Thông tin y tế trên các báo ngày 1/7/2021

Dưới đây là tổng hợp một số tin tức y tế đáng chú ý nhất ngày 1/7, mời quý đọc giả đón đọc:

Phụ nữ mang thai có nên tiêm vaccine COVID-19 không?

Phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc COVID-19 và diễn biến nặng hơn; vì vậy nhiều người thắc mắc liệu phụ nữ mang thai có nên tiêm vaccine COVID-19 để được bảo vệ trước đại dịch?

Theo BS. Trần Thu Nguyệt, Viện Y học ứng dụng Việt Nam, phụ nữ mang thai có nguy cơ cao bị mắc bệnh nặng, tử vong do COVID-19. Các chuyên gia cũng khẳng định, mắc COVID-19 trong giai đoạn thai kỳ cũng tăng nguy cơ ảnh hưởng xấu tới thai nhi.

Việc tiêm vaccine để được bảo vệ là cần thiết, tuy nhiên, khuyến cáo tạm thời của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, hiện có rất ít dữ liệu đánh giá tính an toàn của vaccine phòng COVID-19 trong thời kỳ mang thai. Hiệp hội Sản phụ khoa Hoàng gia Anh quốc (RCOG) cũng khuyến cáo cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ khi chỉ định vaccine COVID-19 cho phụ nữ mang thai.

Theo đó, phụ nữ mang thai có thể được tiêm vaccine phòng COVID-19 nếu lợi ích của việc tiêm phòng lớn hơn nguy cơ tiềm ẩn do vaccine.

Cũng theo BS. Trần Thu Nguyệt, tại Việt Nam, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn tạm thời về khám sàng lọc trước khi tiêm vaccine phòng COVID-19, trong đó phụ nữ mang thai thuộc nhóm phải trì hoãn tiêm chủng.

Tuy nhiên, phụ nữ mang thai nếu thuộc các nhóm như: Đang mắc bệnh nền khiến gia tăng nguy cơ mắc bệnh nặng do COVID-19; nhân viên y tế, nhân viên xã hội do có nguy cơ cao phơi nhiễm virus; bị mắc đái tháo đường thai kỳ; béo phì có BMI từ 40 trở lên… có thể được tiêm vaccine phòng COVID-19. Nếu được tiêm, họ phải được bác sĩ tư vấn, theo dõi chặt chẽ.

(baotintuc.vn)

Kiểm tra công tác chống dịch COVID-19 tại điểm thi tốt nghiệp THPT 2021

Sáng 1/7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã đi kiểm tra việc diễn tập công tác phòng dịch COVID-19 tại điểm thi trường THCS Bế Văn Đàn (quận Đống Đa).

Trao đổi với báo chí, ông Đinh Trường Thọ, Bí thư Quận ủy Đống Đa, cho biết: Toàn quận có 4.950 học sinh đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2021. Trên địa bàn quận có 10 điểm thi, 206 phòng thi chính thức, 20 phòng thi dự phòng, mỗi phòng bố trí tối đa 24 học sinh, đảm bảo quy định về giãn cách. Tính đến chiều ngày 30/6, toàn quận không có học sinh trong diện F0; F1; F2: có 1 học sinh đang trong khu vực phong tỏa, cách ly y tế.

Các điểm thi tại quận Đống Đa đều bố trí lắp camera tại vị trí đón thí sinh, lên phương án khai báo y tế theo quy định, phân luồng ra vào bảo đảm phòng dịch; bố trí 1 địa điểm thuận lợi cách điểm thi khoảng 50m để phụ huynh học sinh dừng đỗ khi đưa đón con đến điểm thi theo quy định.

Qua công tác kiểm tra, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đánh giá: Quận Đống Đa là địa bàn rộng, dân số đông; nên yêu cầu quận phải đảm bảo cho các thí sinh an toàn tuyệt đối, không được lơ là chủ quan; thông tin liên quan đến dịch bệnh phải được cập nhật thường xuyên.

Nhận định kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia có thời gian dài hơn, thí sinh dự thi đông hơn kỳ thi vào lớp 10; Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu quận Đống Đa xây dựng các phương án bảo đảm phân luồng giao thông tại các điểm thi, không chủ quan đối với các tình huống bất thường của thời tiết. Bên cạnh đó, quận cần bám sát chỉ đạo của TP, rà soát lại tất cả các khâu tổ chức kỳ thi, các tình huống có thể phát sinh để chủ động xử lý.

(baotintuc.vn)

Quỹ vaccine đã nhận 7.960 tỷ đồng

Số huy động vào quỹ vaccine phòng chống Covid-19 tính đến 11h ngày 1/7 là 7.960 tỷ đồng (đã bao gồm ngoại tệ quy đổi), theo cập nhật mới nhất của ban quản lý quỹ.

Hàng nghìn tỷ đồng này đến từ sự chung tay đóng góp, ủng hộ của 356.137 cá nhân và tổ chức trong, ngoài nước.

Đến nay, ban quản lý quỹ chỉ còn ghi nhận 21 đơn vị, tổ chức cam kết chi ủng hộ nhưng chưa chuyển tiền hoặc mới chuyển một phần. Tổng số tiền còn thiếu là hơn 174 tỷ đồng.

Tính theo số ban quản lý công bố, tổng số tiền quỹ vaccine phòng chống Covid-19 được cam kết tài trợ, ủng hộ đã là 8.134 tỷ đồng. Như vậy, đã có gần 98% số tiền các cá nhân, tổ chức cam kết tài trợ, ủng hộ quỹ vaccine Covid-19 được chuyển về tài khoản quỹ.

Bên cạnh đó, số đóng góp của các cá nhân qua tin nhắn tổng đài 1408 cũng đã ghi nhận trên 105,6 tỷ đồng, thông qua hơn 2,36 triệu tin nhắn.

Ngày 30/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính ban hành Quyết định 1022 về bổ sung kinh phí cho Bộ Y tế để mua và sử dụng 61 triệu liều vaccine phòng Covid-19.

Theo đó, Chính phủ bổ sung hơn 7.650 tỷ đồng cho Bộ Y tế để mua và sử dụng 61 triệu liều vaccine phòng Covid-19 do AstraZeneca sản xuất của Công ty CP Vaccine Việt Nam (30 triệu liều) và do Pfizer sản xuất (31 triệu liều).

Trong đó, hơn 5.100 tỷ đồng bổ sung dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2021 của Bộ Y tế (từ nguồn kinh phí 12.100 tỷ đồng tiết kiệm chi năm 2020 chuyển nguồn sang năm 2021) và hơn 2.550 tỷ đồng chi từ nguồn quỹ vaccine phòng Covid-19 Việt Nam.

Thủ tướng cũng đồng ý sử dụng 37 tỷ đồng trong tổng số 1.237 tỷ đồng đã bổ sung cho Bộ Y tế theo Quyết định số 507 để chi đối ứng cho việc tiếp nhận, vận chuyển, phân phối, thuê kho bảo quản vaccine, mua vật tư tiêm chủng cho các lô vaccine phòng Covid-19 do COVAX Facility hỗ trợ, vaccine viện trợ, tài trợ của nước ngoài.

Trước đó, theo các tính toán của Bộ Y tế, để đạt được miễn dịch cộng đồng, Việt Nam cần tiêm phòng vaccine Covid-19 cho khoảng 75 triệu dân, tương đương 75% dân số. Với việc mỗi người cần 2 liều tiêm vaccine, Bộ Y tế cần khoảng 150 triệu liều vaccine để tiêm cho nhân dân.

Theo chỉ tiêu này, Bộ Y tế cho biết cần khoảng 25.200 tỷ đồng kinh phí để mua vaccine và tổ chức tiêm miễn phí cho người dân. Trong đó, ngân sách Trung ương bảo đảm cho các đối tượng do Trung ương quản lý và hỗ trợ các địa phương khó khăn khoảng 16.000 tỷ đồng, còn lại ngân sách địa phương chi và huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức khoảng 9.200 tỷ.

(zingnews.vn)

Người tham gia BHYT được đảm bảo quyền lợi như thế nào trong đại dịch COVID-19?

TS Lê Văn Khảm- Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế nhấn mạnh: Người tham gia BHYT, khi đi khám chữa bệnh, khi phải sử dụng các dịch vụ kỹ thuật y tế liên quan đến phòng chống COVID-19, nếu các dịch vụ đó không thuộc ngân sách đảm bảo, sẽ được quỹ BHYT chi trả theo quy định.

Tại sao Bộ Y tế lại chọn chủ đề truyền thông cho Ngày Bảo hiểm y tế (BHYT) Việt Nam năm nay- 1/7/2021 là “Thực hiện BHYT toàn dân góp phần nâng cao sức khỏe, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19” thưa ông?

TS Lê Văn Khảm: Mỗi năm Bộ Y tế đưa ra chủ đề phù hợp với bối cảnh thực tiễn để tạo sự quan tâm, ủng hộ và cùng nhau hành động của cơ quan, tổ chức cho đến người dân tiến tới mục tiêu BHYT toàn dân., mọi người đều được chăm lo sức khỏe.

Quỹ BHYT được hình thành từ sự đóng góp của người tham gia để sử dụng cho khám chữa bệnh. Quỹ BHYT thực sự đã và đang là nguồn lực rất quan trọng cho công tác khám chữa bệnh, thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo quyền lợi được hưởng của người tham gia BHYT.

Quỹ BHYT càng lớn, quyền lợi của người tham gia càng được đảm bảo tốt hơn, chi trực tiếp từ tiền túi của người sử dụng dịch vụ y tế sẽ giảm và giảm gánh nặng từ ngân sách nhà nước cho khám chữa bệnh, tập trung thêm nguồn lực của nhà nước, của cộng đồng cho các lĩnh vực y tế cộng đồng, phòng chống dịch COVID-19.

Người tham gia BHYT, khi đi khám chữa bệnh, khi phải sử dụng các dịch vụ kỹ thuật y tế liên quan đến phòng chống COVID-19, nếu các dịch vụ đó không thuộc ngân sách đảm bảo, sẽ được quỹ BHYT chi trả theo quy định.

Như vậy, người tham gia BHYT có điều kiện được chăm sóc sức khoẻ tốt hơn, để từ đó bảo vệ, nâng cao sức khoẻ bản thân, gia đình và cộng đồng, đồng thời góp phần  đẩy lùi dịch bệnh.

Từ những lý do trên đây, ngày 1/7 năm nay, Bộ Y tế chọn chủ đề truyền thông cho Ngày BHYT Việt Nam là “Thực hiện BHYT toàn dân góp phần nâng cao sức khỏe, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19”.

Ông đánh giá vai trò của BHYT đối với người dân trong đại dịch COVID-19 như thế nào?

TS Lê Văn Khảm: Trong thời gian qua, người có thẻ BHYT khi đến bệnh viện nhiều trường hợp phải xét nghiệm sàng lọc và chẩn đoán COVID-19 đều được Quỹ BHYT chi trả theo phạm vi quyền lợi, cả test nhanh và PCR. Bên cạnh đó, trong số những người mắc COVID-19, nhiều người có kèm bệnh lý nền mạn tính như tăng huyết áp, tiểu đường, chaỵ thận nhân tạo, suy thận… nếu tham gia BHYT được Quỹ BHYT chi trả chi phí sử dụng thuốc, dịch vụ kỹ thuật cao co chi phí lớn.

Như vậy việc điều trị bệnh lý nền của bệnh nhân cùng với điều trị COVID-19 từ nguồn lực của Quỹ BHYT và ngân sách nhà nước, góp phần vào đảm bảo yêu cầu chuyên môn trong khám chữa bệnh.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 thời gian qua, một số hướng dẫn về khám chữa bệnh BHYT đã được sửa đổi, bổ sung để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT.

Thứ nhất, quy định mở rộng thời gian kê đơn thuốc ngoại trú với bệnh mãn tính, tăng từ 30 ngày lên 90 ngày đối với một lần kê đơn thuốc.

Thứ hai, trong điều kiện giãn cách xã hội hoặc cơ sở khám chữa bệnh mà bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh ban đầu bị phong toả, bệnh nhân sẽ được đến cơ sở y tế khác khám chữa bệnh mà vẫn được Quỹ BHYT chi trả như đúng tuyến

Hoặc có trường hợp bệnh nhân không thể lên tuyến TW mà tình trạng bệnh đã được xác định, theo dõi và bệnh viện tuyến TW đã nắm được, trong trường hợp bệnh viện tỉnh không có thuốc phù hợp với chỉ định thì bệnh viện tuyến TW có thể chuyển về cấp cho bệnh nhân.

Có thể nói những ứng xử, điều chỉnh của cơ quan chức năng trong điều kiện dịch bệnh đã rất phù hợp với thực tiễn, kịp thời vừa góp phần phòng chống dịch vừa đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT

Thưa ông được biết tới đây Luật BHYT sẽ sửa đổi, vậy nội dung sửa đổi tập trung vào những chủ đề gì, thưa ông?

TS Lê Văn Khảm: Từ những điều tôi đã nói ở trên đặt ra vấn đề tới đây khi sửa đổi Luật BHYT thì cũng phải chú ý đến các tình huống liên quan đến dịch bệnh mới nổi và nguy hiểm (như COVID-19) để điều chỉnh phù hợp về quyền lợi của người tham gia BHYT, cách tiếp cận cơ sở y tế và đặc biệt là đảm bảo quyền lợi cho những người công nhân bị tạm dừng công việc, không được hưởng lương trong thời kỳ dịch bệnh (gián đoạn quá trình đóng BHYT).

Chúng ta cần có điều chỉnh trong Luật để làm sao trong tình huống đó người lao động vẫn được tham gia BHYT liên tục, đồng thời doanh nghiệp cũng không bị áp lực vừa đảm bảo đóng BHYT cho người lao động vừa duy trì sản xuất.

Đồng thời, một vấn đề nữa cũng nên hướng đến là phạm vi quyền lợi liên quan đến dịch vụ y tế dự phòng trong đó có việc sử dụng vắc xin phòng bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng hoặc 1 số trường hợp bắt buộc khác với người tham gia BHYT. Kể cả khám sức khoẻ định kỳ, dịch vụ dự phòng và vắc xin phòng bệnh.

Tức là chúng ta phải nghĩ đến, hướng đến việc sửa đổi Luật phải phù hợp với thực tiễn và xu hướng trong chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

Xin trân trọng cảm ơn Ông!

(suckhoedoisong.vn)

4.7/5 - (4 bình chọn)

Bình luận

Thông tin y tế trên các báo ngày 1/7/2021

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hỗ trợ
Bạn cần tư vấn?

Tin mới

TOP 10 thuốc đặt âm đạo trị nấm phổ biến nhất hiện nay [ĐỪNG BỎ QUA]

Thuốc đặt âm đạo Polygynax có tốt không? Nên dùng cho đối tượng nào?

Viêm cổ tử cung sau sinh: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách chữa trị [ĐỌC NGAY]

Viêm cổ tử cung khi mang thai và cách chữa trị hiệu quả [TÌM HIỂU NGAY]

Điều trị viêm cổ tử cung bằng các phương pháp tốt nhất hiện nay [ĐỪNG BỎ QUA]

Chữa viêm lộ tuyến cổ tử cung ở đâu tốt? TOP 8 địa chỉ uy tín [THAM KHẢO NGAY]

Bà bầu bị viêm lộ tuyến cổ tử cung nguy hiểm không? Chuyên gia tư vấn cách điều trị hiệu quả

Thuốc trị viêm lộ tuyến cổ tử cung cực kỳ an toàn, hiệu quả [TÌM HIỂU NGAY]

TOP 12 cách CHỮA VIÊM LỘ TUYẾN TẠI NHÀ cực hiệu quả [ĐỪNG BỎ QUA]

Khám viêm cổ tử cung ở đâu tốt? TOP 10 địa chỉ uy tín toàn quốc [XEM CHI TIẾT]

Ẩn