Thông tin y tế trên các báo ngày 8/6/2021

Dưới đây là tổng hợp một số tin tức y tế đáng chú ý nhất ngày 8/6, mời quý đọc giả đón đọc:

Sáng 8/6: Thêm 43 ca mắc COVID-19 trong nước, Việt Nam có 9.027 bệnh nhân

Bản tin của Bộ Y tế sáng 8/6 cho biết có thêm 43 ca mắc COVID-19 trong nước tại Bắc Giang 22 ca, Bắc Ninh 6 ca và TP HCM là 15 ca. Việt Nam hiện có 9.027 bệnh nhân COVID-19

Tính từ 18h ngày 07/6 đến 6h ngày 08/6 có 44 ca mắc mới (BN8984-9027):

01 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Quảng Nam.

43 ca ghi nhận trong nước tại: Bắc Giang (22), TP. Hồ Chí Minh (15), Bắc Ninh (6); trong đó 41 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.

Tính đến 6h ngày 08/6:

Việt Nam có tổng cộng 7.445 ca ghi nhận trong nước và 1.582 ca nhập cảnh.

Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay: 5.875 ca

Có 15 tỉnh (Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk, Nam Định, Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ, Sơn La, Ninh Bình) đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.

Số lượng xét nghiệm từ 29/4/2021 đến nay đã thực hiện 1.708.316 mẫu cho 3.540.482 lượt người.

Tình hình điều trị:

Số ca âm tính với SARS-CoV-2:

Lần 1: 216

Lần 2: 72

Lần 3: 75

Số ca tử vong: 53 ca.

Số ca điều trị khỏi: 3.509 ca.

Thông tin chi tiết các ca mắc mới:

01 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh

CA BỆNH BN8993 được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Quảng Nam: nữ 24 tuổi, địa chỉ tại Thị xã Duy Tiến, tỉnh Hà Nam. Ngày 05/6/2021, từ Nhật Bản nhập cảnh Sân bay Đà Nẵng trên chuyến bay VN5313 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Quảng Nam. Kết quả xét nghiệm ngày 07/6/2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam.

43 ca ghi nhận trong nước

CA BỆNH BN8984-BN8985, BN8994-BN9013 ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang trong khu cách ly và khu vực đã được phong tỏa, liên quan đến công nhân làm tại các Khu công nghiệp. Kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

CA BỆNH BN8987-BN8992 ghi nhận tại tỉnh Bắc Ninh: 3 ca liên quan đến ổ dịch Khu công nghiệp Khắc Niệm, 2 ca liên quan đến ổ dịch Khu công nghiệp Quế Võ, 1 ca đang điều tra dịch tễ. Kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

CA BỆNH BN8986, BN9014-BN9027 ghi nhận tại TP. Hồ Chí Minh: 10 ca liên quan đến Nhóm truyền giáo Phục Hưng, 4 ca là các trường hợp F1, 1 ca đang điều tra dịch tễ. Kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 176.398, trong đó:

  • Cách ly tập trung tại bệnh viện: 5.062
  • Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 20.209
  • Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 151.127

Thông tin tiêm chủng:

Tính đến 16 giờ ngày 07/6/2021, tổng cộng đã thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh/TP với 1.340.098 liều. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 là 38.166 người.

Trong ngày 7/6 có 87.016 người được tiêm tại 14 tỉnh/Thành phố. Thông tin chi tiết như sau:

1- Hải Phòng: 52

2- Hà Nam: 143

3- Bắc Giang: 53.234

4- Bắc Ninh: 27.972

5- Hải Dương: 2.438

6- Yên Bái: 141

7- Lào Cai: 2.856

8- Sơn La: 1.922

9- Khánh Hòa: 132

10- Kon Tum: 227

11- Gia Lai: 384

12- TP. Hồ Chí Minh: 396

13- Vĩnh Long: 829

14- Các đơn vị TƯ tại Hà Nội: 779

(Báo Sức khoẻ & đời sống)

Bệnh viện Bắc Thăng Long tạm dừng tiếp nhận bệnh nhân vì phát hiện ca dương tính

Bệnh viện Bắc Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) đã tạm thời dừng tiếp nhận bệnh nhân đến khám và điều trị vì có liên quan đến người phụ nữ dương tính SARS-CoV-2 đã đến khám tại đây.

Ngày 7-6, CDC Hà Nội xác nhận vừa ghi nhận thêm trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 là nữ, bán rau tại chợ Cửa hàng mới ở tổ 17, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh.

Sau khi nghỉ bán rau hai ngày, đến 30-5, bệnh nhân thấy ho, sốt, đau họng và đi mua thuốc sau đó ở nhà tự điều trị nhưng không khỏi. Bệnh nhân đã đến khám tại Bệnh viện Bắc Thăng Long và được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2.

Theo báo cáo của Bệnh viện Bắc Thăng Long, ngay sau khi phát hiện ca bệnh qua công tác khám sàng lọc, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của bệnh viện đã tiến hành họp khẩn thông tin về trường hợp ca bệnh, đồng thời triển khai kế hoạch khoanh vùng, cách ly ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong bệnh viện và cộng đồng.

Bệnh viện đã có thông báo từ 21 giờ ngày 6-6-2021, bệnh viện tạm ngừng tiếp nhận người bệnh mới tới đăng ký khám bệnh, chữa bệnh nội trú, ngoại trú tại bệnh viện, chỉ tập trung duy trì chăm sóc, điều trị cho những người bệnh nội trú đang được điều trị tại bệnh viện và tiến hành xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho toàn bộ nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh đang có mặt tại bệnh viện; nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh có liên quan; phối hợp với Trung tâm Y tế thị trấn Đông Anh, CDC Hà Nội để tiến hành điều tra dịch tễ, truy vết.

Đến thời điểm hiện tại, ca bệnh dương tính đã được chuyển tới khu cách ly, điều trị F0 của bệnh viện. Toàn bộ các khoa/phòng thuộc bệnh viện đã được khoanh vùng, cách ly tại chỗ; người bệnh nộ trú và ngươi chăm sóc người bệnh có nguy cơ được cách ly tại chỗ.

Nhân viên y tế có nguy cơ được cách ly ngay tại đơn vị để bảo đảm duy trì hoạt động khám, chữa bệnh. Kiểm soát nghiêm ngặt người bệnh chạy thận nhân tạo chu kỳ; Tiến hành làm sạch, khử khuẩn, tiệt khuẩn toàn bộ bệnh viện.

Theo báo cáo mới nhất của Bệnh viện Bắc Thăng Long vào chiều 7-6, 54 cán bộ nhân viên của bệnh viện đã có kết quả xét nghiệm âm tính.

(Báo Nhân dân)

Chưa xác định nguồn lây ca mắc Covid-19 ở Hà Nội

Lãnh đạo CDC Hà Nội cho biết ca dương tính ở Đông Anh không rời thành phố một tháng qua. Cơ quan chức năng chưa xác định được nguồn lây của trường hợp này.

Trao đổi với Zing sáng 8/6, ông Trương Quang Việt, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, cho biết lực lượng chức năng huyện Đông Anh đã xác định được 20 F1 liên quan ca dương tính Đ.T.H.N. (45 tuổi).

Ngoài ra, địa phương xác định được 74 F2 và 167 F3 tại huyện Đông Anh, Chương Mỹ, Thanh Oai, Hoài Đức và quận Đống Đa, Thanh Xuân, Long Biên, Hoàn Kiếm, Hà Đông, Nam Từ Liêm. Toàn bộ F1, F2, F3 liên quan đến người này đều có kết quả xét nghiệm âm tính lần một với SARS-CoV-2.

“Chúng ta có thể tạm thời yên tâm với trường hợp nay vì các F1, F2, F3 đều đã âm tính. Tuy nhiên, ngành y tế vẫn chưa xác định được nguồn lây của bà N. Người này không ra khỏi huyện trong một tháng qua, mà chỉ đến chợ đầu mối để lấy hàng”, ông Việt nói.

Lực lượng chức năng huyện Đông Anh đã khoanh vùng khu vực bà N. sinh sống có tổng cộng 9 hộ gia đình và 28 người. Các trường hợp này đã được lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả âm tính lần một.

Bệnh viện Đa khoa Bắc Thăng Long (nơi bệnh nhân đến khám) đã thông báo rộng rãi để tìm người đến các địa điểm liên quan.

Theo báo cáo của huyện trước đó, bà N. cư trú tại tổ 17, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 ngày 6/6.

Trong tháng 5, bà N. chỉ đi lại trên địa bàn huyện Đông Anh, bán rau tại chợ Cửa hàng mới, thị trấn Đông Anh. 3h hàng ngày, bà đến chợ Tó lấy hàng rồi về chợ bán.

Chiều 28/5, chợ Cửa hàng mới đóng cửa, bà nghỉ bán rau và chủ yếu ở nhà. Ngày 30/5, bà N. bắt đầu rát họng, sổ mũi. Chiều 4/6, người phụ này đến khám tại Bệnh viện Bắc Thăng Long do sốt nhẹ, ho đờm, tức ngực. Sáng 5/6, bà được lấy mẫu bệnh phẩm và gửi Bệnh viện Đức Giang xét nghiệm SARS-CoV-2.

Sáng 6/6, mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính. Hiện, bà N. sốt, ho nhiều, không khó thở.

(Báo điện tử zingnews)

216 người liên quan đến ca nhiễm ở Đông Anh đều âm tính lần 1

Theo bà Trần Thị Nhị Hà – Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, liên quan đến BN8885, cơ quan chức năng đã truy vết xác định 216 người liên quan (F1,F2 F3), lấy mẫu xét nghiệm. Đến sáng nay, tất cả trường hợp đều có kết quả âm tính.

Cụ thể, BN Đ.T. H. N., 45 tuổi tại tổ 17, thị trấn Đông Anh, Đông Anh làm nghề bán rau ở chợ Cửa hàng mới – Thị trấn Đông Anh. Kết quả xét nghiệm 6/6/2021 dương tính với SARS-CoV 2.

Nhận định đây là ca lây nhiễm trong cộng đồng và sau khi phát hiện ra ca bệnh này, ngay lập tức TP đã chỉ đạo các lực lượng của ngành y tế và huyện Đông Anh khẩn trương vào cuộc để tận dụng triệt để 48 giờ vàng khoanh vùng truy vết, xử lý dập dịch và đặc biệt đã truy vết, xử lý đến tận các trường hợp F3, cụ thể:

Ngành chức năng đã truy vết xác định được 20 F1 tại các địa bàn (Đông Anh, Đống Đa, Sóc Sơn), lấy mẫu xét nghiệm và hiện nay đã có kết quả 20/20 trường hợp này đều âm tính lần 1.

Truy vết được 74 F2 tại các địa bàn (Đông Anh, Đống Đa, Thanh Oai, Thanh Xuân, Long Biên, Hoàn Kiếm, Chương Mỹ, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Hoài Đức). Đã lấy mẫu xét nghiệm, kết quả xét nghiệm 74/74 âm tính.

Truy vết được tổng số 167 F3 và các trường hợp liên quan kết quả xét nghiệm 167/167 âm tính.

Chính quyền địa phương cũng đã khoanh vùng khu nhà nhà bệnh nhân sinh sống với 9 hộ gia đình và 28 người, các trường hợp này cũng đã được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả âm tính lần 1.

Cũng liên quan đến bệnh nhân này, BV Đa khoa Bắc Thăng Long đã tạm dừng tiếp nhận bệnh nhân để phòng chống dịch Covid-19.

Như vậy, hiện nay ngoài bệnh nhân thì chưa phát hiện thêm ca dương tính mới có liên quan. Để đánh giá nguy cơ, nhằm không để sót các trường hợp nhiễm bệnh, TP đã chỉ đạo UBND huyện Đông Anh và ngành Y tế tiếp tục yêu cầu người dân đã từng đến khu vực chợ Tó xã Uy Nỗ và khu vực chợ Cửa hàng mới Thị trấn Đông Anh từ ngày 16/5 đến ngày 28/5 cần khai báo y tế và liên hệ với cơ sở Y tế để được hướng dẫn lấy mẫu xét nghiệm.

(Báo Kinh tế & đô thị)

Đi khám không cần dùng thẻ Bảo hiểm y tế giấy: Vẫn còn những vướng mắc

Qua một tuần triển khai sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) trên ứng dụng VssID để đi khám chữa bệnh (KCB), cơ sở y tế cũng như người dân tiếp nhận khá tích cực vì sự nhanh, gọn, thuận tiện, giảm bớt nhiều khâu thủ tục, giấy tờ so với trước đây. Tuy nhiên, việc triển khai còn một số bất cập, nhiều người chưa ý thức đầy đủ về việc sử dụng thẻ BHYT.

Phản hồi tích cực

Hồ hởi cầm “tấm thẻ xanh” điện tử trên tay, chị Nguyễn Thị Nga (phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ, chị thường xuyên phải đi viện chữa cơ xương khớp. Từ ngày 1/6, sử dụng thẻ BHYT qua thiết bị di động, chị không phải lo lắng việc quên hoặc mất thẻ BHYT giấy. Điều này giúp chị tiết kiệm thời gian, không phải làm thủ tục hay chờ đợi để được cấp lại thẻ do mất, hỏng.

Là một trong những bệnh nhân tới Bệnh viện (BV) Đa khoa Hà Đông có sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng để KCB, anh Phan Duy Thành (phường Dương Nội, quận Hà Đông) chia sẻ: “Đây là một ứng dụng nhanh gọn, tiện lợi. Việc dùng hình ảnh thẻ qua ứng dụng BHXH số thực sự hợp lý, giúp tôi không phải xuất trình thẻ BHYT giấy và không phải đứng xếp hàng khi làm thủ tục KCB, hạn chế được tiếp xúc trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Việc dùng ứng dụng cũng giúp tôi kiểm tra được lịch sử KCB của mình theo từng năm”.

Về phía các cơ sở KCB, theo ghi nhận tại Hà Nội, trong 1 tuần qua, các BV như Đa khoa Đức Giang, Xanh Pôn, Bạch Mai, Đại học Y Hà Nội… đều đã tiếp nhận rất nhiều người dân đến KCB sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID thay cho thẻ BHYT giấy. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, đây là sự thay đổi phù hợp với thời đại số, mang lại những lợi ích thiết thực cho người tham gia và cơ sở KCB.

Giám đốc BV Đa khoa Đức Giang Nguyễn Văn Thường cho biết, BV được phân công khoảng 150.000 thẻ BHYT. Ngay từ ngày 1/6, BV đã triển khai sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để KCB BHYT. Trước đó, BV đã trang bị đầu đọc để quét mã QR Code hoặc hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng. Sau một tuần thực hiện, BV chưa gặp phải khó khăn, bất cập nào.

“Việc chuyển đổi số lần này của BHXH Việt Nam giúp các cơ sở y tế thuận tiện trong việc quản lý bệnh nhân và lịch sử KCB của người bệnh. Mã vạch QR Code trên ứng dụng rất sắc nét nên các thông tin của người bệnh được hiển thị rõ ràng, đầy đủ ngay khi được liên kết với phần mềm kết nối trên hệ thống thông tin giám định BHYT. Điều này giúp các cơ sở KCB thực hiện thủ tục đăng ký cho người bệnh có thẻ BHYT được nhanh chóng, giảm bớt được các khâu thủ tục, cũng như không phải lo bảo quản thẻ BHYT giấy của người tham gia trong quá trình KCB tại BV.

Vẫn còn bất cập

Tuy nhiên, bác sĩ Thường nói đến bất cập: “Với bệnh nhân KCB BHYT trước khi về, họ phải ký phiếu 01 (phiếu bệnh nhân xác minh quá trình KCB tại BV) và lấy thuốc. Trong trường hợp này, hầu hết bệnh nhân sau khi khám có ý thức. Tuy nhiên, sẽ có một số bộ phận bệnh nhân không thực hiện đồng chi trả BV, không thanh toán sau khi kết thúc KCB, thường gặp ở nhóm bệnh nhân chỉ khám, làm xét nghiệm, không lấy thuốc”.

Tương tự, tại BV Đa khoa Xanh Pôn cũng gặp một số bất cập trong quá trình triển khai như, bệnh nhân kết thúc KCB không đến nơi làm thủ tục ban đầu để ký phiếu 01, tất toán BHYT, ký thanh toán trong trường hợp đóng đồng chi trả. Vấn đề này cơ sở y tế chưa biết phải giải quyết ra sao.

Mặt khác, việc ứng dụng thẻ BHYT điện tử sẽ bị bệnh nhân lạm dụng. Hiện nay, đã thông tuyến BHYT, nếu bệnh nhân đi KCB tại 1 BV, họ chưa thực hiện tất toán BHYT nhưng lại sang BV khác để KCB. Trong khi, phía BV không có thông tin rõ ràng về bệnh nhân đã tất toán hay chưa nên dẫn đến việc BV khác vẫn KCB cho bệnh nhân.

Giám đốc BHXH Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cho biết, trên địa bàn Hà Nội hiện nay có 696 điểm KCB BHYT. Việc sử dụng ứng dụng VssID để đi KCB BHYT là một đòi hỏi từ thực tế, bởi số người cài đặt và dùng VssID đang gia tăng nhanh chóng trên toàn TP với số lượng đăng ký, cài đặt lên tới 2.901.809 người (đạt 93,1% chỉ tiêu giao). Việc chính thức triển khai sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên VssID trong KCB trên toàn quốc nói chung và trên địa bàn Hà Nội nói riêng thực sự là bước đi phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính và chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam. Người sử dụng thẻ không lo mất, quên thẻ BHYT như đã xảy ra đối với thẻ BHYT giấy; đồng thời giúp giảm thời gian làm thủ tục KCB của cả người tham gia và cơ sở KCB, do thẻ có mã QR Code được tự động tăng độ phân giải, tăng độ sáng hiển thị làm rõ các thông tin trên thẻ BHYT.

“Việc triển khai này giúp người dân hạn chế đi lại, không phải giao dịch trực tiếp với cơ quan BHXH đối với các hoạt động liên quan tới thẻ BHYT giấy trong bối cảnh dịch Covid-19. Vì vậy, việc càng thực hiện sớm, người dân càng thụ hưởng được các lợi ích, các tiện ích sẵn có từ ứng dụng VissID – BHXH số” – ông Hòa nhấn mạnh.

(Báo Kinh tế & đô thị)

4.8/5 - (5 bình chọn)

Bình luận

Thông tin y tế trên các báo ngày 8/6/2021

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hỗ trợ
Bạn cần tư vấn?

Tin mới

TOP 10 thuốc đặt âm đạo trị nấm phổ biến nhất hiện nay [ĐỪNG BỎ QUA]

Thuốc đặt âm đạo Polygynax có tốt không? Nên dùng cho đối tượng nào?

Viêm cổ tử cung sau sinh: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách chữa trị [ĐỌC NGAY]

Viêm cổ tử cung khi mang thai và cách chữa trị hiệu quả [TÌM HIỂU NGAY]

Điều trị viêm cổ tử cung bằng các phương pháp tốt nhất hiện nay [ĐỪNG BỎ QUA]

Chữa viêm lộ tuyến cổ tử cung ở đâu tốt? TOP 8 địa chỉ uy tín [THAM KHẢO NGAY]

Bà bầu bị viêm lộ tuyến cổ tử cung nguy hiểm không? Chuyên gia tư vấn cách điều trị hiệu quả

Thuốc trị viêm lộ tuyến cổ tử cung cực kỳ an toàn, hiệu quả [TÌM HIỂU NGAY]

TOP 12 cách CHỮA VIÊM LỘ TUYẾN TẠI NHÀ cực hiệu quả [ĐỪNG BỎ QUA]

Khám viêm cổ tử cung ở đâu tốt? TOP 10 địa chỉ uy tín toàn quốc [XEM CHI TIẾT]

Ẩn