bạn cần tư vấn?

Tin mới

TOP 10 thuốc đặt âm đạo trị nấm phổ biến nhất hiện nay [ĐỪNG BỎ QUA]

Thuốc đặt âm đạo Polygynax có tốt không? Nên dùng cho đối tượng nào?

Viêm cổ tử cung sau sinh: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách chữa trị [ĐỌC NGAY]

Viêm cổ tử cung khi mang thai và cách chữa trị hiệu quả [TÌM HIỂU NGAY]

Điều trị viêm cổ tử cung bằng các phương pháp tốt nhất hiện nay [ĐỪNG BỎ QUA]

Chữa viêm lộ tuyến cổ tử cung ở đâu tốt? TOP 8 địa chỉ uy tín [THAM KHẢO NGAY]

Bà bầu bị viêm lộ tuyến cổ tử cung nguy hiểm không? Chuyên gia tư vấn cách điều trị hiệu quả

Thuốc trị viêm lộ tuyến cổ tử cung cực kỳ an toàn, hiệu quả [TÌM HIỂU NGAY]

TOP 12 cách CHỮA VIÊM LỘ TUYẾN TẠI NHÀ cực hiệu quả [ĐỪNG BỎ QUA]

Khám viêm cổ tử cung ở đâu tốt? TOP 10 địa chỉ uy tín toàn quốc [XEM CHI TIẾT]

Ẩn