Thông tin y tế trên các báo ngày 4/4/2021
Nội dung chính
Dưới đây là một số thông tin y tế đáng chú ý trên các báo ra ngày 04/04/2021, mời quý đọc giả đón đọc:
Bốn người tử vong trong đám cháy giữa đêm khuya tại Hà Nội
Khoảng 1h sáng 4/4, người dân qua đường phát hiện lửa và khói bốc ra từ ngôi nhà đóng kín cửa ở số 311 Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa (Hà Nội).
Ngay khi tiếp nhận tin báo, Công an quận Đống Đa (Hà Nội) đã điều nhiều xe chữa cháy cùng hàng chục CBCS tới hiện trường dập lửa và cứu nạn. Đến 7h15 sáng nay, lực lượng cứu hộ đã đưa các thi thể ra ngoài. Nơi xảy cháy tầng 1 là cửa hàng bán đồ sơ sinh, có nhiều vật liệu dễ cháy như bỉm, giấy, quần áo…
Nhận được thông tin về đám cháy khiến 4 người tử vong, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã trực tiếp đêbs hiện trường chỉ đạo nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định đời sống dân sinh tại nơi xảy ra vụ việc.
Sáng cùng ngày, qua khám nghiệm hiện trường Công an quận Đống Đa (Hà Nội) thông tin, có 4 người tử vong gồm ông Nguyễn Thạc Thi (SN 1940), con gái Nguyễn Ánh Hồng (SN 1981), cháu ngoại Đinh Hà Tuệ Mẫn (SN 2001), cùng trú tại 311 Tôn Đức Thắng và con rể Đinh Hùng Vỹ (SN 1983, trú tại huyện Phú Xuyên, Hà Nội).
(cand.com.vn)
Công an Hà Nội thông tin về vụ cháy trên phố Tôn Đức Thắng làm 4 người tử vong
Theo Công an TP. Hà Nội, đám cháy đã làm 4 người trong một gia đình tử vong; đến 10h cùng ngày, lực lượng cứu nạn, cứu hộ đã tổ chức tìm kiếm và đưa 04 thi thể ra ngoài.
Cụ thể: Khoảng 0h25′ ngày 4/4, Tổng đài 114 Trung tâm Thông tin chỉ huy CATP Hà Nội nhận được tin báo cháy tại số nhà 311 Tôn Đức Thắng, phường Hàng Bột, quận Đống Đa, có 04 người đang sinh sống trong ngôi nhà.
Ngay sau đó, CATP đã điều động 06 xe chữa cháy, 01 xe thang, 01 xe cứu nạn, cứu hộ cùng lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH khẩn trương đến hiện trường tổ chức chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Đến 3h40′ cùng ngày, đám cháy đã được dập tắt.
Sơ bộ ban đầu, cơ quan chức năng xác định địa điểm cháy là ngôi nhà 3 tầng (diện tích khoảng 60m2/1 tầng), 1 tum có mái lợp tôn sắt. Tầng 1 dùng để kinh doanh bán hàng; tầng 2, tầng 3 và tum dùng để sinh hoạt và cất giữ hàng hoá; nhà có một lối ra vào duy nhất là cửa chính.
Đám cháy đã làm 4 người trong một gia đình tử vong; đến 10h cùng ngày, lực lượng cứu nạn, cứu hộ đã tổ chức tìm kiếm và đưa 04 thi thể ra ngoài.
Hiện Giám đốc CATP đã chỉ đạo lực lượng chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên vụ cháy để xử lý theo quy định của pháp luật.
UBND thành phố Hà Nội đã có chỉ đạo giải quyết, khắc phục hậu quả vụ cháy tại phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa. Để khẩn trương khắc phục hậu quả trên, Chủ tịch UBND thành phố giao Công an thành phố chủ trì phối hợp với UBND quận Đống Đa và các đơn vị liên quan điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ cháy bảo đảm kịp thời, đúng quy định pháp luật.
Giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với UBND quận Đống Đa và các đơn vị liên quan, hỗ trợ, thăm hỏi gia đình nạn nhân kịp thời, theo quy định. Sở Y tế, Công an thành phố, UBND quận Đống Đa theo chức năng, nhiệm vụ được giao bảo đảm vệ sinh, môi trường tại khu vực xảy ra vụ cháy và hồ sơ liên quan đến các nạn nhân theo quy định của pháp luật.
UBND quận Đống Đa phối hợp với Công an thành phố và các đơn vị liên quan, tập trung khắc phục hậu quả vụ cháy, tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình nạn nhân, báo cáo UBND thành phố chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền theo quy định.
Sáng cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cùng đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, quận Đống Đa đã đến Nhà tang lễ Bệnh viện Đống Đa thăm hỏi, động viên và trao tiền hỗ trợ gia đình có người thân bị thiệt mạng.
(suckhoedoisong.vn)
11 kỹ năng thoát hiểm cần biết khi gặp hỏa hoạn
Khi hỏa hoạn xảy ra, điều đầu tiên cần giữ tâm lý bình tình và sau đó xử lý các bước dưới đây:
1. Thiết kế và định hướng rõ ràng đâu là cửa chính và đâu là cửa phụ. Khi lửa bùng cháy dữ dội và chặn mất đường ra ở cửa chính, bạn sẽ không bị hoảng hốt vì còn có cửa phụ để thoát ra ngoài.
2. Tạo một lối thoát hiểm an toàn. Khi nhà bị lửa tấn công thì suy nghĩ duy nhất là tìm cách thoát ra khỏi nhà càng nhanh càng tốt. Đừng chần chừ cố lấy cho bằng được của cải hoặc giấy tờ. Nán lại để gọi điện thoại cho đội cứu hỏa chỉ lãng phí thời gian quý báu thoát ra khỏi đám cháy. Tốt nhất là cố thoát ra ngoài, gọi nhờ điện thoại của người hàng xóm hoặc nhờ họ gọi.
3. Rèn luyện kỹ năng phòng cháy chữa cháy cho mọi thành viên trong gia đình và cả người giúp việc.
4. Nếu nhà bạn có hai lầu trở lên, hãy mua thang có thể mang vác, di chuyển được. Khi gặp sự cố, bạn có thể thoát ra bằng cửa sổ mà không sợ bị ngã, nhưng cũng phải chắc rằng mọi người trong nhà đều phải biết chỗ để thang và làm cách nào để sử dụng nó.
5. Nếu bạn sống trong tòa nhà cao tầng hoặc khu chung cư, khi có đám cháy, đừng bao giờ di chuyển xuống dưới đất bằng thang máy vì bạn biết rõ tình trạng hỗn loạn khi có sự cố, và bạn dễ bị mắc kẹt trong thang máy do bị cúp điện.
6. Định trước điểm tập trung – một nơi an toàn bên ngoài nhà, nơi mà mọi người có thể tập trung ở đó và để kiểm tra số người trong gia đình đã thoát ra ngoài hết chưa.
7. Nhớ rằng không những lửa mà khói và hơi độc cũng có thể dẫn đến tử vong, chúng đánh bạn ngã gục trước khi bạn bị lửa tấn công. Để tránh bị ngộp vì khói, di chuyển ra ngoài bằng cách bò, một tay giữ ẵm em bé đặt sát bụng.
8. Khi tóc hoặc quần áo bị bén lửa dừng lại, nằm xuống và lăn người qua lại hoặc lăn tròn. Đừng quên dạy những đứa trẻ kỹ thuật này. Nếu bạn ở bên cạnh con khi quần áo của nó bắt lửa, hãy chụp lấy chăn đắp trùm nhanh lên người nó để dập tắt lửa.
9. Trước khi mở tung cửa chính nên kiểm tra tay cầm của cánh cửa xem nó có quá nóng không. Nếu tay cầm bị nóng do ngọn lửa đang bùng lên dữ dội ở phía sau, hãy thoát ra bằng cửa khác. Những người sống ở lầu một có thể thoát ra ngoài bằng cửa sổ. Đối với những người sống ở các tầng trên, tuy không thể nhảy xuống đất qua cửa sổ nhưng họ có thể chui ra ngoài, đứng tránh lửa trên mái vòm và dễ dàng được nhân viên cứu hỏa tìm thấy.
10. Dạy cho con chỗ ẩn trú nếu chúng bị kẹt lại trong phòng, dặn con chui xuống gầm giường và nằm sát xuống sàn nhà vì gầm giường là nơi đầu tiên những người lính cứu hỏa để mắt đến khi tìm kiếm những người còn kẹt lại.
11. Trên đường thoát ra ngoài nếu phải vượt qua một hành lang đầy khói, hãy nằm xuống và bò. Vì càng ở dưới thấp và gần cửa thì không khí tương đối thoáng hơn.
(suckhoedoisong.vn)
‘”Hiến máu cứu người – Đừng ngại Covid-19”
Ngày 4-4, tại UBND quận Ba Đình, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện thành phố Hà Nội tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng 21 năm Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện (7/4/2000 – 7/4/2021) và Ngày hội Hiến máu tình nguyện với chủ đề “Hiến máu cứu người – Đừng ngại Covid-19”.
Ngày hội thu hút hơn 500 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, thanh niên, sinh viên đang sinh sống, học tập, làm việc tại Hà Nội tham gia hiến máu. Sau lễ phát động này, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện thành phố Hà Nội do Hội Chữ thập đỏ thành phố là cơ quan thường trực tiếp tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền, kêu gọi người dân hiến máu tình nguyện tại nhiều địa điểm.
Nhằm bảo đảm an toàn, Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội đã phối hợp với ngành Y tế cập nhật tình hình dịch Covid-19. Các điểm hiến máu đều bố trí người khám sức khỏe cho người dân trước khi hiến máu. Những người có mặt tại điểm hiến máu phải thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch Covid-19.
Theo Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội, phong trào hiến máu tình nguyện ngày càng được đông đảo người dân Thủ đô hưởng ứng, trở thành nét đẹp văn hóa, lan tỏa ý nghĩa nhân văn. Riêng năm 2020, toàn thành phố đã tiếp nhận hơn 250.000 đơn vị máu. Số người tham gia hiến máu đạt 2,8% dân số Thủ đô. Quý I-2021, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng số người tham gia hiến máu cũng như số lượng máu thu về tiếp tục tăng.
“Từ đầu năm 2021 đến nay, các cơ quan chức năng đã tiếp nhận hơn 150.000 đơn vị máu, đạt 60% kế hoạch cả năm. Nhờ sự hưởng ứng tích cực của người dân, nhất là dịp hưởng ứng Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện 7-4, chắc chắn lượng máu nhận được sẽ tăng lên trong thời gian tới”, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội Đào Ngọc Triệu cho hay.
(hanoimoi.com.vn)
Góp phần rút ngắn khoảng cách chuyên môn trong khám, chữa bệnh
Sau một thời gian triển khai đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020 – 2025, nhiều ca bệnh nặng ở tuyến dưới đã được các chuyên gia công tác tại các bệnh viện tuyến Trung ương tư vấn, hỗ trợ xử trí, hội chẩn qua khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth). Điều này đã giúp rút ngắn khoảng cách chuyên môn giữa y tế tuyến trên và tuyến dưới, giảm chi phí cho người bệnh.
Mặc dù chưa đến giờ làm việc, nhưng các y, bác sĩ đã tập trung đầy đủ tại hội trường Trung tâm tư vấn, khám chữa bệnh từ xa (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) để tham gia buổi sinh hoạt khoa học, với chuyên đề “Nhiễm khuẩn tiết niệu, nguyên tắc điều trị” và hội chẩn trực tuyến ca lâm sàng do Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tổ chức, với sự tham gia của 47 điểm, trong đó có hai điểm cầu từ Bệnh viện đa khoa Hà Nội – Viêng Chăn (Lào), Biomedic Center (Cam-pu-chia). PGS, TS Trần Ngọc Ánh, Trưởng Khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết: Những buổi sinh hoạt khoa học theo chuyên đề và hội chẩn trực tuyến ca lâm sàng nằm trong hoạt động khám, chữa bệnh từ xa được Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tổ chức định kỳ vào thứ ba và thứ năm hằng tuần. Mục đích nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm trong công tác khám, điều trị người bệnh cho các y, bác sĩ ở các cơ sở y tế tuyến dưới. Nhờ các buổi sinh hoạt khoa học; các buổi tư vấn, hỗ trợ, đào tạo chuyên môn, hội chẩn trực tuyến mà có hàng trăm ca bệnh nặng được cấp cứu kịp thời và điều trị khỏi bệnh. Việc khám, chữa bệnh từ xa, cũng góp phần giảm tình trạng quá tải cho tuyến trên, nhất là trong tình hình dịch Covid-19 thời gian qua; đồng thời giúp người dân được tiếp cận, thụ hưởng các kỹ thuật cao trong điều trị bệnh và giảm chi phí trong thời gian chữa bệnh.
Để thực hiện tốt các buổi hội chẩn lâm sàng, Phòng Kế hoạch tổng hợp của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội có nhiệm vụ tổng hợp hồ sơ bệnh án của người bệnh từ các địa phương gửi về. Trên những thông số, chỉ số của người bệnh đang điều trị tại địa phương, các y, bác sĩ tham gia hội chẩn sẽ cùng đội ngũ đang trực tiếp điều trị tại tuyến dưới phân tích, đánh giá và thống nhất phác đồ điều trị phù hợp nhất cho người bệnh. Kể từ khi triển khai các hoạt động nêu trên, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã thực hiện được tổng số 141 buổi sinh hoạt khoa học chuyên đề; 597 lượt hội chẩn trực tuyến, với sự tham gia của 91 bệnh viện trong nước và nước ngoài.
Cũng như Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, các bệnh viện tuyến Trung ương như: Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện K T.Ư, Bệnh viện Nhi T.Ư… cũng tích cực triển khai đề án khám, chữa bệnh từ xa tại đơn vị, qua đó đã kịp thời hỗ trợ các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến dưới những chẩn đoán đúng hướng và xử trí kịp thời nhiều ca bệnh nặng ngay tại đơn vị mình. Mới đây, tại buổi hội chẩn do Bệnh viện Nhi T.Ư tổ chức, ca bệnh được xin ý kiến là trường hợp bệnh nhi mới sinh đang điều trị tại Bệnh viện Sản nhi Nghệ An (tỉnh Nghệ An) với tình trạng bệnh lý co giật kéo dài. Từ đầu cầu Bệnh viện Sản nhi Nghệ An, các bác sĩ đã gửi các hình ảnh chụp cắt lớp, các chỉ số cận lâm sàng, xét nghiệm, hóa sinh, các thuốc đã điều trị và cung cấp vi-đê-ô quay lại các cơn co giật của trẻ để các chuyên gia hồi sức sơ sinh, thần kinh, nội tiết chuyển hóa, chẩn đoán hình ảnh… đang làm việc tại Bệnh viện Nhi T.Ư theo dõi và cho ý kiến. Sau khi được các bác sĩ Bệnh viện Nhi T.Ư giải đáp, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An đã tự tin trong bổ sung can-xi liều cao cho người bệnh; đồng thời các y, bác sĩ của bệnh viện cũng được tư vấn việc chọn lựa đường tiêm tĩnh mạch; liều lượng dùng thuốc cho bệnh nhi. Theo TS, BS chuyên khoa II Tăng Xuân Hải, Giám đốc Bệnh viện Sản nhi Nghệ An: qua hội chẩn, các cán bộ, y, bác sĩ bệnh viện đã được tư vấn, giải đáp, góp ý chuyên môn hiệu quả, thiết thực đối với người bệnh. Đồng thời, bệnh viện đã học hỏi nhiều kiến thức, kỹ thuật chuyên môn sâu từ các bệnh viện tuyến trên trong điều kiện nguồn nhân lực của bệnh viện còn hạn chế như hiện nay.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Việc triển khai hệ thống khám bệnh, chữa bệnh từ xa là bước phát triển mới hướng tới sự đồng bộ, hoàn thiện hệ thống khám, chữa và phòng bệnh đa dạng của các bệnh viện hiện nay. Đây cũng là bước triển khai thiết thực chủ trương chuyển đổi số của Chính phủ; đồng thời giúp chăm sóc sức khỏe cho người dân nhanh, hiệu quả, an toàn hơn trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay. Các bệnh viện tuyến Trung ương sẽ hỗ trợ tới tuyến huyện, tuyến xã để người dân được hưởng những dịch vụ y tế và được chẩn đoán tốt hơn. Ngành y tế tiếp tục tập trung, phát triển các hoạt động đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực song song với ứng dụng, phát triển kỹ thuật cao; phát huy nội lực kết hợp với mở rộng hợp tác trong nước và nước ngoài thông qua các buổi hội chẩn, đào tạo từ xa, góp phần tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng cho người dân khu vực nông thôn, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, khó khăn; giảm chi phí khám, chữa bệnh.
(nhandan.com.vn)
Bình luận
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!