Thông tin y tế trên các báo ngày 29/3/2021

Dưới đây là một số thông tin y tế đáng chú ý trên các báo ra ngày 29/3/2021, mời quý đọc giả đón đọc:

Không ghi nhận ca mắc Covid-19, hơn 45 nghìn người đã tiêm vaccine

Sáng 29-3, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam không có ca mắc Covid-19 mới, vẫn có 2.591 ca mắc. Đến nay cả nước đã có hơn 45 nghìn người tiêm vaccine phòng Covid-19.

Đến nay, Việt Nam có tổng cộng 1.603 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó, số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27-1 đến nay là 910 ca, riêng Hải Dương có 726 ca.

10 tỉnh, thành phố gồm Hoà Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh và TP Hồ Chí Minh) đã qua 44 ngày không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Hà Nội đã 41 ngày và Hải Phòng 34 ngày không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.

Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế, đến thời điểm này nước ta đã chữa khỏi 2.308/2.590 bệnh nhân Covid-19.

Trong số các bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước, có 125 bệnh nhân đã âm tính với virus SARS-CoV-2 từ 1-3 lần gồm: 30 ca âm tính lần 1; Số ca âm tính lần 2 là 38 ca; số ca âm tính lần 3 là 57 ca.

Tính đến 16 giờ ngày 28-3, tổng cộng đã thực hiện tiêm vaccine phòng Covid-19 cho 45.140 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch.

Chi tiết 45.140 người được tiêm tại 19 tỉnh, thành phố trong các ngày từ 8 – 28-3 như sau:

  • Tỉnh Hải Dương: 18.026 người
  • TP Hà Nội: 7.584 người
  • TP Hải Phòng: 1.194 người
  • Tỉnh Hưng Yên: 2.752 người
  • Tỉnh Bắc Ninh: 2.869 người
  • Tỉnh Bắc Giang: 3.185 người
  • Tỉnh Hòa Bình: 1.670 người
  • Hà Giang: 1.078 người
  • Điện Biên: 881 người
  • TP Đà Nẵng: 117 người
  • Tỉnh Khánh Hòa: 105 người
  • Tỉnh Gia Lai: 1.513 người
  • TP Hồ Chí Minh: 1.337 người
  • Bà Rịa Vũng Tàu: 87 người
  • Bình Dương: 1.854 người
  • Long An: 244 người
  • Quảng Ninh: 10 người
  • Đồng Tháp: 286 người

(nhandan.com.vn)

Thêm người ngộ độc sau ăn pate chay: Bộ Y tế khuyến cáo khẩn

Ngộ độc do độc tố botulinum là ngộ độc nặng, nguy cơ tử vong cao hoặc ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe. Bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế, khuyến cáo khẩn cách để người sử dụng thực phẩm không bị ngộ độc botulinum.

Bà Nga cảnh báo, những thực phẩm chứa độc tố nguy hiểm botulinum như vụ pate chay có thể hiển diện ngay trong mỗi gia đình do việc bảo quản, sử dụng thực phẩm không đúng cách… Rau, củ, quả, thịt, hải sản lên men, đóng hộp không đảm bảo có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn và sinh độc tố botulinum”.

Liên quan vụ ngộ độc botulinum sau bữa ăn chay ở huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương, ngoài 1 trường hợp đã tử vong và 2 người khác đang trong quá trình điều trị, Bệnh viện Nhân Dân 115 (TPHCM) vừa tiếp nhận thêm 3 người trong tình trạng nguy kịch sau khi ăn pate chay tại Bình Dương.

Đến nay, trong vụ ngộ độc này, đã xác định được 6 nạn nhân, trong đó 4 bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Nhân Dân 115, một người được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã tử vong, một bệnh nhi đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, sức khỏe đang dần bình phục.

Bà Nga cho biết, vi khuẩn clostridium botulinum sinh ra trong môi trường yếm khí, vì thế, bất cứ sản phẩm nào đóng hộp (không riêng pate), thực phẩm hun khói, thực phẩm lên men yếm khí (thịt, cá ướp…), thực phẩm bảo quản trong môi trường yếm khí đều có thể sinh ra vi khuẩn này.

Các vụ ngộ độc do botulinum vốn rất hiếm gặp, nhưng gần đây gặp nhiều, liên quan nhiều đến những bữa ăn tự nấu, chế biến thủ công tại hộ gia đình. Trào lưu bảo quản thực phẩm hút chân không, đóng hộp thực phẩm không đúng cách là nguy cơ rất lớn nhiễm độc tố chết người botulinum.

“Ngộ độc do độc tố botulinum là ngộ độc nặng, nguy cơ tử vong cao hoặc ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe. Người bệnh bị ngộ độc do độc tố botulinum có biểu hiện buồn nôn, nôn, trướng bụng, đau bụng, liệt theo trình tự liệt bắt đầu từ vùng đầu mặt cổ lan xuống hai tay, sau đó tới hai chân, liệt các cơ hô hấp; liệt nặng có thể gây suy hô hấp là nguyên nhân gây tử vong”, bà Nga cho biết. Độc tố này không bị loại bỏ dù đun sôi thông thường, bà lưu ý.

Chuyên gia Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, các hộ gia đình, cơ sở sản xuất thủ công không tự đóng gói, đóng kín thực phẩm (dạng hút chân không) để bảo quản trong thời gian dài.

(tienphong.vn)

Trẻ tiếp xúc nhiều với mạng xã hội xấu độc: Diễn tiến tâm lý sang bệnh lý

Trẻ tiếp xúc nhiều với mạng xã hội xấu độc không chỉ làm thay đổi tâm lý mà dần dần quá trình biến đổi tâm lý này sẽ chuyển thành bệnh lý. Bài viết này chuyên gia tâm thần sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn bản chất của quá trình chuyển biến nguy hiểm này.

Hệ lụy tức thời

Mới đây, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương đã tiếp nhận và khám cho một vài trường hợp đến khám do trẻ sử dụng các thiết bị thông minh kéo dài trong thời gian cách ly. Những vấn đề mà cha mẹ đưa trẻ đến khám bao gồm: Trẻ thay đổi cảm xúc, tính tình, dễ cáu gắt, bồn chồn, cãi lại người lớn, chểnh mảng trong việc học tập, không chơi với bạn bè, ít nói hơn, thường ngủ muộn…

Một trường hợp trẻ nam 8 tuổi ở Tân Mai, Hà Nội sau khi liên tục xem các video livestream chơi game được đưa tới khám với các triệu chứng như trên kèm theo các triệu chứng nặng nề hơn, đó là: Trẻ liên tục nhìn thấy những hình ảnh trong game là một hình ảnh mặt người cười nhe răng, đe dọa trẻ, luôn theo sát trẻ và làm hại trẻ (bóp cổ), trẻ luôn la hét, cảm thấy hoảng sợ. Từ một học sinh học giỏi, nay trẻ không thể học được, luôn có các hành vi bất thường như đấm đá lung tung, chửi bới, đêm không dám ngủ…

Trước đó tháng 11/2020, một bé trai 8 tuổi tại Đồng Nai được phát hiện tử vong ở phòng tắm trong tình trạng treo lơ lửng sát tường, nghi vấn nạn nhân học theo một trò chơi “thử thách MoMo” trên mạng. Liên tiếp các trường hợp được báo cáo vì bắt chước mạng ảo, tử vong thật ở trẻ em…

Diễn tiến từ tâm lý sang bệnh lý

Không chỉ tác hại trực tiếp từ việc xem và bắt chước các nội dung xấu độc từ mạng xã hội mà nó còn gây ra những tác hại từ từ, mạn tính, dẫn đến những biến đổi trong sự phát triển bình thường của não bộ ở trẻ em, có nguy cơ khởi phát những khiếm khuyết các chức năng tâm thần, gây ra các bệnh lý tâm thần ở trẻ.

Bộ não của trẻ không giống bộ não của người lớn, liên tục phát triển, đặc biệt là sự hoàn thiện của vùng vỏ não trước trán với các chức năng điều hành (lập kế hoạch, tổ chức, giám sát, kiểm soát), chức năng kiểm soát hành vi và cảm xúc. Sự phát triển của vỏ não trước trán ở người trưởng thành có thể kéo dài đến 23-26 tuổi. Khi trẻ liên tục xem những video độc hại sẽ ảnh hưởng đến phát triển của vỏ não, dẫn đến giảm tập trung chú ý, giảm trí thông minh, cảm xúc, nghiện công nghệ, sống cách ly xã hội, ảnh hưởng đến phát triển nhận thức ở trẻ.

Các nhà khoa học đã chứng minh rằng, khi trẻ tiếp nhận thông tin từ các video, não bộ của trẻ sẽ suy giảm khả năng tưởng tượng, sự suy đoán và cảm xúc. Hệ quả là trẻ dễ dàng tiếp nhận các thông tin được đưa ra mà không trải qua quá trình phản biện hay tự điều chỉnh để thích nghi như các phương thức tự nhiên. Trẻ dễ dàng nghiện các nội dung trên mạng internet như nghiện game, facebook, youtube… Tỷ lệ nghiện các chứng này trên toàn thế giới ước tính khoảng 6%, và ở một vài vùng lãnh thổ tỷ lệ này có thể lên tới 11%. Nghiện internet dẫn tới các triệu chứng của chứng tăng động- giảm chú ý (ADHD) và ngược lại, trẻ có ADHD cũng dễ nghiện internet hơn.

Những trẻ ít dùng các thiết bị công nghệ cho thấy nhận biết tốt hơn đáng kể các tín hiệu cảm xúc và xã hội phi ngôn ngữ.

Theo nghiên cứu tại Hoa Kỳ, 90% thanh niên ở nước này sử dụng các mạng xã hội như facebook, twitter, snapchat và instagram và hầu hết truy cập các trang này hàng ngày. Tuy nhiên, nghịch lý là việc sử dụng mạng xã hội lại làm tăng sự cô lập xã hội (nghĩa là thiếu kết nối xã hội và mối quan hệ chất lượng với người khác). Điều này liên quan đến sức khỏe kém, cảm giác trầm cảm và cô đơn, giảm lòng tự trọng và tự tin, vấn nạn về sự bắt nạt và hội chứng mạo danh trên mạng xã hội, gia tăng tỷ lệ tử vong.

Thời gian sử dụng thiết bị tăng lên, thời gian đọc giảm xuống, ảnh hưởng xấu đến phát triển nhận thức và não bộ. Ở trẻ sơ sinh, đây là yếu tố dự đoán các vấn đề về hành vi. Trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi, thời gian dùng thiết bị có liên quan đến phát triển ngôn ngữ ban đầu kém hơn.

Trẻ từ lứa tuổi mẫu giáo trở lên, phương tiện kỹ thuật số hướng đến học tập tích cực có thể mang tính giáo dục, nhưng chỉ khi có sự tương tác của cha mẹ hoặc giáo viên.

Trẻ từ 8 đến 12 tuổi có thể gặp vấn đề về giảm kết nối tín hiệu giữa các vùng não kiểm soát nhận dạng từ, kiểm soát ngôn ngữ và nhận thức. Nguyên nhân của các vấn đề trên là do giảm tính toàn vẹn của các đường dẫn chất trắng và chất xám cần thiết cho việc đọc và ngôn ngữ.

Khi tiếp xúc với các nội dung xấu, não bộ của trẻ sẽ sản sinh ra cortisol, đây là một chất sinh ra khi gặp căng thẳng. Sự tăng sinh cortisol kéo dài và lặp lại dẫn đến tăng các chất khác như dopamine và morphin nội sinh. Đây là cơ sở gây ra các triệu chứng nghiện và tâm thần.

Cần làm gì để giúp trẻ tránh tiếp xúc với các thông tin xấu độc trên mạng xã hội?

Để giảm thiểu rủi ro liên quan đến công nghệ cho trẻ cha mẹ cần hạn chế việc sử dụng mạng xã hội của chính bản thân mình trước. Trẻ em nên quen với việc nhìn thấy khuôn mặt của bố mẹ, chứ không phải hình ảnh bố mẹ cúi đầu nhìn màn hình.

Hãy thiết lập những khu vực không có công nghệ trong nhà hoặc giờ không sử dụng các thiết bị điện thoại, kể cả bố và mẹ.

Hãy dành toàn bộ sự chú ý của bạn cho con cho tới khi ra khỏi cửa đi làm.

Cố gắng trì hoãn độ tuổi sử dụng lần đầu của trẻ.

Nếu trẻ sử dụng các thiết bị thông minh, hãy nên là bạn của con, theo dõi con, học cách tin tưởng con.

Hãy giúp con xây dựng lòng tự trọng lành mạnh, sự biết ơn và khuyến khích trẻ tham gia một thứ gì đó mà chúng quan tâm.

Khi trẻ học được cách hài lòng về những gì mình có thể làm thay vì ngoại hình và những gì trẻ sở hữu, chúng hạnh phúc hơn và chuẩn bị tốt hơn cho cuộc sống thực.

(suckhoedoisong.vn)

4.9/5 - (7 bình chọn)

Bình luận

Thông tin y tế trên các báo ngày 29/3/2021

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hỗ trợ
Bạn cần tư vấn?

Tin mới

TOP 10 thuốc đặt âm đạo trị nấm phổ biến nhất hiện nay [ĐỪNG BỎ QUA]

Thuốc đặt âm đạo Polygynax có tốt không? Nên dùng cho đối tượng nào?

Viêm cổ tử cung sau sinh: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách chữa trị [ĐỌC NGAY]

Viêm cổ tử cung khi mang thai và cách chữa trị hiệu quả [TÌM HIỂU NGAY]

Điều trị viêm cổ tử cung bằng các phương pháp tốt nhất hiện nay [ĐỪNG BỎ QUA]

Chữa viêm lộ tuyến cổ tử cung ở đâu tốt? TOP 8 địa chỉ uy tín [THAM KHẢO NGAY]

Bà bầu bị viêm lộ tuyến cổ tử cung nguy hiểm không? Chuyên gia tư vấn cách điều trị hiệu quả

Thuốc trị viêm lộ tuyến cổ tử cung cực kỳ an toàn, hiệu quả [TÌM HIỂU NGAY]

TOP 12 cách CHỮA VIÊM LỘ TUYẾN TẠI NHÀ cực hiệu quả [ĐỪNG BỎ QUA]

Khám viêm cổ tử cung ở đâu tốt? TOP 10 địa chỉ uy tín toàn quốc [XEM CHI TIẾT]

Ẩn