Thông tin y tế trên các báo ngày 14/4/2021

Dưới đây là một số thông tin y tế đáng chú ý trên các báo ra ngày 14/04/2021, mời quý đọc giả đón đọc:

Chiều 13/4: Có 7 ca mắc COVID-19 tại Bến Tre, Kiên Giang và Đà Nẵng

Bản tin chiều 13/4 của Bộ Y tế cho biết có 7 ca mắc COVID-19 ghi nhận tại Đà Nẵng, Bến Tre và Kiên Giang. Đây là các ca bệnh nhập cảnh đã cách ly ngay. Việt Nam hiện có 2.714 ca bệnh, trong khi thế giới hiện ghi nhận hơn 137,3 triệu ca

Số ca mắc ở Việt Nam:

  • Tính đến 18h ngày 13/4: Việt Nam có tổng cộng 1570 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay: 910 ca.
  • Tính từ 6h đến 18h ngày 13/4: 07 ca mắc mới, đều được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.

Số ca mắc COVID-19 của thế giới:

  • Cả thế giới có 137.330.383 ca mắc, trong đó 110.526.446 ca đã khỏi bệnh; 2.961.089 ca tử vong và 3.842.848 đang điều trị (103.898 ca diễn biến nặng)
  • Trong 12 giờ qua, số ca mắc của thế giới tăng 115.834 ca, tử vong tăng 3.884 ca
  • Thái Lan hôm nay ghi nhận 965 ca mắc mới (34.575); Campuchia ghi nhận 181 ca mắc, trong đó thêm 3 ca tử vong (4.696 ca mắc, 33 ca tử vong).

Thông tin ca mắc mới: 07 ca mắc mới (BN2708-2714) được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Bến Tre (1), Kiên Giang (1) và Đà Nẵng (5). Cụ thể:

CA BỆNH 2708 (BN2708) ghi nhận tại Bến Tre: Bệnh nhân nam, 61 tuổi, là chuyên gia, quốc tịch Đức.

Ngày 29/3/2021, bệnh nhân từ Philippines nhập cảnh Sân bay Cần Thơ trên chuyến bay VJ2527 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Bến Tre.

Kết quả xét nghiệm ngày 12/4/2021 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh Bến Tre.

CA BỆNH 2709 (BN2699) ghi nhận tại Kiên Giang: Bệnh nhân nam, 26 tuổi, là công dân Việt Nam, có địa chỉ tại quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.

Ngày 11/4/2021, bệnh nhân từ nước ngoài nhập cảnh Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên tỉnh Kiên Giang và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Kiên Giang.

Kết quả xét nghiệm ngày 12/4/2021 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế thành phố Hà Tiên tỉnh Kiên Giang.

CA BỆNH 2710 (BN2710) ghi nhận tại Đà Nẵng: Bệnh nhân nữ, 29 tuổi, là công dân Việt Nam, có địa chỉ tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Ngày 07/4/2021, bệnh nhân từ Nhật Bản nhập cảnh Sân bay Đà Nẵng trên chuyến bay VJ8859 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại thành phố Đà Nẵng. Kết quả xét nghiệm ngày 12/4/2021 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.

Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.

CA BỆNH 2711 (BN2711) ghi nhận tại Đà Nẵng: Bệnh nhân nam, 30 tuổi, là công dân Việt Nam, có địa chỉ tại huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

Ngày 07/4/2021, bệnh nhân từ Nhật Bản nhập cảnh Sân bay Đà Nẵng trên chuyến bay VJ3613 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại thành phố Đà Nẵng.

Kết quả xét nghiệm ngày 12/4/2021 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.

CA BỆNH 2712 (BN2712) ghi nhận tại Đà Nẵng: Bệnh nhân nam, 37 tuổi, là công dân Việt Nam, có địa chỉ tại huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 05/4/2021, bệnh nhân từ Nhật Bản nhập cảnh Sân bay Đà Nẵng trên chuyến bay VN5319 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại thành phố Đà Nẵng.

Kết quả xét nghiệm ngày 12/4/2021 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.

CA BỆNH 2713 (BN2713) ghi nhận tại Đà Nẵng: Bệnh nhân nữ, 20 tuổi, là công dân Việt Nam, có địa chỉ tại huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa.

Ngày 11/4/2021, bệnh nhân từ Nhật Bản nhập cảnh Sân bay Đà Nẵng trên chuyến bay VN5313 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại thành phố Đà Nẵng.

Kết quả xét nghiệm ngày 12/4/2021 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.

CA BỆNH 2714 (BN2714) ghi nhận tại Đà Nẵng: Bệnh nhân nam, 23 tuổi, là công dân Việt Nam, có địa chỉ tại huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 05/4/2021, bệnh nhân từ Nhật Bản nhập cảnh Sân bay Đà Nẵng trên chuyến bay VN5319 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại thành phố Đà Nẵng.

Kết quả xét nghiệm ngày 12/4/2021 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.

Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 36.234, trong đó:

  • Cách ly tập trung tại bệnh viện: 519
  • Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 120.409
  • Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 15.306

Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế: tổng số bệnh nhân khỏi bệnh ở nước ta đến nay là 2.445 /2.714

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước hiện có 52 bệnh nhân đã âm tính với virus SARS-CoV-2 từ 1-3 lần gồm: 16 ca âm tính lần 1; Số ca âm tính lần 2: 18 ca; số ca âm tính lần 3 là 18 ca.

Số ca tử vong liên quan đến COVID-19 ở nước ta đến nay là 35 ca, đây là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (03) và Quảng Trị (01).

Để sống chung an toàn với đại dịch COVID-19, người dân cần tuân thủ thực hiện nguyên tắc 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang; Khử khuẩn; Khoảng cách; Không tụ tập và Khai báo y tế.

(suckhoedoisong.vn)

Chuẩn bị phương án đầu tư nếu thử nghiệm thành công vaccine phòng COVID-19

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trong khu vực và trên thế giới, chúng ta cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh chủ động; tích cực đàm phán, tìm kiếm các nguồn vaccine; tạo mọi điều kiện để thử nghiệm vaccine trong nước, chuẩn bị phương án đầu tư nếu thử nghiệm thành công.

Đây là những nội dung chính được thảo luận tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 về kế hoạch mua, sử dụng vaccine phòng COVID-19; tiến độ nghiên cứu, thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 trong nước, sáng 14/4, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo.

Quyết liệt thực hiện phòng dịch chủ động

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn cho biết, hiện nay, tình hình dịch bệnh các nước biên giới như Lào, Thái Lan, Campuchia… diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến công tác phòng, chống dịch Việt Nam. Do đó, đại diện Bộ Công an đề xuất cần siết chặt công tác xuất nhập cảnh với 2 đối tượng: Nhập cảnh hợp pháp (trong đó, chú ý việc xác nhận, xác thực đối tượng nhập cảnh của các doanh nghiệp); đối tượng nhập cảnh bất hợp pháp qua đường mòn, lối mở, đường biên…; xử lý hình sự tất cả trường hợp phát hiện nhập cảnh trái phép.

Đồng quan điểm tăng cường kiểm soát việc nhập cảnh, đại diện Bộ Quốc phòng kêu gọi, cộng đồng tiếp tục vận động gia đình có người thân ở nước ngoài tuân thủ công tác phòng chống dịch nước sở tại, trong trường hợp có nguyện vọng, cam kết trở về nước hợp pháp. Đồng thời, người dân chủ động thông báo cho các cơ quan chức năng khi phát hiện người về từ vùng dịch hoặc từ nước ngoài về không khai báo theo quy định.

Bên cạnh đó, các ý kiến cho rằng, việc thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch chủ động – thực hiện nghiêm thông điệp 5K, có vai trò cực kỳ quan trọng trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt vấn đề đeo khẩu trang khi đi ra khỏi nhà, đến nơi công cộng, tập trung đông người… Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu tất cả các bộ, ngành, đặc biệt các địa phương tăng cường chỉ đạo các cơ sở y tế, trường học, cơ sở lưu trú, nhà máy, chợ, siêu thị, cơ sở lưu trú, bến xe… nâng cao cảnh giác, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, tự cập nhật thông tin lên Bản đồ chung sống an toàn với COVID-19; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Đua tranh khốc liệt trong tìm kiếm nguồn vaccine

Liên quan đến kế hoạch mua, sử dụng vaccine phòng COVID-19, các thành viên Thường trực Ban Chỉ đạo hoan nghênh Bộ Y tế đã triển khai các giải pháp tiêm vaccine chặt chẽ, từ công tác tập huấn tiêm đến khi tiêm xong, người tiêm được theo dõi sức khỏe liên tục để đánh giá tính sinh miễn dịch sau khi tiêm. Đại diện Bộ Y tế khẳng định, đến nay, vaccine AstraZeneca vẫn đảm bảo an toàn nên sẽ đẩy nhanh tiến độ tiêm theo thứ tự ưu tiên, thực hiện nghiêm Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ và Quyết định số 1464/QĐ-BYT ngày 5/3/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vaccine phòng COVID-19.

Trước những quan điểm khác nhau về vaccine ngừa COVID-19, đại diện Bộ Y tế khẳng định, thế giới đang có hiện tượng vaccine cung cấp không đủ mua, đang ở trong “cuộc đua tranh khốc liệt”. Do đó, Việt Nam phải cố gắng hết sức để có vaccine ngừa COVID-19 sớm nhất.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết đã nảy sinh những khó khăn, vướng mắc mới trong tiếp cận, đàm phán mua các nguồn vaccine, thậm chí“phải chấp nhận rủi ro mới tiếp cận được nguồn vaccine”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương trình phương án cụ thể, rõ ràng về việc đàm phán mua các loại vaccine nước ngoài, thực hiện quyết định của Bộ Chính trị, nghị quyết của Chính phủ. Trên cơ sở đó, Bộ KH&ĐT khẩn trương thẩm định, trình Chính phủ.

Chuẩn bị phương án đầu tư nếu thử nghiệm thành công

Báo cáo về tình hình sản xuất vaccine trong nước, Trung tướng, GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viên Quân y, Bộ Quốc phòng cho biết, ngày 15/4 tới sẽ kết thúc việc lấy mẫu máu người tiêm thử nghiệm giai đoạn 2 của vaccnien Nano Covax tại 2 điểm nghiên cứu: Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng); Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh (cùng tham gia nghiên cứu, thực hiện tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Dự kiến đầu tháng 5/2021, Học viện Quân y sẽ báo cáo Bộ Y tế và Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia xem xét, đánh giá các cơ sở khoa học của giai đoạn 2, cho phép xây dựng một liều tiêm; sau đó chuẩn bị song song vừa hoàn thiện giai đoạn 2, vừa tiêm giai đoạn 3.

Về sức khỏe sau khi tiêm của 554 tình nguyện viên (6 tình nguyện viên rút khỏi đợt thử nghiệp), Giám đốc Học viện Quân y cho biết, sau khi tiêm mũi 2 giai đoạn 2 vaccine ngừa COVID-19 Nano Covax, các tình nguyện viên có triệu chứng như sốt nhẹ, đau chỗ tiêm tự hết, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi… nhưng hết nhanh, không cần can thiệp y tế. Đến thời điểm hiện tại, sức khỏe sau khi tiêm của các tình nguyện viên đều ổn định, vaccine Nano Covax an toàn với người được tiêm, kháng thể tăng cao, khả năng trung hòa virus tốt.

“Nên ủng hộ, hỗ trợ nhiều hơn nữa quá trình nghiên cứu, sản xuất vaccine ngừa COVID-19 trong nước”, Trung tướng, GS.TS Đỗ Quyết nhấn mạnh.

Với dân số 100 triệu người, Thường trực Ban Chỉ đạo đề nghị tiếp tục đẩy nhanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đơn vị (không kể đơn vị sự nghiệp, DN nhà nước hay tư nhân) thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng COVID-19 , và chuẩn bị phương án đầu tư, sản xuất nếu thử nghiệm thành công.

Đối với việc kiểm soát người nhập cảnh trong khi đợi chính sách về hộ chiếu vaccine, Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đề nghị phải tiếp tục siết chặt bởi tình hình dịch bệnh trên thế giới đang tăng trở lại; tiếp tục thực hiện cơ chế tổ công tác gồm 5 bộ (Y tế, Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, GTVT) trong điều phối các chuyến bay đưa các đối tượng chuyên gia người nước ngoài, lao động kỹ thuật cao nhập cảnh vào Việt Nam, và xử lý nghiêm những trường hợp đưa người không đúng đối tượng ưu tiên vào nhập cảnh.

(baochinhphu.vn)

Thời tiết đang chuyển sang mùa hè: Đề phòng nguy cơ “dịch chồng dịch”

Hiện thời tiết đang chuyển sang mùa hè, khí hậu nóng ẩm tại khu vực miền Bắc và bắt đầu mùa mưa ở miền Trung, miền Nam. Đây là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh bùng phát, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa và các bệnh do muỗi gây ra. Nếu không sớm triển khai các biện pháp mạnh, thì nguy cơ “dịch chồng dịch” rất dễ xảy ra.

Lo ngại dịch bùng phát theo chu kỳ

Thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho thấy, từ đầu năm 2021 đến hết ngày 11-4, cả nước ghi nhận 18.436 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 4 trường hợp tử vong tại 3 tỉnh: Kiên Giang, An Giang và Long An. So với cùng kỳ năm 2020, hiện số ca mắc tăng 4,3 lần và gia tăng chủ yếu ở khu vực miền Nam, như thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Long An, Đồng Tháp, An Giang.

Tại Hà Nội, theo báo cáo của Sở Y tế, trong tuần từ ngày 5 đến 11-4, trên địa bàn thành phố ghi nhận 28 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, rải rác tại 9 quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Long Biên, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Đông Anh, Đan Phượng, Thanh Trì. Như vậy, từ đầu năm 2021 đến nay, thành phố Hà Nội đã ghi nhận 82 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, phân bố rải rác tại 67 xã, phường, thị trấn thuộc 28/30 quận, huyện, thị xã, tăng 62 trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái.

“Hằng năm, thành phố Hà Nội ghi nhận từ 1.000 đến 3.000 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. Bệnh này thường gia tăng vào khoảng tháng 4-5 và tháng 9-10. Thời gian gần đây, số ca bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng và chủ yếu gặp ở lứa tuổi nhỏ (dưới 5 tuổi)”, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết.

Trong khi đó, bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa Nội, Trung tâm Bệnh nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi trung ương) lưu ý, một số trường hợp mắc bệnh tay chân miệng ở thể nặng có thể gây biến chứng nguy hiểm, như viêm não – màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp…, dẫn đến tử vong. Bệnh nhẹ có thể chăm sóc tại nhà, nhưng khi bệnh nhân có biểu hiện tiểu ít, khó thở, giật mình và sốt trên 38,5 độ C, kéo dài hơn 48 giờ, cần được đưa ngay đến bệnh viện.

Cùng với bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết cũng là bệnh có nguy cơ bùng phát mạnh trong dịp hè. Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước ghi nhận 19.048 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 5 trường hợp tử vong tại 4 tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Phú Yên và Sóc Trăng. So với cùng kỳ năm 2020, số ca mắc sốt xuất huyết ở thời điểm hiện tại giảm 12,7%, nhưng số ca tử vong lại tăng 2 trường hợp. Riêng tại Hà Nội, từ đầu năm 2021 đến nay, ghi nhận 56 trường hợp sốt xuất huyết, phân bố tại 48 xã, phường, thị trấn của 20/30 quận, huyện, thị xã, giảm 46% so với cùng kỳ năm ngoái.

Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống dịch và tiêm chủng vắc xin, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương Vũ Minh Điền cho biết, theo chu kỳ, 4 năm 1 lần dịch sốt xuất huyết sẽ bùng phát mạnh ở miền Bắc. Năm 2017, dịch bệnh này gia tăng mạnh ở miền Bắc, trong đó Hà Nội trở thành điểm nóng với 37.651 ca mắc và 7 trường hợp tử vong. Như vậy, năm 2021 đúng vào chu kỳ đó, tiềm ẩn nguy cơ lớn sốt xuất huyết bùng phát thành dịch. “Hiện nước ta vẫn phải đối mặt với các dịch bệnh thường lưu hành hằng năm như sởi, quai bị, thủy đậu, rubella, tay chân miệng, sốt xuất huyết… Nếu chỉ mải phòng, chống dịch Covid-19, bỏ quên các nguy cơ gây ra các dịch bệnh khác, thì tình trạng “dịch chồng dịch” hoàn toàn có thể xảy ra”, bác sĩ Vũ Minh Điền khẳng định.

Phân tuyến điều trị, tránh lây nhiễm chéo

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh ngay từ đầu mùa hè năm 2021, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ đã chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường giám sát, phát hiện sớm, cách ly, xử lý triệt để ổ dịch, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh. Các địa phương cần củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới khống chế ổ dịch. Đặc biệt, các tỉnh, thành phố phải đẩy mạnh công tác tiêm chủng mở rộng, bảo đảm đạt tỷ lệ trên 95% quy mô xã, phường, thị trấn và tổ chức phát động chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt muỗi, lăng quăng… phòng bệnh sốt xuất huyết.

Liên quan đến việc kiểm soát ca mắc mới tay chân miệng, theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, các quận, huyện, thị xã cần chỉ đạo phòng giáo dục và đào tạo phối hợp với trung tâm y tế hướng dẫn nhà trường các biện pháp xử lý môi trường, như vệ sinh bằng xà phòng hoặc cloramin B. Các xã, phường, thị trấn phải tăng cường kiểm tra các cơ sở giáo dục trên địa bàn, đặc biệt là yêu cầu các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học và các nhóm trẻ nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng theo hướng dẫn của ngành Y tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên lưu ý, các địa phương phải tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát, phát hiện và điều trị bệnh ở tất cả các tuyến y tế, nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế. Ngoài ra, các cơ sở y tế cần tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, bố trí khu điều trị riêng cho bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm, hạn chế người nhà vào thăm bệnh nhân. Thực hiện tốt phòng, tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị, nhất là phòng, chống lây nhiễm chéo giữa bệnh tay chân miệng với bệnh sởi, viêm phổi và viêm đường hô hấp khác.

(hanoimoi.com.vn)

4.7/5 - (4 bình chọn)

Bình luận

Thông tin y tế trên các báo ngày 14/4/2021

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hỗ trợ
Bạn cần tư vấn?

Tin mới

TOP 10 thuốc đặt âm đạo trị nấm phổ biến nhất hiện nay [ĐỪNG BỎ QUA]

Thuốc đặt âm đạo Polygynax có tốt không? Nên dùng cho đối tượng nào?

Viêm cổ tử cung sau sinh: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách chữa trị [ĐỌC NGAY]

Viêm cổ tử cung khi mang thai và cách chữa trị hiệu quả [TÌM HIỂU NGAY]

Điều trị viêm cổ tử cung bằng các phương pháp tốt nhất hiện nay [ĐỪNG BỎ QUA]

Chữa viêm lộ tuyến cổ tử cung ở đâu tốt? TOP 8 địa chỉ uy tín [THAM KHẢO NGAY]

Bà bầu bị viêm lộ tuyến cổ tử cung nguy hiểm không? Chuyên gia tư vấn cách điều trị hiệu quả

Thuốc trị viêm lộ tuyến cổ tử cung cực kỳ an toàn, hiệu quả [TÌM HIỂU NGAY]

TOP 12 cách CHỮA VIÊM LỘ TUYẾN TẠI NHÀ cực hiệu quả [ĐỪNG BỎ QUA]

Khám viêm cổ tử cung ở đâu tốt? TOP 10 địa chỉ uy tín toàn quốc [XEM CHI TIẾT]

Ẩn