Thông tin y tế trên các báo ngày 6/4/2021
Dưới đây là một số thông tin y tế đáng chú ý trên các báo ra ngày 06/04/2021, mời quý đọc giả đón đọc:
Giúp người bệnh tiếp cận, duy trì và tuân thủ điều trị thuốc Methadone
Ngày 5/4, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam phối hợp với Sở Y tế tỉnh Điện Biên tổ chức sự kiện Khởi động cấp thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện tại địa phương.
Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam, việc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone được triển khai từ năm 2008. Tính đến nay, cả nước có hơn 52.000 người đang được điều trị Methadone ở hơn 330 cơ sở điều trị tại 63 tỉnh, thành phố. Độ bao phủ của chương trình đã đạt tới 28% tổng số người nghiện các chất dạng thuốc phiện, tỷ lệ tuân thủ điều trị sau 6 tháng đạt tới 83%, được đánh giá xếp loại tốt (theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới là 80%).
Tỉnh Điện Biên hiện có hơn 9.000 người nghiện nằm trong danh sách quản lý. Toàn tỉnh có 8 cơ sở điều trị và 35 cơ sở cấp phát Methadone cho người bệnh, lũy tích điều trị Methadone hơn 6.500 người, hiện điều trị cho hơn 2.400 người bệnh.
Tiến sĩ Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, sau hơn 12 năm triển khai, việc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đã bộc lộ một số hạn chế. Đó là: tỷ lệ tiếp cận điều trị còn thấp cũng như tuân thủ điều trị rất khác nhau giữa các khu vực; tỷ lệ bỏ điều trị chiếm trên 50% tập trung ở các tỉnh miền núi. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bỏ điều trị là do người bệnh không đủ kiên trì để tiếp tục điều trị khi phải đến cơ sở y tế uống thuốc hàng ngày trong một thời gian liên tục nhiều năm.
Để giảm bỏ điều trị do phải đến cơ sở y tế uống thuốc hàng ngày, các quốc gia trên thế giới đã triển khai cho người bệnh tuân thủ điều trị tốt được mang thuốc Methadone về sử dụng tại nhà. Việc cho người bệnh mang thuốc Methadone nhiều ngày sẽ giảm thời gian đi lại, giảm các chi phí liên quan đến đi lại, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh được tiếp cận, duy trì và tuân thủ điều trị mà vẫn đảm bảo thời gian cho công việc, sinh hoạt. Từ đó giúp cải thiện việc điều trị cho người bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống và tăng sự hài lòng của bệnh nhân và gia đình đối với cơ sở điều trị Methadone.
Theo Tiến sĩ Hoàng Đình Cảnh, Điện Biên là tỉnh miền núi phía Bắc, địa bàn rộng và đi lại khó khăn, nhiều người bệnh phải đi hàng chục km mới đến cơ sở điều trị để uống thuốc hàng ngày. Các điểm cấp phát thuốc Methadone đã được triển khai tại một số tại trạm y tế xã nhưng vẫn không đáp ứng được cho những người bệnh vì các làng, bản quá xa và đường đi đến cơ sở điều trị, cấp phát thuốc miền núi rất khó khăn.
(daidoanket.vn)
Phòng chống COVID-19: 9 biện pháp cần biết và thực hiện đầy đủ
Bộ Y tế đưa ra khuyến cáo cách phòng chống COVID-19 trong tình hình hình mới và đề nghị người dân thực hiện đầy đủ.
Theo Bộ Y tế, để phòng chống dịch COVID-19, người dân cần thực hiện đúng 9 biện pháp sau:
Thường xuyên rửa tay đúng cách bằng xà phòng dưới vòi nước sạch, hoặc bằng dung dịch sát khuẩn có cồn (ít nhất 60% cồn).
Đeo khẩu trang nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng và đến cơ sở y tế.
Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi bằng khăn giấy, khăn vải, khuỷu tay áo.
Tăng cường vận động, rèn luyện thể lực, dinh dưỡng hợp lý xây dựng lối sống lành mạnh.
Vệ sinh thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt hay tiếp xúc.
Nếu bạn có dấu hiệu sốt, ho, hắt hơi, và khó thở, hãy tự cách ly tại nhà, đeo khẩu trang và gọi cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị.
Tự cách ly, theo dõi sức khỏe, khai báo y tế đầy đủ nếu trở về từ vùng dịch.
Thực hiện khai báo y tế trực tuyến tại https://tokhaiyte.vn hoặc tải ứng dụng NCOVI từ địa chỉ https://ncovi.vn và thường xuyên cập nhật tình trạng sức khoẻ của bản thân.
Cài đặt ứng dụng Bluezone để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COVID-19, giúp bảo vệ bản thân và gia đình: https://www.bluezone.gov.vn/.
Sáng 6/4, Việt Nam không ghi nhận ca COVID-19 mới, số bệnh nhân COVID-19 ở nước ta hiện vẫn là 2.637.
Việt Nam có tổng cộng 1603 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 910 ca. Đến thời điểm này nước ta đã chữa khỏi cho 2.416/2.637 bệnh nhân.
Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị có 17 ca âm tính lần 1; 9 ca âm tính lần 2 và 16 ca âm tính lần 3 với SARS-CoV-2.
Để sống chung an toàn với đại dịch COVID-19, người dân cần tuân thủ thực hiện nguyên tắc 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang; Khử khuẩn; Khoảng cách; Không tụ tập và Khai báo y tế.
(vtc.vn)
Bóng cười: Nước mắt lăn dài sau “cuộc vui” ngắn
óng cười và sự nguy hại của bóng cười đối với con người không phải là vấn đề mới. Nhưng những hệ lụy của bóng cười thì vô cùng khó lường nhất là đối với những bạn trẻ lạm dụng bóng cười trong những cuộc vui.
“Bóng cười” còn gọi là “funky ball”, thực chất là quả bóng bay được bơm khí N2O, chất khí này khiến người hút có cảm giác phấn khích, ảo giác gây cười,có vị ngọt, không màu. Khi bơm vào bóng bay, gọi là bóng cười. N2O được sử dụng để giải trí từ thế kỷ 18, được dùng cho y tế vào đầu thế kỷ 20 với tác dụng gây mê, an thần, giảm đau và được các nha sĩ, bác sĩ sản khoa, bác sĩ thể thao sử dụng trong một số trường hợp.
Bóng cười du nhập vào nước ta từ nhiều năm trước, dù các lực lượng chức năng đã liên tục kiểm tra, quản lý, giám sát chặt chẽ. Tuy nhiên, những hệ lụy do bóng cười vẫn đang là nước mắt sau những “cuộc vui”.
Những hệ quả nghiêm trọng
Trông tưởng như bình thường, nhưng chơi và hít hơi bóng cười lại ẩn chứa nhiều mối nguy hại. Trên thế giới, khí cười được phép sử dụng trong y tế với một liều lượng nhất định theo chỉ định của bác sĩ. Với nhiều phương pháp gây tê khác, bệnh nhân cần có thời gian nhất định để nghỉ ngơi và hồi sức. Mặc dù khí cười dùng trong y tế khá an toàn và chủ yếu được thực hiện trong các thủ thuật nha khoa, sản khoa, thể dục thể thao, song không phải đối tượng nào cũng có thể dung nạp khí cười.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên- phụ trách Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, khí cười N2O là nhóm chất gây nghiện, thuộc nhóm gây ảo giác có xu hướng tăng liều, người dùng có thể bị phụ thuộc, nghiện, tương tự heroin. Đây là lý do nhiều người lúc đầu chỉ sử dụng bóng cười cho vui, cho rằng vô hại vì hết cười lại bình thường. Nhưng xu hướng sẽ tăng liều dần và gây nguy cơ ngộ độc. Trong trường hợp cười do hít bóng cười, việc cười quá mức, liên tục cũng đã có thể gây ngạt do thiếu ôxy. Nếu trên cơ địa có bệnh đường hô hấp thì rất nguy hiểm, có thể bị ngạt, suy hô hấp.
“Việc sử dụng N2O kéo dài hoặc lạm dụng với mục đích giải trí không được kiểm soát có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về thần kinh, tim mạch, ức chế não, thậm chí gây tử vong. Với những người đang lái xe có dùng bóng cười sẽ rất nguy hiểm” bác sĩ Nguyên nhấn mạnh.
Tại nhiều bệnh viện trên cả nước cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhân nhập viện liên quan đến việc sử dụng bóng cười như trường hợp một thanh niên 21 tuổi ngộ độc do hít bóng cười sau khoảng 6 tháng hít bóng cười liên tục. Theo lời kể của bệnh nhân, hầu như ngày nào anh này cũng hít hàng chục quả bóng cười vì cảm thấy nó rất… sảng khoái “đã đời”. Không chỉ hít bóng cười, anh này còn mua cả một bình bơm bóng loại 5 kg giá hơn 1 triệu đồng để bơm bóng cười hít tại nhà.
Sau một thời gian bệnh nhân thấy có biểu hiện mất thăng bằng, yếu tay chân và tê bì từ ngón chân lên đến vùng thắt lưng, tê bì 2 bàn tay, đôi lúc có cảm giác tê bì lan đến ngực nên đi khám bệnh. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân ngộ độc khí do hít bóng cười.
Theo các chuyên gia, khi hít khí bóng cười cũng sẽ ảnh hưởng đến nhận thức, làm giảm tầm nhìn và thính giác dẫn đến kích thích, hưng cảm thời gian ngắn, sau đó an thần, nặng có thể mất ý thức, loạn nhịp tim, tụt huyết áp… Hít khí cười trong thời gian ngắn với liều lượng lớn có thể khiến người sử dụng bị co giật, run rẩy…
Nếu những người mắc bệnh về tim mạch hay hen suyễn và một số bệnh liên quan tới đường hô hấp mà hít phải N2O lâu sẽ rất nguy hiểm vì nó có thể dẫn tới ngừng thở. Khi người sử dụng khí cười ngừng thở, thở nông hoặc thở quá chậm không kịp đáp ứng nhu cầu oxy của cơ thể thì sẽ mắc phải chứng thiếu oxy – thường do người dùng bóng cười quá buồn ngủ. Đây là một tác dụng phụ hiếm gặp của N2O nhưng đó là sự thật. Tình trạng giảm oxy quá lâu mà không được phát hiện thì sẽ xảy ra tổn thương não và tử vong. Dữ liệu do các nhà khoa học Anh công bố cho biết khí cười đã được xác định là nguyên nhân dẫn đến một số trường hợp tử vong tại nước này.
Bóng cười có bị cấm tại Việt Nam?
Bộ Công Thương vừa có báo cáo về tăng cường quản lý, kiểm soát khí và đề xuất cấm sử dụng khí N2O (khí cười trong bóng cười) trong vui chơi, giải trí. Hiện nay, việc sử dụng khí N2O sai mục đích tại các tụ điểm vui chơi giải trí, gây ảnh hưởng sức khỏe người dùng, an ninh trật tự xã hội.
Theo Bộ Công Thương, một số doanh nghiệp vì lợi nhuận đã có các hành vi vi phạm như kinh doanh không có giấy phép, khai báo không đúng mặt hàng nhập khẩu, trà trộn khí N2O lẫn với các mặt hàng khác. Vì vậy, cần thiết phải có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn đối với việc nhập khẩu khí N2O và ngăn ngừa hành vi sử dụng N2O cho mục đích vui chơi, giải trí. Vì vậy, Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, bộ ngành, địa phương tăng cường thanh kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng khí N2O trong mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội; xử phạt nghiêm, đủ sức răn đe đối với tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật.
Bộ Công Thương cũng đề nghị tham khảo quy định pháp luật của một số quốc gia để nghiên cứu đưa N2O vào danh mục các chất hướng thần. Đề nghị Thủ tướng giao Bộ Công an nghiên cứu, sửa đổi quy định pháp luật có liên quan để cấm sử dụng N2O cho các mục đích vui chơi, giải trí bất hợp pháp.
Đồng thời, Tổng cục Hải quan nâng cấp hệ thống một cửa quốc gia để kịp thời phản hồi thông tin thực nhập trước mắt là N2O, sau đó là các hóa chất khác đến Bộ Công Thương để thực hiện rà soát các doanh nghiệp nhập khẩu N2O không có giấy phép hoặc quá khối lượng cho phép.
TS.BS Trần Thị Hồng Thu – Trưởng khoa Lâm sàng, BV Tâm thần Ban ngày Mai Hương cho biết, việc sử dụng khí cười nhiều lần và trong thời gian dài như vậy sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh, gây ra tình trạng buồn nôn, rối loạn chuyển hóa cơ thể. Hít khí N2O có thể gây nên những tổn thương cơ, tê liệt chân tay. Ngoài ra, có thể khí N2O dùng trong bóng cười đã được pha thêm một số loại khí khác để tăng hưng phấn, dẫn đến những biến đổi nguy hiểm khác trong cơ thể.
(suckhoedoisong.vn)
6,2 triệu người khuyết tật chịu ảnh hưởng vì dịch COVID-19
Tại Việt Nam hiện có hơn 6,2 triệu người khuyết tật và họ là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19.
Vào ngày 5-4, tại TP.HCM, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Na Uy, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) cùng với Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC) – một tổ chức dành cho người khuyết tật (NKT) đã tổ chức hội thảo nhằm nâng cao năng lực của các nhà lãnh đạo cộng đồng từ các tổ chức của NKT.
Đồng thời, hội thảo nhằm giúp họ phát huy sức mạnh hiệp lực trong việc giám sát các chỉ số về quyền con người và đảm bảo việc làm cho NKT ở Việt Nam.
Tại Việt Nam hiện có hơn 6,2 triệu NKT và họ là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19.
Đánh giá nhanh của UNDP về tác động kinh tế – xã hội của dịch COVID-19 đối với NKT cho thấy 30% NKT bị mất việc làm, gần 50% bị giảm giờ làm và gần 60% bị cắt lương.
Tại hội thảo, bà Đào Thu Hương, cán bộ về quyền của NKT – UNDP Việt Nam, đã cho thấy những rào cản của NKT và đưa ra các biện pháp hỗ trợ đối với NKT trong thị trường lao động.
Cũng tại hội thảo, bà Diana Torres, Trợ lý trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, nhấn mạnh: “Bằng cách hợp tác cùng nhau để bảo vệ quyền việc làm của NKT, chúng ta đang thực hiện những hành động thực tiễn nhằm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), đặc biệt là mục tiêu phát triển bền vững số 8 (SDG8) về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, bao trùm và bền vững, tạo việc làm đầy đủ, năng suất và công việc thỏa đáng cho tất cả mọi người.
NKT chắc chắn là người cầm lái trên chặng đường này. Không ai khác có thể thay thế vai trò quan trọng của họ – những nhân tố tạo ra sự thay đổi tích cực bằng cách nâng cao nhận thức về một môi trường làm việc hòa nhập cho NKT”.
UNDP Việt Nam cho biết chương trình này đang phối hợp chặt chẽ với các đối tác chính phủ để thúc đẩy môi trường làm việc dễ tiếp cận (với nơi ở hợp lý, bao gồm đường dốc cho xe lăn, thang máy, phòng vệ sinh dễ tiếp cận, ứng dụng đọc màn hình hoặc thông dịch viên ngôn ngữ ký hiệu) nhằm tạo điều kiện cho NKT có cơ hội tiếp cận đào tạo nghề quốc gia và gia nhập thị trường lao động nhiều hơn.
Ví dụ, bằng các điều chỉnh đơn giản như lắp đặt đường dốc cho xe lăn và nâng cao khả năng tiếp cận của nhà vệ sinh cho NKT, UNDP đã hỗ trợ Trung tâm Y tế huyện Lương Sơn (Hòa Bình) để cải thiện khả năng tiếp cận cho không chỉ NKT mà còn cho tất cả bệnh nhân đến khám tại trung tâm.
(plo.vn)
Bình luận
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!