Thông tin y tế trên các báo ngày 3/7/2021

Dưới đây là tổng hợp một số tin tức y tế đáng chú ý nhất ngày 3/7, mời quý đọc giả đón đọc:

Việt Nam chế tạo thành công máy oxy dòng cao để phòng, chống COVID-19

Việc sản xuất được máy oxy dòng cao là một bước tiến trong việc Việt Nam chủ động các phương tiện, thiết bị y tế trong phòng chống dịch COVID-19.

Tối 2/7/2021, tại Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và VMED Group công bố sản xuất thành công máy oxy dòng cao ký hiệu BKVM-HF1.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long hoan nghênh và đánh giá cao kết quả nghiên cứu này. Thời gian qua, các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Y tế đã hỗ trợ nhanh thủ tục pháp lý để có thể sản xuất hàng loạt máy oxy dòng cao BKVM-HF1.

Ông Long mong muốn Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và VMED Group tiếp tục nghiên cứu sản xuất quy mô lớn, hoàn thiện sản xuất hệ thống tích hợp làm giàu oxy không khí di động và đặc biệt là thiết bị xét nghiệm sàng lọc nhanh các biến thể virus SARS-CoV-2.

Giáo sư Nguyễn Gia Bình – Chủ tịch Hội hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam nhận định việc sản xuất được máy oxy dòng cao là một bước tiến trong việc Việt Nam chủ động các phương tiện, thiết bị y tế trong phòng chống dịch COVID-19.

Theo Giáo sư Bình: “Trong dịch COVID-19, tỷ lệ bệnh nhân suy hô hấp mức độ vừa khá cao. Việc tạo ra một thiết bị ứng dụng công nghệ oxy dòng cao với kỹ thuật đơn giản, rất dễ sử dụng, giá thành hợp lý thì có thể ứng dụng được với rất nhiều bệnh nhận. Đặc biệt, trong dịch bệnh, đều phải huy động hết lực lượng cán bộ y tế, chỉ chuyên khoa không thì không đủ, nên với máy thao tác đơn giản lại sử dụng hiệu quả là vô cùng hữu ích.”

Cuối tháng 5/2021, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và VMED Group đã hợp tác triển khai Dự án nghiên cứu sản xuất máy oxy dòng cao BKVM-HF1 phục vụ phòng, chống dịch COVID-19. Toàn bộ chi phí sản xuất lô sản phẩm đầu tiên của dự án được sự tài trợ từ Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí PETROSETCO.

Máy oxy dòng cao (HFNC-High Flow Nasal Cannula) được nghiên cứu sản xuất từ nhu cầu cao trong điều trị COVID-19 tại các cơ sở y tế.

Máy có chức năng cung cấp liên tục khí thở lưu lượng cao (lên tới 60l/phút) với nồng độ oxy điều chỉnh được (từ oxy không khí đến nguyên chất). Dòng khí thở được ổn định ở 37 độ C với độ ẩm bão hòa và cấp qua gọng mũi để giúp điều trị bệnh nhân suy hô hấp.

Máy được đo lường tại phòng thử nghiệm của VMED Group, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở bởi HUST, giám định kỹ thuật từ Vinacontrol, thử nghiệm tại Trung tâm cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai, và được Bộ Y tế quyết định lưu hành vào giữa tháng 6/2021.

Phó giáo sư Nguyễn Văn Chi – Phụ trách Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai đánh giá: “Trong đợt dịch COVID-19, HFNC có vai trò vô cùng quan trọng với nhóm bệnh nhân nặng, giúp bệnh nhân đảm bảo hô hấp trong quá trình bệnh tiến triển. Rất nhiều bệnh nhân nhờ sự trợ giúp của phương tiện thở không xâm nhập này đã tránh được can thiệp xâm nhập như đặt nội khí quản. Qua thực tế chúng tôi nhận thấy phương tiện này đã giúp giảm đáng kể số lượng bệnh nhân phải đặt nội khí quản, từ đó giảm tỷ lệ bệnh nhân diễn biến nặng.”

Đề cập về công tác nghiên cứu, Phó giáo sư Huỳnh Quyết Thắng – Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: “Sau sự khởi đầu này, nhà trường sẽ tiếp tục đóng góp trí tuệ, nghiên cứu, sáng tạo ra HF2, HF3… để góp sức giúp ngành y, giúp các bệnh nhân chống lại đại dịch COVID-19. Các dòng sản phẩm được sáng tạo bởi nhà khoa học Việt Nam, được sản xuất bởi doanh nghiệp Việt Nam trước hết phục vụ người dân Việt Nam, nhưng cũng mong sẽ đến ngày vươn đến các thị trường khác.

Ông Ngô Thanh Sơn – Phó Tổng Giám đốc VMED Group khẳng định các chuyên gia của tập đoàn đã đồng hành cùng Đại học Bách khoa Hà Nội làm ra một sản phẩm có giá trị ứng dụng cao để kịp thời chuyển đến các điểm nóng về điều trị COVID-19, cũng như nhanh chóng trang bị cho các bệnh viện phục vụ công tác điều trị bệnh nhân COVID-19.”

Vào giai đoạn 1 của dự án, 30 máy BKVM-HF1 đầu tiên đã được Tổng Công ty CP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí PETROSETCO (thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) tài trợ toàn bộ chi phí sản xuất, trị giá 1,5 tỷ đồng.

Ông Phùng Tuấn Hà – Chủ tịch PETROSETCO cho hay trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước cũng như giá trị to lớn của việc kết nối các nguồn lực trong xã hội, chúng tôi rất tự hào và sẵn sàng góp nguồn lực trong dự án này. Hy vọng rằng các sản phẩm được làm ra từ chính tâm huyết và trí tuệ này sẽ giúp các bác sĩ nơi tuyến đầu kịp thời cứu chữa cho bệnh nhân, góp phần sớm đưa Việt Nam vượt qua đại dịch.

Vào giai đoạn 2 của dự án, phương án triển khai sản xuất với số lượng lớn và đồng bộ với các hệ thống khác trong bệnh viện để nâng cao hiệu quả cứu chữa bệnh nhân.

Hiện nay, việc vận hành máy oxy dòng cao luôn cần nguồn cấp khí và oxy y tế. Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hỗ trợ nhóm nghiên cứu chế tạo hệ thống khí y tế theo TCVN 8022-1:2009 có thể dùng cho 10 máy oxy dòng cao cùng lúc. Nhóm đã chế tạo thành công máy oxy y tế lưu lượng 60l/phút có độ tinh khiết đến 93% oxy có thể phục vụ linh hoạt cho tuyến y tế cơ sở.

Nhóm nghiên cứu đang tiếp tục hoàn thiện máy làm giàu oxy từ không khí để tích hợp thêm vào hệ thống và nâng cấp tính năng cao cho các máy BKVM được sản xuất tiếp theo. Giải pháp này đặc biệt cần thiết cho các bệnh viện dã chiến.

(vietnamplus.vn)

Sáng 3/7, Việt Nam có thêm 239 ca Covid-19 mới

Theo Bộ Y tế, tính từ 18 giờ 30 ngày 2/7 đến 6 giờ ngày 3/7, Việt Nam có thêm 239 ca mắc Covid-19 mới, trong đó hầu hết vẫn ghi nhận tại TP. Hồ Chí Minh. Không có ca nào nhập cảnh.

Cụ thể, 239 ca bệnh mới trong nước bao gồm 215 ca tại TP. Hồ Chí Minh, 11 ca tại Phú Yên, 10 ca tại Hưng Yên, hai ca tại Bạc Liêu và một ca tại Bắc Ninh. Trong số này, có 206 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.

Các ca bệnh bao gồm:

– 11 ca bệnh (BN18122-BN18128, BN18132, BN18141, BN18144-BN18145) ghi nhận tại tỉnh Phú Yên: là các trường hợp trong khu cách ly và khu vực đã được phong tỏa. Kết quả xét nghiệm ngày 1/7/2021 dương tính với SARS-CoV-2.

– Hai ca bệnh (BN18129-BN18130) ghi nhận tại tỉnh Bạc Liêu: có tiền sử đi về từ TP. Hồ Chí Minh, đã chủ động khai báo y tế và được cách ly từ trước. Kết quả xét nghiệm ngày 2/7/2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện đang cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu.

– Một ca bệnh (BN18131) ghi nhận tại tỉnh Bắc Ninh: nữ, 49 tuổi, địa chỉ tại phường Tiền An, TP. Bắc Ninh; trong khu vực phong toả. Kết quả xét nghiệm lần 4 ngày 2/7/2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh.

– 10 ca bệnh (BN18133-18140, BN18142-BN18143) ghi nhận tại tỉnh Hưng Yên: là các trường hợp trong khu cách ly và khu vực đã được phong tỏa. Kết quả xét nghiệm ngày 2/7/2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cơ sở Đông Anh.

– 215 ca bệnh (BN18146-BN18360) ghi nhận tại TP. Hồ Chí Minh: 182 ca là các trường hợp trong khu cách ly, khu vực đã được phong tỏa; 33 ca đang điều tra dịch tễ.

(nhandan.com.vn)

Nhận biết dấu hiệu huyết khối, giảm tiểu cầu sau tiêm vắc xin Covid-19

Tỷ lệ huyết khối sau tiêm vắc xin Covid-19 là hiếm gặp, cụ thể với AstraZeneca là 4,6/1 triệu liều tiêm thứ nhất, Pfizer/BioNTech là 0,2/1 triệu liều tiêm thứ nhất.

Theo “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối sau tiêm vắc xin Covid-19” do Bộ Y tế ban hành, thuyên tắc huyết khối kèm theo giảm tiểu cầu sau khi tiêm vắc xin Covid-19 là biến cố hiếm gặp, được ghi nhận trong báo cáo của các cơ quan quản lý dược và tổ chức giám sát an toàn vắc xin tại một số quốc gia.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) yêu cầu cảnh giác, theo dõi, phát hiện sớm và xử trí kịp thời những biến cố hiếm gặp ở người sau tiêm vắc xin Covid-19 nghi ngờ giảm tiểu cầu, đông máu rải rác trong lòng mạch, huyết khối tĩnh mạch não.

Biểu hiện thuyên tắc huyết khối kèm theo số lượng tiểu cầu thấp xảy ra sau khi tiêm vắc xin. Các nghiên cứu cho thấy sau tiêm vắc xin Covid-19, cơ thể có thể sinh kháng thể kháng yếu tố 4 tiểu cầu (platelet factor-PF4). Phức hợp kháng nguyên kháng thể đó hoạt hóa tiểu cầu quá mức dẫn đến giảm tiểu cầu, gây huyết khối và có thể chảy máu, gặp nhiều hơn ở phụ nữ dưới 60 tuổi.

Để chẩn đoán, cùng với chẩn đoán bằng xét nghiệm máu, bệnh nhân (BN) cần được thực hiện thêm chẩn đoán hình ảnh, siêu âm doppler mạch vị trí nghi ngờ lâm sàng, chụp X-quang, cộng hưởng từ… giúp phát hiện huyết khối, chảy máu.

Tỷ lệ huyết khối sau tiêm vắc xin Covid-19 là hiếm gặp, cụ thể với AstraZeneca là 4,6/1 triệu liều tiêm thứ nhất, Pfizer/BioNTech là 0,2/1 triệu liều tiêm thứ nhất. Huyết khối sau tiêm vắc xin AstraZeneca chủ yếu gặp ở nữ.

Tỷ lệ đông máu sau tiêm vắc xin AstraZeneca ở người trẻ cao hơn so với người lớn tuổi. Sau tiêm vắc xin AstraZeneca, tỷ lệ đông máu dường như ít xảy ra ở người trên 60 tuổi, khoảng 0,2/1 triệu liều tiêm đầu.

Biến chứng đông máu sau tiêm vắc xin AstraZeneca phụ thuộc vào yếu tố di truyền, bệnh nền, lối sống, thuốc đang dùng, yếu tố V Leiden. Cơ chế bệnh sinh được cho là sự hình thành các kháng thể kháng yếu tố 4 tiểu cầu (PF4), gây tiêu thụ tiểu cầu dẫn đến số lượng tiểu cầu thấp và hình thành huyết khối. (Nguồn: Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM – HCDC)

(thanhnien.vn)

4.8/5 - (6 bình chọn)

Bình luận

Thông tin y tế trên các báo ngày 3/7/2021

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hỗ trợ
Bạn cần tư vấn?

Tin mới

TOP 10 thuốc đặt âm đạo trị nấm phổ biến nhất hiện nay [ĐỪNG BỎ QUA]

Thuốc đặt âm đạo Polygynax có tốt không? Nên dùng cho đối tượng nào?

Viêm cổ tử cung sau sinh: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách chữa trị [ĐỌC NGAY]

Viêm cổ tử cung khi mang thai và cách chữa trị hiệu quả [TÌM HIỂU NGAY]

Điều trị viêm cổ tử cung bằng các phương pháp tốt nhất hiện nay [ĐỪNG BỎ QUA]

Chữa viêm lộ tuyến cổ tử cung ở đâu tốt? TOP 8 địa chỉ uy tín [THAM KHẢO NGAY]

Bà bầu bị viêm lộ tuyến cổ tử cung nguy hiểm không? Chuyên gia tư vấn cách điều trị hiệu quả

Thuốc trị viêm lộ tuyến cổ tử cung cực kỳ an toàn, hiệu quả [TÌM HIỂU NGAY]

TOP 12 cách CHỮA VIÊM LỘ TUYẾN TẠI NHÀ cực hiệu quả [ĐỪNG BỎ QUA]

Khám viêm cổ tử cung ở đâu tốt? TOP 10 địa chỉ uy tín toàn quốc [XEM CHI TIẾT]

Ẩn