Thông tin y tế trên các báo ngày 5/7/2021
Dưới đây là tổng hợp một số tin tức y tế đáng chú ý nhất ngày 5/7, mời quý đọc giả đón đọc:
Thủ đô ‘chia lửa’ cùng Lạng Giang: Chuyện người ra tuyến đầu
Trải qua 28 ngày đêm xông pha, sống giữa tâm dịch Bắc Giang, các y, bác sĩ của Đoàn hỗ trợ Hà Nội đã tạm quên đi cuộc sống cá nhân, rời xa gia đình để sẵn sàng “chia lửa” cho “trận tuyến”, góp phần giành lại sức khỏe, bình yên cho nhân dân.
Khi ‘hậu phương’ đi vào tiền tuyến
Tham gia vào đợt hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh lần này cho Bắc Giang, ngoài các y, bác sĩ, cán bộ là nam giới còn có rất nhiều chị em phụ nữ. Chị Chu Thị Thu Hà, Phó trưởng khoa xét nghiệm, Trung tâm Y tế huyện Ba Vì cho biết: Đây là một cuộc chiến chưa từng có trong lịch sử, các bác sĩ là nam giới khi đi về vùng dịch thường trong tâm thế không vướng bận gia đình vì còn hậu phương ở quê nhà. Nhưng với những nữ cán bộ như chị, vừa phải ra tiền tuyến vừa là hậu phương, thì vất vả, khó khăn nhân đôi, nhân ba. Trong đợt hỗ trợ Bắc Giang lần này, Trung tâm Y tế huyện Ba Vì có 5 người, tất cả đều là nữ, trong đó có người con vẫn còn rất nhỏ. Song không phải vì thế các chị nhụt chí mà vẫn sẵn sàng hy sinh, bước vào tâm dịch với tư thế của người lính dũng cảm, quyết đoán nhưng cũng rất đỗi dịu dàng. Công việc lấy mẫu dịch tưởng chừng đơn giản, nhưng thực tế không phải vậy, nó đòi hỏi phải đúng kỹ thuật, kỹ năng khéo léo, cử chỉ, hành động giao tiếp nhẹ nhàng.
Chị Hà kể lại: Vào 4h chiều ngày 16/5, khi vừa đi lấy mẫu về, chị nhận được lệnh lên đường hỗ trợ Bắc Giang. Mặc dù đã có nhiều ngày tháng chiến đấu với dịch COVID-19 và xác định rõ nhiệm vụ của mình, nhưng khi nghe tin chị vẫn có chút lo lắng vì mọi thứ quá gấp gáp, việc nhà chưa sắp xếp được chu toàn và khi đến đó phải làm những gì để giúp địa phương đẩy lùi dịch bệnh một cách nhanh nhất, an toàn nhất cho người dân, cho bản thân. Nhưng những giây phút ấy chỉ thoáng qua, chị ngay lập tức về nhà lấy đồ bảo hộ và một vài vật dụng cá nhân cần thiết… rồi tức tốc lên đường, chia lửa cùng Bắc Giang.
Chị Hà cùng Đoàn hỗ trợ Hà Nội đến Bắc Giang vào 6h30 tối ngày 16/5, sau đó đến 10h đêm thì được lệnh về huyện Lạng Giang hỗ trợ.
Ngay khi đến Lạng Giang, trong chị có rất nhiều cảm xúc và xót xa cho các đồng nghiệp. Bởi ập vào mắt chị là hình ảnh vất vả, mệt mỏi của các y, bác sĩ đã gồng mình nhiều ngày đêm chống dịch, thời gian ăn ngủ gần như không có và bị xáo trộn. Trước thực trạng đó, đoàn đã lên kế hoạch và phối hợp với lực lượng xét nghiệm của huyện Lạng Giang phân công cho các cán bộ y tế thời gian làm việc linh động, luân phiên trực–nghỉ để bảo đảm sức khỏe, chiến đấu lâu dài. Ngoài ra, Đoàn Hà Nội đã thành lập hơn 20 lớp tập huấn, hướng dẫn cho đội ngũ y tế huyện Lạng Giang lấy mẫu, bảo quản vận chuyển mẫu và các biện pháp bảo đảm an toàn khi chống dịch.
Chị Hà chia sẻ, đến Lạng Giang trong hai ngày đầu cực kỳ vất vả, 3h chiều chị và các đồng nghiệp mới được ăn trưa, 11h đêm mới được ăn tối. Bên cạnh đó là những thiếu thốn do nhiều vật dụng cá nhân không có, các chị cũng không mua được đồ dùng vì hàng quán đóng cửa. Song được sự hỗ trợ của địa phương, các chị thích ứng rất nhanh, công việc cuốn đi và không còn nhiều thời gian để ý đến bản thân nữa.
Sau 28 ngày hỗ trợ, Đoàn đã lấy gần 23.000 mẫu xét nghiệm và góp phần không chế được dịch cho Lạng Giang, dỡ giãn cách cho huyện.
Nhân rộng sức chiến đấu từ tình đoàn kết
Là người con sinh ra và lớn lên tại huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, bác sĩ Đặng Đình Huân, Phó trưởng Khoa phòng bệnh không lây nhiễm của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, ngay sau khi nghe tin quê nhà có dịch bệnh bùng phát, anh đã xung phong lên đường để trở về quê hương chống dịch.
Với kinh nghiệm hơn 10 năm chống dịch, bác sĩ Huân đã trực tiếp “cầm tay chỉ việc”, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn, tổ chức tập huấn nâng cao chuyên môn điều tra, truy vết cho cán bộ dịch tễ tại 21 trạm y tế xã, thị trấn trên địa bàn huyện Lạng Giang. Bác sĩ Huân chia sẻ, để có thể nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh, Đoàn hỗ trợ của Hà Nội đã tổ chức linh loạt, có những lần “tác chiến” độc lập và cũng có những lần phối hợp cùng với huyện, “vừa làm cho họ thấy vừa làm cùng họ, cầm tay chỉ việc từ cách thức truy vết, khoanh vùng… để nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ y tế huyện Lạng Giang.
Theo bác sĩ Huân, việc truy vết phải được thực hiện càng sớm càng tốt; xác định các mốc dịch tễ, huy động nhiều lực lượng và áp dụng nhiều biện pháp để truy vết F1 trong thời gian sớm nhất. Người tham gia truy vết khi thực hiện nhiệm vụ phải thực hiện các biện pháp phòng tránh lây bệnh. Các bước thực hiện truy vết gồm xác định mốc dịch tễ (địa điểm, sự kiện mà ca bệnh đã đến hoặc tham gia trong thời gian từ 3 ngày trước khi khởi phát bệnh đến khi được cách ly), sau đó thông báo các mốc dịch tễ đến bộ phận điều phối để triển khai lực lượng truy vết F1; rà soát và hoàn thiện danh sách F1, nhanh chóng tổ chức cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm, không để dịch bệnh COVID-19 lây lan.
Với sự chung tay, góp sức đẩy lùi dịch bệnh, sau thời gian chiến đấu, huyện Lạng Giang đã thành công trong khống chế dịch COVID-19. Các cán bộ y tế của huyện cũng được nâng cao kỹ năng, chuyên môn trong phòng, chống dịch. Ngay sau đó, huyện Lạng Giang cũng đã cử hơn 10 cán bộ lên hỗ trợ huyện Lục Ngạn phòng, chống dịch. Điều đó cho thấy, sự đoàn kết trong mọi cuộc chiến luôn có sức lan tỏa lớn lao, nhân lên niềm tin của nhân dân vào quyết sách, định hướng và các bước đi đúng đắn của Trung ương và chính quyền các cấp.
(baochinhphu.vn)
Mẹ mắc COVID-19 sinh con khi thở máy hồi phục thần kỳ
Vào viện trong tình trạng nguy cấp, thai phụ mắc COVID-19 phải thở hoàn toàn bằng máy, quá trình điều trị có nhiều tiến triển nặng, nhiều lần lọc máu… Đến nay sau gần 1 tháng điều trị tích cực, bệnh nhân đã qua nguy kịch, ổn định sức khỏe và được chuyển ra khỏi đơn vị Hồi sức tích cực…
Bệnh nhân N.T.N, nữ (33 tuổi, ở Bắc Ninh) có tiền sử gù cột sống bẩm sinh, mang thai lần 2 được 32 tuần, cân nặng thai khi vào viện 1900gam. Bệnh nhân phát hiện dương tính SARS-CoV-2 vào ngày 7/6/2021, được điều trị ở bệnh viện tuyến dưới, cho thở oxy kính, thở oxy lưu lượng cao không đáp ứng, bệnh nhân ngày càng khó thở tăng dần.
Ngày 11/6, chị N. được chuyển đến Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Tại đây, các bác sĩ đánh giá tình trạng và quyết định can thiệp đặt nội khí quản, thở máy thông số kĩ thuật cao để bảo tồn tính mạng cho cả mẹ và con.
Sau can thiệp bệnh nhân được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực ngày 13/6, được an thần, thở hoàn toàn theo máy, nồng độ oxy tối đa 100%, chế độ với thông số kĩ thuật cao dành cho bệnh nhân ARDS. Qua phân tích các chất khí trong máu, cho thấy chỉ số chức năng phổi rất xấu, (chỉ số P/F đạt 100). Bệnh nhân có trụy tim mạch và phải hồi sức nâng huyết áp bằng việc bù dịch và duy trì thuốc vận mạch.
Với tình trạng nặng, sốc do độc tố vi rút, tụt huyết áp, phù ngoại vi và mí mắt. Các bác sĩ ngay lập tức can thiệp đặt catherer động mạch theo dõi huyết động và lọc máu hấp phụ Cytokines, duy trì cân bằng dịch, cân bằng nội môi.
Song song việc hồi sức cấp cứu cho mẹ, tình trạng sức khỏe thai nhi được đánh giá sát sao, theo dõi tim thai, cơn co tử cung 2 lần/ngày. Đồng thời các bác sĩ chuyên khoa sản cũng giải thích, tiên lượng, trao đổi hướng xử trí để an toàn nhất có thể cho cháu bé.
Sang ngày thứ 2 tại ICU, bệnh nhân xuất hiện nhiều rối loạn, rối loạn điện giải (magie, can xi), rối loạn đông máu nặng nề (DDimer 7494 ng/ml), giảm albumin máu (22g/l), các bác sĩ tiếp tục chỉ định lọc máu lần thứ 2, kết hợp bù điện giải và albumin, chăm sóc tích cực khác.
Ngày thứ 3 tại ICU, mặc dù không tìm thấy điểm chảy máu, nhưng bệnh nhân có dấu hiệu mất máu nặng hồng cầu máu 2,88 triệu/ml (giá trị bình thường là 4,8-5,2), huyết sắc tố giảm mạnh Hb <85g/l, các bác sĩ phải chỉ định truyền khối hồng cầu cấp cứu.
Ngày 22/6/2021, sau 12 ngày thở máy và điều trị tích cực, kết hợp sử dụng an thần vận mạch, bù hồng cầu, albumin và điện giải, kết hợp nuôi dưỡng tĩnh mạch và lọc máu 3 lần liên tiếp, bệnh nhân đã được đánh giá có tiến triển tốt, nhưng còn tiên lượng thở máy kéo dài, các bác sĩ chỉ định mở khí quản chăm sóc hô hấp tích cực.
Đến ngày 26/6, qua 16 ngày nhập viện và thở máy, cộng nuôi dưỡng thai, qua thăm khám, các bác sĩ sản khoa thấy bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu chuyển dạ, tuổi thai được 35 tuần, cân nặng tương đương tuổi thai. 14h cùng ngày, các bác sĩ tổ chức hội chẩn các chuyên khoa, thống nhất chỉ định phẫu thuật lấy thai cấp cứu.
Khoảng 30 phút sau, bé gái nặng 2300g chào đời. Sau mổ, cả mẹ và con sức khỏe tạm ổn định. Con bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Nhi Trung ương theo dõi tiếp, bệnh nhân được chuyển lại khoa Hồi sức tích cực tiếp tục thở máy, điều trị bệnh COVID-19 giai đoạn tiến triển nặng.
Sau khi mổ lấy thai an toàn, sức khỏe bệnh nhân ổn định, không chảy máu, không phù, không xuất huyết, tình trạng phổi tốt lên. Đến 28/6, bệnh nhân được bỏ máy thở thành công.
Ngày 1/7, bệnh nhân được rút canuyn nội khí quản, xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính lần thứ nhất. Đến hôm nay 4/7, bệnh nhân sức khỏe rất tốt, tự đi lại bình thường tinh thần ổn định, được chuyển lên Khoa Nội Tổng hợp tiếp tục theo dõi đến khi đủ điều kiện xuất viện.
Theo các bác sĩ chuyên khoa Nhi, con của bệnh nhân được chăm sóc tích cực, đã ổn định, sức khỏe tốt. Các bác sĩ sẽ sớm đưa con trở về bên mẹ trong 1, 2 ngày tới. Đây là em bé thứ 5 chào đời tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương từ người mẹ mắc COVID-19.
2 người có bệnh nền mắc COVID-19 thoát “cửa tử”
Cũng trong hôm nay có thêm 2 bệnh nhân nguy kịch khác được chuyển ra khỏi đơn vị Hồi sức tích cực (ICU)– trong đó có trường hợp đặc biệt 51 ngày chăm sóc tích cực tại ICU. Cụ thể:
Bệnh nhân B.V.N, nam (61 tuổi, ở Đà Bắc, Hòa Bình), có tiền sử sốt rét, đợt trước vào viện có sốt không rõ nguyên nhân, gầy sút cân nhiều. Bệnh nhân có yếu tố dịch tễ và phát hiện dương tính vào ngày 7/5.
Ngày 14/5, bệnh nhân được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực trong tình trạng phải can thiệp đặt ống nội khí quản và thở máy, thể trạng suy kiệt, chức năng phổi suy giảm nặng nề.
Bệnh nhân được thở máy từ 14/5 – 29/6, và lọc máu 3 hấp phụ Cytokinse 3 lần, chăm sóc toàn diện, nuôi dưỡng qua ống thông kết hơp với nuôi dưỡng tĩnh mạch.
Cho đến hôm nay 4/7, sau 51 ngày chăm sóc tích cực tại ICU, bệnh nhân ổn định sức khỏe, tự thở khí phòng tốt, tỉnh táo, tiếp xúc được, xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính 6 lần liên tiếp. Bệnh nhân đã được chuyển tuyến dưới tiếp tục điều trị nâng cao thể trạng.
Trường hợp khác là bệnh nhân N.X.H, 59 tuổi (ở Thạch Hà, Hà Tĩnh), có tiền sử tăng huyết áp. Bệnh nhân có yếu tố dịch tễ và được phát hiện dương tính vào ngày 9/6. Sau 9 ngày điều trị tuyến dưới bệnh nhân tiến triển nặng, ho, khó thở nhiều, co kéo cơ hô hấp, sau 7 giờ thở oxy lưu lượng cao tình trạng k cải thiện, bệnh nhân được đặt ống nội khí quản và chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Bệnh nhân vào Khoa Hồi sức tích cực ngày 19/6, ngay sau khi vào khoa bệnh nhân được an thần, thở máy thông số kỹ thuật cho bệnh nhân ARDS, lọc máu hấp phụ Cytokines 3 lần liên tiếp. Rất may mắn cho bệnh nhân đến ngày 26/6/2021, bệnh nhân sau 8 ngày thở máy. Chăm sóc tích cực, 3 lần lọc quả Oxiris đã được rút ống thở thành công.
Hôm nay 4/7, bệnh nhân ổn định, sức khỏe tốt, đi lại bình thường, được chuyển ra khỏi ICU.
Tính đến ngày 4/7, Khoa Hồi sức tích cực hiện có 26 bệnh nhân nặng , 09 ca ECMO/22 ca thở máy. Đã có 26 ca bệnh được hồi phục tại ICU, trong đợt dịch thứ 4 này.
(suckhoedoisong.vn)
Bảo đảm mục tiêu công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân
Ngày 13/6/2014, Quốc hội đã ban hành Luật số 46/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015.
Đây là một bước tiến quan trọng trong quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHYT và tác động tích cực đến quá trình tổ chức thực hiện chính sách BHYT. Sau sáu năm triển khai, thực hiện những điểm mới được điều chỉnh, bổ sung trong luật này đã mang lại nhiều kết quả nổi bật.
Vượt chỉ tiêu của Thủ tướng Chính phủ giao
Với “điểm mới” xác định BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc, được áp dụng để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện, mọi đối tượng được quy định trong luật này đều có trách nhiệm tham gia BHYT. Trong những năm qua, số người tham gia BHYT có sự tăng trưởng ấn tượng, vượt bậc.
Năm 2016, có số người tham gia BHYT tăng nhiều nhất tới 11% so năm 2015, năm 2015 và 2017 mỗi năm tăng 6 đến 7%, giai đoạn 2018 – 2020 duy trì mức tăng khoảng 3% mỗi năm. Tính đến ngày 31/12/2020, số người tham gia BHYT là 87,97 triệu người, tăng 23,37 triệu người so năm 2014 (tương ứng tăng 36%), đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 90,85% số dân, vượt 0,15% so với chỉ tiêu BHYT của Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 và hoàn thành trước thời hạn bốn năm theo mục tiêu Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, theo đó mục tiêu đến năm 2020 tỷ lệ bao phủ BHYT ở nước ta là 80%.
Đây là tiền đề để cả nước phấn đấu sớm đạt được mục tiêu đến năm 2025 có 95% số dân tham gia BHYT, đến năm 2030 tỷ lệ tham gia BHYT là hơn 95% như mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Còn khoảng 10% số dân còn lại chưa tham gia BHYT chủ yếu rơi vào nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình, nhóm được ngân sách nhà nước (NSNN) hỗ trợ mức đóng và một phần của nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng, bao gồm: Những người tự đóng và tự đóng một phần không có thu nhập ổn định, người cận nghèo, hộ gia đình nói chung và hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp và có mức sống trung bình; người thuộc nhóm trốn đóng BHYT.
Nâng cao quyền lợi của người tham gia BHYT
Quy định về việc các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) không phân biệt công hay tư nếu đủ điều kiện đều được ký hợp đồng KCB BHYT; tổ chức KCB BHYT ban đầu được ưu tiên thực hiện tại các cơ sở y tế tuyến huyện, xã đã góp phần phát triển mạng lưới cơ sở y tế tham gia KCB BHYT với số cơ sở KCB ký hợp đồng KCB BHYT duy trì trong 5 năm tăng từ 2.000 lên đến 2.400 cơ sở và hơn 10.000 trạm y tế xã ký hợp đồng KCB BHYT thông qua bệnh viện (BV) huyện/ trung tâm y tế huyện, số cơ sở KCB tư nhân tham gia KCB BHYT cũng ngày càng gia tăng, gấp gần bốn lần so năm 2010.
Việc tiếp cận dịch vụ KCB BHYT được thuận lợi, dễ dàng hơn khi người tham gia BHYT có thể lựa chọn nơi đăng ký KCB ban đầu tại tuyến huyện, tuyến xã phù hợp nơi cư trú hoặc nơi làm việc, các quy định về KCB BHYT trái tuyến nhưng được hưởng quyền lợi như đúng tuyến, cũng như việc cải cách thủ tục hành chính, sử dụng thẻ BHYT để KCB trên ứng dụng “VssID – BHXH số”… đã tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT trong tiếp cận dịch vụ y tế (DVYT) do giảm thủ tục hành chính mỗi khi người bệnh phải chuyển tuyến, đã góp phần thuận lợi cho việc tiếp cận các DVYT của người có thẻ BHYT.
Giai đoạn 2015 – 2019, đã có hơn 809 triệu lượt KCB được quỹ BHYT thanh toán, tần suất KCB bình quân duy trì ở mức 1,9 đến 2,1 lần/người/năm. Bên cạnh đó, Quỹ BHYT bảo đảm việc chi trả từ các dịch vụ KCB cơ bản đến dịch vụ kỹ thuật (DVKT) cao, chi phí lớn cho người bệnh.
Có thể thấy, quyền và lợi ích của người tham gia BHYT luôn được bảo đảm một cách tối ưu nhất. Kể từ năm 2016 đến nay, số chi KCB BHYT thường xuyên cao hơn quỹ KCB BHYT được sử dụng trong năm, tỷ lệ sử dụng quỹ KCB BHYT trong năm của năm 2016 là 112%, của năm 2017 là 123,1%, năm 2018 là 109,7%, năm 2019 là 119% và năm 2020 ước tính là 112%.
Ứng dụng CNTT góp phần hạn chế tình trạng lạm dụng Quỹ
Theo đó, từ tháng 6/2016, BHXH Việt Nam đã ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác giám định BHYT với việc đưa vào hoạt động Hệ thống thông tin giám định BHYT, thực hiện kết nối liên thông dữ liệu KCB của hơn 12.280 cơ sở y tế từ tuyến xã đến Trung ương trên phạm vi toàn quốc.
Việc kết nối tất cả các cơ sở y tế với hệ thống góp phần thay đổi quy trình KCB tại cơ sở y tế, giúp người bệnh giảm thời gian làm thủ tục khi đến KCB, cập nhật kịp thời các thay đổi về thông tin trên thẻ BHYT, nhất là gia hạn thẻ BHYT ngay khi đang điều trị, các thông tin về quyền lợi được hưởng trong mỗi lần KCB được cung cấp cho người bệnh khi ra viện. Với các cơ sở KCB, hệ thống giúp nhân viên y tế xác định chính xác thông tin, quyền lợi hưởng BHYT của người bệnh; lịch sử KCB và các chỉ định, kết quả điều trị trước đó của người bệnh…
Năm 2017, Hệ thống ghi nhận kết quả giám định từ chối số chi không hợp lý hơn 2.500 tỷ đồng, gấp gần bốn lần khi chưa áp dụng giám định điện tử; năm 2018 là 2.300 tỷ đồng; năm 2019 số tiền giảm trừ là 2.400 tỷ đồng; năm 2020 là 1.200 tỷ đồng. Với các thông tin được cập nhật, công khai, minh bạch thường xuyên, nhiều cơ sở KCB đã có những chuyển biến tích cực trong chỉ định điều trị, góp phần tiết giảm các khoản chi không cần thiết.
Trong sáu năm tổ chức thực hiện Luật BHYT sửa đổi, bổ sung vẫn còn có không ít các bất cập, vướng mắc. Tuy nhiên, những kết quả đạt được đã khẳng định: cùng với NSNN, quỹ BHYT là nguồn tài chính công đóng góp quan trọng cho việc KCB của người tham gia BHYT, góp phần thực hiện mục tiêu công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân và bảo đảm an sinh xã hội.
Hiện tại, BHXH Việt Nam tiếp tục có những đề xuất sửa đổi Luật BHYT cho phù hợp, nhằm bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT, cũng như cân đối thu – chi để hướng tới phát triển một nền BHYT bền vững, góp phần củng cố vững chắc hơn nữa công tác chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
(nhandan.vn)
Bình luận
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!