Thông tin y tế trên các báo ngày 20/4/2021
Dưới đây là tổng hợp một số tin tức y tế đáng chú ý nhất ngày 20/4, mời quý đọc giả đón đọc:
Khách khai báo y tế sai hàng loạt, sân bay Nội Bài lo khó kiểm soát
10 – 15% khách khai báo y tế sai thông tin khiến sân bay Nội Bài đối diện nguy cơ quá tải, ùn tắc, nguy hiểm hơn là khó kiểm soát tình trạng sức khỏe của hành khách.
“Ngay khi phát hiện có khai báo sai, an ninh hàng không sẽ yêu cầu khách qua trở ra để khai báo lại. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không thể kiểm soát hết được”, đại diện sân bay Nội Bài chia sẻ.
Số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy có tới 10 – 15% khách khai báo y tế sai thông tin. Đáng chú ý, nhiều khách cố tình khai báo sai thông tin (chủ yếu là tên chuyến bay, số ghế). Có hành khách thậm chí còn khai báo thiếu văn hoá. Tình trạng này khiến sân bay rất khó kiểm soát thông tin y tế của khách.
Ngoài ra, phần lớn khách đến sân bay Nội Bài chưa khai báo điện tử trước khi xếp hàng qua cửa kiểm soát an ninh, đặc biệt là những khách làm thủ tục qua mạng hay check-in tại sân bay.
Đại diện sân bay cho biết có ngày, cả vài nghìn lượt khách chưa khai báo y tế mà vẫn xếp hàng vào làm thủ tục an ninh trước khi vào khu cách ly. Điển hình như ngày 30/3 có 1.447 khách chưa khai báo y tế, ngày 31/3 có 712 khách chưa khai báo y tế, đỉnh điểm ngày 2/4 có tới 2.288 khách chưa khai báo y tế khi đến điểm kiểm tra an ninh hàng không.
Cảnh báo về hiện tượng này, đại diện sân bay Nội Bài cho biết, thời gian làm thủ tục vì thế bị kéo dài hơn dự kiến, dễ gây cảnh ách tắc, lộn xộn. “Chúng tôi đã gửi văn bản tới các hãng hàng không nội địa, các đơn vị phục vụ mặt đất đề nghị thực hiện nghiêm việc kiểm soát hành khách khai báo y tế”, đại diện sân bay Nội Bài cho biết.
(vtc.vn)
Thuốc lá làm nóng liệu có là giải pháp cho người không thể cai thuốc?
Tuy hiểu rất rõ nguy cơ của khói thuốc lá đối với sức khỏe bản thân lẫn người xung quanh nhưng có đến khoảng 90% người hút thuốc lá gặp thất bại khi nỗ lực cai bỏ thuốc lá.
Trong khi tác hại của khói thuốc lá đối với sức khỏe là vấn đề không cần bàn cãi thêm, thì con số 90% người hút thuốc lá gặp thất bại trong nỗ lực cai nghiện tiếp tục là một thực tế nan giải.
Bởi vậy, giới chuyên môn và dư luận thời gian qua đang dành nhiều sự quan tâm cho những thông tin khoa học về việc thuốc lá làm nóng ít gây tác hại hơn thuốc lá điếu, có thể được coi là giải pháp thay thế cho những người không thể cai nghiện thuốc lá.
Khoảng 90% số người cai thuốc lá thất bại
Mọi sản phẩm thuốc lá đều có hại cho sức khỏe. Y lệnh của các bác sỹ luôn là cai bỏ hoàn toàn thuốc lá đối với các bệnh nhân có bệnh lý liên quan đến việc hút thuốc lá hay tiêu dùng các sản phẩm có chứa nicotin.
Tuy hiểu rất rõ nguy cơ của khói thuốc lá đối với sức khỏe bản thân lẫn người xung quanh nhưng có đến khoảng 90% người hút thuốc lá gặp thất bại khi nỗ lực cai bỏ thuốc lá.
Đã có nhiều chương trình hỗ trợ của chính phủ và các tổ chức y tế để giúp cho người nghiện thuốc lá sớm từ bỏ thói quen gây hại này. Mặc dù vậy, kết quả thu nhận được là không nhiều.
Phó Giáo sư-Tiến sỹ-bác sỹ Trần Văn Ngọc, Phó chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, Chủ tịch Liên chi Hội Hô hấp Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Chương trình cai nghiện thuốc lá thành công trên thế giới rất khiêm tốn, chỉ trên dưới 10% (Việt Nam báo cáo thành công 25%), nhưng trong đó “tỷ lệ tái nghiện lại gần phân nửa.”
Bác sỹ Lê Đình Phương, Trưởng khoa Nội Tổng quát và Y học Gia đình, Bệnh viện FV, cho biết có khoảng 90% người hút thuốc lá muốn bỏ thuốc lá nhưng bỏ không được. “Lý do của việc không cai bỏ được hoặc tái nghiện thuốc lá là do hai yếu tố: nghiện nicotin và nghiện hành vi (động tác hút thuốc).”
Đã có một số trường hợp được ghi nhận, có những người đã bị chẩn đoán mắc ung thư nhưng vẫn không bỏ thuốc. Khi càng đối diện với những vấn đề nan giải, lo lắng, họ lại càng hút thuốc lá nhằm tìm kiếm sự giải tỏa, và như vậy thì bệnh trạng càng nặng thêm.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng công bố, tiến trình đáp ứng mục tiêu toàn cầu các quốc gia đặt ra là giảm 30% tỷ lệ người hút thuốc lá vào năm 2025 vẫn không đạt được kết quả mong đợi.
Thuốc lá làm nóng và những người có bệnh lý nền
Theo thống kê, Việt Nam vẫn đang nằm trong nhóm 15 nước có tỷ lệ tiêu thụ thuốc lá cao, kéo theo tình trạng số người mắc các bệnh lý liên quan đến thuốc lá cũng tăng lên mỗi năm.
“Trong quá trình công tác, tôi luôn nói với bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), ung thư phổi, đái tháo đường, tim mạch về tác hại vô cùng lớn nếu tiếp tục hút thuốc lá. Nhưng thực sự, trong thực tế, nhiều bệnh nhân của tôi dù hiểu rõ tác hại của thuốc lá nhưng họ vẫn không thể cai thuốc lá do bị nghiện nicotine,” Phó Giáo sư-Tiến sỹ-bác sỹ Trần Văn Ngọc đưa ra dẫn chứng.
Đến nay các sản phẩm không khói như thuốc lá làm nóng, mặc dù không hoàn toàn vô hại, nhưng đã có một số nghiên cứu khoa học bước đầu cho thấy có sự cải thiện sức khỏe cho bệnh nhân COPD lựa chọn tiếp tục hút thuốc.
Cụ thể, Trung tâm Xuất sắc về Chiến lược Giảm thiểu Tác hại (Centre of Excellence for the acceleration of Harm Reduction – CoEHAR) thuộc Đại học Catania (Ý) do Giáo sư Riccardo Polosa đứng đầu đã thực hiện một nghiên cứu khoa học độc lập mang tính đột phá kéo dài 3 năm nhằm xác định những tác động lâu dài đến sức khỏe của bệnh nhân COPD đang hút thuốc lá điếu khi chuyển đổi sang dùng sản phẩm thuốc lá làm nóng.
Các kết quả nghiên cứu quan trọng khẳng định rằng việc sử dụng sản phẩm thuốc lá làm nóng đã làm giảm hơn 40% số đợt cấp (đợt bệnh nhân có biến cố cấp tính với các triệu chứng hô hấp xấu đi nghiêm trọng) của COPD.
Bên cạnh đó kết quả cũng cho thấy có những cải thiện đáng kể trên lâm sàng trong các chỉ số Chất lượng Cuộc sống và khả năng tập thể dục, trong khi không có thay đổi nào được ghi nhận ở những bệnh nhân COPD tiếp tục hút thuốc lá điếu đốt cháy.
Các chuyên gia y tế cũng chia sẻ bên cạnh việc ủng hộ các chính sách của ngành y tế khuyến khích cai thuốc, việc có giải pháp cho những người hút thuốc lá trưởng thành không thể cai hoặc lựa chọn tiếp tục hút thuốc, nên cần được nhắc như là một giải pháp nhân văn.
“Hút thuốc lá nguy hiểm cho sức khỏe dù dưới bất cứ hình thức nào, kể cả thuốc lá làm nóng hay bất kỳ sản phẩm không khói nào khác,” Phó Giáo sư-Tiến sỹ-bác sỹ Trần Văn Ngọc khẳng định.
“Nhưng những bệnh nhân có những bệnh liên quan đến hút thuốc lá như đã nêu không thể cai nghiện, cai nghiện thất bại hoặc tái nghiện vẫn đang tiếp tục hút thuốc lá và chúng ta chưa có biện pháp nào hữu hiệu hơn. Vì vậy, nên có cách tiếp cận nhân văn hơn như FDA hay Bộ Y tế Nhật đang làm bằng cách chỉ định thay thế “biện pháp giảm thiểu tác hại” dưới sự giám sát của ngành y tế hơn là cấm đoán,” bác sỹ Ngọc bổ sung thêm.
Dù nghiên cứu độc lập của CoEHAR (Đại học Italy) là một trong những sở cứ mang lại hy vọng cho các bệnh nhân COPD lựa chọn tiếp tục hút thuốc, thông qua việc chuyển đổi sang các sản phẩm thuốc lá làm nóng giảm tác hại hơn, nhưng các chuyên gia y tế cũng cảnh báo và khuyến cáo rằng đây không phải là giải pháp ưu tiên. Điều tốt nhất vẫn là khuyến khích bệnh nhân bỏ đồng thời thuốc lá và nicotin.
(vietnamplus.vn)
Mức chi trả dịch vụ y tế còn cao
Theo Bộ Y tế, trung bình mỗi năm quỹ BHYT của Việt Nam chi khoảng 100.000 – 120.000 tỉ đồng cho chi phí khám chữa bệnh
Ông Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), cho biết mục tiêu của Việt Nam là giảm tỉ lệ chi trả chi phí y tế của người sử dụng dịch vụ xuống còn 35% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.
Nặng gánh chi tiêu cho y tế
Dù đã được BHYT chi trả tới 18 triệu đồng nhưng gia đình anh Nguyễn Minh Tân (Nghệ An) vẫn phải chi trả từ tiền túi gần 20 triệu đồng cho người thân sau ca phẫu thuật gãy xương đùi. Theo anh Tân, với khoản tiền này, gia đình vẫn lo được nhưng nếu chẳng may mắc bệnh hiểm nghèo với chi phí cả trăm triệu đồng sẽ là gánh nặng không nhỏ cho cả gia đình.
Hiện nay người có BHYT phải tự chi trả bao gồm: Dịch vụ không thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT; thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật ngoài danh mục do BHYT chi trả; các dịch vụ chưa được BHYT chi trả như: khám sức khỏe, khám sàng lọc, kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, điều trị tật khúc xạ, sử dụng kính mắt, răng giả… Số tiền chi trả 5%, 20% tổng chi phí khám chữa bệnh tùy đối tượng theo quy định của Luật BHYT.
Khi khám chữa bệnh trái tuyến, người bệnh phải cùng chi trả chi phí một số loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật có trong danh mục BHYT nhưng chỉ được chi trả 50% – 70% như một số thuốc ung thư. Bên cạnh đó, người bệnh phải trả phần phí chênh lệch khi khám chữa bệnh theo yêu cầu.
Mới đây, Bộ Y tế đã công bố một số liệu đáng chú ý về việc chi trả của người dân cho các dịch vụ y tế. Theo đó, nghiên cứu năm 2017 cho thấy tỉ lệ chi tiền túi do người dân bỏ ra chiếm khoảng 43% trong tổng chi tiêu y tế.
Mức chi tiêu từ tiền túi này cao hơn nhiều so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là 20% và cao gấp 2 – 2,5 lần so với các nước phát triển (từ 14% – 20%). WHO đánh giá, gia đình có chi tiêu y tế nặng như vậy dễ đi đến phá sản, nghèo đói. Mức chi phí theo khuyến cáo của WHO chỉ nên từ 20% – 30% tổng chi.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phương, chuyên gia tài chính y tế của WHO, chi tiêu y tế từ tiền túi người dân Việt Nam cao do nhiều lý do, song quan trọng nhất cần xem lại việc sử dụng dịch vụ tại các cơ sở y tế đã hợp lý chưa. Bà Phương cho biết cách đây 10 năm, mức bao phủ BHYT của Việt Nam chỉ 50% và mức chi tiền túi khoảng 49% nhưng hiện nay mức bao phủ đã đến gần 90%, đáng ra chi tiền túi của người dân phải giảm nhiều nhưng thực tế đang giảm rất chậm (43%).
Thay đổi phương thức trả viện phí
Hiện tại, mỗi người Việt khám bệnh trung bình 2,1 lần/năm với số tiền bình quân 129 USD/người (tương đương khoảng gần 3 triệu đồng/người), trong đó có tới 37% là tiền thuốc (tương đương khoảng 1,1 triệu đồng). Với mức chi tiêu này, Việt Nam đứng trên Lào, Campuchia, Myanmar nhưng đứng dưới các quốc gia trong khu vực như Indonesia, Philippines, Thái Lan, Malaysia. Trong đó người dân Thái Lan chi khoảng 6 triệu đồng/người/năm, mức chi tại Malaysia là 12 triệu đồng/người/năm.
Ông Lê Văn Khảm cho rằng một trong những lý do người dân còn phải bỏ nhiều tiền túi khi đi khám chữa bệnh là do mức đóng BHYT hiện nay còn thấp, do đó còn khá nhiều dịch vụ khám chữa bệnh chưa được BHYT chi trả. Vì vậy để giảm chi tiền túi người dân, phải có lộ trình tăng mức đóng cũng như mở rộng hơn nữa phạm vi chi trả, tăng quyền lợi khi khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, khi tăng mức đóng BHYT phải kiểm soát chi tiêu hiệu quả tại các bệnh viện.
Một số ý kiến cho rằng một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy thực hiện mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, giảm chi y tế từ tiền túi người dân là phải xây dựng các phương thức chi trả dịch vụ y tế phù hợp, bảo đảm kiểm soát được chi phí khám chữa bệnh, chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh.
Hiện nay hầu hết bệnh viện áp dụng phương thức chi trả theo phí dịch vụ, bệnh nhân dùng dịch vụ nào thì trả tiền cho dịch vụ đó. Ưu điểm của phương thức này là dễ thực hiện, rõ ràng giữa các bên liên quan, tăng tính tự chủ cho cơ sở y tế song nhược điểm là tạo ra cơ chế khuyến khích cơ sở cung ứng quá mức cần thiết dịch vụ y tế, khó kiểm soát chi phí, mất cân đối thu chi của cơ quan BHYT.
Để kiểm soát chi tiêu quỹ BHYT, dự kiến từ tháng 7 tới, Bộ Y tế sẽ bắt đầu áp dụng phương thức chi trả chi phí khám chữa bệnh BHYT theo định suất và theo nhóm chẩn đoán (DRG) cho bệnh nhân nội trú, xác định trước số tiền cho mỗi chẩn đoán bệnh.
Mô hình chi trả viện phí theo chẩn đoán với bệnh nhân nội trú đã được Bộ Y tế thí điểm tại Quảng Ninh, Yên Bái, Cần Thơ…, bước đầu cho thấy hiệu quả rất tốt. Ưu điểm của phương thức là tăng tính minh bạch giữa các bên, tăng chất lượng dịch vụ, thanh toán nhanh chóng, thuận lợi, sử dụng quỹ hợp lý, hạn chế tình trạng quá tải tuyến trên.
(nld.com.vn)
Bình luận
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!