Thông tin y tế trên các báo ngày 28/6/2021
Dưới đây là tổng hợp một số tin tức y tế đáng chú ý nhất ngày 28/6, mời quý đọc giả đón đọc:
Sáng 28/6: Thêm 97 ca mắc COVID-19 trong nước, TP Hồ Chí Minh nhiều nhất 62 ca
Bản tin dịch COVID-19 sáng 28/6 của Bộ Y tế cho biết có thêm 97 ca mắc COVID-19 trong nước tại 8 địa phương, TP Hồ Chí Minh vẫn chiếm nhiều nhất với 62 ca. Đến nay Việt Nam ghi nhận tổng cộng 15.740 bệnh nhân. Gần 3,4 triệu mũi vắc xin phòng COVID-19 đã được tiêm chủng.
Thông tin diễn biến dịch COVID-19 ở Việt Nam:
Tính từ 18h ngày 27/6 đến 6h ngày 28/6 có 97 ca mắc mới (BN15644-15740):
+ 0 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
+ 97 ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (62), Phú Yên (10), Nghệ An (9), Long An (6), Bắc Ninh (4), Lạng Sơn (2), Quảng Ninh (2), Bắc Giang (2); trong đó 94 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
Tính đến 6h ngày 28/6:
– Việt Nam có tổng cộng 13.971 ca ghi nhận trong nước và 1.769 ca nhập cảnh.
– Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 12.401 ca, trong đó có 3.545 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
– Có 14 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng: Yên Bái, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Bạc Liêu, Điện Biên, Đắk Lắk, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Phú Thọ.
– Có 10 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Hòa Bình, Nam Định, Quảng Nam, Trà Vinh, Bắc Kạn, Gia Lai, An Giang, Kiên Giang, Khánh Hòa, Cần Thơ.
– Số lượng xét nghiệm từ 29/4/2021 đến nay đã thực hiện 2.937.895 xét nghiệm cho 6.873.999 lượt người.
Tình hình điều trị:
– Số ca âm tính với SARS-CoV-2:
+ Lần 1: 370
+ Lần 2: 125
+ Lần 3: 152
– Số ca tử vong: 76 ca.
– Số ca điều trị khỏi: 6.319 ca.
Thông tin chi tiết các ca mắc mới:
– 10 CA BỆNH (BN15644-BN15647, BN15673-BN15678) ghi nhận tại tỉnh Phú Yên: là các trường hợp F1 trong khu vực đã được phong tỏa. Kết quả xét nghiệm ngày 26-27/6/2021 dương tính với SARS-CoV-2.
– 4 CA BỆNH (BN15648-BN15651) ghi nhận tại tỉnh Bắc Ninh: 2 ca liên quan đến ổ dịch Khu 4 – Tiền An, 1 ca liên quan đến ổ dịch Khu công nghiệp Quế Võ, 1 ca liên quan đến ổ dịch Khắc Niệm. Kết quả xét nghiệm ngày 26-27/6/2021 dương tính với SARS-CoV-2.
– 2 CA BỆNH (BN15652-BN15653) ghi nhận tại tỉnh Lạng Sơn: liên quan đến Khu công nghiệp Quang Châu, đã được cách ly. Kết quả xét nghiệm ngày 27/6/2021 dương tính với SARS-CoV-2.
– 2 CA BỆNH (BN15654-BN15655) ghi nhận tại tỉnh Quảng Ninh: là F1 của BN14245, đã được cách ly. Kết quả xét nghiệm ngày 27/6/2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện số 2 tỉnh Quảng Ninh.
– 6 CA BỆNH (BN15656-BN15661) ghi nhận tại tỉnh Long An: 5 ca là các trường hợp F1 đã được cách ly, 1 ca đang điều tra dịch tễ. Kết quả xét nghiệm ngày 26-27/6/2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 1 tỉnh Long An.
– 9 CA BỆNH (BN15662-BN15667, BN15669-BBN15671) ghi nhận tại tỉnh Nghệ An: là các trường hợp F1 trong khu vực đã được phong tỏa. Kết quả xét nghiệm ngày 26-27/6/2021 dương tính với SARS-CoV-2.
– 2 CA BỆNH (BN15668, BN15672) ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang là các trường hợp trong khu cách ly và khu vực đã được phong toả. Kết quả xét nghiệm ngày 27/6/2021 dương tính với SARS-CoV-2.
– 62 CA BỆNH (BN15679-BN15740) ghi nhận tại TP. Hồ Chí Minh: 51 ca là các trường hợp F1 đã được cách ly, 6 ca liên quan đến chợ Sơn Kỳ – Tân Phú, 4 ca liên quan đến ổ dịch Khu công nghiệp Tân Phú Trung – Củ Chi, 1 ca liên quan đến nhóm truyền giáo Phục hưng. Kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 177.486, trong đó:
– Cách ly tập trung tại Bệnh viện: 1.996
– Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 42.303
– Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 133.187
Thông tin tiêm chủng:
Tính đến 16 giờ ngày 27/6/2021, tổng cộng đã thực hiện tiêm 3.386.607 liều vắc xin phòng COVID-19. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 là 157.136 người.
Có thêm 87.375 người được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trong ngày 27/6/2021 tại 18 tỉnh/TP và các cơ sở y tế của Bộ Quốc phòng như sau:
1- Hà Nội: 595
2- Nam Định: 2.502
3- Ninh Bình: 98
4- Bắc Ninh: 8.655
5- Quảng Ninh: 153
6- Nghệ An: 4.440
7- Lạng Sơn: 636
8- Cao Bằng: 117
9- Quảng Ngãi: 3.209
10- Ninh Thuận: 563
11- Đắc Lắc: 870
12- TP Hồ Chí Minh: 56.511
13- Đồng Nai: 159
14- Tiền Giang: 1.759
15- Lâm Đồng: 1.685
16- Tây Ninh: 113
17- Đồng Tháp: 361
18- Bình Phước: 6
19- BỘ QUỐC PHÒNG: 4.943
(Báo Sức khoẻ & đời sống)
Sẵn sàng ngay từ bây giờ
Chỉ có vaccine mới có thể đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới. Điều đó không có gì phải bàn cãi khi nhiều quốc gia đã đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 70% dân số. Bởi vậy, số ca nhiễm mới, số ca nhập viện, và quan trọng hơn cả, số người chết vì Covid-19 ở những quốc gia hoàn thành chiến dịch tiêm chủng đã ở mức thấp nhất kể từ đầu mùa dịch đến nay.
Tại Việt Nam, ngày 8/3 bắt đầu triển khai mũi tiêm vaccine phòng Covid-19 đầu tiên. Cho đến nay, sau hơn 3 tháng, trên cả nước chỉ mới có hơn 3 triệu người được tiêm phòng, chiến dịch tiêm được cho là “quá chậm” do nguồn vaccine trong thời gian qua cung không đủ cầu. Chính phủ và Bộ Y tế đang nỗ lực đàm phán để đủ nguồn cung vaccine tiêm cho 75% dân số trong năm 2021. Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ tháng 8 trở đi, tất cả nguồn vaccine phòng Covid-19 mà Việt Nam tiếp cận được (khoảng 150 – 170 triệu liều) sẽ về tương đối nhiều, cho đến cuối năm, sẽ đáp ứng mục tiêu tiêm chủng đề ra.
Đối với Hà Nội, TP đã hoàn thành tiêm 3 đợt vaccine phòng Covid-19 (đợt 1 là 8.000 liều vaccine; đợt 2 hơn 53.000 liều; đợt 3 là 71.000 liều). Trong tuần qua, TP được phân bổ thêm 20.000 liều, sẽ được tiêm trong thời gian sớm nhất. Thời gian tới, ngành y tế đang xây dựng phương án, chiến dịch tiêm từ nay đến hết năm 2021 và sang đầu năm 2022 với mục tiêu phấn đấu 70% dân số Hà Nội được tiêm đủ 2 mũi. Về kinh phí tiêm vaccine, UBND TP Hà Nội cho biết, nguồn kinh phí được lấy từ nguồn trung ương thông qua phân bổ vaccine, còn ngân sách TP sẽ mua vaccine ngoài nguồn được phân bổ, đồng thời sử dụng nguồn viện trợ, hỗ trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong thực hiện chiến dịch tiêm chủng. Theo kế hoạch của Sở Y tế, cao điểm, Hà Nội có thể đạt 200.000 mũi tiêm/ngày và TP cũng đã dự kiến 3 phương án tổ chức tiêm.
Nhìn lại công tác tiêm vaccine thời gian qua trên địa bàn cả nước, có nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm. Nhiều ý kiến cho rằng, để đạt mục tiêu 70 – 75% dân số được tiêm trong năm nay, sẵn sàng nguồn cung vaccine là chưa đủ, mà cần phải chuẩn bị cơ sở hậu cần và nguồn nhân lực để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng diện rộng ngay từ bây giờ. Đơn cử, chiến dịch thần tốc tiêm vaccine tại TP Hồ Chí Minh “vỡ trận” trong mấy ngày qua đang dấy lên nhiều lo ngại. Lo về việc không bảo đảm phòng dịch bởi tình trạng hàng nghìn người xếp hàng chờ tiêm trong khi dịch đang vô cùng nóng tại địa phương này, lo về không hoàn thành kế hoạch tiêm chủng đề ra, và thực tế TP Hồ Chí Minh đã không đạt kế hoạch tiêm theo kế hoạch.
Tới đây, trên cả nước sẽ triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử với khoảng 15.000 điểm tiêm. Nếu không sẵn sàng ngay từ bây giờ, từ công tác tập huấn đến việc tổ chức, sắp xếp, lên kế hoạch khoa học, bài bản, e rằng sẽ khó tránh khỏi những bất cập. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, chiến dịch lần này sẽ có sự vào cuộc của tất cả các bộ, ngành, từ vận chuyển, bảo quản, phân phối vaccine và tiêm chủng. Đặc biệt, tất cả các điểm tiêm chủng lần này hình thành mạng lưới tiêm chủng trực tuyến, thông qua ứng dụng CNTT sẽ công khai các thông tin về số lượng người tiêm, số liều vaccine được sử dụng. Tất cả đều được kiểm soát đồng bộ.
Hy vọng, với nỗ lực của Chính phủ, của ngành Y tế, chiến dịch tiêm chủng với quy mô lớn nhất lịch sử trong thời gian tới sẽ đạt được kết quả mong đợi. Nhưng, theo các chuyên gia y tế, chúng ta không thể phủ nhận vai trò của vaccine, nhưng ngoài vaccine, ý thức phòng bệnh của mỗi người là vô cùng quan trọng. Dù được tiêm đủ 2 mũi vaccine, vẫn rất cần biện pháp 5K.
(Báo Kinh tế & đô thị)
Bình luận
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!