Thông tin y tế trên các báo ngày 18/4/2021

Dưới đây là một số thông tin y tế đáng chú ý trên các báo ra ngày 18/04/2021, mời quý đọc giả đón đọc:

Bộ trưởng Y tế: Kiên Giang cần chuẩn bị tất cả các tình huống xấu nhất

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị Kiên Giang cần chủ động đưa ra tình trạng báo động cao hơn và chuẩn bị cho tất cả các tình huống xấu nhất có thể xảy ra như: Vấn đề dịch trong cộng đồng, số ca mắc tăng cao; chuẩn bị các kịch bản cho trường hợp cách ly trên diện rộng, phòng chống lây nhiễm chéo trong khu cách ly.

Chiều 18/4, tại Kiên Giang, Đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 làm Trưởng đoàn đã làm việc lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung cho biết, chỉ trong 10 ngày gần đây, nước bạn Campuchia có hơn 2.650 trường hợp mắc COVID-19, chủ yếu lây nhiễm trong cộng đồng. Hiện khó khăn lớn nhất trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh là tình hình nhập cảnh qua biên giới tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp.

Từ ngày 20/2/2021 đến nay có hơn 1.300 người nhập cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên. Ngoài ra, các lực lượng chức năng cũng đã phát hiện 31 vụ nhập cảnh trái phép vào địa bàn tỉnh với 142 đối tượng.

Hiện điều kiện làm việc của cán bộ, chiến sĩ ở các chốt biên phòng còn nhiều khó khăn, chưa đảm bảo kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới trên bộ và trên biển.

Bên cạnh đó, năng lực xét nghiệm COVID-19 chưa đạt yêu cầu: Kiên Giang chỉ có 3 máy xét nghiệm COVID-19, công suất tối đa đạt 600 mẫu/ngày,  như vậy sẽ không đảm bảo để phục vụ xét nghiệm rộng nhằm truy vết nhanh chóng theo chỉ đạo của Bộ Y tế (đảm bảo năng lực xét nghiệm 1.000 đến 1.500 mẫu/ngày).

Kiên Giang vẫn đang đảm bảo kiểm soát tốt được tình hình dịch bệnh, nhưng trước diễn biến phức tạp của các nước trong khu vực, nhất là nước bạn Campuchia, Kiên Giang là tỉnh có nguy cơ rất cao có khả năng lây nhiễm trong cộng đồng.

UBND tỉnh Kiên Giang kiến nghị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế: Trình Thủ tướng Chính phủ cho phép Kiên Giang thiết lập bệnh viện dã chiến tại thành phố Hà Tiên; ưu tiên phân bổ vaccine phòng COVID-19 cho tỉnh Kiên Giang trong những đợt tiếp theo;

Tỉnh cũng đề nghị xem xét hỗ trợ hai máy Real time RT-PCR và vật tư, sinh phẩm để xét nghiệm khẳng định COVID-19. Ngoài ra, cơ quan chức năng cấp thêm cho Kiên Giang 20.000 test nhanh chuẩn đoán COVID-19 và 10 triệu đôi găng tay y tế.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị Kiên Giang cần chủ động đưa ra tình trạng báo động cao hơn và chuẩn bị cho tất cả tình huống xấu nhất có thể xảy ra như: Vấn đề dịch trong cộng đồng, số ca mắc tăng cao; chuẩn bị các kịch bản cho trường hợp cách ly trên diện rộng, phòng chống lây nhiễm chéo trong khu cách ly.

Đồng thời, tỉnh xem việc ngăn chặn, kiểm soát biên giới trên bộ và trên biển là giải pháp tiên quyết trong công tác phòng, chống dịch; tăng cường vận động, tuyên truyền để mỗi người dân trở thành một cộng tác viên trong phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, các cơ quan trực thuộc Bộ Y tế phối hợp hỗ trợ tỉnh nâng cao công tác xét nghiệm và xét nghiệm kháng nguyên nhanh cho thành phố Hà Tiên, thành phố Rạch Giá nhằm tầm soát người nhiễm bệnh ngay từ ban đầu khi nhập cảnh vào Việt Nam; báo cáo với Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cơ chế hộ chiếu vaccine cho Phú Quốc nhằm kiểm soát tốt chế độ miễn dịch giúp phát triển kinh tế và kích cầu phát triển du lịch ở Phú Quốc.

Trước đó, Đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Cửa khẩu quốc tế, chốt biên phòng, khu cách ly, địa điểm thành lập bệnh viện dã chiến và trung tâm y tế điều trị bệnh nhân COVID-19 tại thành phố Hà Tiên. Bộ trưởng Bộ Y tế cùng đoàn công tác đã thăm hỏi, động viên, tặng quà cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trực tại các chốt kiểm soát, phòng, chống dịch COVID-19 dọc tuyến biên giới giáp Campuchia…

(baochinhphu.vn)

Thêm 3 ca mắc COVID-19 là người nhập cảnh

Bản tin chiều 18/4 của Bộ Y tế cho biết có 3 ca mắc COVID-19 ghi nhận tại Khánh Hoà, Bắc Ninh và Hoà Bình. Đây là các ca bệnh nhập cảnh đã cách ly ngay. Việt Nam hiện có 2.784 bệnh nhân.

Số ca mắc ở Việt Nam: Tính đến 18h ngày 18/4: Việt Nam có tổng cộng 1570 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay: 910 ca. Tính từ 6h đến 18h ngày 18/: 03 ca mắc mới, đều được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.

03 ca mắc mới (BN2782-2784) được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hoà Bình, Bắc Ninh, Khánh Hoà. Cụ thể:

– CA BỆNH 2782 (BN2782) ghi nhận tại Hoà Bình: Bệnh nhân nam, 51 tuổi, là công dân Việt Nam có địa chỉ tại quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 06/4/2021, bệnh nhân từ Mỹ nhập cảnh Sân bay Vân Đồn trên chuyến bay VN5417 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Hoà Bình.

Kết quả xét nghiệm ngày 17/4/2021, bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình.

– CA BỆNH 2783 (BN2783) ghi nhận tại Bắc Ninh: Bệnh nhân nữ, 47 tuổi, là công dân Việt Nam có địa chỉ tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

Ngày 31/3/2021, bệnh nhân từ Angola nhập cảnh Sân bay Vân Đồn trên chuyến bay VN88 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Bắc Ninh.

Kết quả xét nghiệm ngày 18/4/2021, bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh.

– CA BỆNH 2784 (BN2784) ghi nhận tại Khánh Hòa: Bệnh nhân nam, 23 tuổi, là công dân Việt Nam có địa chỉ tại huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội.

Ngày 14/4/2021, bệnh nhân từ Nhật Bản nhập cảnh Sân bay Cam Ranh trên chuyến bay VJ5139 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Khánh Hòa.

Kết quả xét nghiệm ngày 17/4/2021, bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa.

Về số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 40.443, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 529; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 24.660; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 15.254.

Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế: tổng số bệnh nhân khỏi bệnh ở nước ta đến nay là 2.475 /2.784

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước  hiện có 45 bệnh nhân đã âm tính với virus SARS-CoV-2 từ 1-3 lần gồm: 11 ca âm tính lần 1; Số ca âm tính lần 2: 16 ca; số ca âm tính lần 3 là 18 ca.

Số ca tử vong liên quan đến COVID-19 ở nước ta đến nay là 35 ca, đây là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (03) và Quảng Trị (01).

(dangcongsan.vn)

Bé gái mắc hội chứng ‘con báo’ đầu tiên ở Việt Nam

Ngày 18/4, Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết, bệnh nhi được chẩn đoán mắc hội chứng “con báo” hiếm gặp, y văn thế giới chỉ khoảng 200 ca.

Theo thông tin từ Bệnh viện Da liễu TP.HCM, bệnh nhi mắc hội chứng “con báo”- Leopard là bé gái 8 tuổi, quê Tiền Giang. Bé đến khám tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM vì nhiều dát sắc tố nâu đen ở mặt và thân người. Ngoài ra, bệnh nhi có kèm các bất thường khác ở xương hàm mặt, cột sống, vai, ức, răng.

Gia đình cho biết, các dát sắc tố này bắt đầu xuất hiện từ năm bé 4 tuổi và ngày càng lan rộng. Bệnh nhi bị câm và điếc bẩm sinh, chậm phát triển thể chất và trí tuệ. Gia đình bé không có tiền sử mắc bệnh tương tự.

BS Trần Nguyên Ánh Tú, Phó trưởng Khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết, qua tìm hiểu trên y văn, bé được xác định mắc hội chứng Leopard. Tên gọi này được đặt cho hội chứng do hình thái bên ngoài của bệnh nhân có đặc điểm tương tự da báo.

“Năm 1936, hội chứng này được báo cáo, đến nay, thế giới chỉ ghi nhận 200 ca mắc. Theo hiểu biết của chúng tôi, đây là trường hợp hội chứng Leopard đầu tiên được chẩn đoán tại Việt Nam”, BS Ánh Tú nói.

Hội chứng Leopard là bệnh di truyền do gene trội trên nhiễm sắc thể thường. Người mắc hội chứng này có điểm đặc trưng nhất là các dát nâu đen. Các dát này không liên quan ánh nắng mặt trời, có kích thước 3-5 mm, phân bố ở cổ, chi trên, thân, chi dưới, mặt, da đầu, lòng bàn tay, bàn chân và vùng sinh dục.

Ngoài bất thường ở da, bệnh nhân còn biểu hiện rối loạn ở các cơ quan khác. 87% trường hợp có cầu mũi phẳng và bất thường tai. Hầu hết bệnh nhân đều có triệu chứng 2 mắt xa nhau, bất thường về hệ tiết niệu, sinh dục, chậm phát triển thể chất, tinh thần ở nhiều mức độ.

Bệnh nhân mắc hội chứng Leopard cần được nhân viên y tế theo dõi sát, tầm soát kiểm tra tim mỗi năm một lần để được chẩn đoán sớm bất thường.

(vtc.vn)

Bình luận

Thông tin y tế trên các báo ngày 18/4/2021

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hỗ trợ
Bạn cần tư vấn?

Tin mới

TOP 10 thuốc đặt âm đạo trị nấm phổ biến nhất hiện nay [ĐỪNG BỎ QUA]

Thuốc đặt âm đạo Polygynax có tốt không? Nên dùng cho đối tượng nào?

Viêm cổ tử cung sau sinh: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách chữa trị [ĐỌC NGAY]

Viêm cổ tử cung khi mang thai và cách chữa trị hiệu quả [TÌM HIỂU NGAY]

Điều trị viêm cổ tử cung bằng các phương pháp tốt nhất hiện nay [ĐỪNG BỎ QUA]

Chữa viêm lộ tuyến cổ tử cung ở đâu tốt? TOP 8 địa chỉ uy tín [THAM KHẢO NGAY]

Bà bầu bị viêm lộ tuyến cổ tử cung nguy hiểm không? Chuyên gia tư vấn cách điều trị hiệu quả

Thuốc trị viêm lộ tuyến cổ tử cung cực kỳ an toàn, hiệu quả [TÌM HIỂU NGAY]

TOP 12 cách CHỮA VIÊM LỘ TUYẾN TẠI NHÀ cực hiệu quả [ĐỪNG BỎ QUA]

Khám viêm cổ tử cung ở đâu tốt? TOP 10 địa chỉ uy tín toàn quốc [XEM CHI TIẾT]

Ẩn