Thông tin y tế trên các báo ngày 25/6/2021

Dưới đây là tổng hợp một số tin tức y tế đáng chú ý nhất ngày 25/6, mời quý đọc giả đón đọc:

Cập nhật dịch ngày 25-6: Việt Nam đã tiêm hơn 2,9 triệu liều vaccine Covid-19

Tính đến 16 giờ ngày 24-6, Việt Nam đã thực hiện tiêm 2.920.248 liều vaccine phòng Covid-19. Trong đó, số người đã được tiêm đủ hai mũi vaccine phòng Covid-19 là 143.121 người.

Việt Nam có tổng cộng 12.585 ca ghi nhận trong nước và 1.738 ca nhập cảnh

Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27-4 đến nay là 11.015 ca, trong đó có 2.985 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 14 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng

Sáng 25-6: Thêm 79 ca Covid-19 trong nước, 12 ca nhập cảnh

Sáng 25-6, Việt Nam ghi nhận thêm 91 ca mắc mới (BN14233-14323), bao gồm 12 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Tây Ninh và 79 ca ghi nhận trong nước.

79 ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (57), Bình Dương (10), Bình Thuận (5), Gia Lai (2), Quảng Ninh (1), Bắc Giang (1), Khánh Hòa (1), Long An (1), Hải Phòng (1); trong đó 60 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.

Số ca tại TP Hồ Chí Minh chưa có dấu hiệu hạ nhiệt với 57 ca sảng nay, bao gồm 19 ca liên quan đến chợ đầu mối Bình Điền – quận 8, 14 ca liên quan đến cửa hàng quần áo Ngọc Hà – quận 1, sáu ca liên quan đến chợ Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh, 10 ca là các trường hợp F1 đã được cách ly từ trước, tám ca đang điều tra dịch tễ. Kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Xem chi tiết:

Sáng 25-6: Thêm 79 ca Covid-19 trong nước, 12 ca nhập cảnh

Trong ngày 24-6, Việt Nam ghi nhận thêm 285 ca mắc mới bao gồm sáu ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Khánh Hòa (4), Tây Ninh (1), Hà Nội (1); 279 ca ghi nhận trong nước tại TP Hồ Chí Minh (162), Bình Dương (27), Bắc Giang (28), Bắc Ninh (7), Thái Bình (5), Tây Ninh (2), Long An (2), Hưng Yên (2), Khánh Hòa (1), Đà Nẵng (20), Tiền Giang (9), Phú Yên ( 8 ), Nghệ An (5), Hải Phòng (1); trong đó 260 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.

TP Hồ Chí Minh tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm tăng cao kỷ lục với 162 ca nhiễm trong ngày. Hai ổ dịch tại Bắc Giang và Bắc Ninh đang dần được khống chế với số ca nhiễm giảm dần.

Ngày hôm qua, dịch tiếp tục lan rộng đến một số địa phương trong đó có Phú Yên, Hải Phòng, Tây Ninh…

Trong chuyến thăm và làm việc tại Công ty TNHH Một thành viên Vaccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTEC), Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chiều 25-6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định quyết tâm cao nhất trong chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và sản xuất vaccine Covid-19 càng sớm càng tốt, chậm nhất tới tháng 6-2022 phải có vaccine sản xuất trong nước.

(Báo Nhân dân)

Phấn đấu 70% dân số Hà Nội tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19

Chiều 24-6, báo cáo tại hội nghị trực tuyến giao ban thường kỳ quý II và 6 tháng đầu năm 2021, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, cho biết: Sở Y tế cùng các quận, huyện, thị xã đang xây dựng phương án, chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 từ nay đến hết năm 2021 và đầu năm 2022 với mục tiêu 70% dân số Hà Nội tiêm đủ 2 mũi vắc xin, bảo đảm miễn dịch cộng đồng.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố đang tiến hành rà soát năng lực, xây dựng phương án triển khai chương trình tiêm chủng, phấn đấu thành phố tiêm 200.000 liều vắc xin/ngày.

“Nếu hoàn thành tiêm vắc xin phòng Covid-19 đến 70% dân số, cùng với thực hiện phòng, chống dịch theo thông điệp “5K”, chúng ta sẽ phòng, chống được dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố”, Phó Giám đốc Sở Y tế nói.

Trước đó, qua 3 đợt phân phối, Hà Nội đã nhận và hoàn thành tiêm 132 nghìn liều vắc xin. Ngày 23-6 vừa qua, thành phố tiếp tục nhận 20.000 liều, số vắc xin này sẽ được tiêm chủng trong thời gian sớm nhất

Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cũng cho biết, Hà Nội đã bước sang ngày thứ 10 không ghi nhận ca mắc mới ngoài cộng đồng. Đến nay, chỉ còn 3 quận, huyện: Long Biên, Đông Anh, Sóc Sơn còn có ca bệnh chưa qua 14 ngày. Từ 29-4 đến nay, thành phố có 130 ca bệnh được điều trị tại 3 bệnh viện: Bệnh viện Bắc Thăng Long, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Thanh Nhàn.

Phó Giám đốc Sở Y tế nhận định, các ổ dịch trên địa bàn Hà Nội đã được kiểm soát. “Tuy nhiên, dịch bệnh tại các địa phương khác, như thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng… diễn biến rất phức tạp, nên Hà Nội vẫn có nguy cơ, phải cảnh giác, không chủ quan, lơ là”, đồng chí Hoàng Đức Hạnh nói.

Trong thời gian tới, thành phố vẫn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm phòng, chống dịch trong cán bộ, đảng viên, nhân dân, các cấp, từ thành phố đến cơ sở, nhất là đối với các tổ Covid-19 cộng đồng. Cùng đó, tuyên truyền sâu rộng biện pháp “5K + vắc xin” để người dân sẵn sàng chung tay cùng các chương trình tiêm vắc xin phòng Covid-19 của thành phố.

(Báo Hà Nội mới)

Tăng cường kiểm soát lây nhiễm dịch Covid-19 trong cơ sở khám, chữa bệnh

Ngày 24-6, Bộ Y tế có Công văn số 5072/BYT-KCB gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; y tế các ngành; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế và trực thuộc trường đại học về việc tăng cường phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 trong các cơ sở khám, chữa bệnh.

Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp. Tại một số bệnh viện đã xuất hiện lây nhiễm SARS-CoV-2, trong đó nguồn lây nhiễm ban đầu được xác định từ cộng đồng. Để bảo đảm an toàn, giảm thiểu lây nhiễm bệnh cho công chức, viên chức, người lao động trong bệnh viện, người bệnh và cộng đồng, Bộ Y tế đề nghị các địa phương, đơn vị, cơ sở y tế nghiêm túc thực hiện xét nghiệm sàng lọc cho người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế; bố trí khu vực khám, sàng lọc và cách ly tạm thời đúng yêu cầu để cách ly tạm thời toàn bộ người bệnh, người nhà người bệnh trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2.

Trường hợp người bệnh cần cấp cứu, phẫu thuật khi chưa có kết quả xét nghiệm sàng lọc thì áp dụng như với đối tượng người nghi nhiễm SARS-CoV-2 cho tới khi có kết quả xét nghiệm âm tính.

Các cơ sở khám, chữa bệnh áp dụng nguyên tắc 5K đối với tất cả nhân viên y tế, người bệnh và người nhà người bệnh; đánh giá, tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 đối với tất cả nhân viên y tế và các quy định về phòng, kiểm soát lây nhiễm theo hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Bộ Y tế.

Đồng thời, các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức khu vực, ca làm việc hợp lý, hoạt động độc lập, giảm thiểu nhân viên y tế tiếp xúc trực tiếp với nhau trong ca làm việc và giữa các ca với nhau; hạn chế tối đa việc di chuyển của nhân viên y tế giữa các khoa, phòng; áp dụng hình thức họp, giao ban trực tuyến, làm việc trực tuyến phù hợp với khối hành chính.

Cơ sở khám, chữa bệnh phải bảo đảm thông thoáng và trao đổi khí tối đa trong phòng bệnh, phòng khám, phòng làm việc và tất cả các không gian kín khác; tăng cường các biện pháp thông khí tự nhiên hoặc cơ học; bố trí khu vực cách ly tạm thời, vùng đệm tại tất cả các khoa lâm sàng để cách ly người nghi nhiễm SARS-CoV-2 trong quá trình điều trị và người bệnh mới vào điều trị nội trú.

Các nhân viên y tế trong quá trình làm việc cũng như trong sinh hoạt tại cộng đồng phải luôn ý thức được “Bệnh viện là thành trì cuối cùng” trong phòng, chống dịch Covid-19, từ đó nâng cao tuân thủ các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm. Khi có biểu hiện sốt, ho, đau họng, tiếp xúc với người nghi nhiễm, đi từ vùng dịch về hoặc các dấu hiệu nguy cơ khác, nhân viên y tế phải liên hệ khám ngay theo quy định.

Các cơ sở khám, chữa bệnh giao bộ phận giám sát kiểm soát nhiễm khuẩn đầu mối thường xuyên kiểm tra, giám sát và hỗ trợ việc tuân thủ các quy định, quy trình về phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh trong toàn bệnh viện.

          (Báo Hà Nội mới)

Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 không nhất thiết mặc bộ bảo hộ liền thân

Căn cứ nguồn lực tại chỗ, cơ sở xét nghiệm cung cấp, hướng dẫn cho nhân viên lấy mẫu bệnh phẩm giám sát Covid-19 có thể sử dụng bộ quần áo rời phù hợp kích cỡ.

Ngày 24/6, Bộ Y tế có công văn khẩn gửi Sở Y tế các tỉnh/TP trực thuộc Trung ương về việc sử dụng PPE khi lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2.

Bộ Y tế đã ban hành các hướng dần về xét nghiệm và sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Việc sử dụng các phương tiện phòng hộ cá nhân khi lấy mẫu cho các đối tượng theo quy định trong Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống Covid-19 là một trong các biện pháp quan trọng trong phòng ngừa lây nhiễm cho nhân viên y tế và đảm bảo chất lượng xét nghiệm.

Theo ý kiến của Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam dựa trên đánh giá rủi ro và phương thức lây truyền virus SARS-CoV-2, việc sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân tại Việt Nam hiện nay chưa hoàn toàn hợp lý, đặc biệt trong điều kiện thời tiết nắng nóng và nhu cầu xét nghiệm tăng cao đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân viên lấy mẫu.

Để đảm bảo sức khỏe cho nhân viên y tế, đảm bảo chất lượng mẫu bệnh phẩm, an toàn phòng, chống dịch, đặc biệt trong điều kiện thời tiết nắng nóng, Bộ Y tế hướng dẫn tạm thời việc sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân khi lấy mẫu bệnh phẩm như sau:

Căn cứ nguồn lực tại chỗ, cơ sở xét nghiệm cung cấp, hướng dẫn cho nhân viên lấy mẫu bệnh phẩm giám sát Covid-19 có thể sử dụng bộ quần áo rời phù hợp kích cỡ gồm áo choàng y tế dài tay bao phủ toàn thân từ cổ đến đầu gối, có dây buộc cố định sau gáy và quanh eo, mũ trùm đầu, bao giầy rời. Không nhất thiết mặc bộ bảo hộ liền thân.

Người thực hiện lấy mẫu cần thực hiện đúng quy trình sử dụng khẩu trang để đảm bảo độ ôm khít với khuôn mặt. Không sử dụng 2 lớp khẩu trang bao gồm khẩu trang y tế bên trong khẩu trang có hiệu lực lọc cao (như khẩu trang N95 hoặc tương đương).

Trong quá trình lấy mẫu có thể sử dụng 1 đôi găng tay y tế (không có bột talc) và khử khuẩn găng tay bằng dung dịch sát khuẩn nhanh sau mỗi lần lấy mẫu. Thay găng sau khi khử khuẩn tối đa 6 lần hoặc khi găng bị hỏng để thay thế cho việc đeo 2 đôi găng tay và thay găng sau mỗi lần lấy mẫu.

Cán bộ lấy mẫu bệnh phẩm, nhân viên y tế có tham gia hoạt động lấy mẫu tuyệt đối tuân thủ quy trình mặc và cởi phương tiện phòng hộ cá  nhân. Trong quá trình lấy mẫu không thực hiện các hoạt động khác (như ăn, uống…).

Đây là các yêu cầu tối thiểu khi lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2, căn cứ kết quả đánh giá nguy cơ dịch bệnh Covid-19, nguồn lực hiện có tại địa phương, Sở Y tế hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị xét nghiệm trên địa bàn sử dụng trang thiết bị phòng, chống dịch phù hợp.

(Báo Kinh tế & đô thị)

5/5 - (5 bình chọn)

Bình luận

Thông tin y tế trên các báo ngày 25/6/2021

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hỗ trợ
Bạn cần tư vấn?

Tin mới

TOP 10 thuốc đặt âm đạo trị nấm phổ biến nhất hiện nay [ĐỪNG BỎ QUA]

Thuốc đặt âm đạo Polygynax có tốt không? Nên dùng cho đối tượng nào?

Viêm cổ tử cung sau sinh: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách chữa trị [ĐỌC NGAY]

Viêm cổ tử cung khi mang thai và cách chữa trị hiệu quả [TÌM HIỂU NGAY]

Điều trị viêm cổ tử cung bằng các phương pháp tốt nhất hiện nay [ĐỪNG BỎ QUA]

Chữa viêm lộ tuyến cổ tử cung ở đâu tốt? TOP 8 địa chỉ uy tín [THAM KHẢO NGAY]

Bà bầu bị viêm lộ tuyến cổ tử cung nguy hiểm không? Chuyên gia tư vấn cách điều trị hiệu quả

Thuốc trị viêm lộ tuyến cổ tử cung cực kỳ an toàn, hiệu quả [TÌM HIỂU NGAY]

TOP 12 cách CHỮA VIÊM LỘ TUYẾN TẠI NHÀ cực hiệu quả [ĐỪNG BỎ QUA]

Khám viêm cổ tử cung ở đâu tốt? TOP 10 địa chỉ uy tín toàn quốc [XEM CHI TIẾT]

Ẩn