Thông tin y tế trên các báo ngày 28/03/2021

Sáng 28/3, thêm 4 ca mắc COVID-19 tại Tây Ninh và Bắc Ninh

Bản tin 6h sáng ngày 28/3 của Bộ Y tế cho biết có thêm 4 ca mắc COVID-19 tại Tây Ninh và Bắc Ninh. Đây là các trường hợp nhập cảnh được cách ly ngay. Việt Nam hiện có 2.590 bệnh nhân.

– Tính đến 6h ngày 28/3: Việt Nam có tổng cộng 1603 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay: 910 ca. riêng Hải Dương có 726 ca, Quảng Ninh (61 ca), Gia Lai (27 ca), Hà Nội (34 ca), Bắc Ninh (5 ca), Bắc Giang (2 ca), TP. Hồ Chí Minh (36 ca ), Hoà Bình (2 ca), Hà Giang (1 ca), Điện Biên (3 ca), Bình Dương (6 ca), Hải Phòng (4 ca ), Hưng Yên (3 ca).

– Tính từ 18h ngày 27/3 đến 6h ngày 28/3: 04 ca mắc mới, đều là các ca nhập cảnh được cách ly ngay.

Số ca mắc của thế giới:- Cả thế giới có 127.244.173 ca mắc COVID-19, trong đó 102.481.575 ca đã khỏi bệnh; 2.788.376 ca tử vong và 21.974.222 ca đang điều trị (93.073 ca diễn biến nặng)

– Trong 12 giờ qua, số ca mắc của thế giới tăng 425.896, ca, tử vong tăng 6.593 ca

Thông tin ca mắc mới: 04 ca mắc mới (Bn2587-2590) là các ca được cách ly ngay sau nhập cảnh tại Tây Ninh (2) và Bắc Ninh (2). Cụ thể:

– CA BỆNH 2587 (BN2587): Bệnh nhân nữ, 36 tuổi, là công dân Việt Nam, có địa chỉ tại huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh.

– CA BỆNH 2588 (BN2588): Bệnh nhân nữ, 28 tuổi, là công dân Việt Nam, có địa chỉ tại TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. BN2587-2588 là F1 của BN2583 trước khi về Việt Nam.

Ngày 26/3/2021, các bệnh nhân trên nhập cảnh Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Tây Ninh.

Kết quả xét nghiệm ngày 27/03/2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh.

– CA BỆNH 2589 (BN2589): Bệnh nhân nữ, 25 tuổi, là chuyên gia, quốc tịch Philippines.

– CA BỆNH 2590 (BN2590): Bệnh nhân nữ, 27 tuổi, là chuyên gia, quốc tịch Philippines. BN2589-2590 từ Philippines nhập cảnh Sân bay Nội Bài ngày 15/03/2021 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Bắc Ninh.

Kết quả xét nghiệm lần 2 ngày 27/3/2021 dương tính với SARS-CoV-2.

Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.

Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 44.833, trong đó:

– Cách ly tập trung tại bệnh viện: 483

– Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 18.412

– Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 25.938

Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế: đến thời điểm này nước ta đã chữa khỏi 2.308/ 2.590 bệnh nhân COVID-19.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước có 125 bệnh nhân đã âm tính với virus SARS-CoV-2 từ 1-3 lần gồm: 30 ca âm tính lần 1; Số ca âm tính lần 2: 38 ca; số ca âm tính lần 3 là 57 ca.

Số ca tử vong liên quan đến COVID-19 ở nước ta đến nay là 35 ca, đây là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (03) và Quảng Trị (01).

Để sống chung an toàn với đại dịch COVID-19, người dân cần tuân thủ thực hiện nguyên tắc 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang; Khử khuẩn; Khoảng cách; Không tụ tập và Khai báo y tế.

(suckhoedoisong.vn)

[Kỹ năng sống] Hướng dẫn trẻ rửa tay sạch sẽ

Những dịch bệnh truyền nhiễm như bệnh cúm, nhiễm khuẩn hô hấp cấp, bệnh tay chân miệng, sởi… gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe con người, nhất là trẻ em, đối tượng được xem là nhóm nguy cơ lây nhiễm cao.

Một trong những biện pháp hiệu quả và khá đơn giản trong việc phòng ngừa dịch bệnh cho trẻ (và cả người lớn) là rửa tay sạch sẽ.

Theo thống kê của tổ chức UNICEF, tại Việt Nam chỉ có 12% số người dân có thói quen rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi ăn, và chỉ có 16% rửa tay bằng xà phòng sau khi đi nhà vệ sinh. Đây chính là nguyên nhân khiến người dân, đặc biệt là trẻ em dễ bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn qua đường hô hấp và tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, tiêu chảy do Rôta virus, nhiễm giun sán, nhiễm cúm, bệnh tay chân miệng, nhiễm sởi…

Tạo một thói quen giữ sạch đôi tay cho mình và cho trẻ chính là một thói quen đời thường rất có lợi cho sức khỏe, phụ huynh cần phát huy và nhân rộng trong quá trình phát triển của trẻ. Thói quen này nên tập cho trẻ càng sớm càng tốt, khi trẻ bắt đầu có ý thức về vệ sinh cá nhân.

Nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của việc giữ sạch đôi tay của trẻ là điều thiết thực nhất vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho trẻ trong tương lai, trong đó bàn tay của người giữ trẻ cũng cần đảm bảo sạch sẽ để nâng cao hiệu quả phòng bệnh cho trẻ vì trên thực tế chỉ có khoảng 5% những người chăm sóc trẻ rửa tay với xà phòng trước khi cho trẻ ăn và có tới 60% người mẹ cho rằng rửa tay với xà phòng là không cần thiết. Đây là những suy nghĩ chưa tích cực của các bậc phụ huynh trong cơn bão “dịch bệnh” đang đe dọa và tàn phá sức khỏe của những thiên thần bé nhỏ ngày càng thêm nghiêm trọng.

Rửa tay bằng xà phòng là một hành động nhỏ nhưng có ý nghĩa rất lớn trong phòng chống dịch bệnh (ở đây chưa đề cập đến rửa tay bằng nước sát khuẩn phòng Covid -19). Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng là một trong những cách tốt nhất để tránh bị bệnh và lây lan bệnh tật cho cơ thể. Các nghiên cứu cho thấy, bàn tay của một người có thể mang tới 4,6 triệu mầm bệnh (tập trung số lượng lớn ở kẽ tay và kẽ móng tay).

Trong quá trình hoạt động hàng ngày, mỗi người sẽ thường xuyên va chạm vào mọi người hoặc các bề mặt, phát sinh việc tích lũy nhiều vi khuẩn trên tay. Sau đó, họ có thể lây nhiễm bệnh tật cho chính bản thân bằng các hành động vô tình như đưa vi khuẩn chạm vào mắt, mũi hay miệng. Mặc dù, chúng ta không thể giữ tay vô trùng, nhưng việc rửa tay thường xuyên bằng xà phòng có thể giúp mỗi người hạn chế chuyển giao và lây lan các vi khuẩn, virus sang người khác và ngược lại.

Kết quả nghiên cứu cho thấy với một thói quen “rất đời thường” là rửa tay thường xuyên sạch sẽ đã làm giảm tới 35% khả năng lây truyền vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy, chính là nguyên nhân gây tử vong cho hàng triệu người mỗi năm trên toàn thế giới. Việc rửa tay cũng có thể làm giảm rủi ro nhiễm khuẩn tiêu chảy tới 47%, giảm đáng kể tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp từ 19 – 45% và phòng ngừa rất hiệu quả căn bệnh tay chân miệng ở trẻ em.

Mọi người cần nhắc trẻ rửa tay vào 5 thời điểm quan trọng sau đây: Sau khi sử dụng nhà vệ sinh; sau khi sinh hoạt hoặc chơi đùa ngoài trời; sau khi tiếp xúc hoặc chăm sóc người bệnh như thay quần áo, tã lót, chăm sóc vệ sinh…; sau khi ho, hắt hơi hoặc sổ mũi làm dính các chất dịch tiết trên đôi bàn tay; trước khi vào bữa ăn, đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn cho gia đình.

(kinhtedothi.vn)

Ngộ độc Botulinum do sử dụng thực phẩm tại các hộ gia đình

Một số vụ ngộ độc nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong thời gian gần đây, đa số là ngộ độc thực phẩm tại các hộ gia đình. Những thực phẩm này đều do người dân tự chế biến cho gia đình sử dụng, tiệc trong làng…

Trao đổi với phóng viên, bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, đúng là thời gian gần đây, có một số vụ ngộ độc thực phẩm tại các hộ gia đình do người dân tự chế biến hoặc tiệc trong làng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người sử dụng.

Các vụ ngộ độc xảy ra với các triệu chứng nặng, tương tự nhau, như vụ ngộ độc bún chay ở Bình Dương (khiến 2 người đang điều trị tại TPHCM, 1 người đã tử vong); vụ ngộ độc ở Kon-Tum khi người dân tự chế biến cá ủ muối, tự đóng hộp để ăn dần.

“Các ca ngộ độc trên diễn biến rất nặng. Bước đầu đều được xác định nguyên nhân do nhiễm độc tố của Botulinum – một độc tố được sinh ra trong môi trường yếm khí, điều kiện vệ sinh không bảo đảm”, bà Trần Việt Nga cho biết.

Đối với vụ ngộ độc tại Bình Dương, bà Trần Việt Nga cho biết, điều tra bước đầu vụ ngộ độc này cho thấy, các nạn nhân cùng ăn món bún riêu chay tự nấu, có sử dụng hộp pate đã bị phồng cho vào bún.

Vụ ngộ độc tại Kon-Tum, các nạn nhân đều ăn cá tự muối được bảo quản qua túi hút khí chân không.

Theo bà Nga, 2 vụ ngộ độc trên là điển hình của xu hướng ngộ độc thực phẩm tăng lên trên thế giới cũng như Việt Nam hiện nay do trào lưu sử dụng túi hút khí chứa đựng thực phẩm, bảo quản thực phẩm không đúng cách, sử dụng đồ hộp không đảm bảo chất lượng…

“Các loại thực phẩm gần đây gây ngộ độc do độc tố Botulinum là những thực phẩm đóng hộp hoặc tự đóng gói, phổ biến là thực phẩm chế biến, đóng gói thủ công, sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình hoặc điều kiện sản xuất không bảo đảm. Ngộ độc do độc tố Botulinum là ngộ độc rất nặng, nguy cơ tử vong cao hoặc ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe. Các sản phẩm từ rau, củ, quả, thịt, hải sản lên men, đóng hộp không đảm bảo đều có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn và sinh độc tố Botulinum”, bà Nga cho biết.

Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Trần Việt Nga khuyến cáo người dân, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn, bị phồng, bẹp hoặc biến dạng. Vì nếu hộp bị phồng, méo thì sản phẩm đã bị lỗi và có khả năng đã bị nhiễm vi khuẩn và sinh độc tố. Vì vậy, người sử dụng rất dễ bị ngộ độc yếm khí.

Hiện nay, nhiều người đang có thói quen chế biến thực phẩm và hút chân không để ngăn mát tủ lạnh hoặc bên ngoài môi trường với nhiệt độ bình thường để sử dụng dần. Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, thói quen này sẽ tiểm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc Botulinum. Vì muốn đóng gói đồ hộp hay hút chân không thực phẩm, người dân cần áp dụng các quy trình chuẩn về khử trùng đồ hộp ở nhiệt độ cao, không đóng gói, hút chân không thực phẩm khi công nghệ không bảo đảm.

Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cũng khuyến cáo, sau khi sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như mệt mỏi, sụp mi mắt, yếu cơ tứ chi, khó nuốt, liệt cơ, khó thở… thì cần đến ngay cơ ở y tế gần nhất để được khám và xử lý kịp thời.

Riêng người bệnh bị ngộ độc do độc tố Botulinum có biểu hiện buồn nôn, nôn, chướng bụng, đau bụng, thậm chí liệt theo trình tự liệt bắt đầu từ vùng đầu mặt cổ lan xuống hai tay, sau đó tới hai chân, liệt các cơ hô hấp; liệt nặng có thể gây suy hô hấp và gây tử vong, bà Nga lưu ý.

Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo những cơ sở sản xuất quy mô nhỏ hoặc hộ gia đình không nên cho thực phẩm đóng gói kín, không đủ điều kiện tiệt trùng vì nguy cơ ngộ độc độc tố Botulinum rất lớn do độc tố này được sinh ra trong môi trường yếm khí, khi dụng cụ bao gói không đảm bảo an toàn.

(baochinhphu.vn)

Bình luận

Thông tin y tế trên các báo ngày 28/03/2021

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hỗ trợ
Bạn cần tư vấn?

Tin mới

TOP 10 thuốc đặt âm đạo trị nấm phổ biến nhất hiện nay [ĐỪNG BỎ QUA]

Thuốc đặt âm đạo Polygynax có tốt không? Nên dùng cho đối tượng nào?

Viêm cổ tử cung sau sinh: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách chữa trị [ĐỌC NGAY]

Viêm cổ tử cung khi mang thai và cách chữa trị hiệu quả [TÌM HIỂU NGAY]

Điều trị viêm cổ tử cung bằng các phương pháp tốt nhất hiện nay [ĐỪNG BỎ QUA]

Chữa viêm lộ tuyến cổ tử cung ở đâu tốt? TOP 8 địa chỉ uy tín [THAM KHẢO NGAY]

Bà bầu bị viêm lộ tuyến cổ tử cung nguy hiểm không? Chuyên gia tư vấn cách điều trị hiệu quả

Thuốc trị viêm lộ tuyến cổ tử cung cực kỳ an toàn, hiệu quả [TÌM HIỂU NGAY]

TOP 12 cách CHỮA VIÊM LỘ TUYẾN TẠI NHÀ cực hiệu quả [ĐỪNG BỎ QUA]

Khám viêm cổ tử cung ở đâu tốt? TOP 10 địa chỉ uy tín toàn quốc [XEM CHI TIẾT]

Ẩn