Thông tin y tế trên các báo ngày 17/4/2021

Dưới đây là một số thông tin y tế đáng chú ý trên các báo ra ngày 17/04/2021, mời quý đọc giả đón đọc:

Bộ Y tế: 3 lý do khiến Việt Nam chưa áp dụng ​hộ chiếu vaccine

Hiện nay, tốc độ lây lan của dịch COVID-19 trên thế giới vẫn rất nhanh. Trung bình hằng ngày, thế giới ghi nhận 600.000-700.000 ca mắc mới, 1.000-2.000 ca tử vong.

Ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết Việt Nam (VN) đang nghiên cứu, xem xét thử nghiệm hộ chiếu vaccine tại các khu du lịch hoặc một số sân golf.

Đến nay VN đã 22 ngày không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, tuy nhiên tình hình dịch bệnh lại đang diễn biến phức tạp tại khu vực Đông Nam Á. Một số quốc gia như Thái Lan xuất hiện đợt bùng phát dịch mới, liên quan đến hoạt động tập trung đông người như tại quán bar, quán rượu từ thủ đô Bangkok lây lan ra nhiều tỉnh…

Trước tình hình đó, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Y tế với vai trò là cơ quan chuyên môn đang làm việc các bộ, ngành để đưa ra phương án triển khai hộ chiếu vaccine tại VN.

“Chúng tôi đang nghiên cứu các quốc gia trên thế giới áp dụng như thế nào để đưa ra một số mô hình, thử nghiệm tại các khu vực nhỏ như sân golf hoặc khu du lịch nhỏ” – ông Tấn cho hay.

Hộ chiếu vaccine là giấy chứng nhận cho một người đã tiêm đủ số mũi vaccine theo khuyến cáo của nhà sản xuất hoặc theo cơ quan quản lý nhà nước. Hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chưa có khuyến cáo áp dụng hộ chiếu vaccine. Trên thế giới hiện mới chỉ có Singapore đang thí điểm trên phạm vi rất hẹp, vừa tham khảo vừa thăm dò.

Ông Tấn phân tích có ba lý do khiến VN và các nước chưa áp dụng hộ chiếu vaccine: Thứ nhất, tiêm vaccine chỉ có tác dụng làm giảm, hạn chế tỉ lệ trầm trọng của bệnh khi mắc COVID-19.

Thứ hai, mỗi quốc gia sử dụng các loại vaccine ngừa COVID-19 khác nhau như AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sputnik V, Sinovac… với hiệu quả bảo vệ khác nhau, có loại cao, loại thấp.

Thứ ba, việc áp dụng hộ chiếu vaccine tùy theo miễn dịch cộng đồng. Rất nhiều quốc gia có tỉ lệ mắc COVID-19 cao hoặc tiêm phòng diện rộng sẽ có miễn dịch cộng đồng cao.

Trong khi đó, VN là quốc gia “sạch” do kiểm soát tốt dịch và hiện tỉ lệ tiêm vaccine của VN chưa đạt yêu cầu. Vì vậy, miễn dịch cộng đồng của người dân VN thời điểm hiện tại là gần như chưa có. Vì vậy, nếu triển khai hộ chiếu vaccine, không quản lý chặt có thể làm lây nhiễm dịch ra cộng đồng, nguy cơ không kiểm soát được.

Liên quan đến việc áp dụng hộ chiếu vaccine, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết Bộ Y tế cùng nhiều cơ quan đến nay vẫn đang xây dựng các phương án, xem xét triển khai áp dụng với quốc gia nào, áp dụng đa phương, song phương hay đồng thuận giữa các nước, áp dụng với vaccine nào và cách đi lại ra sao.

Bước đầu, Bộ Y tế thống nhất những người được tiêm vaccine đủ theo khuyến cáo nhà sản xuất, nhà chuyên môn có thể được giảm thời gian cách ly. Tuy nhiên, đây mới chỉ là đề xuất, vẫn phải chờ quyết định của lãnh đạo Bộ Y tế hoặc Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19.

(plo.vn)

Điều kiện người nhập cảnh Việt Nam: Cân nhắc kỹ

Thời gian qua, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đã có nhiều hướng dẫn nhằm tạo điều kiện cho các trường hợp nhập cảnh Việt Nam bảo đảm công tác phòng chống dịch.

Đến thời điểm này, Việt Nam chưa có thay đổi trong các biện pháp phòng, chống dịch cũng như cách ly người nhập cảnh có “hộ chiếu vaccine”.

Thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch

Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nhu cầu nhập cảnh Việt Nam vẫn còn rất lớn. Hằng ngày, nước ta vẫn ghi nhận thêm các trường hợp mắc mới nhập cảnh và được cách ly ngay. Để đảm bảo thực hiện các biện pháp an toàn phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đã có những quy định cụ thể với các trường hợp là người nước ngoài đến Việt Nam.

Sau khi nhập cảnh vào Việt Nam, người nước ngoài sẽ được di chuyển đến khu cách ly tập trung (tại khách sạn, resort) trong 14 ngày, trừ các trường hợp đặc biệt do Bộ Ngoại giao xem xét, quyết định. Trong 3 ngày đầu, các trường hợp nhập cảnh sẽ được lấy mẫu xét nghiệm, đến ngày thứ 14 lại xét nghiệm lần cuối. Tất cả các trường hợp nhập cảnh sau hai lần xét nghiệm, nếu kết quả 100% mẫu đều âm tính với virus SARS-CoV-2 sẽ được cơ sở cách ly tập trung cấp Giấy chứng nhận hoàn thành cách ly tập trung.

Sau khi hoàn thành cách ly phải có bàn giao chi tiết giữa cơ quan y tế nơi tổ chức cách ly với địa phương đón người về nơi lưu trú, tiếp tục tự cách ly, theo dõi sức khỏe thêm 14 ngày và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế (địa phương quản lý phải nắm được danh sách các trường hợp này).

Đặc biệt, theo Nghị quyết 16/NQ-CP ngày 8/2/2021, với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam trước ngày 8/2/2021 bị cách ly y tế tập trung từ sau ngày 8/2/2021 thì phải tự chi trả các chi phí xét nghiệm SARS-CoV-2, đưa đón, ăn, ở, sinh hoạt theo quy định.

Hiện nay, khi nhiều nước đang xem xét hướng khôi phục du lịch quốc tế nhờ “hộ chiếu vaccine”, Việt Nam cũng đang nghiên cứu, xem xét vấn đề này một cách cẩn thận, nghiêm túc. Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho hay: “Chúng ta đang bàn rất kỹ vì phải cân bằng lợi ích và nguy cơ. Lợi ích là mở cửa để phát triển kinh tế, nguy cơ là vẫn có thể chúng ta bị lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là việc triển khai không đơn giản và phải làm từng bước”.

Thực tế, trong số những trường hợp nhập cảnh về Việt Nam gần đây, có người đã có “hộ chiếu vaccine”. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Việt Nam chưa có thay đổi trong các biện pháp phòng, chống dịch cũng như cách ly người nhập cảnh có “hộ chiếu vaccine”. Theo quy định hiện hành, những trường hợp có “hộ chiếu vaccine”- tức là đã được tiêm đủ hai mũi vaccine phòng Covid-19 vẫn phải cách ly 14 ngày và lấy 2 lần xét nghiệm như bình thường.

Khó áp dụng thời gian hiệu lực của “hộ chiếu vaccine”

Liên quan đến vấn đề này, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Đặng Quang Tấn cho rằng, những trường hợp xuất, nhập cảnh có sử dụng “hộ chiếu vaccine” cần phải có mã QR xác nhận hoặc xuất trình chứng nhận đã được tiêm vaccine xin ngừa Covid-19 của cơ quan có thẩm quyền của quốc gia, vùng lãnh thổ.

Theo ông Tấn, bên cạnh các thuận lợi khi triển khai áp dụng hộ chiếu vaccine, vẫn còn một số bất cập. Trước hết, dịch bệnh ở Việt Nam đã được kiểm soát rất tốt, tỷ lệ mắc bệnh rất thấp, nhưng tỷ lệ người đã được tiêm chủng chưa cao, miễn dịch cộng đồng thấp nên nguy cơ lây nhiễm, bùng phát dịch rất cao khi có người nhập cảnh mang mầm bệnh.

Bên cạnh đó, virus biến chủng liên tục nên vaccine có thể không hiệu quả hoặc ít hiệu quả hơn đối với các biến chủng mới. “Hiệu lực bảo vệ của các vaccine cũng rất khác nhau, từ 66 – 96% người được tiêm có hiệu lực bảo vệ, do đó còn tỷ lệ cao những trường hợp đã được tiêm vaccine nhưng vẫn còn nguy cơ nhiễm bệnh và lây truyền. Ngoài ra, thời gian bảo vệ của các vaccine chưa rõ nên khó khăn cho việc xác định áp dụng thời gian hiệu lực của hộ chiếu vaccine” – ông Tấn cho hay.

Bộ Y tế cũng cho biết, mới đây, bộ cũng đã đề xuất phương án triển khai “hộ chiếu vaccine” bao gồm nhóm đối tượng áp dụng, phương án giám sát, cách ly, theo dõi y tế… Trong đó, nhóm thứ nhất dự kiến được áp dụng hộ chiếu vaccine là người Việt Nam bị mắc kẹt ở nước ngoài, đã được tiêm vaccine Covid-19, thì được về nước. Bộ Y tế hướng dẫn chi tiết, cụ thể về biện pháp cách ly, theo dõi y tế với từng nhóm người ở các nước khác nhau.

Nhóm thứ hai là người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam để đầu tư, kinh doanh. Bộ Y tế căn cứ vào nhóm người của từng nước, đã tiêm loại vaccine nào, để quy định cụ thể về thời gian xét nghiệm, cách ly, theo dõi y tế.

Nhóm thứ ba là khách du lịch quốc tế, Bộ Y tế phối hợp với Bộ VHTT&DL trình Ban chỉ đạo phương án cụ thể về lộ trình mở cửa du lịch. Dự kiến, Việt Nam sẽ đón du khách từ các nước đã kiểm soát tốt dịch bệnh, đã triển khai tiêm vaccine đạt miễn dịch cộng đồng. Nơi đến là những khu du lịch, nghỉ dưỡng có thể kiểm soát được người vào an toàn, có quy trình kiểm soát đi lại, tiếp xúc trong nước.

Chỉ đạo về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thống nhất tinh thần “mục tiêu kép” tranh thủ thời gian, bằng các giải pháp tổng lực để giữ an toàn nhưng đồng thời mở cửa và phát triển được. Đây là cuộc chạy đua thời gian, chúng ta vừa dùng giải pháp phòng chống dịch bệnh, tiêm vaccine trong nước, đồng thời kết hợp với các nước, phân theo nhóm nước, nhóm đối tượng để có phương án cách ly, xét nghiệm, giám sát phù hợp, bảo đảm an toàn nhưng tận dụng thời gian quý giá, cơ hội để phục vụ phát triển kinh tế.

“Trước đây để nghiên cứu ra một vaccine cần 4 – 5 năm, thậm chí 10 năm; trong khi đó vaccine phòng Covid-19 được nghiên cứu, cấp phép trong điều kiện khẩn cấp. Vì thế, có thể có một số vấn đề chúng ta chưa biết hết được như các vaccine khác nhau, hiệu lực bảo vệ khác nhau. Có vaccine cũng chưa biết được giảm lây nhiễm như thế nào mà chỉ giảm mức độ nặng của bệnh, giảm triệu chứng; cũng chưa biết kháng thể bảo vệ tồn tại trong cơ thể bao lâu… Trong khi đó, virus biến đổi liên tục nên vaccine có thể không hiệu quả hoặc ít hiệu quả với các biến chủng mới. Bên cạnh đó, không loại trừ trường hợp có “hộ chiếu vaccine” giả.

Vì thế, mỗi quốc gia căn cứ vào đánh giá rủi ro, lợi ích, hợp tác giữa các bên… để có thể có hình thức áp dụng phù hợp. Có thể kết hợp “hộ chiếu vaccine” với xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính để giảm thời gian cách ly… Tại Việt Nam, dù tỷ lệ tiêm vaccine chưa được như nhiều nước nhưng chúng ta đang áp dụng các biện pháp chống dịch hiệu quả. Vì thế, dù tiêm vaccine vẫn cần áp dụng tốt các biện pháp dự phòng dịch, cụ thể là áp dụng 5K theo khuyến cáo của ngành y tế.” – Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế – PGS.TS Trần Đắc Phu

(kinhtedothi.vn)

Nguy cơ tử vong từ ”khói trắng”

Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng – gọi chung là thuốc lá thế hệ mới – gây ra tác hại lớn đối với sức khỏe người dùng.

Hiểu lầm tai hại

Mới đây, Bệnh viện 199 (Bộ Công an) tại Đà Nẵng tiếp nhận một bệnh nhân nam 16 tuổi trong tình trạng nói nhảm, tay chân có dấu hiệu co rút. Theo lời kể của giáo viên, sau khi bệnh nhân được bạn cho uống một loại thuốc thì xuất hiện các biểu hiện lơ mơ, tê toàn thân. Sau đó, bệnh nhân được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện 199. Bác sĩ Đỗ Văn Tá, khoa Khám bệnh – Cấp cứu của Bệnh viện, cho biết: Bước đầu ghi nhận bệnh nhân nuốt tinh dầu của thuốc lá điện tử, bị chất kích thích tác động lên hệ thần kinh, gây ức chế.

Thuốc lá thế hệ mới đang gây ra những hệ lụy khôn lường nhưng vẫn được nhiều người vô tư sử dụng do không biết hoặc cố tình bỏ qua tính chất nguy hại của sản phẩm này với sức khỏe bản thân và những người xung quanh. Tại Bệnh viện Phổi Trung ương, Thạc sĩ Vũ Văn Thành cho biết, từ năm 2005 đến nay đã có rất nhiều người tử vong vì sử dụng thuốc lá thế hệ mới dẫn đến tổn thương cấp tính liên quan tới nhu mô phổi, viêm phổi.

Chị Nguyễn Thị H. (quận Đống Đa, Hà Nội) kể, chồng chị nghiện thuốc lá nặng. Trước kia, khi sử dụng thuốc lá truyền thống, chồng chị thường ra ngoài trời để hút, nhưng hiện nay chồng chị chuyển sang hút thuốc lá điện tử và vô tư hút trong nhà vì cho rằng việc này không gây độc hại. Mùi thơm của thuốc lá điện tử khiến chị H. tò mò hút thử và sau đó cũng nghiện thuốc lá điện tử như chồng.

Cấm triệt để

Các chuyên gia y tế cảnh báo: Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tác động rất lớn đến sức khỏe con người, đặc biệt là giới trẻ. Thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, cán bộ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, có đến hơn 15.000 loại hương vị khác nhau trong dung dịch thuốc lá điện tử được xác định là có nhiều chất độc. Nếu hương liệu được trộn chung cùng các nguyên liệu khác nhau thì độc tính mạnh hơn. Bên cạnh đó, có một số chất độc được tìm thấy trong thuốc lá điện tử như Formaldehyde, Hydroxycarbonyls… có thể gây ra cho người dùng các bệnh lý tim mạch, đột quỵ, viêm phổi cấp, tiêu hóa, ngộ độc, động kinh, ung thư…

Hiện không có bằng chứng cho thấy thuốc lá điện tử ít gây hại hơn so với thuốc lá điếu truyền thống. Thế giới cũng chưa có bằng chứng cho thấy thuốc lá điện tử giúp người nghiện cai thuốc. Ngược lại, bằng chứng từ các nước cho thấy người sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng vẫn có nhu cầu sử dụng thuốc lá thông thường. Trong thực tế, đã và đang có nhiều người sử dụng đồng thời cả thuốc lá điện tử và thuốc lá truyền thống.

Về tác hại của thuốc lá thế hệ mới, theo Thạc sĩ Vũ Văn Thành (Bệnh viện Phổi Trung ương), trong quá trình khám và điều trị cho người bệnh cũng như khi nghiên cứu các công bố của quốc tế, ông nhận thấy qua kết quả chụp X-quang ngực của người hút thuốc lá điện tử có hình ảnh tổn thương nhu mô phổi; trong cơ thể người dùng sản phẩm thuốc lá nung nóng, số độc chất cao hơn so với khi dùng thuốc lá điện tử.

Thạc sĩ Vũ Văn Thành cảnh báo, các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có thể gây hại cho não đang phát triển của thanh thiếu niên. Nicotin có thể đi qua nhau thai và ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi và trẻ sau khi sinh. Đó là chưa kể tới các nguy cơ chấn thương do thiết bị thuốc lá điện tử phát nổ…

Dựa trên các bằng chứng về tác hại của thuốc lá thế hệ mới, nhiều quốc gia tiếp tục ban hành lệnh cấm hoặc hạn chế lưu hành loại sản phẩm này. Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho hay, thuốc lá thế hệ mới gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đều chưa được cho phép sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo kiến nghị của nhiều chuyên gia, Việt Nam không nên cấp phép nhập khẩu và lưu hành thuốc lá điện tử bởi đây là nguyên nhân dẫn tới một hình thức nghiện ngập khác, gây tốn kém về tiền bạc và ảnh hưởng xấu tới sức khỏe cộng đồng.

Được biết, trong năm 2020 và đầu năm 2021 đã có nhiều hội thảo khoa học diễn ra xoay quanh vấn đề giảm thiểu tác hại của thuốc lá thế hệ mới. Đó là cơ sở để đề ra các biện pháp quản lý phù hợp đối với thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử nhằm ngăn chặn tình trạng buôn lậu loại sản phẩm này.

(hanoimoi.com.vn)

Bình luận

Thông tin y tế trên các báo ngày 17/4/2021

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hỗ trợ
Bạn cần tư vấn?

Tin mới

TOP 10 thuốc đặt âm đạo trị nấm phổ biến nhất hiện nay [ĐỪNG BỎ QUA]

Thuốc đặt âm đạo Polygynax có tốt không? Nên dùng cho đối tượng nào?

Viêm cổ tử cung sau sinh: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách chữa trị [ĐỌC NGAY]

Viêm cổ tử cung khi mang thai và cách chữa trị hiệu quả [TÌM HIỂU NGAY]

Điều trị viêm cổ tử cung bằng các phương pháp tốt nhất hiện nay [ĐỪNG BỎ QUA]

Chữa viêm lộ tuyến cổ tử cung ở đâu tốt? TOP 8 địa chỉ uy tín [THAM KHẢO NGAY]

Bà bầu bị viêm lộ tuyến cổ tử cung nguy hiểm không? Chuyên gia tư vấn cách điều trị hiệu quả

Thuốc trị viêm lộ tuyến cổ tử cung cực kỳ an toàn, hiệu quả [TÌM HIỂU NGAY]

TOP 12 cách CHỮA VIÊM LỘ TUYẾN TẠI NHÀ cực hiệu quả [ĐỪNG BỎ QUA]

Khám viêm cổ tử cung ở đâu tốt? TOP 10 địa chỉ uy tín toàn quốc [XEM CHI TIẾT]

Ẩn