Thông tin y tế trên các báo ngày 6/5/2021
Dưới đây là tổng hợp một số tin tức y tế đáng chú ý nhất ngày 6/5, mời quý đọc giả đón đọc:
Sáng 6/5: Thêm 8 ca mắc COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW cơ sở Đông Anh
Bản tin sáng ngày 6/5 của Bộ Y tế cho biết có thêm 8 ca mắc mới COVID-19 ghi nhận tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW cơ sở Đông Anh, nâng số ca mắc tại đây lên 22 ca.
Số ca mắc ở Việt Nam:
Tính đến 6h ngày 06/5: Việt Nam có tổng cộng 1634 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay: 64 ca. Trong đó, Hà Nam có 14 ca, Vĩnh Phúc 15 ca, Hà Nội 5 ca, Hưng yên 2 ca, Đà Nẵng 2 ca, Quảng Nam 1 ca, Yên Bái 1 ca, Đồng Nai 1 ca, Hải Dương 1 ca, và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh là 22 ca.
Tính từ 18h ngày 05/5 đến 6h ngày 06/5: 08 ca mắc mới ghi nhận trong nước.
Thông tin ca mắc mới: 08 ca mắc mới (BN3023-3030) ghi nhận trong nước tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh. Cụ thể:
CA BỆNH 3023-3030 (BN3023-3030): 08 trường hợp ghi nhận tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh (là các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện).
Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 40.736, trong đó:
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 560
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 21.733
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 18.443.
Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế: Tổng số bệnh nhân khỏi bệnh ở nước ta đến nay là 2.560/3030
Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước hiện có 76 bệnh nhân đã âm tính với virus SARS-CoV-2 từ 1-3 lần gồm: 24 ca âm tính lần 1; Số ca âm tính lần 2: 14 ca; số ca âm tính lần 3 là 38 ca.
Số ca tử vong liên quan đến COVID-19 ở nước ta đến nay là 35 ca, đây là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (03) và Quảng Trị (01).
(Sức khỏe và đời sống)
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tiêm vắc xin phòng COVID-19
Sáng 6/5, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 của AstraZececa tại Bệnh viện Bạch Mai. Trước đó các Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Trương Quốc Cường, Trần Văn Thuấn cũng đã tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Sau khi tiêm vắc xin, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết sức khoẻ của mình hoàn toàn bình thường. Theo Bộ trưởng quy trình tiêm chủng tại Việt Nam được triển khai ở cấp độ an toàn cao nhất và có sự khác biệt so với các nước khác trên thế giới, kể cả ở các nước tiên tiến.
“Chúng tôi luôn luôn nhấn mạnh, đảm bảo an toàn tiêm chủng phải đặt lên hàng đầu, tiêm đến đâu chắc chắn đến đó. Chính vì thế, Bộ Y tế đã thành lập Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng, tập hợp các chuyên gia, giáo sư đầu ngành trên các lĩnh vực, đặc biệt là điều trị để sẵn sàng hỗ trợ các địa phương xử lý mọi tình huống xảy ra trong tiêm chủng”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Theo ghi nhận đến nay có 16% phản ứng thông thường sau tiêm như đau tại chỗ, sốt nhẹ… Triệu chứng này hết sau 24h. Tỷ lên này thấp so với các nước trên thế giới. Cho đến nay khẳng định việc têm vắc xin phòng COVID-19 tại Việt Nam là an toàn.
Bộ trưởng cho biết đến nay, Việt Nam đã tiêm cho 675.956 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội.
Các cơ sở tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 phải bảo đảm tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; thực hiện khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng và tổ chức buổi tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế; người đi tiêm vắc xin phải ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau khi tiêm để theo dõi tình hình sức khoẻ.
Người tiêm được hướng dẫn theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ tiếp theo và tiếp tục theo dõi đến 3 tuần sau khi tiêm; các bệnh viện luôn sẵn sàng, thường trực công tác cấp cứu đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm. Đồng thời diện đối tượng chống chỉ định tiêm chủng ở Việt Nam cũng mở rộng hơn so với các nước.
(tienphong.vn)
Thông báo khẩn tìm người đến BV Bệnh nhiệt đới TƯ từ ngày 14/4
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương thông báo khẩn, tìm tất cả người dân từng đến cơ sở 2 từ ngày 14/4 đến nay.
Bệnh viện phát đi thông báo khẩn, yêu cầu tất cả bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và người dân từng đến cơ sở 2 của bệnh viện tại Đông Anh, Hà Nội trong thời gian từ ngày 14/4 đến ngày 4/5 liên hệ ngay với cơ quan y tế gần nhất để được tư vấn theo dõi sức khỏe và hỗ trợ y tế.
Bệnh viện cũng đang lập danh sách các bệnh nhân từng điều trị tại bệnh viện trong khoảng thời gian trên để gửi các địa phương phục vụ rà soát, truy vết.
Từ chiều qua đến nay, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã ghi nhận 22 ca mắc Covid-19, gồm 1 bác sĩ, 17 bệnh nhân, 4 người nhà. Các ca mắc ghi nhận tại một số khoa như Hồi sức tích cực, Nhiễm khuẩn tổng hợp, Viêm gan, cấp cứu…
Bệnh viện đã thực hiện cách ly y tế cả 2 cơ sở từ 8h ngày 5/5, dừng khám, tiếp nhận nội trú bệnh nhân, chỉ tiếp nhận các trường hợp Covid-19 trong điều kiện có thể đáp ứng.
(vietnamnet.vn)
Chủ tịch Hà Nội: Vận động người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ký ban hành chỉ thị hỏa tốc về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.
Mọi trường hợp lơ là, chủ quan đều bị xử lý nghiêm minh
Chỉ thị nêu rõ, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp và khó lường, nhiều địa phương đã ghi nhận các ca nhiễm có biến chủng SARS-CoV-2 từ Ấn Độ, Anh, Nam Phi với tốc độ lây nhiễm rất nhanh.
TP xác định phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới. Tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, huy động toàn bộ hệ thống chính quyền các cấp vào cuộc.
Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu, tích cực tham gia và đi đầu trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Mọi trường hợp lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm, thực hiện không nghiêm các quy định, chỉ đạo về phòng, chống dịch phải được xác định trách nhiệm tập thể và cá nhân để xử lý nghiêm minh.
Chủ tịch TP yêu cầu, các cơ quan, đơn vị tuyên truyền, vận động người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết.
Bắt buộc phải khai báo y tế theo quy định; bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài; không tập trung đông người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 1m khi tiếp xúc; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; khi có dấu hiệu ho, sốt, khó thở hoặc các triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19, phải đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn, khám, điều trị kịp thời.
Đảm bảo tuyệt đối an toàn phòng chống dịch cho các cơ sở khám chữa bệnh. Đồng thời thực hiện tốt công tác điều trị cho người mắc bệnh, hạn chế thấp nhất người tử vong.
Thần tốc truy vết đến cùng, lấy mẫu xét nghiệm và cách ly tuyệt đối các trường hợp F1, quản lý nghiêm ngặt các trường hợp F2 theo quy định.
Tổ chức xét nghiệm sàng lọc tại các khu vực có nguy cơ cao trong đó lưu ý các khu vực có nhiều chuyên gia, khu công nghiệp… và các đối tượng có nguy cơ (người từ vùng dịch về, người có các biểu hiện ho, sốt, khó thở…) để đánh giá nguy cơ dịch bệnh và đưa ra các giải pháp phòng chống kịp thời, hiệu quả.
Tất cả các đơn vị từ TP đến quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn phải rà soát lại các phương án phòng chống dịch; nâng công suất, năng lực về truy vết, cách ly, xét nghiệm, điều trị… chuẩn bị sẵn sàng trong tình huống dịch bệnh lan rộng.
Sớm xét xử những vụ án nhập cảnh trái phép
Dừng hoạt động đối với các quán ăn, uống đường phố, trà đá vỉa hẻ, cà phê vỉa hè. Các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ khác phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.
Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong vận chuyển hành khách công cộng.
Thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 tại hộ gia đình, chung cư, trường học, trụ sở làm việc, hội họp, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối, chợ dân sinh, khu công nghiệp, nhà máy.
Dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, Karaoke, quán Bar, vũ trường, Game, Internet; các rạp, trung tâm chiếu phim; các cơ sở dịch vụ spa, massage, xông hơi, phòng tập gym; các hoạt động tập thể dục, thể thao, các sự kiện tập trung đông người tại khu vực công cộng, vườn hoa, công viên cho đến khi có chỉ đạo mới của Ban Chỉ đạo TP.
Thực hiện việc hiếu, hỷ văn minh, hạn chế tối đa tập trung đông người và đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, cơ sở chịu trách nhiệm thực hiện công tác phòng, chống dịch trong cơ quan, đơn vị: Không tổ chức các cuộc họp, hội nghị đông người chưa cần thiết, không tổ chức liên hoan, tiệc mừng; khuyến khích họp trực tuyến và sử dụng công nghệ thông tin, không để đình trệ công việc nhất là các công việc có thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật, các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Công an rà soát trong thời gian nhanh nhất những trường hợp có liên quan đến ca bệnh và những người đi từ các tỉnh, thành khác về Hà Nội theo phương châm đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng, không bỏ sót để phục vụ kịp thời công tác phòng, chống dịch.
Quản lý xuất nhập cảnh, người nước ngoài cư trú trên địa bàn, phát hiện những người nhập cảnh trái phép, đưa vào khu cách ly; xử lý nghiêm những cá nhân không khai báo y tế hoặc khai báo y tế không trung thực và các tổ chức, cá nhân liên quan tới việc đưa người, chứa chấp người nhập cảnh trái phép.
Đặc biệt, sớm đưa ra xét xử những vụ án đưa người nhập cảnh trái phép…
(thanhtra.com.vn)
Bình luận
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!