Thông tin y tế trên các báo ngày 11/6/2021
Dưới đây là tổng hợp một số tin tức y tế đáng chú ý nhất ngày 10/6, mời quý đọc giả đón đọc:
Sáng 11/6: Thêm 51 ca mắc COVID-19, Việt Nam đã có 9.835 bệnh nhân
Bản tin sáng 11/6 của Bộ Y tế cho biết có thêm 51 ca mắc COVID-19 tại 5 tỉnh, thành phố; trong đó 41 ca ở trong nước, riêng Bắc Giang đã 23 ca. Việt Nam hiện có 9.835 bệnh nhân. Đến sáng nay số ca mắc của thế giới đã vượt 175,5 triệu.
Thông tin diễn biến dịch COVID-19 ở Việt Nam:
Tính từ 18h ngày 10/6 đến 6h ngày 11/6 có 51 ca mắc mới (BN9785-9835):
10 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Bà Rịa – Vũng Tàu.
41 ca ghi nhận trong nước tại: Bắc Giang (23), TP. Hồ Chí Minh (10), Bắc Ninh (4), Hà Tĩnh (4); trong đó 35 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
Tính đến 6h ngày 11/6:
Việt Nam có tổng cộng 8.206 ca ghi nhận trong nước và 1.629 ca nhập cảnh.
Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay: 6.636 ca.
Có 17 tỉnh (Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk, Nam Định, Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hưng Yên) đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.
Số lượng xét nghiệm từ 29/4/2021 đến nay đã thực hiện 1.899.644 mẫu cho 4.034.665 lượt người.
Tình hình điều trị:
Số ca âm tính với SARS-CoV-2:
- Lần 1: 267
- Lần 2: 96
- Lần 3: 55
Số ca tử vong: 55 ca.
Số ca điều trị khỏi: 3.708 ca.
Thông tin chi tiết các ca mắc mới:
10 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh
CA BỆNH BN9785-BN9787, BN9789, BN9791, BN9793, BN9795-BN9798 được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ngày 27/5/2021, từ UAE nhập cảnh Sân bay Tân Sơn Nhất trên chuyến bay QH9305 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Kết quả xét nghiệm ngày 10/6/2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện đang được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
41 ca ghi nhận trong nước
CA BỆNH BN9799, BN9801-BN9811, BN9813, BN9816-BN9825 ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang trong khu cách ly và khu vực đã được phong tỏa, liên quan đến công nhân làm tại các khu công nghiệp. Kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
CA BỆNH BN9800, BN9812, BN9814-BN9815 ghi nhận tại tỉnh Hà Tĩnh: 03 ca là F1 của BN8425, 01 ca đang điều tra dịch tễ. Kết quả xét nghiệm ngày 10/6/2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, tỉnh Hà Tĩnh.
CA BỆNH BN9788, BN9790, BN9792, BN9794 ghi nhận tại tỉnh Bắc Ninh: 03 ca liên quan đến ổ dịch Khu công nghiệp Quế Võ, 01 ca đang điều tra dịch tễ. Kết quả xét nghiệm ngày 10/6/2021 dương tính với SARS-CoV-2.
CA BỆNH BN9826-BN9835 ghi nhận tại TP. Hồ Chí Minh: 02 ca liên quan đến nhóm truyền giáo Phục hưng, 04 ca là các trường hợp F1, có 4 ca đang điều tra dịch tễ. Kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 184.749, trong đó:
Cách ly tập trung tại Bệnh viện: 5.093
Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 21.163
Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 158.493
Thông tin tiêm chủng:
Tính đến 16 giờ ngày 10/6/2021, tổng cộng đã thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 1, 2 và 3 tại các tỉnh/TP với 1.411.548 liều. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 là 50.023 người.
Có thêm 18.817 người được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại 17 tỉnh, thành phố trong ngày 10/6/2021. Chi tiết như sau:
1- Hải Phòng: 74
2- Hà Nam: 1.083
3- Hải Dương: 3.399
4- Lạng Sơn: 528
5- Lào Cai: 505
6- Quảng Trị: 192
7- TT- Huế: 1.471
8- Quảng Ngãi: 33
9- Bình Định: 1.115
10- Khánh Hòa: 152
11- Kon Tum: 1.169
12- Gia Lai: 329
13- TP. Hồ Chí Minh: 4.290
14- Sóc Trăng: 2.191
15- Vĩnh Long: 1.564
16- Bình Phước: 206
17- Các đơn vị TƯ tại Hà Nội: 3.360
(Báo Sức khoẻ & đời sống)
Hà Nội: 670 trường hợp liên quan đến chùm ca bệnh ở Đông Anh âm tính
Tại phiên họp Ban chỉ đạo Phòng chống COVID-19 Hà Nội chiều 10/6, Sở Y tế Hà nội cho biết, Sở Y tế và huyện Đông Anh đã mở rộng diện lấy mẫu 670 trường hợp liên quan đến chùm ca bệnh ở Chợ Cửa hàng mới, huyện Đông Anh đều có kết quả âm tính.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh thông tin cụ thể về 10 ca bệnh tại Đông Anh. Cụ thể như sau:
Trường hợp 1: là bệnh nhân nữ (BN8853), 45 tuổi, địa chỉ tại Thị trấn Đông Anh, Đông Anh, hàng ngày bán rau tại chợ Cửa Hàng Mới. Khởi phát ngày 30/5 (rát họng, sổ mũi), ngày 04/6 vào điều trị tại BV Bắc Thăng Long. Đến ngày 6/6 có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính. Từ ca bệnh này điều tra phát hiện 1 trường hợp có liên quan dương tính (BN9139).
Trường hợp 2: bệnh nhân nữ (BN9139), 39 tuổi, địa chỉ tại Lương Quy, Xuân Nộn, Đông Anh, là người bán rau tại Chợ Cửa hàng mới. Ngày 02/6, bệnh nhân xuất hiện ho đờm, mệt mỏi. Ngày 08/6, khi biết thông tin về ca bệnh 8853 nên đã chủ động ra khai báo tại TTYT huyện Đông Anh, ngay lập tức được lấy mẫu xét nghiệm gửi CDC Hà Nội, kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Từ ca bệnh này điều tra xác định phát hiện 4 trường hợp dương tính như sau: BN9519 14 tuổi, địa chỉ Lương Quy, Xuân Nộn, Đông Anh là F1 (con của BN9139); BN9520, 10 tuổi, địa chỉ Lương Quy, Xuân Nộn, Đông Anh là F1 (con của BN9139); BN9522, 35 tuổi, địa chỉ Kính Nỗ, Uy Nỗ. Bệnh nhân đi mua rau tại Chợ Cửa hàng mới ngày 06/6; BN9521, 39 tuổi, địa chỉ Kính Nỗ, Uy Nỗ, là chồng của trường hợp 5.
Bệnh nhân làm lái xe có đi giao Hàng tại Bắc Ninh từ 01-08/6/2021 tại nhà máy cơ khí chính xác Phúc Anh, Khu Công nghiệp Đông Thọ, Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, ngày 08/6 nhập hàng tại Nhà máy sản xuất máy may TEGAFUS Hải Dương.
Qua công tác điều tra các ca bệnh trên, thành phố phát hiện thêm 1 trường hợp dương tính là bệnh nhân nữ, 6 tuổi, địa chỉ Kính Nỗ, Uy Nỗ, Đông Anh là F1 (con của BN9521 và BN9522).
Sáng ngày 6/10, TP Hà Nội phát hiện thêm 3 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 là F1 của 1 ca bệnh nêu trên. Như vậy chùm ca bệnh này đến nay đã lên tới 10 ca F0.
Sở Y tế Hà nội và huyện Đông Anh đã mở rộng diện lấy mẫu tới những khu vực liên quan như: công ty Panasonic thuộc Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (73 người), Bệnh viện Bắc Thăng Long (283 người) và 314 người liên quan đến Chợ Cửa hàng mới, Chợ Tó và các địa điểm liên quan khác (tổng cộng 670 người).
Kết quả ngoài các trường hợp dương tính trên và 10 mẫu chưa có kết quả (5F1 của BN9521 và 5 mẫu tại Bệnh viện Bắc Thăng Long do vừa chuyển mẫu lên CDC) thì số còn lại đều âm tính. Dự kiến trong ngày hôm nay và những ngày tiếp theo sẽ tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm tại các khu vực liên quan để đánh giá nguy cơ.
(Báo Sức khoẻ & đời sống)
Hà Nội sẽ tiêm 91.000 liều vaccine Covid-19, đối tượng nào được ưu tiên
Dự kiến từ ngày 8/6 đến hết tháng 7/2021, 91.000 liều vaccine Covid-19 sẽ được TP Hà Nội ưu tiên triển khai với 4 nhóm đối tượng ưu tiên.
91.000 liều vaccine ưu tiên 4 nhóm đối tượng
Mới đây, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch số 8711/KH-SYT ngày 8/6/2021 về việc tiếp nhận, sử dụng vaccine phòng Covid-19 cho nhóm đối tượng ưu tiên trên địa bàn TP Hà Nội đợt 3, 4 năm 2021, theo đó sẽ tiêm tổng số 91.000 liều vaccine phòng Covid-19 AstraZeneca sản xuất do Bộ Y tế cấp.
Cụ thể, số vaccine này sẽ được ưu tiên cho 4 nhóm.
Thứ nhất là đối tượng ưu tiên đã được tiêm 1 mũi vaccine và đảm bảo khoảng cách giữa 2 mũi tiêm ít nhất 8 tuần, dự kiến có 54.193 người.
Nhóm 2 là người làm việc trong các cơ sở y tế (cán bộ y tế đang làm việc tại các cơ sở y tế trong và ngoài công lập chưa được tiêm vaccine), dự kiến có 11.266 người.
Nhóm 3 bao gồm cán bộ trực tiếp tham gia phục vụ tại các khu cách ly tập trung do UBND Thành phố thành lập đang thực hiện tiếp nhận các trường hợp cách ly chưa được tiêm vaccine, dự kiến: 505 đối tượng; Thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch Thành phố, Ban chỉ đạo phòng chống dịch ngành Y tế, Ban chỉ đạo các cấp, các ngành; thành viên Tổ Covid cộng đồng tại 579 xã, phường, thị trấn chưa được tiêm vaccine, dự kiến: 17.486 đối tượng.
Trong nhóm này, 550 phóng viên, báo chí trực thuộc Thành phố trực tiếp làm việc ở các khu vực có nguy cơ cao lây nhiễm hoặc tiếp xúc với người mắc, nghi mắc Covid-19 cũng đã được tiêm vaccine
Nhóm 4 là đối tượng nguy cơ mắc Covid-19 (công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất tại các đơn vị: Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn), dự kiến: 7.000 đối tượng.
Đảm bảo công khai, minh bạch đúng đối tượng
Thời gian tổ chức tiêm chủng từ ngày 8/6/2021, dự kiến hoàn thành trong tháng 7/2021. Sau đó, thành phố sẽ triển khai tiêm vaccine mũi một cho người dân. Kế hoạch cụ thể đang được Sở Y tế Hà Nội chuẩn bị.
Đó là khẳng định của Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, bà Trần Thị Nhị Hà trong cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 Hà Nội sáng 10/6. Bà Hà cho hay, Thành phố vừa nhận được hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế và sẽ tiến hành việc tiêm vaccine công khai, minh bạch đúng đối tượng và nhanh chóng, an toàn nhất.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh nhấn mạnh: “Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược thần tốc về vaccine, chỉ đạo của Thành ủy, Thành phố sẽ chủ động lo nguồn cung; vận động các doanh nghiệp đóng góp; Doanh nghiệp trong khu công nghiệp chủ động đăng ký với Thành phố để có vaccine cho công nhân”.
Theo Sở Y tế Hà Nội, từ 27/4 đến nay, toàn thành phố có 101 điểm phong tỏa, hiện nay có 83 điểm đã được gỡ bỏ, còn 18 điểm phong tỏa tại 10 quận, huyện. Tổng xét nghiệm PCR- Realtime từ ngày 29/4 đến nay, đã lấy 179.951 mẫu, thành lập 20 cơ sở cách ly tập trung F1 tại 19 quận huyện với 11.611 chỗ cách ly, hiện đang cách ly 2.263 người. Các quận, huyện, thị xã cũng đã rà soát lập danh sách để thành lập 32 cơ sở với 8.144 chỗ cách ly tập trung và tiếp tục rà soát nhằm nâng công suất cách ly lên 40.000 chỗ cách ly theo chỉ đạo của thành phố.
(Báo Đại đoàn kết)
Sản xuất vaccine trong nước: Khó cũng phải làm
Trước nhu cầu cấp bách về vaccine hiện nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu xây dựng ngay chương trình quốc gia nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine; tháo gỡ bằng được mọi khó khăn, vướng mắc, quyết tâm nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất bằng được vaccine phòng chống Covid-19.
Tín hiệu vui
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, vaccine là yếu tố có tính chất quyết định, chiến lược, lâu dài trong phòng chống dịch nói chung và đặc biệt là trong phòng chống dịch Covid-19 nói riêng. Trong bối cảnh đại dịch, Việt Nam vừa phải giải quyết các bài toán cấp bách, trước mắt, vừa phải tính toán các vấn đề lâu dài, chiến lược. Vì vậy, cần đẩy mạnh tự nghiên cứu, phát triển, sản xuất bảo đảm nguồn vaccine phòng Covid-19 trong nước, đồng thời tham gia vào chuỗi cung ứng vaccine toàn cầu.
Việt Nam hiện có 3 đơn vị nghiên cứu, phát triển vaccine phòng Covid-19, trong đó có đơn vị đã chuẩn bị thử nghiệm vaccine phòng Covid-19 giai đoạn 3. Mặt khác, Việt Nam có kế hoạch mua bản quyền, nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cũng như liên doanh, liên kết đối với những đơn vị sản xuất vaccine trên thế giới để tự chủ được nguồn vaccine phòng Covid-19 sớm nhất.
Theo thông tin từ Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng), đơn vị này bắt đầu tuyển tình nguyện viên tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vaccine Covid-19 Nano Covax. Được biết, trong giai đoạn 3, tác dụng của vaccine với biến thể của SARS-CoV-2 tìm thấy lần đầu tại Ấn Độ sẽ được nghiên cứu, đánh giá. Nếu thuận lợi, đến cuối tháng 9, thử nghiệm giai đoạn 3 sẽ hoàn tất.
Tất cả các lô vaccine trước khi tiêm thử nghiệm đều chịu sự giám sát, đánh giá chất lượng nghiêm ngặt của Bộ Y tế. Vaccine Nano Covax (do công ty Nanogen phát triển), là vaccine Covid-19 “made in Vietnam” đầu tiên ở nước ta được cấp phép thử nghiệm. Giai đoạn 1 bắt đầu từ tháng 12/2020 thử nghiệm trên 60 người. Giai đoạn 2 bắt đầu từ cuối tháng 2/2021 trên 556 người. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là người đã tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax giai đoạn 2. Ông cho biết sau tiêm ông gặp một số phản ứng như sốt nhẹ, váng đầu… nhưng đều hết trong một ngày. Sau tiêm mũi thứ nhất cơ thể ông sinh kháng thể ở mức tốt.
“3 không và 5 thật”
Tại buổi làm việc mới đây với các nhà khoa học, các đơn vị, DN tham gia nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ hai trụ cột của chiến lược vaccine là: Phải huy động mọi nguồn lực, mọi khả năng, tiếp cận dưới mọi hình thức, bằng mọi cách để mua được vaccine nhiều nhất, nhanh nhất; đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine trong nước. Cùng với đó, tiến hành bảo quản, tiêm vaccine nhanh nhất, an toàn nhất, hiệu quả nhất cho người dân. Tất cả những công việc này phải tiến hành khẩn trương, “vừa chạy vừa xếp hàng”.
Hiện nay việc tiếp cận nguồn vaccine trên thế giới không dễ dàng, ngân sách còn khó khăn, việc tiêm vaccine lại phải tiến hành định kỳ lâu dài theo tinh thần “sống chung an toàn với dịch bệnh”. Do đó, việc sản xuất vaccine trong nước là chiến lược lâu dài, là giải pháp bền vững để phòng chống dịch Covid-19.
Thủ tướng khẳng định quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháo gỡ khó khăn là “3 không và 5 thật”. “3 không” là “không nói không , không nói khó, không nói có mà không làm”. “5 thật” là “nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, Nhân dân và DN được thụ hưởng thành quả thật”.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine; báo cáo, đề xuất các cấp có thẩm quyền tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc về thể chế, tài chính, con người, quy trình thử nghiệm, đánh giá và cấp phép vaccine. Bên cạnh đó, làm tốt công tác dự báo để cân đối cung cầu, điều tiết về mặt vĩ mô, tránh lãng phí nguồn lực. Xây dựng kế hoạch chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 trong thời gian tới.
(Báo Kinh tế & đô thị)
Bình luận
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!