Thông tin y tế trên các báo ngày 10/4/2021
Dưới đây là một số thông tin y tế đáng chú ý trên các báo ra ngày 10/04/2021, mời quý đọc giả đón đọc:
Có 8 tỉnh, thành phố hoàn thành đợt 1 tiêm vaccine phòng COVID-19
Tính đến 16 giờ ngày 9/4, 8 tỉnh, thành phố kết thúc tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 1 là Tây Ninh, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Gia Lai, Hòa Bình và Hà Giang.
Tổng cộng, ngành y tế đã thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 tại 19 tỉnh, thành phố cho 58.037 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19; các nhân viên y tế thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết; thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các địa phương.
Đến thời điểm này, nước ta còn 37.938 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly). Trong đó có 523 người cách ly tập trung tại bệnh viện; 21.705 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 15.710 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này nước ta đã chữa khỏi 2.429/2.683 bệnh nhân COVID-19.
Trong số các bệnh nhân còn lại đang điều trị tại cơ sở y tế, có 22 trường hợp đã âm tính lần 1 với SARS-CoV-2; có 11 người âm tính lần 2 và 17 người âm tính lần 3.
Để sống chung an toàn với đại dịch COVID-19, người dân cần tuân thủ thực hiện nguyên tắc 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang -Khử khuẩn -Khoảng cách –Không tập trung – Khai báo y tế.
(chinhphu.vn)
Bác sĩ trẻ nơi tuyến đầu chống dịch COVID-19
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Văn Phúc (sinh năm 1990), Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu Thủ đô năm 2020 do Thành đoàn Hà Nội vinh danh. Trong thời gian chống dịch COVID-19, anh là bác sĩ cách ly điều trị trực tiếp, tham gia chăm sóc cho các bệnh nhân nặng và nguy kịch.
“Lần mò trong bóng tối của đường mòn”
Những ngày cuối tháng 3/2021, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội), khi “bức tường” ngăn cách khu vực điều trị bệnh nhân COVID-19 được gỡ xuống, bác sĩ Phạm Văn Phúc cùng các đồng nghiệp mới cho phép mình thả lỏng sau những tháng ngày căng thẳng tột độ.
Nhớ lại thời điểm tiếp nhận những bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên, bác sĩ Phúc cho biết: “Sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, vào khoảng 22 giờ, tôi đang trực thì nhận được tin có bệnh nhân COVID-19 chuyển vào viện. Lãnh đạo cũng yêu cầu Bệnh viện khẩn trương chuẩn bị giường bệnh và các trang thiết bị cần thiết để điều trị. Lúc đấy chúng tôi rất lo lắng vì đây là bệnh mới”.
Thời kỳ đầu chống dịch COVID-19, Việt Nam chưa có phác đồ điều trị bệnh rõ ràng, cụ thể. Do vậy, các bác sĩ tuyến đầu chống dịch phải tự mày mò nghiên cứu, kết hợp với thực tế tình trạng bệnh nhân để xác định nguyên nhân và tìm cơ chế điều trị. Bác sĩ Phạm Văn Phúc cho biết, trong quá trình làm việc, anh cùng các đồng nghiệp cũng có những lần tranh luận khá căng thẳng do mỗi người có một ý kiến quan điểm riêng. Tuy nhiên, theo bác sĩ Phúc, tất cả mọi người đều mong muốn tìm ra phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
Được biết, tại khu vực điều trị bệnh nhân COVID-19 của Bệnh viện có 3 bác sĩ ở vòng trong, mỗi bác sĩ trực tiếp chăm sóc 4-5 bệnh nhân, luân phiên nhau 12 tiếng/ca. Thời gian này, với số tài liệu và vốn kinh nghiệm chống dịch mới còn hạn chế, lại tiếp xúc với các bệnh nhân nặng và nguy kịch đã khiến các bác sĩ tại Khoa Hồi sức tích cực luôn trong tình trạng “căng như dây đàn”, đặc biệt là khi bệnh nhân trở nặng, ngừng tuần hoàn.
“Tôi căng thẳng đến mức gần như không ngủ được. Hết ca trực, tôi cùng các đồng nghiệp hầu như không dám nghỉ mà thường xuyên chạy ra chạy vào kiểm tra tình hình bệnh nhân, bất kể lúc đó là đêm khuya hay sáng sớm. Chúng tôi đã phải kiên nhẫn trong nghiên cứu bệnh và điều trị cho bệnh nhân. Chúng tôi làm việc đó giống như vừa đi vừa lần mò trong bóng tối của đường mòn”, bác sĩ Phạm Văn Phúc chia sẻ.
Điều dưỡng viên Nguyễn Thị Thương, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương chia sẻ: “Bác sĩ Phúc trong cuộc sống là một người rất vui vẻ, hòa đồng. Trong công việc, anh lại là một người rất nghiêm túc, luôn lấy bệnh nhân làm trung tâm. Làm việc cùng bác sĩ Phúc, chúng tôi không phải lo lắng điều gì, chỉ cần luôn luôn đảm bảo chăm sóc tốt, đầy đủ cho bệnh nhân là được”.
Trưởng thành hơn sau đại dịch
Bệnh nhân đến với Khoa Hồi sức tích cực hầu hết đều ở tình trạng nặng, thậm chí tính mạng đang trong tình trạng nguy kịch. Do đó, áp lực của các y, bác sĩ rất lớn. Bác sĩ Phạm Văn Phúc cho biết, khi còn là sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội, khi xử lý trường hợp bệnh, phần lớn có các giảng viên và sinh viên khóa trên hướng dẫn.
“Trước đây, nếu không trao đổi được với bệnh nhân thì chúng tôi có thể nhờ giảng viên và sinh viên khóa trên hỗ trợ. Nhưng đi làm thì bản thân phải là người trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Vì vậy, không chỉ chú trọng trong lĩnh vực chuyên môn mà tôi còn phải học cách ứng xử với bệnh nhân, hiểu hoàn cảnh của bệnh nhân để có thể hỗ trợ, giúp đỡ bệnh nhân tốt nhất”, bác sĩ Phúc cho biết.
Trong quá trình chống dịch COVID-19, sau những đêm nghiền ngẫm tài liệu, phác đồ điều trị hay những ngày chăm sóc bệnh nhân nặng, các y, bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã đúc kết được nhiều kiến thức, bài học kinh nghiệm hữu ích.
“Đợt cao điểm chống dịch COVID-19, cách 2 ngày chúng tôi lại hội chẩn một lần. Có khi, tối bệnh nhân diễn biến nặng thì 7 giờ sáng hôm sau đã có thông báo hội chẩn chuyên môn. Vì vậy sau thời gian này, tôi học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm từ các giáo sư, đồng nghiệp. Đây là một điều rất có lợi để các bác sĩ có cơ hội nâng cao hiệu quả trong điều trị bệnh nhân. Cũng nhờ vậy mà tôi thấy bản thân trưởng thành nhiều hơn”.
Không chỉ trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, bác sĩ Phạm Văn Phúc còn tham gia góp ý cho Bộ Y tế, Chính phủ xây dựng các chương trình, kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19, cũng như xây dựng các hướng dẫn, phác đồ điều trị bệnh nhân COVID-19. Anh cùng với nhân viên trong khoa triển khai thành công nhiều kỹ thuật cao trong điều trị như: Thở máy nâng cao, lọc máu hấp phụ phân tử (lọc Cytokines), trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO)… Nhờ đó các bệnh nhân nguy kịch vào khoa đã được điều trị khỏi bệnh, trong đó từng có những bệnh nhân rất nặng, bị suy đa tạng, ngừng tuần hoàn vẫn được cứu sống.
“Điểm nào hợp lý, điểm nào chưa hợp lý đều được tôi và các đồng nghiệp ghi chép, phản ánh tới cấp cao hơn để nghiên cứu đưa ra được phương pháp phòng, chống dịch hiệu quả”, bác sĩ Phúc cho biết thêm.
Bác sĩ Phúc bộc bạch, trải qua hai đợt cách ly, mỗi đợt kéo dài khoảng hai tháng, tất cả sinh hoạt đều diễn ra trong khuôn viên Khoa Hồi sức tích cực. Bất tiện và vất vả, nhưng nhiều bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, được đồng hành cùng bệnh nhân trong những chuỗi ngày khó khăn nhất vừa là trách nhiệm, vừa là niềm tự hào của mỗi bác sĩ chống dịch. Thậm chí cả quãng thời gian toàn thân kín mít đồ bảo hộ, không được tiếp xúc với bên ngoài hay gặp gỡ người thân, bạn bè, cũng đã trở nên bình thường đối với bác sĩ Phạm Văn Phúc và các đồng nghiệp của anh.
Hiện nay, dịch COVID-19 còn nhiều diễn biến phức tạp. Vì vậy, “cuộc chiến” chống dịch COVID-19 rất có thể sẽ kéo dài trường kỳ, khó biết trước thời điểm kết thúc. Ở những nơi tuyến đầu của cuộc chiến ấy, chắc chắn bác sĩ Phạm Văn Phúc và những đồng nghiệp của mình sẽ tiếp tục chiến đấu để mang lại niềm hy vọng, cuộc sống tươi đẹp cho những bệnh nhân.
(baotintuc.vn)
Nhập viện do ngộ độc đèn xông tinh dầu đuổi muỗi: Mối nguy từ hóa chất giả tinh dầu
Mới đây một gia đình 4 người phải nhập viện do bị ngộ độc khi sử dụng máy xông tinh dầu đuổi muỗi đặt trong phòng ngủ có biểu hiện mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu và nôn.
Sử dụng tinh dầu đuổi muỗi là một trong nhiều biện pháp phòng chống sốt xuất huyết nói riêng cũng như các bệnh khác do muỗi, côn trùng gây ra hiệu quả. Tuy nhiên với các hóa chất giả tinh dầu tự nhiên có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.
1. Đuổi muỗi bằng máy xông tinh dầu, cả nhà nhập viện cấp cứu
Ngày 9/4, các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đang điều trị cho một gia đình có 4 thành viên nhập viện do bị ngộ độc khi sử dụng máy xông tinh dầu đuổi muỗi đặt trong phòng ngủ.
Theo khai thác thì gia đình đã mua đèn xông tinh dầu để đuổi muỗi và sử dụng trong khoảng 10 ngày. Loại tinh dầu này có nhãn hiệu nước ngoài và không có chữ tiếng Việt.
Ngày 6/4, cả gia đình sau khi ngủ dậy có dấu hiệu mệt mỏi, đau nhức đầu và nôn mửa. Riêng người chồng có những biểu hiện nặng hơn nên đã nhập viện để cấp cứu.
Các bác sĩ kết luận gia đình bị ngộ độc tinh dầu từ đèn xông đuổi muỗi không rõ nguồn gốc. Hai cháu nhỏ đã được cho về nhà để chăm sóc, riêng hai vợ chồng thì vẫn phải nằm viện theo dõi do các triệu chứng nặng hơn.
2. Hóa chất giả tinh dầu tự nhiên nguy hiểm với sức khỏe như thế nào?
Ngoài tinh dầu tự nhiên thì các hóa chất giả tinh dầu cũng được bày bán nhiều trên thị trường.
Với tinh dầu tự nhiên cần sử dụng đúng cách
Các tinh dầu tự nhiên từ các loại cây như sả, tràm, bạc hà,… được biết có công dụng đuổi muỗi hiệu quả. Khi chưng cất tự nhiên từ các loại cây này sẽ thu được một chất lỏng dễ bay hơi có mùi thơm có tác dụng đuổi muỗi hay thư giãn dùng trong trị liệu, thư giãn, giảm căng thẳng mệt mỏi,…
Người ta thường sử dụng tinh dầu bằng cách bôi trực tiếp lên quần áo, da hoặc sử dụng đèn xông.
Tuy nhiên theo PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương (Trường Đại học Dược Hà Nội) cho biết thì nếu như được sử dụng đúng cách sẽ có độ an toàn cao. Nhưng, khi sử dụng tinh dầu sai cách sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng cho sức khỏe. Chẳng hạn như:
– Dị ứng tinh dầu
– Co thắt phế quản
– Viêm da
– Bỏng da
– Ức chế hô hấp
– Rối loạn nhịp tim,…
PGS.TS Hương cho biết thêm, các phản ứng có hại của tinh dầu có thể do các thành phần hóa học trong loại tinh dầu đó hoặc do sử dụng sai cách như dùng quá liều lượng thậm chí là uống tinh dầu khi không có chỉ dẫn của bác sĩ,…
PGS.TS Phạm Gia Điền, Viện Hóa học (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, tinh dầu nhân tạo là các dung dịch được tạo từ dung môi hóa chất và hương liệu tổng hợp tạo nên các mùi dựa theo mùi gốc tự nhiên.
Mỗi một loại hóa chất nhân tạo đều có một ngưỡng nguy hiểm nhất định đối với sức khỏe người sử dụng. Nhất là trong thời gian dài sẽ có các triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt, thiếu máu, mắt bị mờ hay các tổn thương não,…
Những tinh dầu này thường có giá thành rẻ, không rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ, thành phần cũng như ngày sản xuất, hạn sử dụng,…
3. Cần lưu ý gì khi sử dụng tinh dầu đuổi muỗi?
Với thời tiết giao mùa nóng ẩm như hiện tại thì nhiều gia đình đang tìm đến các phương pháp đuổi muỗi hiệu quả trong đó có tinh dầu. Các bác sĩ lưu ý một số vấn đề khi sử dụng cần nhớ như sau:
– Tuyệt đối không sử dụng đèn xông tinh dầu trong phòng kín
– Cần lựa chọn tinh dầu ở những địa chỉ uy tín, nguồn gốc rõ ràng
– Không sử dụng tinh dầu để đuổi muỗi thường xuyên
– Uống tinh dầu có thể gây ngộ độc nặng
– Với các loại tinh dầu có thành phần hoạt tính cần nghiêm túc sử dụng theo hướng dẫn
– Sử dụng tinh dầu tinh khiết, tự nhiên, không pha tạp hóa chất. Cần phân biệt rõ tinh dầu tự nhiên và tinh dầu nhân tạo dựa trên nhãn, thành phần có trên lọ
– Một số tinh dầu không được phép sử dụng trong thời kỳ mang thai và đang cho con bú, trẻ em hoặc những người bị bệnh gan và suy thận
– Cần rửa tay sau khi sử dụng tinh dầu. Nếu tinh dầu tiếp xúc với mắt thì cần nhanh chóng rửa bằng nước sạch và các loại dầu có gốc thực vật như dầu ô liu, hướng dương,…
– Bảo quản tránh ánh nắng trực tiếp
– Khi có những biểu hiện bất thường, nhất là về hệ hô hấp và thần kinh thì cần nhanh chóng tới các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và tư vấn.
(phunuvietnam.vn)
Bình luận
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!