Thông tin y tế trên các báo ngày 1/4/2021
Dưới đây là một số thông tin y tế đáng chú ý trên các báo ra ngày 01/04/2021, mời quý đọc giả đón đọc:
Gần 3,37 triệu liều vắc xin COVID-19 qua COVAX sẽ tiếp tục về Việt Nam trong tháng 5/2021
Thông tin này được đua ra tại Lễ tiếp nhận vắc xin COVID-19 do COVAX tài trợ diễn ra chiều ngày 1/4 tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Sáng cùng ngày, 811.200 liều vắc xin COVID-19 do COVAX tài trợ đã về đến Việt Nam.
Trong ngày ¼, Việt Nam tiếp nhận 811.200 liều vắc xin phòng COVID-19 đầu tiên từ COVAX Facility, với sự hỗ trợ của UNICEF, WHO, GAVI và CEPI. Tiếp theo, dự kiến 3,364,800 liều sẽ được cung ứng vào tháng 5, sau đó vắc xin sẽ tiếp tục được phân bổ và cung ứng cho Việt Nam vào cuối năm 2021.
Để nhanh chóng ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, đặc biệt là với sự lây lan của các biến chủng của vi rút SARS-CoV-2, độ bao phủ hiệu quả của vắc-xin phòng COVID19 phải đạt tới 75% dân số thế giới.
Bên cạnh mục tiêu chính và kỳ vọng mở cửa và phát triển kinh tế trở lại, thì đây là thời điểm lịch sử quan trọng, thời điểm mà một chiến dịch tiêm chủng lớn nhất, phức tạp nhất và chưa từng có đang được tiến hành trên toàn cầu. Hơn 32 triệu liều vắc-xin do COVAX cung cấp đã được chuyển đến 63 quốc gia chỉ trong vòng một tháng.
Điểm mấu chốt cho thành công của một chiến dịch tiêm chủng là phải đảm bảo tất cả các quốc gia và tất cả mọi người đều được hưởng lợi, bao gồm cả những người khó tiếp cận nhất. Để đảm bảo tiếp cận công bằng với vắc xin COVID-19, đặc biệt cho các nhóm ưu tiên, COVAX Facility đã được thành lập – bao gồm GAVI, CEPI, WHO và UNICEF. Đây là sáng kiến toàn cầu duy nhất cùng chung tay hợp tác với các chính phủ và các nhà sản xuất nhằm đảm bảo vắc xin COVID-19 được cung cấp cho cả những quốc gia có thu nhập cao và những quốc gia thu nhập thấp.
Đợt vắc xin đầu tiên do COVAX Facility hỗ trợ đến Việt Nam là một tin tốt lành, tuy nhiên sẽ cần có thời gian để tiến hành tiêm chủng cho phần lớn dân số. Vì vậy, trong lúc này điều quan trọng nhất là mọi người phải tuân thủ hướng dẫn của Chính Phủ về sử dụng khẩu trang, rửa tay thường xuyên và giữ khoảng cách để giảm thiểu rủi ro lây lan virus.
“Tôi đánh giá cao Việt Nam vì những nỗ lực vượt bậc để tạo điều kiện đưa vắc xin của COVAX vào Việt Nam”
Tại các quốc gia, WHO và UNICEF hỗ trợ Bộ Y tế xây dựng và triển khai kế hoạch tiêm chủng, đào tạo nhân viên y tế, theo dõi giám sát tiêm chủng, và truyền thông nâng cao nhận thức công chúng về tầm quan trọng của tiêm chủng.
“WHO cùng với Chính phủ Việt Nam đạt được dấu mốc quan trọng này trong công tác ứng phó với đại dịch COVID-19”- TS Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết: Thành tựu này là minh chứng cho sự đoàn kết toàn cầu và nhiều quốc gia và các đối tác đã hợp tác với nhau để mang lại lợi ích quan trọng cho sức khỏe cộng đồng. Tôi đánh giá cao Việt Nam vì những nỗ lực vượt bậc để tạo điều kiện đưa vắc xin của COVAX vào Việt Nam.
Đồng thời, TS Kidong Park cũng bày tỏ: “Tôi ghi nhận nỗ lực của tất cả các đối tác Chính phủ, trong và ngoài ngành y tế. Tôi đã thấy được sự chuẩn bị chu đáo cho việc tiếp nhận vắc xin, từ việc xác định các nhóm ưu tiên, tập huấn cho nhân viên y tế, thu xếp hệ thống vận chuyển phân phối vắc xin đến các tỉnh và thông tin đầy đủ cho công chúng.
Vắc xin đến có nghĩa là nhiều nhân viên tuyến đầu và những người có nguy cơ cao có thể được tiêm vắc xin và được bảo vệ. WHO sẽ tiếp tục làm việc cùng với các đối tác để đảm bảo vắc xin đến được tới những người cần nhất”.
Dự kiến sẽ cung cấp đủ vắc xin phòng COVID-19 cho các nhóm ưu tiên thuộc 20% dân số Việt Nam
Vắcxin do UNICEF mua và cung ứng thông qua COVAX Facility nhằm hỗ trợ triển khai Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ Việt Nam về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19 tại Việt Nam, dự kiến sẽ cung cấp đủ vắc xin phòng COVID-19 cho các nhóm ưu tiên thuộc 20% dân số Việt Nam.
Bà Rana Flowers, Đại diện UNICEF cảm ơn các quốc gia đã hào phóng ủng hộ tài chính cho COVAX Facillity và nhấn mạnh: Đây là thời điểm tuyệt vời – thời điểm mà chưa ai trong chúng ta từng trải qua trước đây. UNICEF đang dốc sức đóng góp cho nỗ lực toàn cầu này thông qua kinh nghiệm và các mối quan hệ mà chúng tôi có được trong nhiều thập kỷ cung cấp vắc xin an toàn giúp cứu sống hàng triệu người.
“Chúng tôi hợp tác cùng với Bộ Y tế Việt Nam trong việc hỗ trợ lập kế hoạch, đào tạo và truyền thông, cũng như mua và cung cấp thêm bơm kim tiêm, hộp an toàn và tủ lạnh chuyên dụng bảo quản vắc xin.
Chỉ khi vắc xin phòng COVID-19 được triển khai đến toàn thể người dân ở khắp mọi miền Việt Nam, thì cuộc sống và nền kinh tế mới có thể trở lại bình thường, chúng ta mới có thể đảm bảo trẻ em không bị gián đoạn việc học tập, được tiếp cận các dịch vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe. Đây thực sự là một thời điểm tuyệt vời để tất cả chúng ta cùng chung tay hỗ trợ người dân Việt Nam”- Trưởng đại diện UNCEF tại Việt Nam nhấn mạnh.
Vắc xin phòng COVID-19 cung ứng cho Việt Nam do AstraZeneca và Đại học Oxford phát triển và ủy quyền cho SK Bioscience tại Hàn Quốc sản xuất. Vắcxin AstraZeneca/Oxford COVID-19 đã được WHO cấp phép sử dụng trong tình huống khẩn cấp và đã được sử dụng tại Việt Nam.
(suckhoedoisong.vn)
Thông tin cần biết về việc cấp thẻ bảo hiểm y tế mẫu mới
Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông tin những quy định về việc cấp thẻ bảo hiểm y tế theo mẫu mới.
Hôm nay (1-4), Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam chính thức triển khai cấp đổi thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) theo mẫu mới.
Theo đó, các địa phương đã sử dụng hết phôi thẻ BHYT theo mẫu cũ mới được tiến hành cấp thẻ BHYT theo mẫu mới.
Đối tượng cấp thẻ BHYT theo mẫu mới gồm người mới tham gia BHYT, bị mất thẻ BHYT và người bị rách hỏng hoặc thay đổi thông tin trên thẻ BHYT.
Tuy nhiên, BHXH Việt Nam lưu ý trong giai đoạn chuyển đổi từ thẻ BHYT mẫu cũ sang mới, những người đang sử dụng thẻ BHYT mẫu cũ còn thời hạn sử dụng, tiếp tục được dùng để đi khám chữa bệnh BHYT và gia hạn giá trị sử dụng thẻ BHYT trên cơ sở dữ liệu quản lý, không thực hiện in, đổi thẻ BHYT.
BHXH Việt Nam, cho biết người dân thuộc diện đổi thẻ BHYT theo mẫu mới thì đến các địa điểm sau:
a) Tại cơ quan BHXH với những trường hợp sau:
- Người được tổ chức BHXH đóng BHYT.
- Người được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng BHYT.
- Người tham gia BHYT theo hộ gia đình.
- Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp đổi thẻ BHYT.
- Người đã hiến bộ phận cơ thể.
b) Tại Đại lý thu BHXH, BHYT với những trường hợp sau:
- Người được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng BHYT.
- Người tham gia BHYT theo hộ gia đình.
c) Tại UBND xã với những trường hợp sau:
- Người được ngân sách nhà nước đóng BHYT.
- Người được tổ chức BHXH đóng BHYT.
d) Tại doanh nghiệp: Người tham gia BHYT đóng tại doanh nghiệp, nộp hồ sơ cho đơn vị sử dụng lao động.
e) Tại trường học: Học sinh, sinh viên đóng BHYT theo nhà trường, nộp hồ sơ cho nhà trường.
Thủ tục, hồ sơ đăng ký đổi thẻ BHYT:
- Người tham gia kê khai tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS).
- Đối với người hiến bộ phận cơ thể, cần có thêm giấy ra viện ghi rõ “đã hiến bộ phận cơ thể”.
- Trường hợp người tham gia được hưởng quyền lợi BHYT cao hơn cần bổ sung giấy tờ chứng minh (nếu có).
(plo.vn)
Khuyến cáo không sử dụng thuốc chống ký sinh trùng trong điều trị Covid-19
Ngày 31-3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo không sử dụng thuốc chống ký sinh trùng ivermectin trong điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, ngoại trừ các thử nghiệm lâm sàng do thiếu dữ liệu chứng minh lợi ích của loại thuốc này.
Khuyến cáo được WHO đưa ra sau khi Cơ quan Dược phẩm châu Âu đã cảnh báo về ivermectin. Trước đó, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cũng đã khuyến cáo không sử dụng loại thuốc này trong quá trình điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
Ivermectin dạng viên nén đã được phê duyệt để điều trị một số bệnh nhiễm giun và sử dụng trong lĩnh vực thú y. Phân tích của Merck, một nhà sản xuất ivermectin, cũng cho thấy loại thuốc này không an toàn và hiệu quả trong điều trị bệnh nhân Covid-19.
Phó Giáo sư Bram Rochwerg tại Đại học McMaster (Canada) cho biết, đã xuất hiện tình trạng gia tăng các tác dụng phụ như chứng rối loạn tiêu hóa và đau đầu trong quá trình sử dụng ivermectin để điều trị cho những bệnh nhân được chọn ngẫu nhiên.
Cũng theo ông Bram Rochwerg, 66 thử nghiệm ivermectin đã được đăng ký trên toàn thế giới với 60.000 người tham gia. Do đó, có thể sẽ có thêm dữ liệu về tác động của loại thuốc này đối với bệnh.
Janet Diaz, một quan chức hàng đầu của WHO về chăm sóc lâm sàng, khẳng định, cơ quan này đang chống lại việc lạm dụng các liệu pháp chưa được chứng minh, đặc biệt là một số loại thuốc được sử dụng vì mục đích khác mà không có bằng chứng về hiệu quả.
(hanoimoi.com.vn)
Vụ “động lắc” trong Bệnh viện Tâm thần TƯ 1: “Không thể nói không biết, pháp luật bắt anh phải biết”
“Nơi để cứu vớt con người lại là nơi dung dưỡng các tệ nạn xã hội. Đây là điều rất khó chấp nhận” – đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói về vụ mở động lắc trong bệnh viện.
Chia sẻ bên hành lang Quốc hội sáng nay, các đại biểu Quốc hội cho biết ý kiến về vụ việc cơ quan công an vừa triệt phá thành công một đường dây mua bán ma túy với số lượng lớn tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I.
“Đây là “scandal” khiến dư luận, quần chúng và cá nhân tôi cảm thấy bất bình, phẫn nộ. Ngay trong một bệnh viện trung ương, lại nằm ngay giữa Thủ đô Hà Nội lại là nơi chứa chấp nơi mua bán, tổ chức sử dụng ma túy” – đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) bức xúc nói.
Điều đáng nói hơn, trong bệnh viện lại bố trí một phòng riêng cho bệnh nhân để người đó sử dụng, bố trí các trang thiết bị phục vụ cho việc sử dụng ma túy như loa âm thanh, phòng cách ly. Đây cũng là nơi dùng để mua bán ma túy thì không thể chấp được.
“Công an TP Hà Nội bắt những đối tượng mua bán, sử dụng ma túy đó thì cũng cần phải truy cứu trách nhiệm người đứng đầu của bệnh viện”, vị đại biểu này nêu quan điểm.
Đại biểu đoàn Đồng Tháp cho rằng, trong vụ việc này, người đứng đầu bệnh viện không thể vô trách nhiệm trả lời là không biết có vụ việc này được. Bởi “động lắc” này nằm ngay trong khuôn viên bệnh viện chứ không phải ở ngoài, lại còn được bố trí ngay trong phòng bệnh nhân ở.
Đây không thể nói là trách nhiệm của chính quyền địa phương được mà phải là trách nhiệm của bệnh viện đặc biệt là người đứng đầu. Là người đứng đầu không thể trả lời một cách vô trách nhiệm là tôi không biết, tôi không hay. Việc không quản lý, không kiểm tra giám sát để trong phòng bệnh nhân làm bất kỳ cái gì trong đó thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước tiên.
“Tôi đề nghị cơ quan công an truy cứu đến cùng những người có trách nhiệm liên quan đặc biệt là người đứng đầu bệnh viện” – đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.
“Nói không biết, tôi cho rằng là nói dối”
Cũng cho biết ý kiến bên lề hành lang Quốc hội, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho rằng vụ việc tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 là rất phản cảm khiến dư luận rất bức xúc.
“Nơi để cứu vớt con người lại là nơi dung dưỡng các tệ nạn xã hội. Đây là điều rất khó chấp nhận, hơn nữa đây là một cơ sở của Nhà nước, Trung ương”, ông Nhưỡng nhấn mạnh.
Về hướng xử lý vụ việc, ông Nhưỡng mong muốn cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là quản lý ngành phải thực sự nghiêm túc trong việc xử lý. Và người chịu trách nhiệm đầu tiên phải là giám đốc trung tâm này
“Biết hay không biết đều phải có trách nhiệm”, ông Nhưỡng khẳng định.
“Tôi không nghĩ là không ai biết. Ở đây cần phải làm rõ trách nhiệm của các cán bộ liên quan. Không thể nói là không biết, pháp luật bắt anh phải biết. Trong phạm vi quản lý của anh là quản lý hẹp, không thể nói không biết. Nếu nói rằng là không biết tôi cho rằng là nói dối”, đại biểu đoàn Bến Tre nói thêm.
Ngoài bệnh viện, ông Nhưỡng cũng nhấn mạnh trách nhiệm của Bộ Y tế với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước. Ngoài ra địa phương cũng cần phải có trách nhiệm.
“Đóng ở địa bàn nào, địa phương đó cũng phải chịu trách nhiệm”, ông Nhưỡng khẳng định.
Cùng với đó, ông Nhưỡng cho rằng vụ việc này là một đường dây, không thể là một “con sói đơn độc”. Ngoài ra, đại biểu này cho rằng cần làm rõ ma tuý được sử dụng trong bệnh viện xuất phát từ đâu.
Liên quan đến vụ việc mua bán trái phép chất ma túy tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, báo cáo nhanh gửi Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) của lãnh đạo Bệnh viện cho biết, ngày 8/11/2018, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I tiếp nhận điều trị bệnh nhân Nguyễn Xuân Quý (sinh năm 1983; Hộ khẩu thường trú: Tổ 22 khu Ga, thị trấn Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội) do Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Thanh Trì, Hà Nội đưa đến, theo Quyết định áp dụng biện pháp Bắt buộc chữa bệnh số 01/QĐ-VKS-TT ngày 07/11/2018 của VKSND huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Đến ngày 7/1/2020, Khoa Điều trị báo cáo bệnh nhân trốn viện, Bệnh viện đã thông báo tới các cơ quan liên quan theo hướng dẫn tại Nghị định 64/2011/NĐ-CP. Sau đó bệnh nhân được Công an quận Hai Bà Trưng bàn giao lại cho Khoa Điều trị (trước đó cơ quan này đã bắt giữ Nguyễn Xuân Quý về tội Tàng trữ trái phép chất ma túy).
Ngày 20/3/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội khám xét khẩn cấp phòng điều trị của bệnh nhân Nguyễn Xuân Quý tại Bệnh viện. Ngày 22/3/2021, Bệnh viện nhận được công văn của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội thông báo kết quả điều tra. Trong đó nêu rõ, ngày 20/3/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đã bắt Nguyễn Xuân Quý với hành vi: Mua bán trái phép chất ma túy, Tàng trữ trái phép chất ma túy và Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
Kết quả khám xét đã thu giữ trên trần phòng điều trị của Quý 2.788,006 gam MDMA; 1.625,87 gam Ketamin; 568,84 gam Methamphetamin. Ngoài ra còn thu giữ trong phòng 3 bình thủy tinh có gắn ống hút, 2 máy hàn nhiệt dùng để dán miệng túi nylon, 100 vỏ túi nylon các loại nhãn hiệu cà phê, chè,… chưa sử dụng, 1 bàn nhạc DJ, 2 âm ly, 6 chiếc loa, 2 đèn chiếu Laze, 3 đèn nháy, 2 laptop.
Lãnh đạo Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cho biết, tại buổi giao ban bệnh viện ngay sau sự việc trên, Lãnh đạo bệnh viện đã chỉ đạo Khoa Điều trị phải nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan, cũng như phối hợp thông tin chặt chẽ với Cơ quan Điều tra. Đồng thời, quán triệt các khoa lâm sàng phải tăng cường công tác quản lý người bệnh, đặc biệt người bệnh bắt buộc chữa bệnh. Giao đoàn kiểm tra khẩn trương kiểm tra, rà soát công tác quản lý, điều trị người bệnh bắt buộc chữa bệnh hiện đang điều trị tại Bệnh viện.
Lãnh đạo Bệnh viện Tâm thần Trung ương I khẳng định, Bệnh viện luôn tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật, sẵn sàng phối hợp thông tin với Bộ Y tế, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và các cơ quan pháp luật để sự việc sớm được làm rõ.
Trước đó, ngày 31/3, nguồn tin từ Công an thành phố Hà Nội cho biết, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an thành phố Hà Nội vừa triệt xóa băng nhóm tội phạm mua bán trái phép chất ma túy liên quan đến bệnh nhân tâm thần điều trị nội trú tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I (thị trấn Thường Tín, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội). Cơ quan Công an đã bắt giữ 6 đối tượng và thu giữ số lượng lớn chất ma túy.
Liên quan đến sự việc nghiêm trọng xảy ra tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, quan điểm của Bộ trưởng Bộ Y tế là xử lý nghiêm sự việc, đúng người, đúng tội đối với các đối tượng là nhân viên của Bệnh viện có liên quan đến vụ án này.
Ngay trong đêm 31/3, Bộ Y tế đã có công văn hỏa tốc đề nghị Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I khẩn trương xem xét, làm rõ nguyên nhân vụ việc, phối hợp chặt chẽ và tạo mọi điều kiện cho Cơ quan Công an và các Cơ quan chức năng bảo vệ pháp luật để điều tra kịp thời, xử lý nghiêm đúng người, đúng tội.
Bộ Y tế yêu cầu Bệnh viện tăng cường đảm bảo an ninh, trật tự bệnh viện, rà soát và chấn chỉnh quy trình quản lý người bệnh trong thời gian điều trị nội trú theo đúng quy định.
Sáng 1/4, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I vừa có báo cáo nhanh gửi Bộ Y tế.
(vtv.vn)
Bình luận
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!