Thông tin y tế trên các báo ngày 12/04/2021
Dưới đây là một số thông tin y tế đáng chú ý trên các báo ra ngày 12/04/2021, mời quý đọc giả đón đọc:
Bản tin sáng 12/4 của Bộ Y tế cho biết có thêm 3 ca mắc COVID-19 ghi nhận tại Hà Nội và Thái Nguyên.
Đây là các ca bệnh nhập cảnh được cách ly ngay. Việt Nam hiện có 2.696 bệnh nhân. Đến sáng nay, thế giới đã có trên 136,6 triệu ca mắc COVID-19.
Số ca mắc ở Việt Nam:
– Tính đến 6h ngày 12/4: Việt Nam có tổng cộng 1570 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay: 910 ca, riêng Hải Dương có 726 ca, Quảng Ninh (61 ca), Gia Lai (27 ca), Hà Nội (34 ca), Bắc Ninh (5 ca), Bắc Giang (2 ca), TP. Hồ Chí Minh (36 ca ), Hoà Bình (2 ca), Hà Giang (1 ca), Điện Biên (3 ca), Bình Dương (6 ca), Hải Phòng (4 ca ), Hưng Yên (3 ca).
10 tỉnh, thành phố (Hoà Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh và TP. Hồ Chí Minh) đã qua 58 ngày không ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng;
– Hà Nội đã 55 ngày và Hải Phòng 48 ngày không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.
– Tính từ 18h ngày 11/4-6h ngày 12/4: 03 ca mắc mới được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
Số ca mắc COVID-19 của thế giới
– Cả thế giới có 136.608.584 ca mắc, trong đó 109.794.394 ca đã khỏi bệnh; 2.948.549 2.941.111 ca tử vong và 23.865.641 ca đang điều trị (102.893 ca diễn biến nặng)
– Trong 12 giờ qua, số ca mắc của thế giới tăng 485.780 ca, tử vong tăng 7.438 ca
Thông tin ca mắc mới: 03 ca mắc mới (BN2694-2696) được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội (2) và Thái Nguyên (1). Cụ thể:
– CA BỆNH 2694 (BN2694) ghi nhận tại Thành phố Hà Nội: Bệnh nhân nam, 32 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ.
– CA BỆNH 2695 (BN2695) ghi nhận tại Thành phố Hà Nội: Bệnh nhân nam, 23 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên.
Ngày 09/4/2021, BN2694-2695 từ Nhật Bản nhập cảnh Sân bay Nội Bài và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Thành phố Hà Nội.
Kết quả xét nghiệm ngày 11/4/2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.
– CA BỆNH 2696 (BN2696) ghi nhận tại tỉnh Thái Nguyên: Bệnh nhân nữ, 23 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại huyện Sóc Sơn, Thành phố Hà Nội.
Ngày 09/4/2021, bệnh nhân từ Nhật Bản nhập cảnh Sân bay Nội Bài và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Thái Nguyên.
Kết quả xét nghiệm ngày 11/4/2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.
Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 37.938, trong đó:
– Cách ly tập trung tại bệnh viện: 523
– Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 21.705
– Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 15.710.
Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế: đến thời điểm này nước ta đã chữa khỏi 2.429/ 2.696 bệnh nhân COVID-19.
Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước hiện có 81 bệnh nhân đã âm tính với virus SARS-CoV-2 từ 1-3 lần gồm: 17 ca âm tính lần 1; Số ca âm tính lần 2: 11 ca; số ca âm tính lần 3 là 22 ca.
Số ca tử vong liên quan đến COVID-19 ở nước ta đến nay là 35 ca, đây là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (03) và Quảng Trị (01).
*Để sống chung an toàn với đại dịch COVID-19, người dân cần tuân thủ thực hiện nguyên tắc 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang; Khử khuẩn; Khoảng cách; Không tụ tập và Khai báo y tế.
(suckhoedoisong.vn)
Một bệnh nhi tử vong nghi do mắc tay-chân-miệng đến viện quá muộn
Thời tiết có nhiều diễn biến bất thường, nhiều tỉnh, thành Nam Trung Bộ và phía Nam liên tục gia tăng các ca bệnh tay – chân – miệng. Bên cạnh đó, do ý thức phòng bệnh kém, chủ quan nên nhiều ca nhập viện trong tình trạng chuyển biến nặng, khó điều trị và cứu chữa.
Cần gấp rút phòng dịch
Là tỉnh có bệnh tay-chân-miệng (TCM) diễn biến phức tạp ở Nam Trung Bộ, ngành y tế Bình Định liên tục tổ chức các đội tuyên truyền di động đến tận những nơi có nguy cơ phát sinh ổ dịch để phổ biến các biện pháp phòng bệnh.
Tuy nhiên, số ca mắc vẫn xuất hiện nhiều. Bà Nguyễn Thị Lành ở Vân Canh (Bình Định) cho biết: Nhiệt độ ở khu vực này lúc nóng, lúc ẩm. Trẻ hay mắc các bệnh lặt vặt. Người lớn lại đi làm rẫy xa, khi thấy con em ốm, thường tự mua thuốc điều trị. Vậy nên có cháu biến chứng nặng mới đưa đến cơ sở y tế. Chữa trị khó, ảnh hưởng sức khỏe tương lai.
Báo cáo của Sở Y tế Bình Định cho thấy, người dân cần bỏ ngay thói chủ quan. Riêng trong tuần từ ngày 18 đến 24/3 đã phát hiện 40 ca TCM mắc mới, tăng nhiều và xảy ra ở 08 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh này.
Đã ghi nhận 01 trường hợp trẻ tử vong nghi do TCM. Đó là bệnh nhi 19 tháng tuổi ở huyện Phù Cát. Ca bệnh này được chẩn đoán TCM độ 4, bội nhiễm, biến chứng suy hô hấp nặng. Bệnh nhân được đưa vào viện quá muộn.
Tại Bình Định, nhiều ổ dịch xuất hiện ở Hoài Nhơn, Hiệp Giao… Công tác phòng chống dịch trở nên cấp thiết nếu không dễ xảy ra bùng phát.
Các tỉnh lân cận Bình Định như: Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đồng Nai cũng xác định thay đổi nhận thức của người dân trong phòng bệnh là một trong những yếu tố then chốt để kéo giảm tình trạng mắc TCM. Người dân và giáo viên, nhà trường cần chú ý đến các triệu chứng của trẻ, để phát hiện kịp thời.
Vấn đề kiểm soát bệnh TCM, Sở Y tế Đồng Nai cũng nhìn nhận: Phải quyết liệt phòng chống bệnh này, nhất là trong thời điểm hiện nay.
Riêng trong tháng 3/2021 đã có 300 ca mắc TCM ở địa phương, tăng 2,03 lần so với tháng cùng kỳ năm 2020. Tuy chưa ghi nhận ca tử vong nhưng địa bàn Đồng Nai phức tạp, đông thành phần dân cư từ khắp nơi đổ về sinh sống nên mỗi người cần tuân thủ tốt quy định phòng bệnh.
Phòng bệnh rất quan trọng
Theo ghi nhận của Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Nhi đồng 2, vài tuần trở lại đây các ca TCM nặng nhập viện gia tăng. Các ca bệnh không chỉ ở TP. Hồ Chí Minh mà còn nhiều tỉnh lân cận đổ về. Nhiều bệnh nhân cấp cứu ở độ 3 (trẻ có biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp nặng), ở trường hợp độ 2b, 2a thì rất nhiều.
Tại Bệnh viên Nhi đồng TP. Hồ Chí Minh đầu tháng 3 đến nay cũng ghi nhận nhiều ca TCM nặng, có tuần tiếp nhận 4-5 ca, nhiều ca phải hỗ trợ máy thở…
Theo đánh giá của BS. Nguyễn Trần Nam, Trưởng khoa Nhiễm (thuộc Bệnh viện Nhi đồng TP.Hồ Chí Minh) thì: Cần đẩy mạnh phòng ngừa nếu không sẽ còn tăng trong thời gian tới. Từ tháng 3 – 5 thường là thời kỳ cao điểm TCM.
Đây là bệnh lây dễ, chủ yếu qua đường tiêu hóa, chưa có vắc-xin, nên mỗi gia đình cần tăng cường vệ sinh thường xuyên cho trẻ, cả môi trường sống xung quanh. Khi có dấu hiệu bệnh phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để khám và được hướng dẫn điều trị.
Theo Sở Y tế nhiều địa phương thì, ngành y tế tiếp tục chủ động tham mưu các cấp thẩm quyền; chỉ đạo các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các Trung tâm Y tế huyện, thành phố đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa TCM.
(suckhoedoisong.vn)
Cán bộ y tế quận Hai Bà Trưng làm tốt lời Bác dạy
Thực hiện lời Bác dạy về vai trò của y đức, hơn 60 năm qua, các cán bộ y tế quận Hai Bà Trưng không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, vượt nhiều khó khăn để luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, đáp ứng kỳ vọng của người dân.
Nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ ở một địa bàn trọng điểm
Với đặc thù là địa bàn có mật độ dân cư lớn, nhiều công trình xây dựng, nhiều sinh viên và lao động ngoại tỉnh thuê trọ, điều kiện VSMT hạn chế, dân trí không đồng đều, một bộ phận còn thờ ơ với phòng, chống dịch bệnh… quận Hai Bà Trưng luôn xác định rõ nhiệm vụ chăm sóc bảo vệ sức khỏe Nhân dân, đặc biệt quan trọng là công tác phòng chống dịch là nhiệm vụ rất quan trọng. Với mục tiêu phát hiện sớm, điều tra xử lý triệt để không để dịch bùng phát lây lan trong cộng đồng, Đảng bộ Trung tâm Y tế quận đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo các chi bộ, từ đó lan tỏa tới tập thể cán bộ đảng viên toàn Trung tâm, lồng ghép việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thực hiện công tác chuyên môn, góp phần hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.
Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Trần Thị Phương Anh không thể quên năm 2017 bùng phát dịch sốt xuất huyết (SXH) lớn nhất tại Hà Nội, quận có số ca mắc cao thứ 3 toàn TP, với 3.145 ca mắc/489 ổ dịch. Liên tục tháng 8 đến tháng 10, cán bộ y tế đi làm không ngày nghỉ, với những “thứ Bảy xanh”, “chiến dịch VSMT – diệt bọ gây”, phun hóa chất diện rộng, giám sát hoạt động đội xung kích… Trung tâm đã cùng hệ thống dự phòng toàn TP khống chế được dịch SXH. Phát huy kinh nghiệm từ đó, quận từng bước triển khai hiệu quả “Đề án chủ động phòng, chống SXH, tăng cường giám sát các khu vực trọng điểm, giảm số ca mắc mới”. 3 năm 2018 – 2020, từ địa bàn có số ca mắc luôn trong top 3 toàn TP, quận đã xuống thứ 11/30 quận, huyện.
Năm 2018 dịch sởi quay lại, thực hiện chỉ đạo của TP, quận triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vaccine Sởi -Rubella cho toàn bộ trẻ 1 – 5 tuổi trên địa bàn. Bắt đầu cuối tháng 11/2018 đến giữa 1/2019, có 17.850 trong tổng số 19.518 trẻ được tiêm phòng (tiêm miễn phí và tiêm dịch vụ), chiếm 91,5%. Đây là thành công rất đáng ghi nhận của tập thể cán bộ Trung tâm, góp phần quan trọng giúp số ca mắc sởi trong cộng đồng giảm đáng kể: Năm 2020 và 3 tháng đầu năm 2021, toàn quận chưa ghi nhận trường hợp xác định sởi.
Học, làm theo Bác từ những việc nhỏ
Phó Giám đốc Trung tâm cho hay, trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19, Việt Nam đã bước sang giai đoạn mới, trong mỗi giai đoạn, quận Hai Bà Trưng luôn được TP đánh giá triển khai kịp thời, nghiêm túc chỉ đạo của BCĐ phòng chống dịch các cấp. Với 8 bệnh nhân dương tính, 257 ca F1, hơn 1.500 ca F2 – F3 và hàng chục nghìn trường hợp từ vùng dịch về phải lấy mẫu, cách ly, giám sát tại cộng đồng… là một khối lượng công việc rất lớn mà toàn hệ thống chính trị và cán bộ y tế cơ sở quận phải thực hiện. Và trong suốt thời gian qua, cán bộ Trung tâm cũng đang tích cực triển khai tiêm vaccine Covid-19, đợt I đã tiêm an toàn cho 365 người trực tiếp tham gia phòng chống dịch trên địa bàn.
“Những con số ấy càng khẳng định, trong những thời điểm khó khăn, nếu có chủ trương đúng đắn thì nhiệm vụ chuyên môn sẽ được triển khai đúng, kịp thời. Chúng tôi xác định học, làm theo Bác không phải là những gì to tát, hình thức, mà phải thực chất, hiệu quả. Chúng tôi học, làm theo Bác từ những điều cụ thể, đơn giản nhất. Đó là nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, phương pháp làm việc khoa học; mỗi cán bộ trung thực, cầu thị, dám chịu trách nhiệm, không đổ lỗi, né tránh; tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, hết lòng phục vụ người bệnh. Và cốt lõi nhất là đoàn kết thống nhất trong tập thể, người đứng đầu gương mẫu, nói đi đôi với làm. Hiện nay, cán bộ y tế phải vừa hồng vừa chuyên mới có thể đáp ứng nhiệm vụ”- bà Trần Thị Phương Anh chia sẻ.
Những điều đó cũng là nội dung Đảng bộ Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng luôn ưu tiên hàng đầu trong giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, để có thể hoàn thành tốt sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân.
(kinhtedothi.vn)
Bình luận
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!