Thông tin y tế trên các báo ngày 30/3/2021

Dưới đây là một số thông tin y tế đáng chú ý trên các báo ra ngày 30/3/2021, mời quý đọc giả đón đọc:

Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19

Việt Nam bắt đầu tiêm vắc xin phòng Covid-19 từ ngày 8-3. Sau gần 1 tháng triển khai, sức khỏe của những người được tiêm đều ổn định và các phản ứng sau tiêm đều trong giới hạn cho phép.

Tuy nhiên, tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 ở nhiều địa phương còn chậm. Trước diễn biến dịch bệnh vẫn rất phức tạp, Bộ Y tế đang nỗ lực tìm nguồn cung vắc xin, đồng thời yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, bảo đảm “tiêm đến đâu, an toàn đến đó”.

Không ngại phản ứng phụ sau tiêm…

Tính từ ngày 8-3 đến 29-3, Việt Nam đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 của hãng AstraZeneca đợt 1 cho hơn 45.000 người tại 19 tỉnh, thành phố. Phó Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương) Đặng Thị Thanh Huyền cho biết, cũng như bất kỳ một loại thuốc hay vắc xin nào khác, vắc xin phòng Covid-19 có thể gây nên một số phản ứng không mong muốn sau khi tiêm. Tuy nhiên, các phản ứng sau tiêm gặp phải đều được các địa phương xử lý kịp thời. Nhờ đó, phản ứng ở các trường hợp sau tiêm chỉ dừng lại ở mức độ xuất hiện, chưa tăng cấp độ nặng lên.

Riêng tại Hà Nội, tính đến ngày 28-3 đã tiêm cho 7.419 người, trong đó có 2.557 trường hợp có phản ứng sau tiêm. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, thành phố đã cơ bản hoàn thành việc triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 1 và đang tiêm nốt cho một số đối tượng còn lại. Một số người được tiêm vắc xin phòng Covid-19 cũng gặp phải các phản ứng thông thường, chiếm hơn 33%; còn các phản ứng nặng chỉ chiếm 0,17%. Tất cả trường hợp có phản ứng sau tiêm đều được phát hiện và xử lý kịp thời đúng quy định và hiện sức khỏe đều ổn định.

Trực tiếp kiểm tra công tác tiêm chủng tại 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh, thành phố Hồ Chí Minh và Tây Ninh từ ngày 24-3 đến 27-3, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đánh giá, trong khi tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại Hà Nội đạt tỷ lệ cao, thì nhiều tỉnh, thành phố khác, tốc độ tiêm chủng còn chậm. Theo kế hoạch của Bộ Y tế, tính đến hết tháng 3-2021 sẽ hoàn thành tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 1 với 117.600 liều, nhưng đến sáng 28-3 mới có gần 45.000 người được tiêm, chiếm gần 40%. “Vắc xin Covid-19 có thời hạn sử dụng nhất định, nên các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng. Khi tiêm phải khám sàng lọc kỹ, không vì số lượng mà tiêm cho cả những trường hợp không đạt yêu cầu”, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên lưu ý.

Trước tình hình dịch trên thế giới và các nước trong khu vực còn diễn biến phức tạp, nước ta có nguy cơ cao xuất hiện đợt dịch thứ 4, các địa phương phải triển khai quyết liệt những biện pháp phòng dịch, trong đó có việc tiêm vắc xin.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, không vì lý do lo ngại phản ứng sau tiêm mà làm chậm công tác tiêm chủng. Để bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm, Bộ Y tế đã yêu cầu các điểm tiêm xử lý phản ứng cao hơn một mức. Do đó, một số trường hợp sau tiêm chưa đến mức phản vệ độ 2, nhưng đã được xử lý ngay ở mức độ như vậy. Thực tế, những phản ứng không mong muốn sau tiêm vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca tại nước ta thời gian qua đều nằm trong khuyến cáo của nhà sản xuất và Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Giám sát an toàn ở mức cao nhất

Theo Bộ Y tế, hiện có hơn 250 loại vắc xin phòng Covid-19 đang được các nước nghiên cứu, phát triển, song mới có 13 loại được cấp phép với tổng số 486 triệu liều trên toàn cầu. Cuộc chạy đua vắc xin phòng Covid-19 và nguy cơ thiếu hụt nguồn cung đang hiện hữu.

Để tăng độ bao phủ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho người dân Việt Nam, Bộ Y tế khuyến khích tất cả doanh nghiệp trong và ngoài nước đủ điều kiện tiếp cận, đàm phán với các đối tác trên thế giới có khả năng cung cấp vắc xin phòng Covid-19 theo đúng tinh thần Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 26-2-2021, về mua và sử dụng vắc xin phòng Covid-19.

Hiện tại, có Tập đoàn AMV, Công ty TNHH một thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex đang tiếp cận với các đối tác từ Mỹ và Ấn Độ để có nguồn cung vắc xin phòng Covid-19. Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cũng đề nghị các cơ sở nhập khẩu thuốc liên hệ, tìm kiếm các nguồn cung ứng vắc xin phòng Covid-19 từ các hãng dược quốc tế (AstraZeneca, Pfizer, Johnson & Johnson, JSC Generium (Sputnik V), Moderna, Sinovac…) bảo đảm chất lượng, an toàn, hiệu quả và đúng nguồn gốc, xuất xứ.

Trong 3 tuần tới, Việt Nam sẽ tiếp nhận khoảng 811.200 liều vắc xin phòng Covid-19 của chương trình Covax Facility. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, vắc xin phòng Covid-19 được đưa vào tiêm chủng đều phải được kiểm nghiệm, bảo đảm an toàn, dù được cấp phép trong tình trạng khẩn cấp. Việt Nam đang giám sát an toàn tiêm chủng ở mức cao nhất. Trong thời gian tới, hoạt động tiêm chủng sẽ được tiếp tục tiến hành theo chỉ đạo “tiêm đến đâu, an toàn đến đó” của Bộ Y tế.

(hanoimoi.com.vn)

Đái tháo đường nằm trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đái tháo đường nằm trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới trong năm 2023. Căn bệnh này đã và đang ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu bệnh nhân và đặt gánh nặng không nhỏ lên hệ thống y tế.

Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo khoa học có cùng chủ đề “Khởi đầu thập kỷ mới với liệu pháp insulin nền” . Sự kiện do Tổng hội Y học Việt Nam (VMA) và Liên chi Hội Đái tháo đường & Nội tiết TP. Hồ Chí Minh (HADE) phối hợp với các đơn vị liên quan đồng tổ chức tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nhằm đánh dấu cột mốc 100 năm phát triển của insulin và thảo luận vai trò của insulin nền trong việc điều trị đái tháo đường.

Chuỗi hội thảo đã thu hút sự tham gia của gần 800 bác sĩ chuyên khoa nội tiết, nội khoa và đa khoa… trên khắp Việt Nam. Đặc biệt, hơn 500 chuyên gia y tế đến từ Indonesia cũng tham dự sự kiện thông qua nền tảng trực tuyến.

Hội thảo hướng đến mục tiêu thảo luận về vai trò quan trọng của insulin nền trong các Khuyến cáo điều trị quốc tế như ADA 2021 và AACE/ACE 2021; Thực trạng kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2 Châu Á cũng như ưu điểm khi sử dụng insulin nền thế hệ mới đối với các bệnh nhân đái tháo đường nói chung hoặc các đối tượng đặc biệt như bệnh nhân đái tháo đường típ 2 lớn tuổi hoặc có bệnh thận mạn cũng được các chuyên gia thảo luận tại hội thảo.

Đây cũng là một dịp quan trọng cung cấp thông tin cập nhật cho các chuyên gia y tế trong và ngoài nước về việc cân bằng điều trị đái tháo đường típ 2 bằng insulin nền nhằm đạt hiệu quả cao nhất nhưng không gây ra biến chứng hạ đường huyết.

Theo công bố Atlas ấn bản lần thứ 9 của Liên đoàn Đái Tháo Đường Thế giới (IDF), ước tính trên thế giới có 463 triệu người trưởng thành trong độ tuổi 20-79 hiện đang chung sống với bệnh đái tháo đường 1,2. Trong năm 2019, ước tính hơn 4 triệu người trong độ tuổi từ 20-79 đã tử vong vì các nguyên nhân liên quan đến đái tháo đường. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), căn bệnh này nằm trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới trong năm 2023.

Insulin là tên của loại hormone giúp cơ thể sử dụng hoặc dự trữ glucose có được từ thức ăn, cũng là yếu tố giúp kiểm soát đường huyết trong cơ thể. Trong điều trị bệnh đái tháo đường, insulin được bác sĩ chỉ định sử dụng trong từng trường hợp và đối tượng cụ thể.

Năm 1921, insulin được phân lập từ tuyến tụy động vật bởi các nhà khoa học Canada của Đại học Toronto4. Qua 100 năm phát triển và cải tiến, insulin đã được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới và giúp hàng triệu bệnh nhân đái tháo đường tránh được biến chứng và nguy cơ tử vong. Đặc biệt, các chế phẩm insulin nền và insulin nền thế hệ mới đã góp phần giảm thiểu những rào cản trong việc điều trị đái tháo đường như hạ đường huyết, tăng cân… đã giúp thay đổi hoàn toàn cuộc sống của các bệnh nhân đái tháo đường típ 1 và típ 2.

“Vòng nửa thế kỷ gần đây, bệnh đái tháo đường típ 2 cũng đã trở thành đại dịch trên toàn cầu. Việc điều trị bệnh đái tháo đường với insulin đã có nhiều cải tiến đáng kể bao gồm sự thay đổi từ insulin chiết xuất từ động vật với nhiều tạp chất, nồng độ thấp cho đến insulin giống của người cực kỳ tinh khiết; từ dụng cụ bơm tiêm phức tạp cho đến bút insulin tiện lợi và hiện nay là dụng cụ cảm ứng đường huyết…” PGS.TS.BS. Nguyễn Thy Khuê – Chủ tịch Liên chi Hội Đái tháo đường & Nội tiết TPHCM nhấn mạnh.

Tại Việt Nam, đái tháo đường đã và đang ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu bệnh nhân và đặt một gánh nặng không nhỏ lên hệ thống y tế. Khoảng hơn 3,5 triệu người Việt đang mắc đái tháo đường.

Tỷ lệ người mắc đái tháo đường tăng nhanh và ngày càng trẻ hóa. Dự kiến số người mắc đái tháo đường tại Việt Nam sẽ tăng lên gần 6.3 triệu vào năm 2045.

Việt Nam có đến 55% bệnh nhân đái tháo đường có biến chứng, chủ yếu là tim mạch, mắt, thần kinh và thận. Vì vậy phải kiểm soát đường trong máu thật tốt, ngăn ngừa biến chứng. Tình hình kiểm soát đái tháo đường ở Việt Nam còn nhiều thách thức, chỉ có hơn 31% người đái tháo đường được chẩn đoán; và trong số bệnh nhân được chẩn đoán chỉ có gần 29% người được điều trị.

(suckhoedoisong.vn)

Nguy kịch tính mạng do độc tố của cua mặt quỷ

TS, BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện Trung tâm đang điều trị cho một bệnh nhân bị ngộ độc nặng, đã bị ngừng tim ở tuyến trước. Nguyên nhân ban đầu được xác định do độc tố trong cua mặt quỷ gây ra.

Bệnh nhân Đỗ Văn Ch. (46 tuổi, ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa) làm nghề đi biển. Vào khoảng 2 giờ ngày 27-3, bệnh nhân có ăn 1- 4 con cua đã được luộc chín (người dân địa phương gọi loài cua này là “còng chữ thập”).

Sau ăn khoảng 2 giờ, bệnh nhân thấy mệt kèm buồn nôn, nôn nhiều và tê bì miệng, lưỡi, chân tay. Bệnh nhân được các anh em trên thuyền đưa vào bờ và đến cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Hợp Lực Tĩnh Gia trong tình trạng nói khó, yếu nhẹ tứ chi.

Đến khoảng 9 giờ, bệnh nhân yếu không thể nói được, không cử động được tay chân, khó thở, suy hô hấp và ngừng tuần hoàn. Được các bác sĩ hồi sức, ép tim, bệnh nhân đã có mạch trở lại và được chuyển đến Trung tâm Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai.

TS, BS Nguyễn Trung Nguyên cho biết, vào lúc 14 giờ 30 phút ngày 27-3, Trung tâm Chống độc tiếp nhận bệnh nhân Đỗ Văn Ch được chuyển đến từ tuyến trước trong tình trạng hôn mê, liệt hoàn toàn, dùng thuốc vận mạch, bóp bóng và đặt nội khí quản. Bệnh nhân được chẩn đoán sơ bộ là ngộ độc cua mặt quỷ.

“Hiện bệnh nhân được điều trị hồi sức, thở máy, vận mạch, hạ thân nhiệt chỉ huy để bảo vệ não. Tình trạng ngộ độc của bệnh nhân rất nặng, cần được theo dõi chặt chẽ và điều trị tích cực. Tiên lượng của bệnh nhân rất dè dặt, chưa thể nói trước điều gì”, BS Nguyên cho hay.

Cũng theo BS. Nguyên, ở Việt Nam hiện có ít nhất ba loại cua biển độc được biết tới là Cua mặt quỷ (tên khoa học là Zosimus aeneus); Cua hạt (Platypodia granulosa) và Cua Phờ lo ri đa (Atergastis floridus), được phân bố ở các vùng biển của miền trung, Nha Trang và một số vùng khác.

Trong phần thịt và trứng của cua có chứa một vài loại độc tố khác nhau. Đáng chú ý là độc tố tetrodotoxin, gonyautoxin và saxitoxin. Đặc điểm của các độc tố này là bền vững với nhiệt, tức là vẫn giữ nguyên sau khi nấu chín.

“Đây là độc tố cực mạnh với hệ thần kinh, chỉ cần 0,5mg đã có thể gây tử vong cho người lớn. Khi xâm nhập vào cơ thể, độc tố này gây liệt tất cả các cơ, ban đầu có biểu hiện tê bì môi lưỡi chân tay, sau đó là liệt tất cả các cơ, đồng tử giãn, có thể co giật, tụt huyết áp, loạn nhịp tim. Phần lớn những trường hợp tử vong là suy hô hấp do liệt các cơ”, BS Nguyên cảnh báo.

Diễn biến ngộ độc cua mặt quỷ rất nhanh, có thể xuất hiện sau ăn trong vòng vài tiếng trở lại. Nhiều trường hợp bệnh nhân ăn ngoài biển, trên tàu, trên đảo, bị ngộ độc và khi đưa vào bờ thì không kịp cứu chữa, đã có trường hợp bị tử vong trên đường tới viện.

Đáng chú ý, cũng giống như cá nóc, những loại cua này không biết trước độc tố đến mức độ nào, có người đã từng ăn có thể không sao. Gia đình bệnh nhân Ch. kể trước đây đã từng ăn loài cua này một vài lần nhưng không có hiện tường gì, đến lần này thì bị ngộ độc. Tuy nhiên, để phòng tránh nguy cơ ngộ độc, người dân tuyệt đối không nên ăn các loại cua này. Chỉ nên ăn các loại hải sản, cua, mực, tôm, ghẹ… quen thuộc. Những loại cua lạ, kỳ dị, hình hài khác thường thì không nên ăn.

BS Nguyên khuyến cáo, những người dân đi biển cũng nên dự trữ mang theo than hoạt để trong trường hợp nghi ngờ ngộ độc có thể gây nôn và uống ngay tại chỗ để giải độc. Trên tàu, thuyền đi biển cũng nên trang bị các phương tiện cấp cứu ban đầu. Các ngư dân cũng cần được tập huấn các kiến thức sơ cứu ban đầu để có thể sơ cứu tại chỗ cho bệnh nhân trước khi đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

(nhandan.com.vn)

WHO “để ngỏ” mọi giả thuyết về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2

Ngày 29/3, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng mọi giả thuyết về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 vẫn đang “bỏ ngỏ” và cần nghiên cứu thêm.

Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến ở Geneva (Thụy Sĩ) hôm 29/3, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus xác nhận rằng WHO đã nhận được bảo cáo đầy đủ của nhóm chuyên gia quốc tế WHO đến Vũ Hán điều tra về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2.

“Theo những gì tôi đọc được từ báo cáo của các chuyên gia, mọi giả định đều là có thể… và sẽ cần nghiên cứu thêm” – Tổng giám đốc WHO cho hay.

Theo ông Ghebreyesus, nhóm chuyên gia quốc tế sẽ tổ chức một cuộc họp báo vào ngày 30/3 để thảo luận về những gì đã phát hiện được trong chuyến đi và báo cáo cuối cùng sẽ được công bố trên trang mạng của WHO cùng ngày.

Trước đó, một nhóm chuyên gia quốc tế của WHO đã đến Vũ Hán vào tháng 1 và tháng 2 năm nay để nghiên cứu và đã đưa ra 4 khả năng virus SARS-CoV-2 truyền bệnh sang con người trước khi lây lan ra khắp thế giới.

Theo dự thảo báo cáo mà hãng tin AFP đã nhận được, các nhà nghiên cứu đã đưa ra 4 giả thuyết để xác định khả năng xuất hiện của loại virus SARS-CoV-2. Nhóm chuyên gia kết luận giả thuyết virus lây truyền thông qua động vật trung gian là “có khả năng” đến “rất có khả năng”.

Trong khi đó, giả thuyết virus SARS-CoV-2 lây trực tiếp từ dơi sang người là “có khả năng”. Giả thuyết lây truyền qua thực phẩm đông lạnh có thể xảy ra. nhưng ít khả năng.

Theo dự thảo báo cáo này, giả thuyết về việc virus SARS-CoV-2 bắt nguồn từ phòng thí nghiệm được coi là “cực kỳ khó xảy ra”.

Báo cáo của WHO chưa đưa ra câu trả lời chắc chắn về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2, nhưng “chắc chắn là một khởi đầu tốt”, nhà virus học người Hà Lan và là thành viên nhóm Marion Koopmans viết dòng tweet hôm 29/3.

Trước đó, báo cáo của WHO về nguồn gốc của dịch Covid-19 cho thấy sự lây truyền virus từ dơi sang người thông qua một động vật khác là kịch bản khả thi nhất và sự rò rỉ từ phòng thí nghiệm là bất khả thi./.

(kinhtedothi.vn)

Gia tăng ca bệnh phong khó chẩn đoán

Bệnh nhân phong gần đây bắt đầu có xu hướng gia tăng. Nhiều ca phát hiện tại bệnh viện với triệu chứng không điển hình, khó chẩn đoán

Các chuyên gia cho biết việc tiếp tục duy trì chương trình chống phong quốc gia góp phần phát hiện bệnh nhân sớm và điều trị kịp thời, giảm tối đa tình trạng tàn tật cho người bệnh.

Bắt đầu có xu hướng tăng

Mới đây, tại Bệnh viện Da liễu trung ương, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đã trao tặng gần 3.000 vỉ thuốc phong, 20.000 viên Lampren (thuốc điều trị cho người có cơn phản ứng phong) cho chương trình phòng chống phong của Việt Nam. PGS-TS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Da liễu trung ương, cho biết bệnh nhân phong gần đây bắt đầu có xu hướng gia tăng. Mặc dù cuối năm 2015, toàn bộ 63 tỉnh, thành trong cả nước đã được công nhận loại trừ bệnh phong theo tiêu chuẩn Việt Nam. Sở dĩ như vậy vì trực khuẩn phong ủ bệnh dài, triệu chứng cơ năng lúc mới biểu hiện bệnh khá mờ nhạt. “Hiện nay, số lượng bệnh nhân phong mới khoảng 100-200 ca/năm. Cả nước có 21 khu điều trị và 15 làng phong. Số bệnh nhân phong đang quản lý là 10.000 ca, số bệnh nhân tàn tật độ 2 là 18.000 ca” – PGS Thường thông tin.

PGS Thường nhấn mạnh sự hỗ trợ về thuốc điều trị của WHO rất quan trọng bởi việc bảo đảm thuốc điều trị kịp thời sẽ làm giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm và tình trạng tàn tật của bệnh nhân. Điều này làm giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Đây là mấu chốt quan trọng làm nên sự thành công của chương trình phòng chống phong quốc gia. “Nhắc đến bệnh phong, nhiều người đang lãng quên căn bệnh này. Nhưng thực tế, bệnh phong đang có xu hướng quay trở lại trong khi các tỉnh, thành của chúng ta đã được công nhận loại trừ căn bệnh này từ năm 2015” – ông lo ngại.

Lý giải sự quay trở lại của bệnh phong, dù 63 tỉnh, thành trong cả nước đã được công nhận loại trừ bệnh phong theo tiêu chuẩn Việt Nam, PGS Thường cho biết trực khuẩn phong ủ bệnh dài (có thể lên tới 20 năm), triệu chứng cơ năng lúc mới biểu hiện bệnh khá mờ nhạt. Vì thế, để tiến tới loại trừ được bệnh phong, chúng ta cần phải có khoảng thời gian rất dài và cần các hoạt động tích cực như đào tạo, truyền thông để bệnh phong không bị lãng quên. Gần 20 bệnh nhân phong mới được phát hiện tại Bệnh viện Da liễu trung ương đều là những trường hợp triệu chứng không điển hình và khó chẩn đoán nếu không có đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm và các xét nghiệm chẩn đoán chuyên sâu.

Để đạt được mục tiêu này thì vai trò của chương trình chống phong quốc gia đóng vai trò chủ đạo. Việc tiếp tục duy trì chương trình chống phong quốc gia là vô cùng cấp thiết và quan trọng. Điều này giúp kết nối hệ thống da liễu trong cả nước, góp phần phát hiện bệnh nhân sớm và điều trị kịp thời, giảm tối đa tình trạng tàn tật cho người bệnh.

Theo PGS Thường, hiện nay là phần lớn bệnh nhân phong đang sống trong các khu điều trị đều không có gia đình. Thực chất họ là những người tàn tật do bệnh phong. Mặc dù được chính quyền và ngành y tế rất quan tâm nhưng những mặc cảm bệnh tật và kỳ thị từ xa xưa vẫn là nỗi ám ảnh của họ. Vì vậy, định hướng của hoạt động phòng chống phong trong giai đoạn tới sẽ chủ yếu là hướng tới giảm kỳ thị và phục hồi chức năng cho bệnh nhân phong, đồng thời công tác tuyên truyền giáo dục y tế để người dân tự phát hiện sớm bệnh cũng là ưu tiên hàng đầu.

(nld.com.vn)

4.9/5 - (7 bình chọn)

Bình luận

Thông tin y tế trên các báo ngày 30/3/2021

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hỗ trợ
Bạn cần tư vấn?

Tin mới

TOP 10 thuốc đặt âm đạo trị nấm phổ biến nhất hiện nay [ĐỪNG BỎ QUA]

Thuốc đặt âm đạo Polygynax có tốt không? Nên dùng cho đối tượng nào?

Viêm cổ tử cung sau sinh: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách chữa trị [ĐỌC NGAY]

Viêm cổ tử cung khi mang thai và cách chữa trị hiệu quả [TÌM HIỂU NGAY]

Điều trị viêm cổ tử cung bằng các phương pháp tốt nhất hiện nay [ĐỪNG BỎ QUA]

Chữa viêm lộ tuyến cổ tử cung ở đâu tốt? TOP 8 địa chỉ uy tín [THAM KHẢO NGAY]

Bà bầu bị viêm lộ tuyến cổ tử cung nguy hiểm không? Chuyên gia tư vấn cách điều trị hiệu quả

Thuốc trị viêm lộ tuyến cổ tử cung cực kỳ an toàn, hiệu quả [TÌM HIỂU NGAY]

TOP 12 cách CHỮA VIÊM LỘ TUYẾN TẠI NHÀ cực hiệu quả [ĐỪNG BỎ QUA]

Khám viêm cổ tử cung ở đâu tốt? TOP 10 địa chỉ uy tín toàn quốc [XEM CHI TIẾT]

Ẩn