Thông tin y tế trên các báo ngày 19/4/2021
Dưới đây là tổng hợp một số tin tức y tế đáng chú ý nhất ngày 19/4, mời quý đọc giả đón đọc:
Sáng 19/4: Thêm 1 ca mắc COVID-19 tại Đà Nẵng; gần 80.000 người Việt Nam đã tiêm vắc xin
Sáng 19/4 Bộ Y tế cho biết có thêm 1 ca mắc COVID-19 là người nhập cảnh từ Nhật Bản đã cách ly ngay tại Đà Nẵng. Việt Nam hiện có 2.785 bệnh nhân. Đến nay, đã có gần 80.000 người tiêm chủng vắc xin COVID-19, nhiều địa phương đang triển khai tiêm đợt 2
Số ca mắc ở Việt Nam:
- Tính đến 6h ngày 19/4: Việt Nam có tổng cộng 1570 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay: 910 ca, riêng Hải Dương có 726 ca, Quảng Ninh (61 ca), Gia Lai (27 ca), Hà Nội (34 ca), Bắc Ninh (5 ca), Bắc Giang (2 ca), TP. Hồ Chí Minh (36 ca ), Hoà Bình (2 ca), Hà Giang (1 ca), Điện Biên (3 ca), Bình Dương (6 ca), Hải Phòng (4 ca ), Hưng Yên (3 ca).
10 tỉnh, thành phố (Hoà Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh và TP. Hồ Chí Minh) đã 65 ngày không ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng;
Hà Nội 62 ngày và Hải Phòng 55 ngày, Hải Dương đã 25 ngày không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.
- Tính từ 18h ngày 18/4 đến 6h ngày 19/4: 01 ca mắc mới được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Đà Nẵng.
Số ca mắc COVID-19 của thế giới
- Cả thế giới hiện ghi nhận 141.979.313 ca mắc COVID-19, trong đó 120.508.845 ca đã khỏi bệnh; 3.031.985 ca tử vong và 18.438.483 đang điều trị (trong số này có 107.350 ca diễn biến nặng)
- Trong 12 giờ qua, số ca mắc COVID-19 của thế giới tăng 603.349 ca, tử vong tăng 6.361 ca.
Thông tin ca mắc mới: 01 ca mắc mới (BN2785) được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Đà Nẵng. Cụ thể:
CA BỆNH 2785 (BN2785): Bệnh nhân nam, 39 tuổi, là công dân Việt Nam, có địa chỉ tại huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.
Ngày 13/4/2021, bệnh nhân từ Nhật Bản nhập cảnh Sân bay Đà Nẵng và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại thành phố Đà Nẵng.
Kết quả xét nghiệm ngày 17/4/2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.
Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 40.150, trong đó:
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 531
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 24.361
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 15.258.
Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế: tổng số bệnh nhân khỏi bệnh ở nước ta đến nay là 2.475 /2.785
Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước hiện có 45 bệnh nhân đã âm tính với virus SARS-CoV-2 từ 1-3 lần gồm: 11 ca âm tính lần 1; Số ca âm tính lần 2: 16 ca; số ca âm tính lần 3 là 18 ca.
Số ca tử vong liên quan đến COVID-19 ở nước ta đến nay là 35 ca, đây là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (03) và Quảng Trị (01).
Để sống chung an toàn với đại dịch COVID-19, người dân cần tuân thủ thực hiện nguyên tắc 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang; Khử khuẩn; Khoảng cách; Không tụ tập và Khai báo y tế.
Có thêm 10.415 người được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trong tuần từ 12-18/04/2021
Tính đến 16 giờ ngày 18/04/2021, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổng cộng đã thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 1 và 2 tại 22 tỉnh/thành phố cho 79.182 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các địa phương, các lực lượng công an và quân đội.
Chi tiết 10.415 người được tiêm tại 13 tỉnh/Thành phố trong tuần từ 12-18/04/2021 như sau: Hà Nội: 199 người; Hải Phòng: 603 người; Hải Dương: 851 người; Bắc Giang: 251 người; Quảng Ninh: 2.512 người; Điện Biên: 324 người; TP Hồ Chí Minh: 1.438 người; Đồng Tháp: 105 người; Bình Dương: 35 người; Bắc Ninh: 2291 người (đợt 2); Hà Tĩnh: 1.356 người (đợt 2); Cao Bằng: 345 người (đợt 2); Phú Yên: 105 người (đợt 2).
Ngày 18/4 TP. Hải Phòng đã kết thúc tiêm chủng đợt 1. Các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương đang nỗ lực để hoàn thành đợt 1. Có 5 tỉnh đã triển khai tiêm chủng đợt 2 là Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Cao Bằng, Phú Yên và Bắc Giang.
(suckhoedoisong.vn)
Ngộ độc vì chơi “chất nhờn ma quái”
Sau khi khi dùng slime để làm đồ chơi (hỗn hợp mềm, dẻo được tạo từ chất dính, hóa chất, nước…) nhiều học sinh đã phải nhập viện cấp cứu.
Sự việc mới nhất là 35 học sinh ở Trường Tiểu học số 1 Hòa Khương (huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) bị ngộ độc sau khi chơi slime. Đáng báo động là nhiều bậc phụ huynh vẫn thiếu kiểm soát, thả nổi việc con em mình mua, sử dụng đồ chơi, nhất là các loại đồ chơi lạ.
Mua trôi nổi hay đại lý đều… dính độc
Ngày 18/4, lãnh đạo Trung tâm y tế huyện Hòa Vang cho biết: Đây là ca ngộ độc đồ chơi có nhiều học sinh mắc phải. Một số cháu bị nặng phải chuyển lên Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng điều trị.
Trước đó, vào ngày 16/4, có hơn 35 học sinh ở trường học trên nhập viện. Nhiều cháu khó thở, cồn cào và có biểu hiện nôn ói, mệt mỏi. Tất cả cho biết do tiếp xúc với loại đồ chơi có mùi thơm khác thường, dẻo dẻo, được xác định là đất nặn (slime) – học sinh gọi là “chất nhờn ma quái”.
Theo một số phụ huynh thì, đồ chơi lạ được bán trước cổng trường, do bà tên Lựu đứng bán. Học sinh mua về trộn thêm với chất khác để tạo ra chất dẻo, nặn thành nhiều hình thù khác nhau mà mình thích để chơi.
Phụ huynh Lê Thị Tuyết N có con ngộ độc cho biết: Con tôi không trực tiếp mua đất nặn mà chỉ ngồi xem các bạn nặn, hít nhiều mùi từ đất nặn mà cũng đau bụng, nôn ói. Tuy có nhẹ hơn các em chơi đất nặn trực tiếp nhưng cháu vẫn rất ám ảnh.
Liên quan đến sự việc, ông Nguyễn Thúc Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết: Ngay sau khi sự việc xảy ra, cùng với sự cứu chữa kịp thời của ngành y tế địa phương thì các lực lượng chức năng cũng đã đi thu thập các mẫu đồ chơi học sinh đã mua dùng và bị ngộ độc mang đi kiểm nghiệm để làm rõ nguyên nhân.
Em T.N.N (lớp 4/1, Trường Tiểu học số 1 Hòa Khương) cho biết, chất slime sau khi mua ở tiệm tạp hóa về phải thêm nước và chất dính khác vào theo hướng dẫn trên mạng Youtube thì mới ra được các cục dẻo, có lúc mùi thơm, có khi mùi rất khó chịu.
Ông Võ Cường (ở TP.Quy Nhơn, Bình Định) cùng một số bạn bè trong nhiều lần mua đất nặn có mùi thơm bán trôi nổi dọc các công viên cũng vô tình khiến con em mình bị ngộ độc. Ông Cường cho biết: Thấy rẻ và trẻ con thích thì mua chứ cũng không rõ trong đó có chất gì, công dụng hay tác hại ra sao. Nhiều túi đựng đồ chơi toàn ghi chữ Trung Quốc. Đến khi ngộ độc mới sực tỉnh và tự nhủ cần phải cẩn thận hơn với các đồ chơi này.
Cần siết chặt quản lý
Trước sự việc đáng tiếc xảy ra, đại diện Sở GD&ĐT Đà Nẵng cũng đã cử người phối hợp cùng các cơ quan liên quan để điều tra nguyên nhân và cảnh báo các phụ huynh, trường học cần khuyến cáo con em mình không nên chơi những loại đồ chơi lạ. Cụ thể loại đất nặn nghi làm các em học sinh ngộ độc lần này, ngành giáo dục Đà Nẵng cũng đã cảnh báo nhiều. Trong quá trình vui chơi, học tập, các phụ huynh và nhà trường nên nhớ, học sinh có bất cứ biểu hiện nào bất ổn về sức khỏe nên đưa đến cơ sở y tế.
BSCKII. Võ Hữu Hội, Trưởng khoa Nhi hồi sức (thuộc Bệnh viện Phụ sản – Nhi TP. Đà Nẵng) cho biết: Sức khỏe các em ngộ độc nặng chuyển đến viện nay đã ổn định, không còn đáng lo. Kinh nghiệm cấp cứu, điều trị nhiều ca ngộ độc ở học sinh cho thấy, các bậc phụ huynh cần quan tâm sâu sắc đến con em mình hơn, không dùng các đồ chơi lạ. Ngộ độc đồ chơi cũng không kém phần nguy hiểm so với các loại ngộ độc khác, phải đưa đến bệnh viện ngay khi có triệu chứng.
Làm việc với các cơ quan chức năng về nguồn gốc đồ chơi lạ đã bán cho học sinh, bà Lâm Thị Lựu, chủ tiệm tạp hóa trước cổng Trường Tiểu học số 1 Hòa Khương cho biết, bà lấy lại của siêu thị N.K trên địa bàn Đà Nẵng về bán cho học sinh, do bà nghĩ là hàng của siêu thị, đại lý lớn nên bảo đảm.
Từ thông tin của bà Lựu, ngày 18/4, lực lượng chức năng Đà Nẵng tiếp tục làm việc với đại lý cung ứng đồ chơi slime để làm rõ chất gây ngộ độc cho hàng loạt học sinh.
Cùng với việc cứu chữa, cảnh báo thì cơ quan chức năng Đà Nẵng cần sớm có biện pháp hướng dẫn, chấn chỉnh, siết chặt hoặc cấm các địa điểm bán hành tạp hóa bán các đồ chơi lạ, có nguy cơ ngộ độc cho trẻ em.
(suckhoedoisong.vn)
Cách phòng ngừa và xử trí khi ăn phải nấm độc
Nước ta có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều nên thuận lợi để các loài nấm phát triển. Theo thống kê, trong khoảng 10.000 loài nấm trên thế giới thì có 50-100 loài nấm gây độc. Ngộ độc nấm thường xảy ra vào dịp xuân hè, tập trung ở vùng miền núi, nông thôn, nơi một số người dân có thói quen hái nấm mọc ở rừng, ngoài tự nhiên để làm thức ăn.
Khi ăn phải nấm độc, ngộ độc thường có các biểu hiện: Đau bụng dữ dội thành từng cơn, đi ngoài ra nhiều nước tanh, dính máu; buồn nôn và nôn ra thức ăn, có thể lẫn máu; toàn thân mệt mỏi…
Người ăn phải nhóm nấm gây ngộ độc sớm thường biểu hiệu sau ăn 30 phút đến 2 giờ, tối đa là 6 giờ. Còn người ăn phải nấm thuộc nhóm gây ngộ độc càng muộn càng nguy hiểm, do dấu hiệu ngộ độc chỉ xuất hiện sau 6-12 giờ, thậm chí là 40 giờ. Với nhóm nấm gây ngộ độc muộn, người bệnh tử vong rất nhanh chỉ sau vài ngày do suy gan, chảy máu nhiều, co giật…
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, ngay khi có triệu chứng ngộ độc nấm phải gây nôn tại chỗ nếu bệnh nhân mới ăn trong vòng 1 giờ. Đối với các bệnh nhân ngộ độc nấm có triệu chứng sớm cần vận chuyển cấp cứu đến bệnh viện huyện để chữa trị kịp thời. Còn với các bệnh nhân ngộ độc nấm triệu chứng muộn (sau 6 giờ) cần được chuyển đến bệnh viện tỉnh hoặc khu vực nơi có khả năng lọc máu. Người thân bệnh nhân ngộ độc cần mang mẫu nấm hoặc thức ăn chế biến từ nấm còn lại tới cơ sở y tế để sơ bộ xác định loài nấm.
Để tránh ăn phải nấm độc, người dân tuyệt đối không thu hái, sử dụng nấm rừng, nấm mọc tự nhiên bởi rất khó nhận biết nấm độc và nấm không độc. Người dân chỉ sử dụng khi biết chắc chắn nấm đó ăn được và chỉ nên nấu nấm tươi để ăn ngay, nếu để ôi, dập nát có thể hình thành độc tố mới gây ngộ độc.
(hanoimoi.com.vn)
Bình luận
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!