Thông tin y tế trên các báo ngày 24/6/2021
Nội dung chính
Dưới đây là tổng hợp một số tin tức y tế đáng chú ý nhất ngày 24/6, mời quý đọc giả đón đọc:
Sáng 24/6: Thêm 42 ca mắc COVID-19, Việt Nam có tổng số 13.989 bệnh nhân
Bản tin dịch COVID-19 sáng 24/6 của Bộ Y tế cho biết có thêm 42 ca mắc COVID-19, riêng TPHCM đã 26 trường hợp. Đến nay, tổng cộng Việt Nam ghi nhận 13.989 bệnh nhân, thế giới vượt 180 triệu ca.
Thông tin diễn biến dịch COVID-19 ở Việt Nam:
Tính từ 18h ngày 23/6 đến 6h ngày 24/6 có 42 ca mắc mới (BN13948-13989):
– 05 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Khánh Hòa (4), Tây Ninh (1).
– 37 ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (26), Thái Bình (3), Bắc Giang (3), Tây Ninh (2), Long An (2), Khánh Hòa (1); trong đó 28 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
Tính đến 6h ngày 24/6:
– Việt Nam có tổng cộng 12.264 ca ghi nhận trong nước và 1.725 ca nhập cảnh.
– Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay: 10.694 ca, trong đó có 2.910 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
– Có 16 tỉnh (Yên Bái, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hải Phòng, Bạc Liêu, Điện Biên, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Vĩnh Phúc) đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng.
– Số lượng xét nghiệm từ 29/4/2021 đến nay đã thực hiện 2.598.405 xét nghiệm cho 5.928.149 lượt người.
Tình hình điều trị:
– Số ca âm tính với SARS-CoV-2:
+ Lần 1: 341
+ Lần 2: 143
+ Lần 3: 130
– Số ca tử vong: 70 ca.
– Số ca điều trị khỏi: 5.684 ca.
Thông tin chi tiết các ca mắc mới:
05 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh
– 4 CA BỆNH (BN13948, BN13950, BN13953-BN13954) được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Khánh Hòa. Ngày 21/6/2021, từ Nga nhập cảnh Sân bay Cam Ranh trên chuyến bay VN62 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Khánh Hòa.
Kết quả xét nghiệm lần 1 ngày 22/6/2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa.
– 1 CA BỆNH (BN13957) được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Tây Ninh: nữ, 35 tuổi, địa chỉ tại huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. Ngày 06/5/2021, từ Malaysia nhập cảnh Sân bay Cần Thơ trên chuyến bay QH9322 và QH3324 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Tiền Giang.
Sau khi hoàn thành cách ly tập trung 21 ngày chuyển tự cách ly tại nhà ở tỉnh Tây Ninh. Kết quả xét nghiệm ngày 23/6/2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện đang cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh.
3 CA BỆNH (BN13949, BN13951-BN13952) ghi nhận tại tỉnh Thái Bình: đang điều tra dịch tễ. Kết quả xét nghiệm ngày 23/6/2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình.
– 3 CA BỆNH (BN13955-BN13956, BN13988) ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang trong khu cách ly và khu vực đã được phong tỏa, liên quan đến công nhân làm tại các Khu công nghiệp. Kết quả xét nghiệm ngày 22-23/6/2021 dương tính với SARS-CoV-2.
– 2 CA BỆNH (BN13958-BN13959) ghi nhận tại tỉnh Tây Ninh: 1 ca có tiền sử đi về từ Đà Nẵng đã được cách ly từ trước, 1 ca đang điều tra dịch tễ. Kết quả xét nghiệm ngày 23/6/2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện đang cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh.
– 1 CA BỆNH (BN13960) ghi nhận tại tỉnh Khánh Hòa: nữ, 53 tuổi, địa chỉ tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa; liên quan đến BN12190. Kết quả xét nghiệm ngày 23/6/2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa.
– 2 CA BỆNH (BN13961, BN13989) ghi nhận tại tỉnh Long An: liên quan đến Công ty Dinsen. Kết quả xét nghiệm ngày 23/6/2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Long An.
– 26 CA BỆNH (BN13962-BN13987) ghi nhận tại TP. Hồ Chí Minh: 24 ca là các trường hợp F1 đã được cách ly, 2 ca đang điều tra dịch tễ. Kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Thông tin tiêm chủng:
Tính đến 16 giờ ngày 23/6/2021, tổng cộng đã thực hiện tiêm 2.626.337 liều vắc xin phòng COVID-19. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 là 137.682 người.
Có thêm 100.374 người được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại 41 tỉnh/TP và các cơ sở y tế của Bộ Quốc phòng trong ngày 23/6/2021 như sau:
1- Hà Nội: 787
2- Hải Phòng: 192
3- Nam Định: 1.004
4- Hà Nam: 131
5- Ninh Bình: 332
6- Thanh Hóa: 528
7- Phú Thọ: 719
8- Vĩnh Phúc: 2.898
9- Hải Dương: 48
10- Hưng Yên: 257
11- Quảng Ninh: 1.702
12- Nghệ An: 1.640
13- Hà Giang: 80
14- Cao Bằng: 994
15- Sơn La: 926
16- Thừa Thiên Huế: 245
17- Đà Nẵng: 864
18- Quảng Nam: 2.191
19- Quảng Ngãi: 2.722
20- Khánh Hòa: 30
21- Ninh Thuận: 1.683
22- Bình Thuận: 110
23- Kon Tum: 870
24- Gia Lai: 254
25- Đắc Lắc: 2.625
26- Đắc Nông: 468
27- TP Hồ Chí Minh: 40.667
28- Bà Rịa Vũng Tàu: 1.626
29- Đồng Nai: 4.495
30- Tiền Giang: 88
31- Long An: 828
32- Lâm Đồng: 1.200
33- Tây Ninh: 318
34- Cần Thơ: 2.255
35- An Giang: 3.678
36- Đồng Tháp: 3.033
37- Bình Dương: 2.829
38- Bình Phước: 2.703
39- Kiên Giang: 5.807
40- Cà Mau: 263
41- Bạc Liêu: 439
42- BV/Viện/Trường: 2.007
43- BỘ QUỐC PHÒNG: 3.838
(Báo Sức khoẻ & đời sống)
Hà Nội: Bảo đảm an toàn thực phẩm tại khu cách ly
Sở Y tế Hà Nội đã có công văn gửi Bộ Tư lệnh Thủ đô, UBND các quận, huyện, thị xã, các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội về việc phối hợp bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) tại các khu cách ly trong phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, Sở Y tế Hà Nội đề nghị Bộ Tư lệnh Thủ đô, UBND quận, huyện, thị xã, các bệnh viện trên địa bàn TP phối hợp xây dựng phương án bảo đảm ATTP tại các khu cách ly tập trung đối với những bếp ăn tập thể, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cung cấp suất ăn sẵn cho đối tượng trong khu cách ly. Chỉ những cơ sở đủ điều kiện ATTP theo quy định mới được hoạt động.
Đặc biệt, các địa phương, đơn vị chú trọng kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu của cơ sở dịch vụ ăn uống, tổ chức, cá nhân cung cấp suất ăn sẵn từ thiện cho các khu cách ly phải bảo đảm về chất lượng thực phẩm. Đồng thời, các đơn vị bảo đảm ATTP trong quá trình vận chuyển từ cơ sở chế biến đến khu cách ly theo quy định.
Cùng với đó, địa phương, đơn vị phải kiểm tra và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm quy định về ATTP theo quy định. Không để các cơ sở không đủ điều kiện ATTP cung cấp dịch vụ ăn uống cho các khu cách ly.
Các địa phương, đơn vị cung cấp danh sách, địa chỉ khu cách ly, đơn vị cung cấp dịch vụ ăn uống cho khu cách ly, gửi về Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm để phối hợp kiểm tra, giám sát.
(Báo Kinh tế & đô thị)
Hà Nội phấn đấu duy trì tỷ số giới tính khi sinh không quá 113 trẻ trai/100 trẻ gái
Chi cục trưởng Chi Cục Dân số – KHHGĐ Hà Nội Tạ Quang Huy cho biết, Hà Nội đã và đang thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt nhằm kiểm soát tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh. Trong năm 2021, TP phấn đấu duy trì tỷ số giới tính khi sinh đạt không quá 113 trẻ trai/100 trẻ gái.
Để đạt được mục tiêu này, ngoài việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm các quy định về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi cần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác y tế, dân số, đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông vận động thay đổi nhận thức của người dân, phát huy hơn nữa vai trò của phụ nữ trong xã hội, vận động nam giới tham gia bình đẳng giới.
UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch số 256/KH-UBND về việctriển khai thực hiện công tác dân số trên địa bàn Hà Nội năm 2021. Theo đó, sẽ triển khai 6 nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền về thực hiện công tác dân số; phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện, thị xã về thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm về công tác dân số. Kiện toàn công tác tổ chức cán bộ, đầu tư kinh phí, nguồn lực cho công tác dân số; thực hiện các nội dung chương trình dân số và phát triển; thực hiện các đề án, kế hoạch của TP về công tác dân số; tập trung kiểm tra, giám sát, đánh giá các nhiệm vụ trọng tâm về công tác dân số.
UBND TP Hà Nội cũng giao UBND các quận, huyện, thị xã hoàn thành công tác giao chỉ tiêu kế hoạch, chỉ tiêu giảm sinh và giảm sinh con thứ 3 trở lên, chỉ tiêu sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, chỉ tiêu sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại, chỉ tiêu người cao tuổi được khám sức khỏe tăng thêm định kỳ năm 2021 cho các xã, phường, thị trấn.
Phấn đấu năm 2021 giảm tỷ suất sinh thô 0,1% so với năm 2020; giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên 0,1% so với năm 2020. Tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ tăng thêm 2%; tỷ lệ sàng lọc trước sinh 81%; tỷ lệ sàng lọc sơ sinh 85%; tỷ số giới tính khi sinh không quá 113 trẻ trai/100 trẻ gái.
(Báo Kinh tế & đô thị)
Bảo đảm tính an toàn và hiệu quả của vaccine
Vaccine Nanocovax vừa hoàn thành đợt tiêm đầu của thử nghiệm giai đoạn ba, với 1.000 người tiêm. Theo kế hoạch, đợt hai của giai đoạn này sẽ tiêm thử nghiệm trên quy mô 12 nghìn người.
Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen – đơn vị nghiên cứu và sản xuất vaccine này cho biết, dựa trên các kết quả thử nghiệm lâm sàng thì khả năng sinh miễn dịch của vaccine đạt 99,4%, các phản ứng phụ được kiểm soát tốt.
Việc vaccine Nanocovax vượt qua các giai đoạn nghiên cứu, bước vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối cùng với nhiều kết quả khả quan là bước tiến quan trọng, khẳng định quyết tâm đi cùng thế giới nghiên cứu vaccine phòng, chống đại dịch của các nhà khoa học trong nước và chứng tỏ tiềm lực khoa học của Việt Nam.
Hiện tại, với tiến độ và những kết quả khả quan từ các lần tiêm thử nghiệm, nhiều người kỳ vọng, vaccine Nanocovax sẽ thành công và có thể triển khai tiêm rộng rãi cho người dân để sớm đạt miễn dịch cộng đồng. Cơ quan quản lý và đơn vị nghiên cứu cũng đã nỗ lực, tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh quá trình nghiên cứu trong bối cảnh nguồn vaccine phòng Covid-19 toàn cầu chưa đủ đáp ứng nhu cầu của người dân trên thế giới và ở nước ta. Tuy nhiên, để được đưa vào sử dụng rộng rãi cho cộng đồng, vaccine nào cũng phải trải qua những quá trình đánh giá nghiêm ngặt, với đầy đủ số liệu, dữ liệu, nhất là khi thế giới chưa hiểu hết tính phức tạp của vius SARS-CoV-2.
Ðến nay, thế giới đã có một số loại vaccine phòng Covid-19, tuy được phát triển trong một thời gian ngắn, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chấp thuận sử dụng khẩn cấp, nhưng tất cả các bước nghiên cứu, thử nghiệm đều được thực hiện theo các tiêu chí của WHO để bảo đảm tính an toàn và hiệu quả. Chính vì thế, Bộ Y tế chưa cấp phép khẩn cấp đối với Nanocovax do vaccine này đang thử nghiệm đợt đầu của giai đoạn ba, với số lượng nhỏ (1.000 người). Các dữ liệu hiện tại cho thấy, vaccine Nanocovax an toàn, có tính sinh miễn dịch, nhưng hiệu lực bảo vệ vẫn đang trong thời gian nghiên cứu, thử nghiệm và chưa có số liệu. Theo các nhà chuyên môn, ngoài tính sinh miễn dịch thì số liệu về tỷ lệ bảo vệ của vaccine đối với các trường hợp nhiễm và mắc bệnh (hiệu lực bảo vệ) rất quan trọng.
Các thử nghiệm phải chứng tỏ được sau khi tiêm vaccine thì mẫu huyết thanh của các tình nguyện viên đã tiêm vaccine có khả năng trung hòa được các biến thể của vius SARS-CoV-2 và tỷ lệ phần trăm số người tiêm vaccine được bảo vệ trước mầm bệnh so với nhóm đối chứng không được tiêm vaccine là bao nhiêu. Hiện nay, với vaccine phòng Covid-19, WHO yêu cầu hiệu lực bảo vệ phải trên 50%, có vaccine đạt tới 80% – 90%. Do vậy, thúc đẩy nghiên cứu vaccine Covid-19 không có nghĩa là bỏ qua các giai đoạn nghiên cứu và cần có sự đánh giá của cơ quan quản lý về tính an toàn, hiệu quả của vaccine trên cơ sở số liệu khoa học.
Một vấn đề đáng quan tâm là không ít người đã trì hoãn việc tiêm chủng vaccine nhập khẩu để chờ đợi vaccine sản xuất trong nước. Nhiều chuyên gia cho rằng, không có vaccine nào đạt hiệu quả phòng bệnh 100%, cũng như không có vaccine nào an toàn tuyệt đối. Hiện, các vaccine Covid-19 lưu hành ở Việt Nam đều đã được đánh giá tính an toàn, hiệu lực bảo vệ, được WHO khẳng định và khuyến cáo sử dụng để phòng, chống Covid-19.
Thực hiện thông điệp 5K là giải pháp đầu mùa dịch, còn khi dịch diễn biến phức tạp như hiện nay thì cần có thêm biện pháp tiêm vaccine phòng bệnh. Thực tế ở nhiều nước đã cho thấy vaccine là giải pháp hàng đầu. Do đó, không nên kén chọn mà mất cơ hội sớm được tiêm vaccine bảo vệ.
(Báo Nhân dân)
Quy định cách ly y tế đối với người đến từ vùng đang có dịch
Chiều 23/6, Bộ Y tế ban hành công văn về việc cách ly y tế đối với người đến từ vùng đang có dịch.
Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạo thực hiện biện pháp kiểm soát người về từ các địa bàn có trường hợp mắc COVID-19 trong cộng đồng theo đúng các quy định của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế.
Cụ thể:
Yêu cầu tất cả những người đến từ các tỉnh, thành phố ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 trong cộng đồng bắt buộc phải khai báo y tế trung thực, chịu trách nhiệm về các thông tin khai báo để phân loại các đối tượng nguy cơ.
Thực hiện cách ly y tế đối với những người tiếp xúc gần với trường hợp xác định mắc COVID-19 (F1) hoặc người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với trường hợp mắc COVID-19 (F2).
Thực hiện theo dõi sức khỏe và yêu cầu hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, không tham gia các hoạt động tập trung đông người trong vòng 14 ngày đối với những người từng đến các địa điểm có người mắc COVID-19 ở, lưu trú, khu vực phong toả (cách ly vùng) do có trường hợp mắc COVID-19 trong thời gian theo thông báo của UBND cấp tỉnh.
Nếu có dấu hiệu sốt, ho, đau họng, khó thở hoặc có biểu hiện mất vị giác phải thông báo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất để được hướng dẫn quản lý sức khỏe kịp thời.
Đối với những người không thuộc đối tượng nêu tại mục 2, mục 3 thì thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh chung theo quy định. Bộ Y tế đề nghị UBND cấp tỉnh phối hợp thực hiện và thường xuyên rà soát, cập nhật đánh giá các mức độ nguy cơ COVID-19 theo Quyết định số 2686/QĐBCĐQG ngày 31/5/2021 của Ban chỉ đạo Quốc gia.
(Báo Tiền phong)
Bình luận
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!