Thông tin y tế trên các báo ngày 23/6/2021
Nội dung chính
Dưới đây là tổng hợp một số tin tức y tế đáng chú ý nhất ngày 23/6, mời quý đọc giả đón đọc:
Sáng 23/6: Cả nước có 55 ca mắc COVID-19, riêng TP Hồ Chí Minh đã 51 ca
Bản tin dịch COVID-19 của Bộ Y tế sáng 23/6 cho biết có 55 ca mắc COVID-19 trong nước, riêng TPHCM là 51 ca; 04 ca còn lại tại 2 tỉnh Bắc Giang và Nghệ An. Việt Nam có tổng số ca mắc COVID-19 là 13.782.
Thông tin diễn biến dịch COVID-19 ở Việt Nam:
Tính từ 18h ngày 22/6 đến 6h ngày 23/6 có 55 ca mắc mới (BN13728-13782):
– 0 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
– 55 ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (51), Bắc Giang (2), Nghệ An (2); trong đó 45 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
Tính đến 6h ngày 23/6:
– Việt Nam có tổng cộng 12.065 ca ghi nhận trong nước và 1.717 ca nhập cảnh.
– Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay: 10.495 ca, trong đó có 2.772 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
– Có 18 tỉnh (Yên Bái, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hải Phòng, Tây Ninh, Bạc Liêu, Điện Biên, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Thái Bình, Vĩnh Phúc) đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng.
– Số lượng xét nghiệm từ 29/4/2021 đến nay đã thực hiện 2.598.405 xét nghiệm cho 5.928.149 lượt người.
Tình hình điều trị:
– Số ca âm tính với SARS-CoV-2:
+ Lần 1: 377
+ Lần 2: 132
+ Lần 3: 141
– Số ca tử vong: 69 ca.
– Số ca điều trị khỏi: 5.546 ca.
Thông tin chi tiết các ca mắc mới:
– 2 CA BỆNH (BN13728-BN13729) ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang trong khu cách ly và khu vực đã được phong tỏa, liên quan đến công nhân làm tại các Khu công nghiệp. Kết quả xét nghiệm ngày 22/6/2021 dương tính với SARS-CoV-2.
– 2 CA BỆNH (BN13730-BN13731) ghi nhận tại tỉnh Nghệ An: là các trường hợp F1, đã được cách ly. Kết quả xét nghiệm ngày 22/6/2021 dương tính với SARS-CoV-2.
– 51 CA BỆNH (BN13732-BN13782) ghi nhận tại TP. Hồ Chí Minh: 40 ca là các trường hợp F1 đã được cách ly, 1 ca liên quan đến nhóm truyền giáo Phục hưng, 10 ca đang điều tra dịch tễ. Kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 174.948, trong đó:
– Cách ly tập trung tại Bệnh viện: 1.930
– Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 41.097
– Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 131.921
Thông tin tiêm chủng:
Tính đến 16 giờ ngày 22/6/2021, tổng cộng đã thực hiện tiêm 2.569.156 liều vắc xin phòng COVID-19. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 là 133.843 người.
Có thêm 107.772 người được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại 45 tỉnh/TP và các cơ sở y tế của Bộ Quốc phòng trong ngày 22/6/2021 như sau:
1- Hà Nội: 625
2- Hải Phòng: 696
3- Thái Bình: 266
4- Nam Định: 696
5- Hà Nam: 96
6- Ninh Bình: 403
7- Thanh Hóa: 2.023
8- Bắc Ninh: 871
9- Hải Dương: 36
10- Hưng Yên: 637
11- Bắc Cạn: 48
12- Quảng Ninh: 2.715
13- Nghệ An: 1.441
14- Hà Tĩnh: 855
15- Hà Giang: 123
16- Cao Bằng: 632
17- Sơn La: 1.125
18- Quảng Bình: 559
19- Quảng Trị: 428
20- Thừa Thiên Huế: 540
21- Đà Nẵng: 1.973
22- Quảng Nam: 677
23- Quảng Ngãi: 2.802
24- Bình Định: 173
25- Khánh Hòa: 156
26- Ninh Thuận: 1.844
27- Bình Thuận: 897
28- Kon Tum: 870
29- Gia Lai: 490
30- Đắc Lắc: 2.090
31- Đắc Nông: 750
32- TP Hồ Chí Minh: 35.148
33- Bà Rịa Vũng Tàu: 1.439
34- Đồng Nai: 10.159
35- Tiền Giang: 277
36- Long An: 1.878
37- Lâm Đồng: 1.356
38- Tây Ninh: 1.636
39- Cần Thơ: 1.036
40- An Giang: 2.810
41- Bến Tre: 96
42- Đồng Tháp: 2.457
43- Bình Dương: 3.288
44- Bình Phước: 4.360
45- Bạc Liêu: 1.270
46- BV/Viện/Trường: 10.798
47- BỘ QUỐC PHÒNG: 2.284.
(Báo Sức khỏe & đời sống)
Hà Nội không có trường hợp phản ứng nặng sau tiêm vắc xin Covid-19
Qua 3 đợt triển khai tại Hà Nội trường hợp phản ứng thông thường sau tiêm chiếm khoảng 10%, có biểu hiện sốt nhẹ, đau đầu, đau cơ,… các biểu hiện này thường nhẹ và tự khỏi trong vòng 1 vài ngày sau tiêm chủng.
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính tới ngày 22/6, Hà Nội được phân bổ 3 đợt vắc xin Covid-19 với tổng số 132.350 liều.
Các trường hợp phản ứng thông thường sau tiêm chủng là 1.515/151.020 ở mức độ nhẹ và đều được xử trí kịp thời, hiện tại sức khỏe đều bình thường.
Dự kiến, khi nhận được vắc xin đợt thứ 4 của Bộ Y tế phân bổ, Hà Nội sẽ tiêm cho công nhân tại huyện Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn.
Cũng theo Sở Y tế Hà Nội, qua 3 đợt triển khai tại Hà Nội số các trường hợp phản ứng thông thường sau tiêm chủng là 1.515/ tổng số 151.020 chiếm khoảng 10 % (tỷ lệ này tương đương với dữ liệu trong thông tin kê toa của nhà sản xuất), các trường hợp có biểu hiện sốt nhẹ, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, nhạy cảm đau tại vị trí tiêm… các biểu hiện này thường nhẹ và tự khỏi trong vòng 1 vài ngày sau tiêm chủng.
Có ghi nhận một số trường hợp phản vệ hầu hết là độ 1.
Hà Nội có các biện pháp đề phòng trong trường hợp khi người tiêm bị sốc phản vệ hay không?
Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, chia sẻ trên Báo SKĐS, để phòng chống phản vệ trong buổi tiêm chủng, tất cả quy trình tiêm chủng đều được tổ chức thực hiện chặt chẽ, tuân thủ các hướng dẫn của Bộ Y tế đảm bảo tiêm chủng an toàn là hàng đầu, tiêm đến đâu an toàn đến đó.
Các cán bộ y tế đều được tập huấn chuyên môn về Hướng dẫn phòng và xử trí phản vệ theo thông tư số 51/2017/TT-BYT
Tất cả các điểm tiêm chủng đều trang bị sẵn các phương tiện phòng chống phản vệ như hộp thuốc cấp cứu phản vệ tại bàn tiêm chủng và khu vực theo dõi xử trí phản vệ sau tiêm chủng, có bảng phân công nhân lực cụ thể để xử trí phản vệ sau tiêm chủng tại từng điểm tiêm, xây dựng các phương án và quy trình xử trí phản vệ.
Tại các Trung tâm Y tế, bệnh viện, điểm tiêm chủng lưu động đều có đội cấp cứu lưu động sẵn sàng thường trực tại đơn vị với đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị y tế thiết yếu sẵn sàng tham gia cấp cứu, điều trị người bệnh khi có trường hợp phản vệ xảy ra.
Ngoài ra để sẵn sàng xử trí trường hợp khi bị phản vệ, tại khu vực bàn tiêm chủng và khu vực theo dõi sau tiêm của tất cả các điểm tiêm chủng đều thực hiện hút sẵn 01 bơm tiêm có chứa dung dịch Adrenalin 1mg/ml theo hướng dẫn tại công văn số 4198/BYT-KCB ngày 22/5/2021 của Bộ Y tế.
Huyện Ứng Hòa hoàn thành tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 đợt 3, 4
TTYT huyện Ứng Hòa đã tổ chức triển khai tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho các đối tượng ưu tiên trên địa bàn huyện đợt 3,4 năm 2021 tại 30 điểm tiêm gồm phòng tại Bệnh viện đa khoa Vân Đình và trạm y tế 29 xã, thị trấn trên địa bàn.
Các điểm tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 được bố trí đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, quy trình tiêm được thực hiện một chiều từ khai báo y tế, đo nhiệt độ, đo huyết áp, khám sàng lọc và tư vấn trước khi tiêm, chỉ định tiêm, tiêm và theo dõi sau tiêm chủng.
Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, các đối tượng tiêm được tư vấn đầy đủ về tác dụng và các phản ứng thông thường có thể xảy ra sau khi tiêm, được khám sàng lọc, khai thác các thông tin sức khoẻ, nhất là các thông tin liên quan đến tiền sử dị ứng, tiền sử dùng thuốc để bác sỹ đưa ra chỉ định phù hợp. Bên cạnh đó, mỗi điểm tiêm đều có tổ cấp cứu cơ động của trung tâm y tế luôn thường trực với đầy đủ phương tiện, trang thiết bị, thuốc để sẵn sàng xử trí các trường hợp phản ứng sau tiêm có thể xảy ra.
Đợt này, toàn huyện tổng số có 3.164 đối tượng ưu tiên được tiêm chủng. Những người được tiêm vắc xin sẽ tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà ít nhất 7 ngày sau tiêm chủng theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
Chương Mỹ: 3.627 người được tiêm phòng Covid-19 an toàn trong đợt 3
Triển khai liên tục trong 4 ngày từ 17 đến 20/6, huyện Chương Mỹ đã hoàn thành kế hoạch tiêm phòng Covid -19 đợt 3 năm 2021. Tổng số đã có 3.627 người đã được tiêm an toàn, chưa ghi nhận trường hợp nào bị sốc phản vệ sau tiêm.
(Báo Giáo dục thời đại)
Người mắc HIV có nên tiêm vắc xin phòng COVID-19?
Bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) chia sẻ ba lý do quan trọng mà người có HIV cần và nên được tiêm vắc-xin ngừa COVID-19
Bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) chia sẻ ba lý do quan trọng mà người có HIV cần và nên được tiêm vắc xin ngừa COVID-19:
Nguyên nhân số 1: Người có HIV thuộc nhóm được ưu tiên tiêm vắc-xin. Nhiễm HIV là một tình trạng mãn tính, người có HIV thuộc nhóm có bệnh mãn tính, nếu bị mắc COVID-19 sẽ có nguy cơ diễn biến nặng. Bộ Y tế Việt Nam, trong quyết định 1210/2021 QĐ-BYT ngày 9/2/2021 đã xác định người có bệnh mãn tính là một trong 11 nhóm ưu tiên để tiêm vắc-xin COVID-19.
Cục trưởng Cục Phòng chống AIDS Việt Nam PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long đã khẳng định lại điều này trong cuộc họp thảo luận về đề xuất của Việt Nam nộp cho Quỹ Toàn cầu để ứng phó với COVID-19 vào ngày 9/6 vừa rồi.
Trước đây, có những lời đồn đoán rằng thuốc ARV có tác dụng ngăn ngừa COVID, cho đến nay, trên thế giới chưa có bằng chứng nào được thừa nhận cho nhận định này.
Nguyên nhân số 2: Các loại vắc xin COVID-19 đã được Tổ chức Y tế Thế giới phê duyệt đều an toàn cho người bị suy giảm miễn dịch. Một số vắc xin như AstraZeneca (vắc-xin của Anh, được sản xuất ở nhiều nước, đang được dùng ở Việt Nam) và Pfizer (vắc-xin của Mỹ và Thuỵ Sỹ, sẽ về Việt Nam trong thời gian tới) đều đã được thử nghiệm trên một số người có HIV và cho thấy là an toàn. Các vắc xin này không sử dụng virus sống mà sử dụng các vật liệu di truyền của COVID-19. Các vật liệu di truyền này không thể tự nhân lên nên cho dù cơ thể có miễn dịch yếu cũng không sợ là vắc xin sẽ sinh ra virus trong người mình. Nên các loại vắc xin phòng ngừa COVID-19 đang được sử dụng tại Việt Nam hoàn toàn có thể tiêm được cho người có HIV.
Nguyên nhân số 3: Các loại vắc xin đã được phê duyệt không có tương tác với thuốc ARV nên những người có HIV đang uống ARV sẽ không có tương tác thuốc, từ đó không làm giảm hiệu quả điều trị.
(Báo Tiền phong)
Chủ động ngăn chặn nguy cơ gia tăng mắc sốt xuất huyết trong mùa mưa bão
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 159 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Đặc biệt, sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng trong những tuần gần đây, một số địa bàn đã xuất hiện các ổ dịch có số ca mắc lớn như huyện Hoài Đức. Cùng với đó, thời tiết thuận lợi để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển và lây bệnh. Vì vậy, nguy cơ dịch sốt xuất huyết trong mùa mưa bão năm 2021 có thể sẽ gia tăng.
Để chủ động ngăn chặn, Sở Y tế Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp với ngành Y tế triển khai diệt lăng quăng, bọ gậy, bảo đảm tất cả hộ gia đình tại vùng có nguy cơ được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi. Chỉ đạo các trung tâm y tế giám sát chặt việc xử lý triệt để ổ dịch sốt xuất huyết tại địa phương, bảo đảm phun hóa chất đúng kỹ thuật…
(Báo Hà Nội mới)
Vaccine Covid-19 được cấp phép phải qua 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng
Trưa 23/6, Bộ Y tế thông tin, các vaccine phòng Covid-19 được cấp phép sử dụng khẩn cấp đều trải qua 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.
Theo quy định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các nước như Mỹ, châu Âu, Nhật, Hàn Quốc…, vaccine trước khi đưa vào sử dụng khẩn cấp bắt buộc phải thử nghiệm lâm sàng trên người với 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 3 là giai đoạn quan trọng nhất.
Giai đoạn này được thực hiện trên quy mô lớn với mục tiêu đánh giá tính an toàn và hiệu quả bảo vệ của vaccine. Kết quả của giai đoạn 3 sẽ quyết định việc vaccine đó có được phê duyệt để triển khai tiêm chủng rộng rãi hay không. Kể cả sau khi đã được phê duyệt, các loại vaccine đó đều phải liên tục bổ sung, cập nhật các thông tin, dữ liệu liên quan đến tính an toàn, hiệu quả của vaccine trong quá trình sử dụng.
Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 được tiến hành ở quy mô nhỏ trên một số nhóm quần thể để kiểm tra độ an toàn, tính sinh miễn dịch và xác định liều lượng tối ưu. Việc đánh giá tính sinh miễn dịch trong giai đoạn 1 và 2 này không phải là yếu tố quyết định cho việc phê duyệt khẩn cấp. Chỉ có kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 mới là yếu tố quyết định để đánh giá vaccine này có hiệu quả bảo vệ hay không, có làm giảm nguy cơ mắc Covid-19 hay không hoặc giảm nhẹ tình trạng bệnh hay không.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát rộng trên toàn thế giới, việc cấp phép khẩn cấp cho một loại vaccine phòng Covid-19 là điều cần thiết. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bỏ qua các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng bắt buộc.
Việc cấp phép khẩn cấp sử dụng vaccine Covid-19 hiện nay là do điều kiện dịch bệnh nên chưa đủ thời gian để theo dõi được vaccine trong thời gian dài như thông lệ. Mặc dù vậy, để đảm bảo tính an toàn của vaccine vẫn phải thực hiện đầy đủ quy trình đánh giá hiệu quả bảo vệ của vaccine.
Cũng giống như thông lệ quốc tế, tất cả vaccine Covid-19 trước khi đưa vào sử dụng khẩn cấp tại Việt Nam đều phải tuân thủ thử nghiệm lâm sàng qua 3 giai đoạn, trên nguyên tắc đảm bảo 3 yếu tố: An toàn, sinh miễn dịch và quan trọng nhất là hiệu quả bảo vệ.
Đến nay, Việt Nam đã phê duyệt có điều kiện cho 4 loại vaccine Covid-19 bao gồm: Comirnaty của Pfizer, A2D1222 của AstraZeneca, Sputnik-V của Gamalaya, Vero Cell của Sinopharm cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch Covid. Ngoài ra, vaccine Moderna cũng đang trong quá trình xem xét phê duyệt.
Tất cả các vaccine nói trên đều phải trải qua 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Trong đó, thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 có quy mô từ 20.000 đến 50.000 người tham gia. Cụ thể: Vaccine của AstraZeneca thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại 11 quốc gia với 49.626 người tham gia. Vaccine Vero Cell của Sinopharm thử nghiệm lâm sàng tại 6 quốc gia với trên 45.000 người. Vaccine Sputnik-V thử nghiệm lâm sàng tại 5 quốc gia với 21.977 người. Vaccine của Pfizer thử nghiệm lâm sàng tại 6 quốc gia với 43.418 người và Vaccine của Moderna thử nghiệm tại 4 quốc gia với 30.420 người.
(Báo Kinh tế & đô thị)
Quận Đống Đa: Diễn tập vận hành Khu cách ly tập trung phòng chống dịch Covid-19
Sáng 23/6, UBND quận Đống Đa đã tổ chức diễn tập vận hành Khu cách ly tập trung phòng chống dịch Covid-19 tại Khu ký túc xá Trường Đại học Thủy Lợi (phường Trung Liệt).
Tại buổi diễn tập vận hành, các đơn vị đã phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng từ khâu vận chuyển, tiếp nhận, khám sức khỏe, sắp xếp người được cách ly vào phòng cách ly; hướng dẫn nhân viên tại khu cách ly thực hiện đúng quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý chất thải và hướng dẫn người thực hiện cách ly thực hiện quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Xử lý một số tình huống trong quá trình thực hiện quản lý điều hành như: Khi phát sinh có công dân có triệu chứng nghi nhiễm và phát bệnh; khi có công dân không chấp hành nội quy hay bỏ trốn. Thực hành các bước bàn giao công dân hoàn thành thời gian cách ly tập trung. Đồng thời, đảm bảo công tác hậu cần, an ninh, an toàn khu vực cách ly.
Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Nguyễn Hoàng Giáp cho biết, ngay sau khi có quyết định của UBND TP, từ ngày 27/5, Trung tâm Y tế quận Đống Đa đã tổ chức tập huấn khung tiếp nhận, cách ly y tế tập trung cho các lực lượng phục vụ tại đây.
Đồng thời, quận giao Ban Chỉ huy quân sự quận tổ chức lực lượng thực hiện hoàn thành cơ sở vật để sẵn sàng tiếp nhận và vận hành khu cách ly. Đến thời điểm này, mọi công việc chuẩn bị cơ bản được hoàn tất và sẵn sàng tiếp nhận công dân đến cách ly khi có chỉ đạo.
Thông qua buổi diễn tập, các đơn vị, cán bộ được phân công tham gia thực hiện nhiệm vụ tại khu cách ly tập trung đã nắm rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của mình để triển khai thực hiện công tác cách ly tập trung đạt hiệu quả cao.
Khu cách ly tập trung tại Khu ký túc xá Trường Đại học Thủy Lợi đặt tại khu nhà KI, từ tầng 4 – 11, gồm có 184 phòng đáp ứng được việc thu dung khoảng 552 chỗ ở cho người đến cách ly. Cụ thể, tầng 1 khu nhà ăn nhà được bố trí là nơi sinh hoạt của lực lượng phục vụ. Tầng 2 khu Hội trường được bố trí là khu điều hành Khu cách ly tập trung.
Đến thời điểm hiện tại, khu cách ly tập trung trường Đại học Thủy Lợi đã hoàn tất các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết đảm bảo sinh hoạt bình thường cho các đối tượng cách ly; bố trí đầy đủ trang thiết bị y tế, hóa chất, vật tư, phương tiện bảo hộ cũng như nguồn nhân lực phục vụ, sẵn sàng cho việc tiếp nhận và cách ly phòng chống dịch Covid-19 cho người tiếp xúc gần.
(Báo Kinh tế & đô thị)
Bình luận
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!