Thông tin y tế trên các báo ngày 15/5/2021

Dưới đây là tổng hợp một số tin tức y tế đáng chú ý nhất ngày 15/5, mời quý đọc giả đón đọc:

Diễn biến dịch 15/5: Xuất hiện những ca bệnh rất nặng, 1 ca nguy cơ tử vong

Sáng 15/5, Bộ Y tế thông báo có 20 ca Covid-19 mới tại 5 tỉnh thành. 13 bệnh nhân Covid-19 tiên lượng rất nặng, một ca nguy cơ tử vong. Các ổ dịch tiếp tục diễn biến rất phức tạp.

6 giờ sáng 15/5, Bộ Y tế công bố 20 ca mắc mới Covid-19 đều là ca lây nhiễm trong cộng đồng, nhiều nhất là tại Bắc Giang với 15 ca mắc mới liên quan đến ổ dịch trong 2 khu công nghiệp.

Trong khi đó, Tiểu ban Điều trị cập nhật tình hình điều trị các bệnh nhân Covid-19 thông tin về 13 trường hợp tiên lượng rất nặng, một người phải chạy ECMO nguy cơ tử vong cao.

Trên cả nước có 53 cơ sở điều trị, trong đó nơi điều trị số bệnh nhân đông nhất là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương với hơn 330 ca bệnh, sau đó là Bệnh viện Phổi Đà Nẵng với hơn 150 bệnh nhân.

(dantri.com.vn)

Hà Nội xác nhận thêm một ca dương tính SARS-coV-2 tại Đan Phượng

Sáng nay, 15-5, CDC Hà Nội xác nhận, một bệnh nhân nam ở huyện Đan Phượng đã có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, người này là F1 của một bệnh nhân trước đó ở huyện Phúc Thọ…

Báo cáo nhanh từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội vào sáng nay cho biết, đã có thêm 01 ca dương tính mới với SARS-CoV-2 trên địa bàn thành phố. Bệnh nhân này là F1 của BN3389 liên quan chùm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ghi nhận tại cộng đồng đã được cách ly tập trung.

Đó là bệnh nhân B.V.T., nam, 1960. Địa chỉ: Đồng Tháp, Đan Phượng. Bệnh nhân tiếp xúc lần cuối với BN3389 (Đ.T.H., 45 tuổi ở xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ) vào ngày 8/5.

Ngày 10/5, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm và chuyển cách ly tập trung tại Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao quận Nam Từ Liêm (kết quả xét nghiệm lần 1 âm tính).

Ngày 14/5, bệnh nhân xuất hiện sốt, mệt mỏi lấy mẫu xét nghiệm lần 2 dương tính (do CDC Hà Nội thực hiện).

Trước đó, BN3253 là cụ bà tên H.T.H. 74 tuổi ở thôn Hiệp Lộc 3, xã Hiệp Thuận, Phúc Thọ (Hà Nội). Bà từng đến nhà BN3181 – người vừa điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh về để thăm hỏi.

(anninhthudo.vn)

BV Phổi Trung ương thông tin về nguồn lây 2 ca dương tính SARS-CoV-2

Bệnh viện xác định, nguồn lây ban đầu của ca bệnh có thể từ nguồn Đà Nẵng trên chuyến bay VN160. Giả thiết nguồn lây từ bệnh viện có rất ít khả năng.

Ngày 14/5, Bệnh viện Phổi Trung ương ghi nhận 2 ca dương tính SARS-CoV-2 đều là bác sĩ làm việc tại Phòng Chỉ đạo Chương trình.

Đến nay, cơ sở y tế này đã xác định 5 người thuộc diện F1, 19 trường hợp F2 và 10 người khác có liên quan, đều xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính.

Theo báo cáo của Bệnh viện Phổi Trung ương, nam bác sĩ N.V. C. (sinh năm 1966, trú tại phường Hạ Đình, Thanh Xuân) và mẹ có đi trên chuyến bay VN160 từ Đà Nẵng về Hà Nội ngày 2/5 (cùng chuyến với cặp vợ chồng ở chung cư Center Point, quận Thanh Xuân, được CDC Hà Nội ghi nhận dương tính ngày 12/5).

Khi về tới Hà Nội, các ngày 5/5, 6/5 và 10/5, bác sĩ C. có tiếp xúc với nam bác sĩ N.V.P, làm việc cùng Phòng Chỉ đạo Chương trình (sinh năm 1979, trú tại phường Trần Phú, Hoàng Mai).

Bệnh viện xác định, nguồn lây ban đầu có thể từ Đà Nẵng trên chuyến bay VN160. Sau đó, khi bác sĩ C. đến làm việc đã lây cho bác sĩ P.

Giả thiết khác là nguồn lây từ bệnh viện có rất ít khả năng vì trước đó, vào ngày 4/5, Bệnh viện Phổi Trung ương đã xét nghiệm sàng lọc toàn bộ nhân viên, bảo vệ, sinh viên, bếp ăn với 1099 mẫu âm tính.

Bên cạnh đó, tất cả bệnh nhân, người nhà đã được xét nghiệm trước khi vào viện và xét nghiệm trọng điểm ngẫu nhiên, đều cho thấy bệnh viện an toàn.

“Để chứng minh cho giả thiết này, ngày 15/5, bệnh viện sẽ tổ chức lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ nhân viên, bệnh nhân và người nhà với khoảng 2000 mẫu”, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho hay.

Cũng theo báo cáo của Bệnh viện Phổi Trung ương, Phòng Chỉ đạo Chương trình nằm ở vị trí tương đối độc lập với khối Khám chữa bệnh, có làm việc online.

Bác sĩ N.V.C. cũng có ý thức chỉ đến bệnh viện khi cần thiết, nên diện tiếp xúc chỉ giới hạn trong khu vực phòng ban hành chính. Vì vậy, bệnh viện vẫn đảm bảo an toàn của khối điều trị.

Được biết, ngày 14/5, ngay sau khi phát hiện ca bệnh, Bệnh viện Bệnh viện Phổi Trung ương đã cách ly y tế, khử khuẩn toàn bộ khu vực Phòng Chỉ đạo Chương trình; điều tra dịch tễ, truy vết các trường hợp liên quan. Bệnh viện cũng gấp rút họp Ban chỉ đạo chống dịch, đưa ra các giải pháp quyết liệt giữ vững bệnh viện an toàn.

(vietnamnet.vn)

Thủ tướng làm việc với Bộ Y tế: Quyết định những vấn đề cấp bách để phòng chống dịch hiệu quả hơn

Sáng ngày 15/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Bộ Y tế về tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành, những vấn đề tồn đọng, cấp bách cần giải quyết, các đề xuất, kiến nghị của ngành, nhất là trong hoàn cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường…

Cùng tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19.

Tại cuộc họp, Thủ tướng nghe báo cáo tình hình cập nhật dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra ở nước ta, bàn các giải pháp cần tiếp tục triển khai trong thời gian tới, nhất là chuẩn bị cho các kịch bản, tình huống có thể xảy ra, công tác xét nghiệm diện rộng và tiêm vaccine cho nhân dân.

Những ngày qua, Thủ tướng Chính phủ đã dành quan tâm đặc biệt tới công tác phòng chống dịch, liên tục có các chỉ đạo sâu sát, quyết liệt với ngành Y tế và các bộ, cơ quan, địa phương liên quan. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp đi kiểm tra trên thực địa công tác phòng chống dịch tại biên giới Tây Nam, TPHCM, động viên các lực lượng y tế, công an, quân đội và các lực lượng khác trên tuyến đầu chống dịch.

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, “toàn dân đang trông chờ chúng ta, lực lượng nòng cốt chống dịch”, yêu cầu các đại biểu thảo luận tập trung, chất lượng, hiệu quả, có giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ hơn để Bộ Y tế và ngành Y tế thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Thủ tướng yêu cầu các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá 3 nội dung chính.

Thứ nhất, những thành quả nổi bật, những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm của ngành trong thời gian qua, các nguyên nhân chủ quan, khách quan, nhất là nguyên nhân chủ quan, các bài học kinh nghiệm.

Thứ hai, các giải pháp đột phá để phát triển ngành Y tế trong thời gian tới.

Thứ ba, công tác phòng chống COVID-19 thời gian qua, đề xuất các giải pháp để phòng chống dịch hiệu quả, tiếp tục phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian tới, trước mắt là chuẩn bị tốt cho cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp.

Tất cả các ca mắc mới đều xác định được nguồn lây

Tại cuộc họp, Bộ Y tế trình Thủ tướng Chính phủ các báo cáo về tình hình triển khai hoạt động của ngành; về tình hình dịch COVID-19 và các biện pháp triển khai trong công tác phòng, chống dịch; về tình hình mua, nhập khẩu, tiêm vaccine phòng COVID-19; về tình hình thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2.

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nêu rõ các nhiệm vụ cấp bách trong thời gian tới, nhất là công tác phòng, chống dịch COVID-19, và các kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Y tế nhận định, số lượng các ca mắc mới COVID-19 tại Việt Nam có thể tiếp tục gia tăng, tuy nhiên, tất cả các ca mắc mới đều xác định được nguồn gốc lây nhiễm là từ các ổ dịch trước đó, đã được cách ly tập trung từ trước thông qua truy vết F1. Số ca mắc có thể tiếp tục xuất hiện do còn nhiều F1 đang tiếp tục được truy vết, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm.

Bên cạnh đó, có thể tiếp tục ghi nhận các ổ dịch khác trong cộng đồng tại một số địa phương  khác, nhất là các địa phương có tập trung đông người trong dịp nghỉ lễ vừa qua do nguồn lây bệnh chưa phát hiện được hoặc từ nguồn nhập cảnh chưa được phát hiện.

Nâng cao năng lực xét nghiệm, nỗ lực tiếp cận vaccine

Về năng lực xét nghiệm  SARS-CoV-2, hiện ở mức gần 66.000 mẫu/ngày, trong trường hợp cần thiết có thể tăng cường công suất lên từ 1,5 đến 2 lần và tối đa có thể đạt 290.000 mẫu/ngày, nếu làm xét nghiệm gộp 10 mẫu thì có thể đạt 2,9 triệu mẫu/ngày. Tính đến ngày 13/5, cả nước đã thực hiện xét nghiệm Realtime RT-PCR được trên 3 triệu mẫu tương đương gần 4 triệu người được xét nghiệm, xác định 3.710 người dương tính.

Để kịp thời đối phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ Y tế cho biết đang sử dụng chiến lược xét nghiệm kết hợp giữa các kỹ thuật xét nghiệm khác nhau. Chỉ đạo các địa phương rà soát, bảo đảm công suất xét nghiệm trên quy mô dân số đạt tối thiểu 1.000 mẫu (đơn)/1 triệu dân/ngày; tăng cường năng lực xét nghiệm của cơ sở khám chữa bệnh đạt tối thiểu 300 giường bệnh có 1 hệ thống xét nghiệm Realtime RT-PCR.

Đến ngày 13/5, cả nước đã triển khai tiêm được 969.730/917.600 liều vaccine phân bổ, đạt tỷ lệ 106% (vaccine cung cấp được đóng lọ 5,5-6ml, có thể tiêm tối đa 12 liều – 0,5ml mỗi liều).

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đang xây dựng Đề án nhập khẩu, sản xuất, tổ chức tiêm phòng vaccine phòng COVID-19 và bố trí nguồn lực thực hiện.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ đã nỗ lực tiếp cận các nguồn cung vaccine qua nhiều kênh khác nhau, làm việc trực tiếp với các nhà sản xuất vaccine, các tổ chức quốc tế, đại sứ quán các nước, đại sứ Việt Nam ở nước ngoài.

Tổng số vaccine mà Việt Nam đã mua, đăng ký là khoảng 170 triệu liều, trong đó số đã ký kết, có cam kết là khoảng 110 triệu liều, tuy nhiên, chưa chắc chắn về tiến độ cung cấp do phụ thuộc vào nhà sản xuất, cung cấp vaccine. Bộ sẽ tiếp tục nỗ lực tiếp cận, đàm phán với các nhà sản xuất, nhà cung ứng, các tổ chức để có thêm các nguồn vaccine cho Việt Nam.

Việt Nam hiện có 4 đơn vị đang nỗ lực nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, trong đó có 2 vaccine đang trong giai đoạn thử lâm sàng ở giai đoạn 1 và giai đoạn 2, nếu nghiên cứu thành công thì dự kiến năm 2022 mới có thể sản xuất, cung ứng. Bộ đã có văn bản gửi Tổ chức Y tế thế giới nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, đặt trung tâm chuyển giao công nghệ tại Việt Nam.

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ sẽ tiếp tục thông tin về cuộc làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Bộ Y tế.

(baochinhphu.vn)

Hà Nội xét nghiệm sàng lọc 5.500 người về từ Đà Nẵng

Phó giám đốc CDC Hà Nội cho biết trong sáng 15/5, các quận, huyện tổ chức xét nghiệm sàng lọc cho 5.500 người về từ Đà Nẵng trong dịp nghỉ lễ 30/4.

Trao đổi với Zing sáng 15/5, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, cho biết ngay khi Sở Y tế ra công văn khẩn đề nghị quận, huyện rà soát khẩn cấp người về từ Đà Nẵng, đến nay các đơn vị đã xác định khoảng 5.500 người trong diện này.

“Những người từng khai báo đi Đà Nẵng về phải lấy mẫu xét nghiệm và cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà. Sau khi xét nghiệm xong 5.500 người này, TP sẽ đánh giá được nguy cơ từ nguồn lây này và có các biện pháp tiếp theo”, lãnh đạo CDC Hà Nội nói kết quả dự kiến có trong hôm nay và sáng mai.

Theo ông Tuấn, trước đó Hà Nội đã có thông báo người dân từ địa phương khác về phải khai báo y tế, song, do diễn biến dịch bệnh phức tạp những ngày qua, đặc biệt là các ca dương tính có lịch trình về từ Đà Nẵng, buộc TP phải nâng lên một mức nữa.

Ông Tuấn đánh giá nguy cơ đối với Hà Nội hiện nay phức tạp hơn nhiều so với đợt bùng phát dịch cách đây gần một năm. Thành phố đang phải phân bổ lực lượng để chống dịch ở nhiều khu vực khác nhau như các bệnh viện, các ổ dịch Thường Tín, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm và cả từ nguồn nhập cảnh, nhập cảnh trái phép.

“Cùng lúc TP phải đối phó với nhiều ổ bệnh, trong khi tháng 5, tháng 6 năm ngoái, mình chỉ tập trung toàn lực để xử lý các ca bệnh từ Đà Nẵng nên sẽ không vất vả như bây giờ”, ông Tuấn cho biết.

Vì vậy, lãnh đạo CDC Hà Nội nhấn mạnh công tác quan trọng nhất vẫn là rà soát, xét nghiệm và sàng lọc cộng đồng bởi mầm bệnh vẫn còn và nguy cơ phát hiện các ca dương tính mới là rất cao.

Tối 14/5, Sở Y tế Hà Nội phát công văn khẩn về việc rà soát, quản lý, xét nghiệm cho người từng đến thành phố Đà Nẵng để tiếp tục đánh giá nguy cơ và tình hình dịch bệnh trên địa bàn.

Cụ thể, với người đã đến Đà Nẵng trong khoảng thời gian từ ngày 1/5 đến 14/5 và đã khai báo y tế cần được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, đồng thời tự cách ly tại nhà, theo dõi sức khỏe đủ 21 ngày kể từ thời điểm cuối cùng ở Đà Nẵng.

Với những người từng tới Đà Nẵng từ 1/5 đến khi dịch ổn định nhưng chưa khai báo y tế, các quận, huyện rà soát, lập danh sách bổ sung và yêu cầu họ tự cách ly tại nhà kết hợp theo dõi sức khỏe đủ 21 ngày từ ngày cuối cùng ở Đà Nẵng.

Ngoài ra, những người từng đến Đà Nẵng chưa qua 28 ngày nếu có biểu hiện ho, sốt, khó thở hoặc các triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 cần được chuyển tới cơ sở y tế nhằm cách ly, điều trị kịp thời.

(zingnews.vn)

96 người thử nghiệm Covivac tiêm đủ hai liều

Vaccine Covivac thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một trên 120 người, trong đó 96 người đã tiêm đủ hai liều, còn 24 người chưa tiêm liều hai.

Phó giáo sư, tiến sĩ Vũ Đình Thiểm, Giám đốc Trung tâm thử nghiệm lâm sàng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, nghiên cứu viên chính trong thử nghiệm lâm sàng vaccine Covivac, cho biết sẽ tiêm liều hai cho số người còn lại vào ngày 15/5. Khi hoàn thành, người tình nguyện được theo dõi tại khu vực tiêm chủng một ngày, sau đó ra về.

8 ngày sau khi tiêm liều hai, người tình nguyện được mời đến khám và lấy mẫu máu để xét nghiệm, xem vaccine có gây ảnh hưởng chức năng đông máu, gan, thận… Họ cũng được lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ 14 sau liều hai để đo kháng thể, tiếp tục khám một lần nữa vào 2 tuần sau. Ngày thứ 197 (khoảng 5,5 tháng) và ngày thứ 365 sau liều thứ nhất, tình nguyện viên được mời đến khám lại và lấy mẫu xét nghiệm kháng thể.

Đến khoảng cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7, nhóm nghiên cứu sẽ dựa trên các kết quả xét nghiệm đã có để phân tích dữ liệu an toàn của vaccine và trình Bộ Y tế. Nếu được thông qua, giai đoạn 2 sẽ được triển khai ngay, dự kiến thực hiện tại huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.

Theo phó giáo sư Thiểm, việc thử nghiệm lâm sàng vaccine Covivac gặp khó khăn do đợt bùng phát Covid-19 từ cuối tháng 4. Mỗi đợt tiêm thử có từ 15-30 người, chưa bao gồm cán bộ y tế, số lượng người này khiến công tác tổ chức tiêm chủng khó khăn và vất vả hơn. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng lo ngại tình huống có người thử nghiệm vaccine không may mắc Covid-19 hoặc trở thành F1, F2, phải cách ly, gây ảnh hưởng tới tiến độ và kế hoạch nghiên cứu.

Hiện chưa ghi nhận trường hợp người tình nguyện nào bị ảnh hưởng. Nhóm nghiên cứu mong rằng dịch bệnh sớm được kiểm soát để việc thử nghiệm vaccine thuận lợi hơn.

Covivac là vaccine Covid-19 của Việt Nam, do Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC) nghiên cứu, phát triển. Vaccine hiện được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một tại Trường Đại học Y Hà Nội. IVAC sử dụng công nghệ tạo vaccine từ phôi trứng gà, là công nghệ sản xuất vaccine cổ điển, đã được viện áp dụng để chế tạo vaccine cúm mùa.

Trước Covivac, vaccine Nanocovax do Nanogen nghiên cứu, phát triển, đã hoàn thành tiêm đủ 2 liều cho 560 người thử nghiệm lâm sàng giai đoạn hai. Hiện nhóm nghiên cứu đang báo cáo kết quả và kế hoạch thử nghiệm giai đoạn ba với Bộ Y tế.

(vnexpress.net)

Bình luận

Thông tin y tế trên các báo ngày 15/5/2021

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hỗ trợ
Bạn cần tư vấn?

Tin mới

TOP 10 thuốc đặt âm đạo trị nấm phổ biến nhất hiện nay [ĐỪNG BỎ QUA]

Thuốc đặt âm đạo Polygynax có tốt không? Nên dùng cho đối tượng nào?

Viêm cổ tử cung sau sinh: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách chữa trị [ĐỌC NGAY]

Viêm cổ tử cung khi mang thai và cách chữa trị hiệu quả [TÌM HIỂU NGAY]

Điều trị viêm cổ tử cung bằng các phương pháp tốt nhất hiện nay [ĐỪNG BỎ QUA]

Chữa viêm lộ tuyến cổ tử cung ở đâu tốt? TOP 8 địa chỉ uy tín [THAM KHẢO NGAY]

Bà bầu bị viêm lộ tuyến cổ tử cung nguy hiểm không? Chuyên gia tư vấn cách điều trị hiệu quả

Thuốc trị viêm lộ tuyến cổ tử cung cực kỳ an toàn, hiệu quả [TÌM HIỂU NGAY]

TOP 12 cách CHỮA VIÊM LỘ TUYẾN TẠI NHÀ cực hiệu quả [ĐỪNG BỎ QUA]

Khám viêm cổ tử cung ở đâu tốt? TOP 10 địa chỉ uy tín toàn quốc [XEM CHI TIẾT]

Ẩn