Thông tin y tế trên các báo ngày 2/7/2021
Dưới đây là tổng hợp một số tin tức y tế đáng chú ý nhất ngày 2/7, mời quý đọc giả đón đọc:
Hà Nội diễn tập tiêm chủng vaccine phòng COVID-19
Sáng 2/7, Hà Nội diễn tập tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 với số lượng lớn tại quận Cầu Giấy và Tây Hồ để chuẩn bị cho chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 sắp tới.
Mục tiêu của việc diễn tập này là đảm bảo an toàn, không ách tắc, tránh lây lan dịch bệnh trong quá trình tiêm chủng.
Trường mầm non Hoa Hồng, Cầu Giấy được lựa chọn làm điểm tiêm diễn tập. Trong sáng 2/7, có hơn 400 người dân trong độ tuổi từ 18 – 65 được mời đến tiêm.
Tất cả được hướng dẫn đi theo một chiều từ đo nhiệt độ, khai báo y tế, khám sàng lọc, tiêm, theo dõi sau tiêm và cuối cùng là lấy giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Tại đây cũng bố trí đội cấp cứu lưu động đề phòng tình huống có trường hợp phản ứng nặng.
Người đến tiêm được cấp một mã QR để theo dõi sức khỏe, đồng thời quản lý số lượng người đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn.
Sau buổi tiêm này, Hà Nội sẽ rút kinh nghiệm hoàn thiện lại quy trình. Theo kế hoạch, thời gian tới, Hà Nội sẽ có hơn 800 điểm tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 và 1.200 dây chuyền tiêm/ngày.
(vtv.vn)
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Thực hiện chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử đảm bảo an toàn và công khai “từng liều vắc xin”
Nguyên tắc cơ bản trong chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19 lần này là: phải tổ chức trên quy mô toàn quốc và vắc xin phải được tiêm nhanh nhất, nhiều nhất, rộng nhất cho người dân, nhưng phải đảm bảo an toàn, hiệu qủa và công bằng, công khai. “Việc này khó khăn, nhưng chúng ta phải làm được” – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Phát biểu kết luận cuộc họp Ban Chỉ đạo triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 năm 2021-2022 diễn ra sáng 2/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long-Trưởng Ban Chỉ đạo chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 nhấn mạnh: Chiến dịch tiêm chủng vắc phòng COVID-19 năm 2021-202 là một trong những chiến dịch có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng, không chỉ của Việt Nam mà cả trên thế giới.
Ngoài Bộ Y tế, chiến dịch có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành: Bộ Quốc Phòng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với các địa phương.
Ứng dụng triệt để công nghệ thông tin
“Hiện nay nhu cầu tiêm chủng của người dân rất lớn, nên trách nhiệm của chúng ta là phải triển khai thật tốt và hiệu quả chiến dịch này. Thủ tướng chỉ đạo không bỏ phí bất kỳ 1 liều vắc xin nào. Phải tuyệt đối thực hiện nguyên tắc “tiêm đến đâu an toàn đến đó”- Bộ trưởng nhấn mạnh, đồng thời cho biết việc triển khai chiến dịch tiêm chủng thí điểm và tiêm chủng thường quy tại các địa phương trong thời gian qua đã làm rất tốt nguyên tắc này.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, trong lộ trình cung ứng vắc xin, hiện nay chúng ta đã ký các thoả thuận hợp đồng trong năm 2021 là 105 triệu liều. Tuy nhiên do tình trạng khan hiếm vắc xin trên toàn cầu, nên lộ trình vắc xin về Việt Nam có thể bị ảnh hưởng, bị trễ chung như toàn cầu và nhiều khả năng sẽ về dồn dập trong quý IV/2021. Vì vậy việc tổ chức chiến dịch tiêm chủng lại càng đòi hỏi phải thực hiện nhuần nhuyễn hơn, trôi chảy hơn, hiệu quả hơn và nhanh chóng hơn…
Trưởng Ban Chỉ đạo chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 thông báo: chiến dịch tiêm chủng lần này sẽ cắt giảm nhiều thủ tục hành chính để triển khai hiệu quả quy trình tiêm chủng.
Trước hết, đối với việc vận chuyển, cung ứng, bảo quản, tổ chức tiêm có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành như: Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an và các lực lượng khác để đảm bảo lượng vắc xin khi về các kho của các Quân khu hay của Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, đều được quản lý chặt chẽ đúng theo yêu cầu về quản lý chất lượng đối với vắc xin và có sự giám sát chặt chẽ.
Thứ hai, chiến dịch tiêm chủng được thực hiện ở 19 nghìn điểm tiêm, trong đó nền tảng cơ bản nhất là trạm y tế xã, phường, các điểm tiêm di động, các cơ sở y tế. Do số lượng điểm tiêm nhiều, nên các tiểu ban chuyên môn của Ban Chỉ đạo phải quản lý được điều kiện cơ sở vật chất, con người, địa điểm tiêm… theo nhiệm vụ được giao.
Thứ ba, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin vào chiến dịch tiêm chủng, từ đăng ký tiêm chủng, khám sàng lọc, đến tổ chức triển khai tại các điểm tiêm chủng. “Bằng giải pháp công nghệ thông tin, chúng ta theo dõi thực từng liều vắc xin được chuyển đến các điểm tiêm; tiêm cho bao nhiêu người, còn lại bao nhiêu người chưa tiêm, bao nhiêu liều vắc xin còn lại…”- Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Khám sàng lọc sớm đối tượng tiêm, “tiêm đến đâu an toàn đến đó”
Điểm thứ tư cũng là nguyên tắc được quán triệt trong thực hiện tiêm chủng ở nước ta là “tiêm đến đâu an toàn đến đó” được Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long tiếp tục nhắc lại trong cuộc họp. Bộ trưởng yêu cầu Tiểu ban An toàn tiêm chủng phải tập huấn cho lực lượng cán bộ tiêm chủng toàn tuyến về an toàn tiêm chủng và xử lý an toàn sau tiêm chủng.
Đồng thời tất cả các cơ sở y tế trên toàn quốc phải tiến hành khám sàng lọc và phân loại sẵn tất đối tượng dự kiến tiêm chủng từ 18 tuổi trở lên để phân loại trường hợp nào được tiêm tại trạm y tế xã phường, trường hợp nào cần phải tiêm ở cơ sở y tế có giường bệnh, trường hợp nào được tiêm tại điểm tiêm di động. Tại điểm tiêm chủng chỉ cần đo nhiệt độ, huyết áp của người đi tiêm để tránh tập trung đông người tại điểm tiêm trong cùng một thời điểm. “Tôi đề nghị các địa phương trong tháng 7/2021 phải xong việc khám sàng lọc trên quy mô này” – Bộ trưởng lưu ý.
Tiểu ban An toàn tiêm chủng phải tiếp tục tổ chức tập huấn về xử trí các trường hợp phản ứng không mong muốn sau tiêm chủng. Bố trí theo cụm để đảm bảo khoảng cách tiếp cận nhất định giữa điểm tiêm chủng với cơ sở cấp cứu. Bên cạnh đó, tiểu ban này phải tăng cường giám sát chặt chẽ các điểm tiêm, đảm bảo an toàn mới được khởi động điểm tiêm (có đo huyết áp, nhiệt độ, chuẩn bị sẵn bơm kim tiêm có Adrenalin…)
“Vừa đảm bảo thực hiện số lượng mũi tiêm, nhưng phải vừa đảm bảo an toàn tiêm chủng. Đây là trách nhiệm nặng nề của Tiểu ban An toàn tiêm chủng. Do đó Tiểu ban này cần online 24/24 để sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới khi cần”- Bộ trưởng chỉ đạo.
Minh bạch hoạt động tiêm chủng
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh việc phân bổ vắc xin cho các địa phương được thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết 21 của Chính phủ và những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với thực tiễn phòng chống dịch như ưu tiên cho các địa phương có nhiều khu công nghiệp, có yếu tố nguy cơ lây nhiễm, đang có dịch và địa phương tập trung cho phát triển kinh tế. Do đó, Ban Chỉ đạo cần rà soát lại, bổ sung những đối tượng phù hợp vào kế hoạch tiêm chủng này.
“Chúng ta cố gắng từ nay đến cuối năm tiêm hết cho người dân, hoặc có thể sang đầu năm 2022. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra mục tiêu đến năm 2023 đạt miễn dịch cộng đồng, Việt Nam đưa ra mục tiêu cuối năm 2021, đầu năm 2022. Đây là yêu cầu rất lớn trong khi các nước khác là trong năm 2022 và đầu 2023.”- Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ.
Điều rất quan trọng nữa của chiến dịch tiêm chủng lần này được Trưởng Ban Chỉ đạo chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 nhắc lại là đã yêu cầu công khai về số lượng vắc xin, phân bổ vắc xin để người dân phối hợp và đồng hành cùng Ban Chỉ đạo thực hiện chiến dịch tiêm chủng.
Các tiểu ban liên quan sẽ xây dựng nền tảng quản lý tiêm chủng vắc xin COVID- 19 gồm các hợp phần: Quản lý đối tượng tiêm chủng, vận hành tiêm chủng, quản lý vắc xin, quản lý hồ sơ tiêm và cấp hộ chiếu vắc xin.
“Cần làm nhanh ứng dụng này trước khi bấm nút khởi động chiến dịch tiêm chủng để người dân có thể tải ứng dụng về và sử dụng. Đồng thời cần cây dựng trang web về tiêm chủng vắc xin COVID-19 trong đó công khai tất cả các thông tin liên quan đến toàn bộ hoạt động tiêm chủng, sử dụng vắc xin với mục tiêu công khai, minh bạch thông tin đến mọi người dân”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhắc.
(suckhoedoisong.vn)
Nhiều trẻ nhập viên do viêm não Nhật Bản, diễn biến bệnh rất nặng
Tính từ đầu tháng 5 đến nay, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới trẻ em – Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận, điều trị cho gần 20 trường hợp trẻ bị viêm não Nhật Bản. Không may mắn, trong số đó, 70% trẻ phải gánh chịu di chứng nặng nề của bệnh.
Nhiều trẻ bị bệnh nặng
Bé trai Nguyễn Minh Hoàng (6 tuổi, ở Hải Dương) được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương ngày 17/6. Các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực – Trung tâm Bệnh nhiệt đới cho biết, trước đó 6 ngày, trẻ ở nhà xuất hiện đau đầu, kèm theo sốt cao (38-42 độ C), nôn và giảm ý thức, li bì, ngủ nhiều. Trẻ được đưa đến Bệnh viện khi đã rơi vào tình trạng hôn mê.
Sau khi thăm khám, chọc dịch não tủy, làm các xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị viêm não Nhật Bản, được điều trị tăng áp lực nội sọ, thở máy. Sau 4 ngày điều trị, hiện bệnh nhân đang thở oxy qua mask, chưa tỉnh hẳn và có biểu hiện tăng lực cơ toàn thân. Gia đình cho biết, trẻ đã được tiêm phòng vaccine theo chương trình tiêm chủng mở rộng nhưng không rõ đã được tiêm phòng vaccine viêm não Nhật Bản hay chưa.
Một trường hợp khác là bé Trần Thanh Tùng (5 tuổi, ở Hải Phòng), đã nằm điều trị tại khoa Hồi sức tích cực – Trung tâm Bệnh nhiệt đới 3 tuần nay, tuy nhiên trẻ vẫn phải phụ thuộc vào máy thở, liệt tứ chi, tiên lượng nặng.
Được biết, trước đó trẻ xuất hiện triệu chứng sốt cao, sốt từng cơn, kèm theo đau đầu, nôn nên được gia đình đưa vào viện Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng và được chẩn đoán mắc viêm não Nhật Bản. Sau đó bệnh nhi xuất hiện tình trạng giảm ý thức, suy hô hấp, các bác sĩ đã tiến hành đặt ống nội khí quản và chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Khai thác bệnh sử, mẹ bệnh nhi cho hay, trẻ được tiêm phòng 3 mũi viêm não Nhật Bản khi trẻ 2 tuổi nhưng từ đó đến nay chưa tiêm nhắc lại.
Tỷ lệ tử vong và di chứng rất cao
TS.BS Nguyễn Văn Lâm – Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiêt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Viêm não Nhật Bản là bệnh viêm cấp tính tổ chức não do virus viêm não Nhật Bản gây nên, đây là virus gây viêm não hàng đầu Châu Á, trong đó có Việt Nam. Bệnh có thể diễn ra quanh năm nhưng cao điểm từ tháng 5 đến tháng 8, bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở trẻ em độ tuổi từ 2 đến 8 tuổi.
Viêm não Nhật Bản được xem là một trong những bệnh nguy hiểm, có tỉ lệ tử vong và di chứng cao ở trẻ nhỏ (từ 25-35%). Những di chứng này khiến người bệnh giảm khả năng giao tiếp, giảm hoặc mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
“Hiện nay, tuy đa số các trẻ đã được tiêm phòng đầy đủ nhưng vẫn còn nhiều trường hợp trẻ mắc bệnh do sức đề kháng kém, chưa tiêm vaccine phòng bệnh hoặc tiêm không đủ số mũi. Các bà mẹ có con lớn tuổi mắc viêm não Nhật Bản hầu hết đều cho rằng con đã được tiêm phòng tiêm phòng 3 mũi đầy đủ đến 2 tuổi. Nhưng đây là quan niệm sai lầm khiến gia tăng trẻ lớn mắc bệnh. Các bậc cha mẹ nên tiêm phòng cho con mình đầy đủ và tiêm nhắc lại 3-5 năm một lần đến năm 15 tuổi” – TS.BS Nguyễn Văn Lâm nhấn mạnh.
Những dấu hiệu nhận biết bệnh viêm não Nhật Bản
Triệu chứng đầu tiên của bệnh thường bao gồm sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn. Ngoài ra có thể có các biểu hiện của nhiễm virus nói chung như mệt mỏi, ớn lạnh.
Những trường hợp bệnh nặng có thể có các biểu hiện: Co giật, giảm khả năng nhận thức: trẻ thay đổi tính nết, la hét, kích động hoặc sững sờ, không nhận ra bố mẹ, nói nhảm, hôn mê. Rối loạn vận động: liệt tay, chân hoặc nửa người, co cứng, xoắn vặn.
Nguyên nhân và con đường lây truyền bệnh
Viêm não Nhật Bản lây truyền qua đường máu do virus viêm não Nhật Bản gây nên. Trẻ mắc viêm não Nhật Bản do bị nhiễm virus viêm não Nhật Bản.
Virus viêm não Nhật Bản có trong các loài gia súc (như lợn, ngựa và chim) đây gọi là những vật chủ trung gian. Khi muỗi đốt các loài động vật có mang virus (vật chủ trung gian) sau đó đốt người sẽ truyền virus viêm não Nhật Bản sang người. Muỗi truyền viêm não Nhật Bản là muỗi Culex có thói quen hoạt động mạnh vào lúc chập tối. Loại muỗi này có mật độ cao ở vùng đồng bằng và trung du và là trung gian chủ yếu truyền bệnh viêm não Nhật Bản ở nước ta.
Cách phòng bệnh viêm não Nhật Bản
Cách phòng tránh bệnh viêm não Nhật Bản hiệu quả nhất là tiêm vaccine phòng bệnh. Vaccine phòng bệnh viêm não Nhật Bản hiện nay đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng ở tất cả các tỉnh thành trên cả nước. Tiêm mũi 1 khi trẻ đủ 12 tháng; Mũi 2: 1-2 tuần sau mũi 1; Mũi 3: 1 năm sau mũi 2. Sau đó nhắc lại 3 – 5 năm một lần đến khi trẻ đủ 15 tuổi.
Ngoài ra, cần cho trẻ ăn uống hợp vệ sinh, nâng cao thể trạng, nằm màn tránh muỗi đốt, giữ vệ sinh môi trường nơi ở thông thoáng, sạch sẽ.
“Viêm não Nhật bản là bệnh nặng, có thể diễn biến rất nhanh, tỷ lệ tử vong và di chứng cao do đó nếu trẻ có các biểu hiện nghi ngờ như sốt, đau đầu, buồn nôn, đặc biệt với trẻ có biểu hiện co giật, rối loạn ý thức cần cho trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, để giảm thiểu nguy cơ tử vong hoặc để lại di chứng về sau – TS Nguyễn văn Lâm khuyến cáo.
(kinhtedothi.vn)
Bình luận
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!