Thông Tin Y Tế Trên Các Báo Ngày 23/4/2021
Dưới đây là tổng hợp một số tin tức y tế đáng chú ý nhất ngày 23/4, mời quý đọc giả đón đọc:
Bộ trưởng Y tế: ‘Có lúc 10/11 người nhập cảnh đường bộ dương tính SARS-CoV-2’
29 ngày qua, nước ta không có ca COVID-19 trong cộng đồng, nhưng tình hình dịch một số nước trong khu vực diễn biến khó lường, tiềm ẩn nguy cơ xâm nhập biên giới.
Tại nhiều tỉnh, thành phố của nước ta liên tục ghi nhận những trường hợp nhập cảnh dương tính. Vậy mức độ cảnh báo dịch xâm nhập vào Việt Nam đang ở mức độ nào? Ban chỉ đạo quốc gia cũng như Bộ Y tế và các địa phương đang triển khai những biện pháp gì để phòng chống? Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có trao đổi với phóng viên VOV về vấn đề này.
Thưa ông, dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến biến phức tạp tại một số nước trong khu vực. Qua kiểm tra thực tế tại các tỉnh biên giới Tây Nam gần đây, ông có nhận định gì?
Có thể nói trong thời gian qua, diễn biến tình hình dịch tại Campuchia và Thái Lan hết sức phức tạp. Số ca mắc trong những ngày gần đây, dù đã giảm, nhưng vẫn ở mức ba con số. Vì vậy, chúng tôi đánh giá nguy cơ có thể lây lan tình hình dịch tại Campuchia tại Thái Lan và một số khu vực khác vào đối với khu vực Tây Nam Bộ là hết sức cao và hiện hữu.
Thực tế thời gian qua có rất nhiều trường hợp nhập cảnh trái phép và kể cả nhập cảnh theo đường chính ngạch thì chúng ta đều phát hiện ra những ca dương tính. Có trường hợp 11 người về thì 10 người dương tính đối với SARS-CoV-2. Bộ Y tế cũng như Ban chỉ đạo quốc gia đặt khu vực Tây Nam ở mức độ cảnh báo rất cao đối với việc lây nhiễm Covid-19 tại khu vực này.
Vậy Bộ Y tế đang cùng các địa phương tăng cường biện pháp thế nào để ngăn chặn dịch xâm nhập?
Chính phủ, Thủ tướng, Ban chỉ đạo quốc gia cũng như Bộ Y tế chỉ đạo rất sát đối với khu vực này. Có thể nói rằng các biện pháp hiện nay chúng ta đang triển khai thực hiện đã phát huy được hiệu quả.
Thứ nhất là làm sao để ngăn chặn một cách tối đa việc nhập cảnh trái phép vào khu vực này. Tất cả các lực lượng bộ đội biên phòng cũng như các lực lượng công an và lực lượng tại địa phương đã cắm chốt và tăng dày những điểm cắm chốt để có thể quản lý được việc nhập cảnh trái phép ở khu vực này. Tăng cường kiểm soát trên đường biển và khu vực rộng lớn.
Có thể nói rằng việc nhập cảnh trái phép trên đường biển là rất phức tạp. Vì vậy các tỉnh đã tăng cường tuần tra và giám sát đối với việc nhập cảnh qua đường biển, đồng thời huy động mọi người dân tham gia trong vấn đề về việc phòng, chống dịch rồi báo với các cơ quan chính quyền địa phương khi có những người nhập cảnh từ phía Campuchia cũng như các nước vào khu vực này.
Biện pháp thứ hai, trong thời gian qua, chúng tôi đã chỉ đạo đối với tất cả các địa phương tăng cường việc xét nghiệm, giám sát, tầm soát những trường hợp, những đối tượng hay những khu vực có nguy cơ để có thể chúng ta phát hiện sớm tình hình dịch tại khu vực này để triển khai các biện pháp phòng, chống.
Vậy, các tỉnh có đường biên, nhất là biên giới Tây Nam cần phải làm gì lúc này, thưa ông?
Tất cả các địa phương ở khu vực biên giới đều phải chuẩn bị cho những tình huống khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn tức là tình huống xấu hơn khi COVID-19 xâm nhập khu vực này. Cụ thể đó là chuẩn bị tình huống cho vấn đề về nâng công suất xét nghiệm.
Các tỉnh cần chuẩn bị tình huống cho cách ly và cách ly trên diện rộng và kể cả cách ly trong thời gian rất ngắn đối với các trường hợp mà chúng ta nghi ngờ có tiếp xúc gần đối với trường hợp dương tính.
Bên cạnh đó địa phương phải xây dựng những bệnh viện có thể điều trị cho bệnh nhân trong tình huống dịch bệnh diễn biến phức tạp. Chúng tôi đánh giá tất cả các tỉnh mà có biên giới, đối với Campuchia thì hai khu vực là Tây Ninh, Kiên Giang và An Giang. Ở đây là khu vực rất là nóng trong tình hình hiện nay.
Vì vậy Bộ Y tế vừa rồi đã chỉ đạo đối với Kiên Giang thành lập bệnh viện dã chiến tại Hà Tiên, để đón tiếp, điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Đến thời điểm hiện nay có rất nhiều bệnh nhân, tức là nhiều người nhập cảnh dương tính và đang điều trị tại khu vực này.
(hanoimoi.com.vn)
7 thuốc ARV được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả
Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định 1903/QĐ-BYT về việc ban hành Kế hoạch thuốc kháng HIV (ARV) trong Chương trình điều trị HIV/AIDS năm 2021. Trong đó, có 7 thuốc ARV được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả trong năm 2021.
Bộ Y tế cho biết, phấn đấu đến cuối năm 2021 cung cấp đủ, liên tục thuốc kháng HIV (ARV) điều trị cho 162.000 người nhiễm HIV. Lượng thuốc này được cung cấp bởi Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT); Quỹ toàn cầu phòng, chống AIDS, lao và sốt rét (Quỹ toàn cầu) viện trợ. Ngoài ra, lượng thuốc này còn được lấy từ nguồn Chương trình Mục tiêu Y tế – Dân số giai đoạn 2016 – 2020 và ngân sách nhà nước năm 2021.
Trong đó, Quỹ BHYT chi trả cho người nhiễm HIV đáp ứng các tiêu chuẩn từ đủ 10 tuổi trở lên, có thẻ BHYT còn giá trị sử dụng; khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế đủ điều kiện khám chữa bệnh BHYT cho người nhiễm HIV.
Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, lao và sốt rét chi trả cho trẻ em điều trị thuốc ARV dạng dùng trẻ em trên toàn quốc, người nhiễm HIV đang điều trị thuốc ARV tại các cơ sở do Quỹ Toàn cầu viện trợ thuộc 32 tỉnh/thành phố, người lớn điều trị thuốc ARV các phác đồ không do Quỹ BHYT và ngân sách nhà nước cung cấp trên toàn quốc.
Còn nguồn ngân sách nhà nước từ tháng 1 đến 30/6/2021 chi trả cho người nhiễm HIV điều trị thuốc ARV thuộc một trong các tiêu chí như người bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp, người bị nhiễm HIV do rủi ro của kỹ thuật y tế, phụ nữ mang thai nhiễm HIV, phụ nữ mang thai và trẻ em có chỉ định điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, những người khác nhiễm HIV.
Từ tháng 1/7/2021, ngân sách nhà nước chi trả cho người bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp, người bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV do rủi ro của kỹ thuật y tế, người bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV do tham gia cứu nạn, phụ nữ và trẻ em có chỉ định điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, trẻ em dưới 6 tuổi nhiễm HIV, người nhiễm HIV trong cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở bảo trợ xã hội, trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giam giữ khác.
Được biết, năm 2021, ban đầu dự kiến có 6 thuốc ARV được Quỹ BHYT chi trả, bao gồm Tenofovir/Lamivudine/Effavirenz300/300/400mg (TLE400); Zidovudine/Lamivudine 300/150mg; Lopinavir/ritonavir 200/50mg; Tenofovir 300mg; Lamivudine 150mg; Efavirenz 600mg. Xong do có vướng mắc trong việc mua sắm thuốc TLE400 bằng hình thức đàm phán giá, Hội đồng Thuốc ARV đã họp và thống nhất đề xuất thay thế thuốc TLE400 bằng thuốc Tenofovir/Lamivudine/Effavirenz300/300/600mg (TLE600) với số lượng tương đương số lượng thuốc TLE400 mà các cơ sở điều trị đã lập.
Tuy nhiên, do không mua được thuốc TLE600 nên để đảm bảo không gián đoạn thuốc ARV điều trị cho người nhiễm HIV, Bộ Y tế đã điều tiết sử dụng thuốc TLE600 nguồn Quỹ BHYT năm 2020 giữa các cơ sở điều trị, huy động nguồn hỗ trợ từ Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, lao và sốt rét. Đồng thời, chỉ đạo Hội đồng Thuốc ARV BHYT đề xuất danh mục thuốc thay thế cho TLE600. Hội đồng Thuốc ARV BHYT đã họp, thống nhất thay thế thuốc TLE600 bằng thuốc TLE400 và Tenofovir/Lamivudine/Dolutegravir300/300/50 mg (TLD).
Cụ thể, đối với 188 cơ sở đang sử dụng thuốc TLE600 từ nguồn Quỹ BHYT năm 2020, sẽ sử dụng TLE400 từ quý II đến quý IV/2021; số lượng thuốc TLE400 dùng trong 3 quý năm 2021 tương đương với số lượng TLE400 trong 3 quý mà các cơ sở điều trị đã lập.
Đối với 150 cơ sở có kế hoạch sử dụng thuốc TLE400 nguồn Quỹ BHYT năm 2021, sử dụng thuốc TLD từ nguồn Quỹ toàn cầu trong quý I và quý II/2021, tiếp tục sử dụng thuốc TLD do Quỹ BHYT chi trả trong quý III và quý IV/2021. Số lượng thuốc TLD dùng trong quý III và quý IV/2021 tương đương với số lượng thuốc TLE400 trong 02 quý trên mà các cơ sở điều trị đã lập. Căn cứ sự đồng thuận của các tỉnh/thành phố, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã gửi kế hoạch nhu cầu thuốc TLE400 và TLD về Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia. Hiện Trung tâm đang thực hiện đàm phán giá đối với 02 thuốc này.
(baophapluat.vn)
6 biện pháp cần làm ngay để phòng viêm não virus trong mùa hè
Để chủ động phòng chống bệnh viêm não virus, trong đó có viêm não Nhật Bản, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp sau:
1. Đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ và và đúng lịch.
2. Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, chuồng gia súc phải xa nhà, diệt muỗi tại các chuồng trại gia súc, loại bỏ các ổ bọ gậy.
3. Nằm màn kể cả ban ngày và ban đêm, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi; không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc.
4. Thường xuyên rửa tay với xà phòng, đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín.
5. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh và đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh.
6. Nếu có các dấu hiệu: sốt cao và kèm theo những rối loạn ở hệ thống thần kinh trung ương (co giật, rối loạn vận động, lơ mơ, hôn mê…) phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Theo các chuyên gia, Việt Nam là nước nhiệt đới, lưu hành nhiều bệnh truyền nhiễm do côn trùng truyền trong đó có các bệnh viêm não virus đặc biệt vào mùa hè, mùa thích hợp cho các côn trùng truyền bệnh phát triển.
Bệnh viêm não virus là một tình trạng bệnh nguy hiểm do nhiều loại virus gây nên thường gây tổn thương ở não, để lại di chứng thần kinh và tử vong cao.
Biểu hiện chính của bệnh là có sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương bao gồm: nhức đầu dữ dội, buồn nôn và nôn mửa, cứng cổ, lú lẫn, mất định hướng, thay đổi nhân cách, co giật, rối loạn nghe nói, ảo giác, mất trí nhớ, đờ đẫn, hôn mê…
Người già và trẻ em là những người có nguy cơ cao bị mắc bệnh nặng, biến chứng và tử vong.
Vắc xin – biện pháp phòng bệnh hiệu quả
Với bệnh viêm não, ngành y tế khuyến cáo, tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất.
Tiêm chủng với 3 liều cơ bản:
Mũi 1: Tiêm càng sớm càng tốt ngay sau 1 tuổi.
Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần.
Mũi 3: sau mũi 2 là 1 năm.
Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
Tuy nhiên, hiện nay tình trạng trẻ tiêm thiếu mũi hoặc không được tiêm vắc xin phòng VNNB vẫn diễn ra. Trong khi đó, đây là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất.
PGS.TS. Bùi Vũ Huy – Nguyên Trưởng Khoa Nhi, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Giảng viên cao cấp Bộ môn Truyền nhiễm, Đại học Y Hà Nội nhấn mạnh: “Để chủ động phòng bệnh VNNB nói riêng và các loại bệnh khác nói chung, cần tiêm đầy đủ các loại vắc xin để đảm bảo đủ lượng kháng thể để bảo vệ sức khỏe trước sự tấn công của nhiều loại bệnh khác nhau. Người dân không nên vì một vài trường hợp có tác dụng phụ mà quên đi hiệu quả mà vắc xin mang lại cho loài người”.
Mỗi người dân cũng cần phải có kế hoạch phòng bệnh theo nguyên tắc nâng cao sức khỏe, ăn uống sinh hoạt đầy đủ, khám sức khỏe định kỳ, đi khám sớm khi có dấu hiệu bất thường.
Ngoài ra cần chú ý tới việc ăn uống hàng ngày, tránh bị ngộ độc thực phẩm, nên rửa tay thường xuyên để hình thành thói quen; đồng thời, thường xuyên cập nhật thông tin, hướng dẫn của Bộ Y tế về các loại bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát (như sốt xuất huyết, viêm não…).
Vệ sinh môi trường sạch sẽ, định kỳ dọn dẹp nhà ở, làm sạch chuồng gia súc để hạn chế nơi trú đậu của muỗi. Nếu có thể, nên dời chuồng gia súc ra xa nhà, xa nơi vui chơi sinh hoạt của trẻ em, loại bỏ các ổ bọ gậy, bãi nước tồn đọng. Nên cho trẻ ngủ mùng để tránh muỗi đốt, thường xuyên sử dụng các biện pháp để phòng chống và tiêu diệt muỗi trong các hộ gia đình.
(nld.com.vn)
Bình luận
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!