Thông tin y tế trên các báo ngày 22/4/2021

Dưới đây là tổng hợp một số tin tức y tế đáng chú ý nhất ngày 22/4, mời quý đọc giả đón đọc:

Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Campuchia phòng chống dịch COVID-19

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã huy động động nguồn lực của Nhà nước và nhân dân hỗ trợ Campuchia 800 máy thở, 2 triệu khẩu trang y tế, 300.000 khẩu trang N95 và các thiết bị y tế khác.

Sáng 22/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Thanh Long đã có cuộc họp trực tuyến với ông Mam Buncheng – Bộ trưởng Bộ Y tế Campuchia nhằm cập nhật thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng, chống COVID-19 với mong muốn hợp tác, hỗ trợ Campuchia cùng thực hiện hiệu quả, đẩy lùi, ngăn chặn dịch bệnh.

Đánh giá cao nỗ lực, giải pháp chống dịch của Campuchia, ông Long chia sẻ bài học kinh nghiệm của Việt Nam trong phòng, chống dịch là huy động toàn bộ hệ thống chính trị và người dân tham gia. Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ phía nước bạn trong công tác phòng, chống dịch.

“Một trong những kinh nghiệm của Việt Nam trong công tác điều trị là tất cả các cơ sở tham gia điều trị đều được kết nối với nhau để có thể trao đổi, thảo luận và hội chẩn các ca bệnh khó. Hội chẩn từ xa là bài học đã rất hiệu quả, thành công đối với Việt Nam trong đợt dịch lần 1 và lần 2. Trong đợt dịch thứ 3 này, mặc dù có nhiều ca bệnh nặng, nhưng chúng tôi đã điều trị thành công, không có trường hợp nào tử vong,” ông Long cho hay.

Giáo sư Nguyễn Thanh Long cho biết để hỗ trợ, cơ sở điều trị của Campuchia sẽ được kết nối với Việt Nam và chúng ta sẽ cử bác sỹ, chuyên gia trao đổi cùng phía bạn để việc điều trị đạt hiệu quả nhất. Việt Nam cũng sẵn sàng cử các chuyên gia, bác sỹ sang hỗ trợ Campuchia nếu có yêu cầu từ nước bạn.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, trong bối cảnh dịch bệnh diễn ra phức tạp, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch là hết sức cấp bách và cần thiết với Campuchia hiện nay. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã huy động động nguồn lực của Nhà nước và nhân dân hỗ trợ Campuchia 800 máy thở, 2 triệu khẩu trang y tế, 300.000 khẩu trang N95 và các trang thiết bị y tế khác.

Bộ Y tế Việt Nam sẽ tiến hành vận chuyển sang Campuchia sớm nhất có thể. Hãng hàng không của Việt Nam sẽ vận chuyển từ Sân bay Tân Sơn Nhất sang Sân bay Phnom Penh.

Đây là hỗ trợ lớn nhất của Việt Nam cho các nước phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 từ trước tới nay.

Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam cũng mong Bộ trưởng Bộ Y tế Campuchia tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác chống dịch, đặc biệt là tại các tỉnh có đường biên giới với Việt Nam do hiện nay tình hình nhập cảnh trái phép vẫn diễn ra phức tạp. Phía Việt Nam cũng tăng cường đẩy mạnh phòng, chống dịch khu vực biên giới.

Bộ trưởng Mam Buncheng bày tỏ sự cảm ơn đến những quan tâm của Việt Nam đối với công tác phòng chống dịch của Campuchia và cho biết sẽ có những trao đổi chính thức về tiếp nhận hỗ trợ của Việt Nam thông qua Bộ Ngoại giao.

(vietnamplus.vn)

Ba trường hợp nhập cảnh trái phép từng đến TP Hồ Chí Minh âm tính lần 1 với SARS-CoV-2

Sáng 22/4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh thông tin, cả 3 người nhập cảnh trái phép từ Campuchia về Việt Nam, qua TP Hồ Chí Minh rồi bay về Hà Nội đều có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với SARS-CoV-2.

Nhóm 3 người gồm 1 nam, 2 nữ là lao động tự do tại Campuchia cùng nhập cảnh về Việt Nam qua đường tiểu ngạch gần cửa khẩu ở tỉnh Tây Ninh lúc 01g00, ngày 21/4/2021. Sau đó cả ba đến Thị trấn Tân Biên bắt xe taxi về TP Hồ Chí Minh. Khoảng 4 giờ sáng cùng ngày, xe chở 3 người vào 1 nhà nghỉ gần sân bay Tân Sơn Nhất. Hiện cơ quan chức năng đang xác minh nơi 3 người này nghỉ lại. Trong quá trình nói chuyện, tài xế taxi biết đây là 03 trường hợp nhập cảnh trái phép nên đã quay về Thị trấn Tân Biên khai báo y tế.

Nhóm 3 người này bắt taxi đến sân bay Tân Sơn Nhất, đi chuyến bay VJ134 ngày 21/4/2021 về đến sân bay Nội Bài lúc 9g10. Hai người nữ trong nhóm đi xe taxi về gia đình tại Định Hóa, Thái Nguyên và đã được đưa vào Khu cách ly tập trung lúc 14 giờ cùng ngày. Một người nam còn lại đã được tìm thấy tại huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh vào tối cùng ngày.

Hiện tại, TP Hồ Chí Minh đang tiến hành điều tra, truy vết các trường hợp tiếp xúc tại Thành phố và triển khai biện pháp phòng dịch theo quy định. Trước tình hình dịch bệnh phức tạp của các nước xung quanh, người dân cần tăng cường cảnh giác trước các trường hợp nhập cảnh trái phép. Khi phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép, người dân cần báo tin ngay đến chính quyền địa phương. Người dân có người thân ở nước ngoài vận động không nhập cảnh trái phép, tuân thủ quy định của nhà nước khi nhập cảnh về nuớc để không mang nguy cơ cho gia đình và cộng đồng.

(dangcongsan.vn)

Tưởng Methadone là nước giải khát, nam sinh uống xong rơi vào hôn mê

Đi học về, thấy trong tủ lạnh chai nước màu hồng, nam sinh lớp 9 ở Hà Nội liền lấy ra uống cho đỡ khát. Vài giờ sau đó, cháu bị khó thở, buồn nôn, nổi mẩn toàn thân, phù nề mi mắt… do ngộ độc Methadone.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết Trung tâm tiếp nhận bệnh nhân H.Q.Đ. (nam, 15 tuổi ở Hà Nội) nhập viện trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp do ngộ độc Methadone (một chất dùng điều trị nghiện các chất dạng ma túy được dùng trong chương trình kiểm soát bệnh nhân nghiện).

Theo người nhà em Đ., khoảng 12 giờ ngày 19-4, em Đ. đi học về, mở tủ lạnh thấy chai nước màu hồng liền lấy để uống giải khát. Sau vài tiếng, em Đ. xuất hiện tình trạng khó thở, buồn nôn, nổi mẩn ngứa toàn thân, phù nề mi mắt kèm theo các biểu hiện của ngộ độc.

Thiếu niên được gia đình chuyển đến Trung tâm Chống độc trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp, được đặt ống nội khí quản, hỗ trợ hô hấp. Sau một ngày điều trị tích cực, giải độc, tình trạng của bệnh nhân Đ. đã ổn định trở lại, qua giai đoạn nguy kịch, tuy nhiên cần tiếp tục được theo dõi chặt chẽ bởi các nhân viên y tế.

Theo bác sĩ Nguyên, đây không phải là trường hợp đầu tiên bị ngộ độc do uống nhầm Methadone. Trước đó, Trung tâm Chống độc cũng đã tiếp nhận và điều trị cho một số trường hợp khác cũng bị ngộ độc do uống nhầm Methadone. Các cháu cũng uống nhầm dung dịch Methadone tại gia đình do tưởng là nước dâu hay nước ngọt.

Methadone là chất trong nhóm opioids, được dùng thay thế cho ma túy, đặc biệt là heroin trong chương trình quản lý bệnh nhân cai nghiện. Với người nghiện, uống dung dịch Methadone vào sẽ đỡ lên cơn vật nhưng với người bình thường, khi uống chất này rất dễ gây ngộ độc kéo dài nhiều ngày, có thể dẫn tới ngừng thở, hôn mê, tử vong. Những trường hợp ngộ độc methadone rất nặng, độc tính giống heroin nhưng thời gian ngộ độc còn kéo dài hơn.

Với thực trạng này, các bác sĩ cho rằng chất cai nghiện thay thế Methadone cần được quản lý chặt hơn nữa. Hiện những người nghiện được quản lý tại Trung tâm, được cấp phát thuốc (Methadone) uống tại chỗ. Sắp tới, nếu người nghiện được phép mang chất này về nhà sử dụng, uống tại gia đình thì việc quản lý phải chặt chẽ và cẩn thận hơn để tránh tình trạng ngộ độc Methadone do uống nhầm.

Bác sĩ Nguyên khuyến cáo trong trường hợp phát hiện người thân uống nhầm methadone, nếu bệnh nhân còn tỉnh táo thì có thể cho uống nước và gây nôn. Trường hợp bệnh nhân có biểu hiện chậm chạp, thở khò khè, cần tiến hành hô hấp nhân tạo tại chỗ theo điều kiện sẵn có và nhanh chóng gọi cấp cứu để đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Mới đây, Bộ Y tế đã triển khai Đề án thí điểm cấp thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện tại 3 địa phương là Điện Biên, Lai Châu, Hải Phòng. Đây được coi là giải pháp rất có ý nghĩa trong tình hình dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến việc đi lại của người bệnh và hoạt động của cơ sở y tế. Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả của việc cấp phát thuốc dài ngày như tiết kiệm thời gian đi lại cho bệnh nhân (ở miền núi đường sá đi lại khó khăn); phù hợp với đặc thù công việc của một số người làm giờ hành chính, lái xe, ngư dân… thì việc cấp thuốc dài ngày cũng có thể mang đến một số rủi ro, trong đó có thể có trường hợp uống nhầm.

Bộ Y tế cho biết việc triển khai cấp thuốc Methadone nhiều ngày cho bệnh nhân cũng có một số rủi ro như trẻ em hoặc những người khác dùng nhầm thuốc. Để giảm thiểu rủi ro này, các điều kiện để người bệnh được mang thuốc về cũng đã đưa ra những tiêu chuẩn lựa chọn cụ thể. Ngoài ra, việc tư vấn cho người bệnh hiểu sự nguy hiểm của việc người khác uống nhầm thuốc cũng như ghi các cảnh báo trên nhãn phụ lọ thuốc cùng các biện pháp giám sát và tập huấn cho cán bộ y tế về xử trí khi người khác uống nhầm sẽ giúp giảm thiểu rủi ro này.

(nld.com.vn)

Bình luận

Thông tin y tế trên các báo ngày 22/4/2021

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hỗ trợ
Bạn cần tư vấn?

Tin mới

TOP 10 thuốc đặt âm đạo trị nấm phổ biến nhất hiện nay [ĐỪNG BỎ QUA]

Thuốc đặt âm đạo Polygynax có tốt không? Nên dùng cho đối tượng nào?

Viêm cổ tử cung sau sinh: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách chữa trị [ĐỌC NGAY]

Viêm cổ tử cung khi mang thai và cách chữa trị hiệu quả [TÌM HIỂU NGAY]

Điều trị viêm cổ tử cung bằng các phương pháp tốt nhất hiện nay [ĐỪNG BỎ QUA]

Chữa viêm lộ tuyến cổ tử cung ở đâu tốt? TOP 8 địa chỉ uy tín [THAM KHẢO NGAY]

Bà bầu bị viêm lộ tuyến cổ tử cung nguy hiểm không? Chuyên gia tư vấn cách điều trị hiệu quả

Thuốc trị viêm lộ tuyến cổ tử cung cực kỳ an toàn, hiệu quả [TÌM HIỂU NGAY]

TOP 12 cách CHỮA VIÊM LỘ TUYẾN TẠI NHÀ cực hiệu quả [ĐỪNG BỎ QUA]

Khám viêm cổ tử cung ở đâu tốt? TOP 10 địa chỉ uy tín toàn quốc [XEM CHI TIẾT]

Ẩn