Thông tin y tế trên các báo ngày 13/4/2021
Dưới đây là một số thông tin y tế đáng chú ý trên các báo ra ngày 13/04/2021, mời quý đọc giả đón đọc:
Tỉnh đầu tiên triển khai tiêm vaccine COVID-19 đợt 2
Sáng 13/4, Bộ Y tế cho biết đến nay đã có gần 59.300 người tiêm ngừa vaccine COVID-19, hiện Bắc Ninh là tỉnh đầu tiên đã triển khai tiêm đợt 2 cho 311 người. Việt Nam cũng đang nỗ lực tiến trình thử nghiệm lâm sàng 2 vaccine COVID-19 “made in” Việt Nam.
Trước đó, Bắc Ninh đã kết thúc triển khai tiêm chủng đợt 1. Đến nay, 9/19 tỉnh đã kết thúc triển khai kế hoạch đợt 1 là Tây Ninh, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Gia Lai, Hòa Bình, Hà Giang và Bắc Ninh.
Tính đến 16 giờ ngày 12/04/2021, tổng cộng đã thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 tại 19 tỉnh/TP cho 59.249 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các địa phương.
Chi tiết 831 người được tiêm tại 4 tỉnh/TP trong ngày 12/04/2021 như sau: Quảng Ninh: 247 người; Hải Phòng: 75 người; Bắc Ninh: 311 người; TP. Hồ Chí Minh: 198 người.
Tại Hà Nội, lãnh đạo sở Y tế cho biết, Hà Nội sẽ phấn đấu hoàn thành việc tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 2 trong tháng 4/2021. Dự kiến sẽ được triển khai từ ngày 15/4 và kết thúc vào ngày 30/4. Sau đó, sẽ triển khai tiêm vét đợt 2 từ ngày 1/5 đến 10/5.
Liên quan đến tiến độ thử nghiệm lâm sàng vaccine COVID-19 trong nước, hiện vaccine COVIVAC- vaccine phòng COVID-19 thứ 2 của Việt Nam do IVAC nghiên cứu, phát triển đã bước vào thử nghiệm mũi 2 giai đoạn 1 ngày 12/4. Dự kiến ngày 15/5 sẽ hoàn thành thử nghiệm lâm sàng mũi 2.
TS Phạm Thị Vân Anh – Giám đốc Trung tâm Dược lý lâm sàng, Trường Đại học Y Hà Nội, thành viên nhóm nghiên cứu cho hay, đánh giá 24h sau tiêm và 7 ngày sau tiêm ở 66 tình nguyện viên cho thấy không xuất hiện các biến cố bất lợi nghiêm trọng. Các phản ứng đều nằm trong dự kiến, đa số là các triệu chứng nhẹ sau tiêm như đau tại vị trí tiêm, đau đầu thoáng qua.
Các triệu chứng trên đa số hết trong 24h đầu sau tiêm, không cần điều trị gì. Hiện chưa phát hiện bất thường trên xét nghiệm huyết học và sinh hóa đánh giá an toàn sau tiêm…
Thông tin từ nhóm nghiên cứu cho biết, ngày bắt đầu lấy mẫu đánh giá miễn dịch để báo cáo giữa kỳ (D43): 27/04/2021; Ngày hoàn thành lấy mẫu đánh giá miễn dịch để báo cáo giữa kỳ (D43): 29/05/2021
Đối với vaccine NanoCovax – vaccine phòng COVID-19 đầu tiên của Việt Nam do Nanogen nghiên cứu, phát triển đã hoàn tất thử nghiệm giai đoạn 2 và dự kiến tuần đầu tiên của tháng 5/2021 sẽ thử nghiệm giai đoạn 3.
Thời điểm này, nhóm nghiên cứu đang bận rộn để lấy mẫu máu so sánh hiệu quả sinh kháng thể và các chỉ số có liên quan ở thời điểm trước tiêm, ngày thứ 28 khi tiêm xong 2 mũi và ngày thứ 35, tức là 1 tuần sau tiêm mũi vaccine thứ 2. Sau đó sẽ có 10 ngày phân tích dữ liệu và hoàn thiện báo cáo thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2, đề cương nghiên cứu giai đoạn 3 gửi Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh, Bộ Y tế.
Dự kiến 5/5 có thể bắt đầu những mũi tiêm đầu tiên của thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Ở giai đoạn 3 của nghiên cứu, như dự kiến ban đầu là sẽ tiêm diện rộng trên 10.000 người và sẽ có 3 đơn vị tham gia thử nghiệm lâm sàng (giai đoạn 1 có 1 đơn vị tham gia, giai đoạn 2 là 2 đơn vị).
Trên thế giới, hiện đã có tổng cộng 137.214.549 ca mắc, trong đó 110.321.122 ca đã khỏi bệnh; 2.957.205 ca tử vong và 23.936.222 ca đang điều trị (104.012 ca diễn biến nặng).
Riêng trong 12 giờ qua, số ca mắc của thế giới tăng 485.609 ca, tử vong tăng 5.927 ca. Ước tính cứ hai ngày có thêm 1 triệu ca mắc, 20 nghìn ca tử vong. Ấn Độ là nước có số ca mắc cao nhất, mỗi ngày có hơn 150 nghìn ca mắc.
(baochinhphu.vn)
Nữ sinh lớp 12 đang khoẻ mạnh bất ngờ đột quỵ, hôn mê sâu
Liên tiếp trong những ngày gần đây, nhiều bệnh viện tiếp nhận các ca đột quỵ ở người trẻ tuổi, không có bệnh lý nền và không có dấu hiệu báo trước…
Theo thông tin do bệnh viện cung cấp ngày 12/4, bệnh nhân là em B.K. (18 tuổi, ngụ tại tỉnh Long An). Người nhà cho biết, em B.K vốn khỏe mạnh, buổi trưa mấy hôm trước, sau khi đi học về, em K. vào phòng tắm thay quần áo, khi vừa ra ngoài thì rơi vào tình trạng bất tỉnh, co giật mạnh và hôn mê sâu. Khi thấy con gái không có phản ứng, gia đình lập tức đưa em tới một bệnh viện đa khoa tư nhân.
Sau khi có kết quả chụp CT não, bác sĩ bệnh viện xác định K. bị đột quỵ do xuất huyết não, máu đọng trong não thất và cần phẫu thuật cấp cứu khẩn cấp. Lúc này, bệnh nhân hôn mê sâu, liệt nửa người trái, phản xạ ánh sáng yếu, phải thở máy qua nội khí quản.
Ê-kíp phẫu thuật đặt dẫn lưu não thất ra ngoài và cho bệnh nhân sử dụng thuốc tiêu sợi huyết sau khi loại trừ nguyên nhân dị dạng mạch máu não. Kết quả chụp CT kiểm tra sau mỗi 24 giờ cho thấy thấy khối máu trong não thất tan nhiều và lưu thông dịch não tuỷ ổn định trở lại. Hiện tại, bệnh nhân có thể vận động tứ chi, tỉnh táo, nói tốt, sức cơ bên trái cải thiện.
Trước đó, một ca đột quỵ cũng xảy ra ở người rất trẻ. Đang ở công ty, một nữ công nhân 25 tuổi bất ngờ nói khó, yếu tay chân vì bị cục máu đông làm tắc mạch máu não, dẫn đến đột quỵ. Bệnh nhân được chuyển cấp cứu tới Bệnh viện Đà Nẵng khi đã rối loạn tri giác, liệt nửa người bên phải, BS. Dương Quang Hải, Phó trưởng khoa Đột quỵ, BV Đà Nẵng nhớ lại. Cô gái nhanh chóng được chụp CT sọ não và sử dụng thuốc tiêu huyết khối trong vòng chưa đầy 30 phút, kể từ lúc nhập viện. Mặc dù vậy, mạch máu bị tắc chưa được tái thông.
Kết quả chẩn đoán hình ảnh sau đó cho thấy, bệnh nhân bị hẹp nặng gốc động mạch cảnh trong trái (ở cổ) và tắc hoàn toàn động mạch não giữa trái. Các bác sĩ tiếp tục can thiệp nội mạch, nong và đặt stent vào gốc động mạch cảnh, lấy cục máu đông ra an toàn bằng dụng cụ lấy huyết khối. Như vậy, để cứu bệnh nhân, các bác sĩ phải áp dụng đồng thời cả 3 kỹ thuật, thay vì 1 hoặc 2 phương pháp như thông thường.
Sau 5 ngày can thiệp, tri giác bệnh nhân cải thiện nhanh, sức cơ phục hồi dần. Hiện, cô tỉnh táo, vận động độc lập, chỉ cảm giác hơi yếu nửa người bên phải, và đã xuất viện.
Ở bệnh nhân này, nguyên nhân đột quỵ là do dị tật hẹp động mạch cảnh bẩm sinh. Khi máu đi từ tim qua đây lên não, bị tắc lại và hình thành cục máu đông. Cục máu đông di chuyển lên não, gây tắc mạch, hay nhồi máu não. Trước đó, cô chưa từng có dấu hiệu cảnh báo nào.
Tại Bệnh viện Đà Nẵng, tỷ lệ người trẻ dưới 40 tuổi bị đột quỵ (gồm xuất huyết và tắc mạch máu não) chiếm khoảng 15-20%, khá cao. Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này, như dị dạng mạch máu não, tăng huyết áp, phình mạch máu não, hoặc người bệnh bị tim bẩm sinh, bệnh lý miễn dịch…
Các bác sĩ khuyến cáo, nếu có các dấu hiệu của đột quỵ cấp, gồm méo miệng, yếu liệt tay chân, nói khó, mất thăng bằng… người thân nên gọi xe cứu thương để đưa bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Với trường hợp đột quỵ do xuất huyết não, bệnh nhân chỉ được cấp cứu và hồi phục tốt nhất trong thời gian vàng (3-6 giờ đầu từ khi khởi phát cơn đột quỵ).
Không nên vì bất cứ lý do gì làm trì hoãn thời gian bệnh nhân tiếp cận y tế. Nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có nguy cơ tử vong hoặc tàn phế suốt đời.
(suckhoedoisong.vn)
Tự kiểm tra quai bị tại nhà và hướng dẫn chăm sóc cho người bệnh
Quai bị là một trong những căn bệnh truyền nhiễm thường lây qua đường hô hấp. Do đó, cách tự kiểm tra quai bị tại nhà là một trong những cách hữu hiệu nhất, để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng.
Tự kiểm tra quai bị tại nhà là biện pháp hiệu quả trong việc chữa trị, cũng như phòng tránh lây nhiễm cho cộng đồng. Mặc dù rất hữu ích nhưng làm thế nào để có thể tự kiểm tra quai bị tại nhà? Có thể điều trị quai bị tại nhà không? Hãy cùng đọc và tham khảo trong bài viết dưới đây.
1. Lợi ích của việc tự kiểm tra quai bị tại nhà
Quai bị có thể bùng phát thành dịch và có thể lây bệnh cho người khác. Do đó, việc tự kiểm tra quai bị tại nhà mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực, không chỉ cho người bệnh, mà còn cho cộng đồng. Điển hình như những lợi ích dưới đây.
- Tự kiểm tra quai bị tại nhà xua tan nỗi lo về việc phải đi sớm xếp hàng chờ đợi tại bệnh viện.
- Khi người bệnh có thể tự kiểm tra được chính xác bệnh quai bị tại nhà mà không lo vì mình mà lây chéo bệnh cho người khác tại môi trường công cộng.
- Bên cạnh đó, không còn lo bị làm phiền bởi những thủ tục hành chính rườm rà. Gây tâm lý mệt mỏi, chán nản.
Với những lợi ích thiết thực trên, bạn đang tò mò không biết kiểm tra quai bị tại nhà như thế nào? Có khó không? Hãy đến với cách tự kiểm tra quai bị tại nhà dưới đây.
2. Hướng dẫn cách tự kiểm tra quai bị tại nhà
Bệnh quai bị là một bệnh lành tính, ít có biến chứng nguy hiểm và thường tự khỏi. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện sớm, chăm sóc và điều trị đúng cách cũng sẽ để lại những biến chứng xấu sau này.
Nếu bạn lo lắng việc mình có thể lây chéo bệnh cho người khác. Bạn có thể học cách tự kiểm tra quai bị tại nhà dựa vào chính những dấu hiệu sớm của bệnh. Cụ thể:
- Sốt cao đột ngột.
- Chán ăn.
- Đau đầu.
- Sau sốt khoảng 1 đến 3 ngày, bạn cảm thấy đau nhức, sưng to ở tuyến nước bọt (Có thể sưng ở một hoặc cả hai bên). Chính điều này khiến cho khuôn mặt của bệnh nhân bị biến dạng, khó nhai, khó nuốt.
- Buồn nôn, nôn.
- Đau nhức, mỏi toàn thân.
- Đau cơ, nhức mỏi toàn thân.
- Mệt mỏi.
- Sưng bìu, đau tinh hoàn.
Thực tế, có rất nhiều người nhầm lẫn bệnh quai bị với một số bệnh khác như: bạch hầu, bệnh hạch cổ do vi trùng. Để biết được chính xác bạn nên đi khám bác sĩ để biết được mình có bị quai bị hay không.
3. Quai bị có thể tự điều trị tại nhà không?
Như đã biết, quai bị là bệnh lành tính vì thế có thể tự điều trị tại nhà. Nhưng điều này cũng tương đương với việc, bạn cần phải biết cách tự theo dõi để phát hiện kịp thời kẻo dẫn đến các biến chứng khó lường.Bạn có thể tự điều trị quai bị tại nhà bằng cách.
- Ăn thức ăn mềm.
- Uống thuốc hạ sốt, giảm đau Paracetamol.
- Không nên vận động nhiều. Bởi khi vận động nhiều sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như: Viêm màng não, viêm tinh hoàn hay viêm buồng trứng.
- Quan trọng hơn cả là phải nghỉ ngơi thật nhiều tại nhà. Đây được xem là cách tăng tốc độ hồi phục tốt nhất cho người bệnh.
- Cố gắng cách ly người bệnh với những người khác trong nhà. Một người bị bệnh quai bị có thể lây cho người khác đến 5 ngày sau khi bắt đầu có các dấu hiệu của bệnh.
- Chườm ấm hay lạnh để làm giảm cơn đau do sưng hạch gây ra,
- Sử dụng dụng cụ hỗ trợ thể thao và chườm lạnh để giảm đau khi tinh hoàn mềm.
- Không ăn những thực phẩm cứng, cần phải sử dụng nhiều đến sự hỗ trợ của xương hàm. Thay vào đó hãy ăn những món ăn mềm, dễ tiêu hóa như súp, khoai tây nghiền, bột yến mạch.
- Không nên sử dụng những thực phẩm chua, bởi chúng sẽ gây kích thích tiết nước bọt.
- Uống nhiều nước.
3.1. Không nên tự ý điều trị tại nhà khi nào?
Tuy nhiên, bạn không nên tự ý điều trị quai bị tại nhà với những phương pháp dân gian. Ví dụ như tự ý sử dụng mực tàu, nhọ nồi, đắp lá cây, vôi hay dán cao vào vùng sưng. Vì rất có thể sẽ khiến bạn bị bỏng, nóng, tạo môi trường lý tưởng cho vi trùng từ ngoài xâm nhập vào tuyến mang tai. Khiến cho bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, và rất có thể sẽ khiến bạn bị nhiễm trùng máu.
3.2. Khi nào nên đến gặp bác sĩ thay vì điều trị tại nhà?
Trong quá trình tự điều trị bệnh tại nhà, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng sau. Bạn cần đến khám tại các cơ sở y tế gần nhất.
- Sưng đau tinh hoàn.
- Đau nhức đầu, lơ mơ, co giật.
- Nôn ói nhiều, đau bụng.
- Cảm thấy bất thường ở mắt, tai hay các cơ quan khác.
4. Một số biện pháp khắc phục bệnh quai bị tại nhà
Dưới đây là một số biện pháp điều trị bệnh quai bị tại nhà, có thể giảm bớt được sự khó chịu. Cũng như ngăn ngừa được một số các vấn đề nghiêm trọng do bệnh này gây ra.
- Chebulic myrobalan là một trong những biện pháp điều trị bệnh quai bị hữu hiệu nhất hiện nay. Đây chính là một loại hỗn hợp đặc có thành phần từ thảo mộc. Bạn chỉ cần thoa nhẹ nhàng lên chỗ sưng sẽ giúp bạn cảm thấy giảm đau và xua đi cái khó chịu vô cùng hiệu quả.
- Cây Peepal là phương pháp thứ hai để chữa trị loại bệnh này. Cách sử dụng cũng rất đơn giản, chỉ cần hơ phần còn lại chỉ được phủ bằng bơ sữa, ủ ấm trên ngọn lửa. Sau cùng dùng băng ép lên vùng sưng tấy là xong.
- Ngoài ra, bạn còn có thể sử dụng lô hội Ấn Độ. Nó cũng có tác dụng điều trị bất kỳ phần nào bị sưng của cơ thể, trong đó có quai bị. Chỉ cần lấy lá đã gọt vỏ, thêm vào đó một chút hỗn hợp nghệ vào một bên. Sau đó dùng bằng ép lên phần bị đau sau khi đã làm ấm.
- Hạt măng tây cũng là một trong những cách điều trị quai bị tại nhà. Nhưng để hiệu quả tốt hơn hãy thêm hạt cỏ cari, tạo thành một hỗn hợp sền sệt. Phương pháp này thực sự hiệu quả với những phần bị viêm.
Với những kiến thức tổng hợp trên, chắc hẳn bạn đã biết cách tự kiểm tra quai bị tại nhà. Cũng như cách điều trị và khắc phục bệnh quai bị tại nhà một cách hiệu quả nhất. Từ đó có cách tự chăm sóc và theo dõi sức khỏe của mình tại nhà một cách tốt nhất.
(phunuvietnam.vn)
Bình luận
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!