Thông tin y tế trên các báo ngày 16/4/2021

Dưới đây là một số thông tin y tế đáng chú ý trên các báo ra ngày 16/04/2021, mời quý đọc giả đón đọc:

Sáng 16/4, Việt Nam không có ca COVID-19 mới

Sáng 16/4, theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam không ghi nhận ca COVID-19 mới, số người được chữa khỏi bệnh đang là 2.445.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, hiện Việt Nam chữa khỏi cho 2.445 ca bệnh.

Trong số những trường hợp mắc bệnh đang điều trị tại nước ta, 16 người có kết quả âm tính lần 1. Ngoài ra, 18 người âm tính lần 2 và 18 bệnh nhân âm tính lần 3 với SARS-CoV-2. Số ca tử vong vì COVID-19 ở nước ta đến nay là 35, gồm 31 người tại Đà Nẵng, 3 người ở Quảng Nam và 1 người ở Quảng Trị.

Theo Bộ Y tế, trong ngày 15/4, Việt Nam có thêm 1.820 người được tiêm chủng vaccine COVID-19. Như vậy, hiện tại nước ta tiêm vaccine COVID-19 cho tổng cộng 63.758 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch.

(vtc.vn)

Chặn dịch ngay từ đường biên

Tình hình dịch Covid-19 trên thế giới và khu vực diễn biến phức tạp những ngày qua đã làm dấy lên lo ngại dịch có nguy cơ thẩm thấu vào Việt Nam nếu chúng ta không làm tốt công tác quản lý đường biên, để lọt người nhập cảnh trái phép.

Sau khi Campuchia ghi nhận hơn 344 ca nhiễm Covid-19 mới trong ngày 14/4, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên hơn hơn 5.200, Thủ tướng Hun Sen đa đưa ra cảnh báo ca Covid-19 tăng khiến Campuchia “bên bờ vực sinh tử”, trong bối cảnh nước này phong tỏa Thủ đô Phnom Pe và địa phương lân cận. Chính phủ Campuchia đã ra lệnh cấm tụ tập, không dự các hoạt động tôn giáo. Giao thông liên tỉnh Campuchia bị cấm trên toàn quốc, trừ giao thông giữa Phnom Penh và tỉnh Kandal. Ai vi phạm sẽ bị cách ly 14 ngày.

Hiện nay, đường biên giới Việt Nam – Campuchia dài khoảng 1.270km, trong đó phần đất liền là một đường biên trên bộ dài 1.137km. Người dân 9 tỉnh của Campuchia (Ratanakiri, Mondulkiri, Kratié, Tbong Khmum, Svay Rieng, Prey Veng, Kandal, Takéo và Kampot) và 10 tỉnh của Việt Nam (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang) thường xuyên qua lại qua các cửa khẩu và lối mòn. Tương tự đường biên giới phía Bắc của Việt Nam giáp với Trung Quốc đi qua 7 tỉnh có chiều dài trên đất liền là 1.350km.

Trong những ngày gần đây, các ca dương tính với SARS-CoV-2 đều là người nhập cảnh vào Việt Nam. Ngày 14/4 có 16 ca mắc mới được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Bà Rịa – Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và Quảng Nam. Ngày 15/4 có 4 ca mới được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Kiên Giang và Khánh Hoà. Các bệnh nhân có thể nhập cảnh cả bằng đường bộ (cửa khẩu quốc tế Hà Tiên) hay đường hàng không (sân bay Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Nội Bài, Đà Nẵng).

Đáng lo ngại là khả năng có thể xảy ra như người dân sợ dịch trốn về nước hoặc người dân biết mình mắc bệnh sẽ về nước để được điều trị tốt hơn bằng cách nhập cảnh trái phép trên cả đường bộ lẫn đường biển. Rõ ràng, đây là lúc các lực lượng chức năng ở biên giới như biên phòng, hải quan, công an, dân quân tự vệ và chính quyền địa phương các huyện biên giới cần có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với nhau. Với đặc điểm biên giới của Việt Nam cần hình thành thế trận bọc lót cho nhau nhiều tầng, nhiều lớp canh phòng.

Người dân địa phương cần kịp thời phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép báo cho lực lượng chức năng và không tiếp tay cho các trường hợp nhập cảnh trái phép. Đối với các cá nhân, tập thể hình thành các đường dây đưa người nhập cảnh trái phép khi bị điều tra, phát hiện cần phải nhanh chóng được đưa ra xét xử công khai để tạo sự răn đe.

Điều quan trọng không kém là ngay trong các lực lượng đứng chân trên biên giới phải bảo đảm nghiêm các quy trình phòng, chống dịch. Bằng mọi cách không để lây lan dịch bệnh trong lực lượng phòng, chống dịch ở biên giới, khu cách ly và cán bộ y tế để tránh “bị thủng” ngay ở tuyến đầu chống dịch. Các tỉnh vùng biên cần xây dựng các kịch bản với các cấp độ ứng phó phòng, chống dịch để không bị động khi tình hình dịch Covid-19 bên ngoại biên diễn biến phức tạp và người dân nhập cảnh về đông hơn.

(kinhtedothi.vn)

Bệnh viện Việt Đức được công nhận là trung tâm đào tạo chuẩn toàn cầu

Được nhận chứng chỉ toàn cầu của Hiệp hội phẫu thuật Hoàng Gia Anh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sẽ là địa chỉ thu hút sự quan tâm của các bệnh viện, cơ sở y tế lớn trên toàn cầu.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa chính thức được Hiệp hội Phẫu thuật Hoàng gia Anh công nhận là Trung tâm đào tạo theo tiêu chuẩn toàn cầu có hiệu lực từ tháng 2/2021 đến tháng 2/2024.

Hiệp hội Phẫu thuật Hoàng gia Vương quốc Anh (RCS) là cơ quan độc lập có nhiều hoạt động, trong đó có chức năng đánh giá và xếp hạng ngoại khoa và cấp chứng chỉ toàn cầu theo những tiêu chí chặt chẽ. Các cơ sở đào tạo liên quan ngoại khoa không chỉ tại Anh mà nhiều các nước cũng mong muốn được cấp chứng chỉ của RCS để thăng hạng và uy tín về đào tạo và chất lượng phẫu thuật viên của mình, không chỉ trong nước mà tiêu chuẩn quốc tế.

Trong thời gian vừa qua, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã nhận được sự giúp đỡ tích cực của Tổ chức Facing the World (FTW) trong quá trình chuẩn bị hồ sơ và tổ chức để hội đồng RCS thẩm tra qua hình thức trực tuyến 2 lần năm 2020. Sau đó hội đồng họp lần nữa và có kết quả sau 2 tháng.

Trước đó, để nhận được chứng chỉ mang tính giá trị toàn cầu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã có những chuẩn bị kỹ lưỡng và nhận được sự đồng thuận của Hội đồng các thành viên với những tiêu chí đánh giá vô cùng khắt khe.

Ngày 11/12/2020, Hiệp hội Phẫu thuật Hoàng gia Anh (Royal College of Surgeons) tổ chức buổi thẩm định trực tuyến và đánh giá rất cao về công tác đào tạo tại bệnh viện. Ngày 3/2/2021, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chính thức được Hiệp hội Phẫu thuật Hoàng gia Anh công nhận là Trung tâm đào tạo theo tiêu chuẩn toàn cầu có hiệu lực từ tháng 02/2021 đến tháng 02/2024. Sau thời gian trên, Hiệp hội Phẫu thuật Hoàng gia Anh sẽ tiến hành thẩm định để gia hạn và duy trì chứng nhận.

Được nhận chứng chỉ toàn cầu của Hiệp hội phẫu thuật Hoàng Gia Anh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sẽ là địa chỉ thu hút sự quan tâm của các bệnh viện, cơ sở y tế lớn trên toàn cầu cũng như các chuyên gia nước ngoài. Qua đó, các bác sỹ của bệnh viện có những buổi giảng dạy, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn nhằm nâng cao trình độ cho nhân viên của bệnh viện cũng như tiếp đón các sinh viên, học viên nước ngoài đến học tập và thực hành theo chuẩn quốc tế.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là trung tâm ngoại khoa lớn nhất của cả nước với gần 2.500 nhân viên, hơn 1.500 giường bệnh và hơn 50 phòng mổ được trang bị hiện đại, mỗi năm thực hiện khoảng 70.000 ca mổ.

Bệnh viện không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ khám chữa bệnh mà còn là cơ sở đào tạo cho hàng nghìn học viên, sinh viên mỗi năm và có nhiều mối quan hệ hợp tác quốc tế với các bệnh viện lớn trên thế giới như: Pháp, Mỹ, Nhật, Anh, Hàn Quốc, Australia, Đài Loan…

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là bệnh viện hạng đặc biệt. bao gồm các chuyên ngành sâu về ngoại khoa như: Phẫu thuật thần kinh, phẫu thuật tim mạch lồng ngực, phẫu thuật gan mật tụy, tiêu hoá, phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, cột sống, phẫu thuật thận tiết niệu, phẫu thuật nhi, phẫu thuật tạo hình hàm mặt, vi phẫu, phẫu thuật chuyên sâu các bệnh lý ung thư. Đây cũng là cơ sở đi đầu trong cả nước thực hiện thành công ghép đa tạng, ghép gan, ghép tim, ghép thận, ghép phổi…

(vietnamplus.vn)

Cô gái ân hận vì chủ quan với sức khỏe của đôi mắt

Cách đây khoảng 2 năm, bệnh nhân nữ, 29 tuổi, ở Hà Nội thấy mắt bên trái có nổi hạt ở góc trong, kèm theo cộm, vướng, đỏ mắt nhưng không đau nên chủ quan không đi khám.

Khoảng 2 tuần gần đây, xuất hiện triệu chứng mắt trái cộm nhiều hơn, hay kích thích kèm theo 2 mắt nhìn mờ qua kính nên bệnh nhân đã đến Bệnh viện Đa khoa Medlatec khám.

Qua quá trình thăm khám chuyên sâu, kết quả cho thấy kết mạc 2 mắt bệnh nhân bị xơ hóa kèm rối loạn điều tiết, cận thi, đặc biệt mắt phải mộng thịt góc trong độ 2.

Bệnh nhân được bác sĩ cấp đơn kính nhìn xa và chỉ định phẫu thuật mộng mắt trái, có ghép kết mạc tự thân.

Hiện tại, sau phẫu thuật tình hình mắt của bệnh nhân đã ổn định và tiếp tục được theo dõi định kỳ.

ThS.BS Đoàn Thu Hiền – Chuyên khoa Mắt cho biết: Mộng thịt (Pterygium) là một trong những bệnh về mắt phổ biến tại các nước nhiệt đới có khí hậu nóng ẩm, xảy ra khi kết mạc phát triển một mô mỏng bao phủ phần tròng trắng của mắt. Nếu để bệnh tiến triển nặng không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn có thể gây viêm nhiễm, giảm thị lực của mắt.

Bệnh có thể xảy ra ở một hoặc cả hai mắt và được phân thành 4 giai đoạn:

Mộng thịt độ I: Mộng mới đến rìa giác mạc;

Mộng thịt độ II: Mộng vào đến điểm giữa của khoảng cách từ rìa giác mạc đến bờ đồng tử;

Mộng thịt độ III: Mộng đã lan đến bờ đồng từ;

Mộng thịt độ IV: Mộng đã qua bờ đồng tử.

Nguyên nhân gây mộng thịt đến nay vẫn chưa được xác định chắc chắn. Tuy nhiên, ThS.BS Đoàn Thu Hiền cũng lưu ý các yếu tố tác động có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm: Sống tại khu vực có khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm; Thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời; Các chất gây kích ứng mắt như bụi, gió, phấn hoa và khói có thể gây khô mắt.

Theo bác sĩ Hiền, bệnh thường không có triệu chứng rõ rệt bởi sự tăng trưởng khối mộng có thể lan truyền chậm trong suốt cuộc đời hoặc dừng lại sau một thời điểm nhất định. Tuy nhiên, trong trường hợp nặng, mộng thịt có thể che phủ đồng tử của người bệnh và gây ra các vấn đề về thị lực.

Vì vậy, người bệnh tuyệt đối không được chủ quan mà cần khám chuyên khoa mắt để được bác sĩ tư vấn và hướng dẫn các cách điều trị kịp thời đặc biệt là khi thấy mắt có các dấu hiệu: mắt hay bị kích thích, lắng đọng nước; có hiện tượng đỏ, mờ, ngứa mắt; mắt bị khô và khó chịu như có vật lạ trong mắt; nếu màng của mộng thịt tăng trưởng đi vào giác mạc (vùng đồng tử của mắt), có thể thay đổi hình dạng và gây ra mờ mắt hoặc nhìn đôi.

Để phòng tránh mộng thịt phát triển trong mắt, bác sĩ Hiền khuyến cáo người dân có thể tự bảo vệ mắt của mình như sau:

Đeo kính râm mỗi ngày kể cả khi thời tiết u ám. Nên chọn kính ngăn chặn cả bức xạ tia cực tím A (UVA) và tia cực tím B (UVB).

Đội mũ rộng vành bảo vệ mắt khỏi tia UV.

Sử dụng nước mắt nhân tạo giữ ẩm cho mắt ở vùng khí hậu khô.

(vtv.vn)

Bình luận

Thông tin y tế trên các báo ngày 16/4/2021

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hỗ trợ
Bạn cần tư vấn?

Tin mới

TOP 10 thuốc đặt âm đạo trị nấm phổ biến nhất hiện nay [ĐỪNG BỎ QUA]

Thuốc đặt âm đạo Polygynax có tốt không? Nên dùng cho đối tượng nào?

Viêm cổ tử cung sau sinh: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách chữa trị [ĐỌC NGAY]

Viêm cổ tử cung khi mang thai và cách chữa trị hiệu quả [TÌM HIỂU NGAY]

Điều trị viêm cổ tử cung bằng các phương pháp tốt nhất hiện nay [ĐỪNG BỎ QUA]

Chữa viêm lộ tuyến cổ tử cung ở đâu tốt? TOP 8 địa chỉ uy tín [THAM KHẢO NGAY]

Bà bầu bị viêm lộ tuyến cổ tử cung nguy hiểm không? Chuyên gia tư vấn cách điều trị hiệu quả

Thuốc trị viêm lộ tuyến cổ tử cung cực kỳ an toàn, hiệu quả [TÌM HIỂU NGAY]

TOP 12 cách CHỮA VIÊM LỘ TUYẾN TẠI NHÀ cực hiệu quả [ĐỪNG BỎ QUA]

Khám viêm cổ tử cung ở đâu tốt? TOP 10 địa chỉ uy tín toàn quốc [XEM CHI TIẾT]

Ẩn