Thông tin y tế trên các báo ngày 21/4/2021
Dưới đây là tổng hợp một số tin tức y tế đáng chú ý nhất ngày 21/4, mời quý đọc giả đón đọc:
Sau tiêm vaccine COVID-19, người dân theo dõi sức khoẻ như thế nào?
Sau tiêm vaccine COVID-19, người dân có thể gặp các phản ứng thông thường; tuy nhiên khi có biểu hiện nặng dưới đây cần đến cơ sở y tế để xử trí kịp thời.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19, người dân có thể gặp các phản ứng gồm:
Phản ứng rất phổ biến như đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp; nhạy cảm đau, đau, nóng tại vị trí tiêm, ngứa, mệt mỏi, bồn chồn, sốt, ớn lạnh… Bên cạnh đó, cũng có thể xảy ra các phản ứng nghiêm trọng như: Sốc phản vệ, phản ứng quá mẫn…
Các phản ứng phổ biến như sưng và đỏ tại vị trí tiêm chiếm từ 1%- dưới 10%. Các phản nhẹ sau tiêm đều tự hết sau 1-2 ngày mà không cần phải điều trị, chăm sóc y tế.
Tuy nhiên người dân cũng cần biết cách theo dõi để đảm bảo an toàn sau tiêm. Cụ thể, người đi tiêm vaccine phải ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau khi tiêm để theo dõi tình hình sức khoẻ; được hướng dẫn theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ tiếp theo và tiếp tục theo dõi đến 3 tuần sau khi tiêm.
Đặc biệt, người dân cần chú ý, nếu có một trong các biểu hiện sau, phải đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời tránh biến chứng:
- Đau đầu, nhìn mờ, nhìn đôi, co giật, tê yếu, liệt.
- Đau ngực, khó thở.
- Đau bụng dai dẳng.
- Phù 2 chi dưới.
Hiện quy trình tiêm chủng tại Việt Nam được triển khai ở cấp độ an toàn cao nhất, mức độ phản ứng sau tiêm cũng thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác. Bộ Y tế cũng khuyến cáo, khi đến lượt người dân cần đi tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ; tiêm đủ 2 liều của cùng 1 loại vaccine.
Người dân cũng chú ý, nên tiêm vaccine COVID-19 cách tối thiểu 14 ngày với các vaccine phòng bệnh khác.
(baotintuc.vn)
Các bệnh về mắt thường gặp vào mùa hè
Thời tiết thay đổi liên tục kèm theo đó là nắng nóng kéo dài dễ khiến bạn mắc các bệnh lý về mắt. Vậy bạn đã biết 5 bệnh về mắt mùa hè thường gặp này chưa?
Thời tiết mùa hè khi nắng nóng kéo dài sẽ gây ra nhiều bệnh về mắt như tình trạng đau mắt đỏ, viêm kết mạc hay bị khô mắt. Thời tiết nóng bức mùa hè cũng là nguyên nhân gây ra rất nhiều các bệnh về mắt ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
Đặc biệt, khi mắc các bệnh về mắt mùa hè, mọi người thường tự ý điều trị bệnh tại nhà khiến quá trình điều trị bệnh lâu dẫn đến bệnh nặng và thời gian điều trị kéo dài hơn.
1. Dị ứng mắt là bệnh về mắt mùa hè thường gặp
Thực tế, sự gia tăng nhiệt độ cũng như các tác nhân gây tình trạng dị ứng trong không khí như bụi bẩn và phấn hoa cũng có thể khiến cho mắt bạn dễ bị tổn thương hơn. Trong khi đó, một số triệu chứng thường gặp khi bị dị ứng mắt là tình trạng ngứa mắt, đỏ mắt và mắt có cảm giác bị nóng rát vô cùng khó chịu.
2. Lẹo mắt mùa hè
Tình trạng lẹo mắt thường xảy ra vào mùa hè. Nguyên nhân gây ra bệnh lẹo mắt vào mùa hè là do tụ cầu khuẩn hoặc vi khuẩn xâm nhập vào tuyến chân lông mi gây ra viêm nhiễm cấp tính. Lúc này, lẹo mới mọc và mi mắt của người bệnh sẽ bị hơi sưng, hơi đỏ và kèm theo đó là hiện tượng ngứa, đau.
Nhanh chóng sau đó, vị trí đau sẽ nổi lên một khối rắn và to như hạt gạo. Lẹo mắt thường mọc ở ngay bờ mi và dính chặt vào da mi sau khoảng 3 đến 4 ngày thì lẹo sẽ mưng mủ và vỡ ra.
Lẹo mắt có đặc điểm rất dễ tái phát, có thể bị ở cả 2 mi mắt và ngay khi bị sưng to cả mi mắt sẽ gây tình trạng ứ phù màng tiếp hợp.
3. Hội chứng khô mắt
Hội chứng khô mắt được biết có thể xuất hiện ở tất cả các lứa tuổi và người mắc sẽ thường có cảm giác sau:
- Hội chứng khô mắt khiến người mắc bị cay mắt.
- Thậm chí có nhiều trường hợp xuất hiện dấu hiệu buốt như bị kim châm.
- Có cảm giác chói mắt.
- Xuất hiện vệt sáng qua mắt thất thường.
- Bị trào nước mắt.
- Bị đau.
- Xước giác mạc.
- Chảy nước mắt.
- Khô khốc mắt.
Bởi vì hội chứng khô mắt mùa hè gây ra cảm giác khó chịu trong mắt nên người khô mắt sẽ bị giảm tập trung công việc. Thường xuyên than phiền về bệnh tật cũng như năng suất lao động.
Khi không kịp thời điều trị và chăm sóc mắt đúng cách thì các triệu chứng trên sẽ xuất hiện thường xuyên hơn, nặng hơn và còn làm giảm thị lực cũng như gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và học tập, khả năng lao động của người bệnh.
Cảm giác khó chịu ở mắt sẽ kéo dài, bị chói, bị cộm và sợ ánh sáng cũng như không mở được mắt.
Muốn phòng tránh tình trạng khô mắt mùa hè hiệu quả, người dân cần tạo thói quen vệ sinh tay, vệ sinh mắt bằng nước sạch và ý thức rõ ràng trong việc làm sạch mắt là điều cần thiết, quan trọng nhất để phòng bệnh.
Nếu mắt bị bụi hoặc nước bẩn bắn vào có thể chớp mắt vào một cốc nước sạch. Khi gặp tình trạng này tuyệt đối không day mắt, dụi mắt vì sẽ khiến tình trạng nặng hơn. Ngoài ra, hằng ngày cần làm sạch mắt cách 6 đến 8 tiếng 1 lần và nhỏ nước muối sinh lý tối thiểu là 2 lần/ngày vào buổi sáng và tối để bảo vệ sức khỏe đôi mắt.
4. Viêm kết mạc
Viêm kết mạc mùa hè thường xảy ra do bơi sông ngòi, hồ ao hoặc bơi trong các bể bơi công cộng. Khi tiếp xúc với nước bẩn không chỉ gây ra đau mắt mà đây còn là nguyên nhân làm tăng nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn như Chlamydia, một loại vi khuẩn bộ phận sinh dục.
Các biểu hiện dễ dàng phát hiện của bệnh viêm kết mạc là mắt đỏ, xuất hiện nhiều ghèn, khi thực hiện khám lâm sàng sẽ có nhú gai trên kết mạc sụn và thẩm lậu vùng rìa cũng như gặp tình trạng ánh củng mạc mờ đục.
Đặc biệt, mùa hè là thời điểm dễ bùng phát dịch đau mắt đỏ do virus gây ra, làm lây lan nhanh chóng và biểu hiện chung của tình tình trạng này là cơ thể bị sốt nhẹ, ho và đau họng cũng như đau họng, nổi hạch và đỏ mắt, ra ghèn, bị cộm rát, nhìn mờ.
Chuyên gia cảnh báo rằng, nếu bị đau mắt đỏ thì người bệnh không ngại tới bệnh viện. Sau đó, nhanh chóng sử dụng nước muối thường xuyên để làm sạch mắt và sử dụng thêm các loại kháng sinh phổ rộng.
Thời gian từ 3 đến 5 ngày sau đó nếu không khỏi, người bệnh nên đến các cơ sở y tế ban đầu nếu như bệnh ở cấp độ thấp. Nhưng khi mắt ở mức độ nặng hơn thì có thể dẫn đến biến chứng nên cần phải chuyển đến tuyến y tế cao hơn.
Lưu ý, thời điểm mùa hè dễ xuất hiện dịch đau mắt đỏ. Để phòng tránh dịch đau mắt đỏ, biện pháp tốt nhất là tránh xa khỏi nguồn lây bệnh. Ngoài ra, có thể thực hiện một số biện pháp phòng chống khác như:
- Đeo khẩu trang.
- Đeo kính.
- Không nói chuyện với người bệnh đau mắt đỏ ở khoảng cách gần dưới 1m để giảm bớt nguy cơ.
- Cần thực hiện nhỏ nước muối thường xuyên.
Nếu virus tình cờ bám vào mắt, sử dụng nước muối để rửa trôi đi là an toàn nhất. Trong môi trường có người bị đau mắt, việc dùng nước muối rửa trôi là an toàn nhất. Đối với những môi trường có người bị đau mắt đỏ, nên nhỏ nước muối khoảng 6 giờ/lần để loại bỏ virus gây bệnh.
Đọc thêm bài viết: Viêm kết mạc dị ứng là gì? (Đau mắt đỏ dị ứng là gì) và những điều cần biết về bệnh.
5. Đục thủy tinh thể
Thời điểm mùa hè làm tăng nguy cơ mắc đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng hơn bởi vì tiếp xúc với bức xạ tia cực tím (UV).
Các tổn thương ở mắt có thể xảy ra là tức thời hoặc lâu dài sau khi hấp thụ tia cực tím trong ánh nắng mặt trời.
Kết mạc hay giác mạc đều cho biết, sự tiếp xúc của tia cực tím có cường độ quá mạnh còn có thể gây bỏng giác mạc với các triệu chứng như cộm, khó chịu, đỏ mắt, chói mắt và chảy nước mắt sẽ đỡ đi sau 48 giờ.
Khi nhìn lâu và trực tiếp vào tia cực tím còn có thể gây nên tình trạng bỏng võng mạc. Tình trạng này thường thấy sau khi xem nhật thực nếu người xem không sử dụng kính để bảo vệ mắt.
6. Dị vật bay vào mắt
Nắng nóng mùa hè là thời điểm côn trùng sinh sôi, phát triển. Các trường hợp đau mắt do viêm kết mạc, viêm giác mạc do côn trùng bay vào mắt cũng gia tăng.
Các tai nạn xảy ra do côn trùng tiết túc là loại có dịch tiết, chân có đốt và sắc. Nếu bị dị vật bay vào mắt, dụi mắt, ngạnh ở cạnh chân sắc nhọn của con vật sẽ gây chấn thương mắt và gây đau đớn. Các đốt chân gãy còn có thể xiên thủng mô mắt. Đặc biệt, nếu day và dụi mắt thì côn trùng còn tiết dịch tương tự như axit và khiến cho mắt có cảm giác bị bỏng, rát, phù nề mi và sưng tấy.
Trường hợp bị côn trùng hay bụi bẩn bắn vào mắt, cần chớp mắt vào cốc nước sạch. Tuyệt đối tránh day dụi vào mắt và hằng ngày cần vệ sinh mắt với biện pháp nhỏ nước muối sinh lý hoặc tối thiểu 1 ngày 2 lần vào buổi sáng. Đây cũng là cách giúp phòng khô mắt.
Mỗi người cần chủ động chuẩn bị một lọ thuốc nhỏ mắt riêng, kể cả nước muối sinh lý để tránh gây ra tình trạng lây nhiễm chéo, nhiễm khuẩn hay các bệnh về mắt mùa hè cho nhau.
(phunuvietnam.vn)
Cảnh giác nhiễm chì trong thuốc cai sữa đông y
Mặc dù đã được cảnh báo nhiều về mối nguy nhiễm độc kim loại từ các loại thuốc gia truyền chữa bách bệnh, nhưng vẫn không ít người vẫn tìm đến loại thuốc này với hy vọng “thuốc đông y không độc”. Thậm chí, để cai sữa cho con, nhiều bà mẹ truyền tai nhau về loại thuốc bôi đông y giúp nhanh chóng cai sữa. Tuy nhiên, loại thuốc này cũng có thể nhiễm chì…
Suýt nguy vì thuốc bôi cai sữa đông y
Chị Đ.T.V (Vĩnh Phúc) có con 18 tháng tuổi. Do công việc nên chị muốn cai sữa sớm nhưng tìm mọi cách đều rất khó cho bé dứt khỏi ti mẹ. Chị được người quen biếu một gói bột thuốc đông y có tác dụng cai sữa nhanh chóng. Theo tờ hướng dẫn, đây là “bột bôi nam chữa mẹo”, dùng để bôi lên đầu ti người mẹ làm cho trẻ sợ và bỏ bú. Ngoài ra, thuốc còn có tác dụng làm đỡ căng tức ngực khi cai sữa. Tuy nhiên, do không yên tâm chị đã tìm đến một phòng khám nhi gần nhà và nhờ xem giúp. Các bác sĩ của phòng khám đã mang gói bột đi chụp X-quang và kết quả cho thấy có hình ảnh cản quang của kim loại giống chì.
BS. Nguyễn Hữu Thảo (Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc) cho biết, thời gian qua, có rất nhiều trẻ bị ngộ độc chì do cha mẹ tự điều trị bằng thuốc đông y được quảng cáo tràn lan trên mạng, truyền tai nhau, không có cơ sở khoa học có chứa kim loại chì để chữa tưa miệng, còi xương, suy dinh dưỡng, biếng ăn, chậm lớn, tiêu chảy… Nhiều trẻ phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Với trường hợp chị V. rất may là chưa dùng loại thuốc bôi đông y kia để cai sữa. Nếu không, rất có thể sẽ khiến trẻ bị nhiễm độc chì khi ngậm đầu ti của mẹ.
Mối nguy khi trẻ bị nhiễm độc chì
Theo BS. Nguyễn Hữu Thảo, trẻ nhiễm độc chì có biểu hiện đau bụng, nôn, chán ăn, thiếu máu, trẻ chậm phát triển, giảm khả năng nghe, chậm phát triển về thần kinh nhận thức, các hành vi hung hăng, chống đối xã hội, bạo lực, chứng tăng vận động và giảm tập trung…, hôn mê, co giật, có thể tăng kích thích, ngủ lịm từng lúc, liệt, thái độ hành vi kỳ dị, ít chơi, mệt mỏi, khó chịu, vô cảm, mất phối hợp, mất đi các kỹ năng học được, học kém. Khi trẻ có biểu hiện nặng trên hệ thần kinh trung ương (hôn mê, co giật) thì 25-30% số trẻ này có di chứng (chậm phát triển trí tuệ, co giật, mù, liệt) vĩnh viễn.
Trong khi đó, việc phát hiện trẻ nhiễm độc chì lại rất khó. Phần lớn trẻ bị ngộ độc chì có biểu hiện bệnh rất kín đáo, rất dễ bị bỏ sót, chỉ có thể phát hiện thấy khi khám chuyên khoa kỹ lưỡng (ví dụ khám chuyên khoa tâm thần và đánh giá bằng thang điểm đánh giá phát triển tinh thần) và xét nghiệm. Chính vì vậy, nhiều trường hợp trẻ đã nhiễm độc nặng mới được phát hiện bệnh và đưa đến cơ sở y tế.
Làm thế nào cai sữa an toàn?
BS. Nguyễn Hữu Thảo khuyên, không nên cai sữa quá sớm, tốt nhất nên cho trẻ bú mẹ đến ít nhất đến 2 tuổi. Nếu buộc phải cai sữa thì mẹ cần chuẩn bị tâm lý cho cả mẹ và con. Có thể thực hiện giảm dần số lần bú, rút ngắn thời gian bú mỗi lần của trẻ. Bên cạnh đó cần tăng cường cho trẻ ăn dặm, chia thành nhiều bữa nhỏ với các thức ăn mềm hoặc được nghiền nhỏ: Sữa bột, cháo loãng, bột, hoa quả…
Lưu ý, không cần thiết phải uống thuốc tiêu sữa. Thuốc tiêu sữa có tác dụng làm tăng dopamin trong máu, ức chế hormone tiết sữa prolactin, có thể gây ra tác dụng phụ là thiếu máu não, tụt huyết áp, thiếu máu tiền đình, xuất huyết tiêu hóa… Vì vậy, không nên tùy tiện sử dụng mà chỉ uống nếu như có bác sĩ chỉ định.
Không nên bôi dầu gió hoặc ớt vào ti để dọa trẻ, không nên cách ly trẻ với mẹ trong thời gian cai sữa… Nên nhớ, trong thời gian cai sữa, trẻ có thể sẽ quấy khóc hơn bình thường, mẹ nên ở bên cạnh chơi đùa hoặc giải thích, động viên lý do vì sao cần cai sữa… Sau vài ngày trẻ sẽ quen và không đòi bú mẹ nữa. Đặc biệt, tuyệt đối không được dùng các thuốc bôi cai sữa không rõ nguồn gốc để tránh nguy cơ gây hại cho sức khỏe cả mẹ và trẻ.
(suckhoedoisong.vn)
Bình luận
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!