Thông tin y tế trên các báo ngày 29/5/2021
Nội dung chính
Dưới đây là tổng hợp một số tin tức y tế đáng chú ý nhất ngày 29/5, mời quý đọc giả đón đọc:
Thủ tướng chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về giải pháp cấp bách phòng, chống dịch
Sáng 29-5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.
Cùng dự tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình; tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ ở Hà Nội có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Dự Hội nghị tại các điểm cầu địa phương có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Hội nghị được tổ chức trực tuyến tới UBND tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và các quận, huyện, thị xã có khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất, khu kinh tế.
Phát biểu ý kiến mở đầu hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, vừa qua, cuối tháng 4, đợt dịch thứ 4 bùng phát cả nước. Chính phủ và các cơ quan liên quan dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chủ tịch nước, các cơ quan đã vào cuộc tích cực. Tuy nhiên, tình hình mới, diễn biến mới phức tạp hơn thì chúng ta cần phải có những giải pháp tích cực hơn, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, thần tốc hơn mới có thể kiềm chế, đẩy lùi dịch, đặc biệt là các thành phố lớn và các KCN. Do đó, hôm nay, Thủ tướng chủ trì hội nghị quan trọng này với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cả nước phải tập trung sức lực, trí tuệ, tinh thần cao nhất vào công cuộc chống dịch. Chức vụ càng cao thì trách nhiệm phải càng lớn.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tại Bắc Ninh, Bắc Giang, dịch bệnh diễn biến phức tạp, dịch bùng phát với số mắc cao, dự báo lây lan trong các KCN và ra cộng đồng. Các trường hợp mắc mới sẽ tiếp tục được ghi nhận do nguồn lây tồn tại trong thời gian dài, phạm vi rộng, nhưng cơ bản tình hình dịch bệnh tại hai địa phương đang cố gắng từng bước kiểm soát. Các trường hợp hầu hết đã được cách ly từ trước hoặc được phát hiện trong khu vực phong tỏa. Một số địa phương, đặc biệt tại các đô thị tập trung đông người như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có thể vẫn tiếp tục ghi nhận các ổ dịch rải rác, các chùm ca bệnh trong cộng đồng do có nhiều nguồn lây chưa được phát hiện, kiểm soát từ các ổ dịch cũ, từ các địa phương khác hoặc có các nguồn lây nhập cảnh từ nước ngoài chưa được phát hiện.
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế liên tục tổ chức họp, làm việc với hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và yêu cầu địa phương thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch với ưu tiên nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch tại hai tỉnh; thiết lập bộ phận thường trực phòng chống dịch của Bộ Y tế tại Bắc Ninh, Bắc Giang; chuẩn bị thiết lập kho vật tư phòng chống dịch tại khu vực này.
Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, triển khai thần tốc công tác truy vết, cách ly, khoanh vùng, thực hiện lây mẫu, xét nghiệm trên diện rộng tại các địa điểm, khu vực có dịch; chỉ đạo triển khai các phương án cách ly y tế phù hợp tình hình thực tế, thực hiện thí điểm việc thiết lập khu vực cách ly y tế tập trung ngay tại khu vực lưu trú của công nhân, người lao động thuộc khu vực phong tỏa, chỉ đạo triển khai các phương pháp xét nghiệm trong tình hình mới như xét nghiệm kháng nguyên huyết thanh, xét nghiệm gộp mẫu.
Huy động và điều động số lượng lớn nhất từ trước tới nay với gần 1.500 y bác sĩ, cán bộ y tế, giảng viên, học viên và sinh viên ngành y trực tiếp tham gia hỗ trợ Bắc Giang và Bắc Ninh. Chỉ đạo xây dựng kế hoạch đáp ứng phòng, chống dịch với tình huống 30 nghìn trường hợp mắc và chỉ đạo các địa phương, đơn vị báo cáo số lượng hiện có, tình hình sử dụng và đề xuất nhu cầu bổ sung các trang thiết bị, vật tư, hóa chất phục vụ công tác dự phòng phòng, chống dịch đáp ứng tình huống 30 nghìn trường hợp mắc…
Đến ngày 27-5, toàn quốc đã hoàn thành việc triển khai tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 đợt 1, đợt 2 và đã tiêm được 1.038.802 liều trên tổng số 917.600 liều vaccine phân bổ trên phạm vi toàn quốc; tỷ lệ sử dụng vaccine đạt 113%. Trong đó, số người đã được tiêm đủ hai mũi vắc vaccine phòng Covid-19 khoảng 42 nghìn người. Bộ Y tế đã tiếp nhận 1.682.400 liều vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca do COVAX Facility hỗ trợ và 288 nghìn liều mua của AstraZeneca. Một số đơn vị, địa phương đã bắt đầu triển khai tiêm chủng vaccine đợt 3, trong đó tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang đã phát động chiến dịch triển khai tiêm chủng cho công nhân tại KCN, chế xuất trên địa bàn.
Bộ Y tế đang xây dựng Đề án nhập khẩu, sản xuất, tổ chức tiêm vaccine phòng, chống dịch Covid-19 và bố trí, huy động nguồn lực để thực hiện đồng thời khẩn trương rà soát, cập nhật kế hoạch tiêm chủng để đáp ứng việc tiêm chủng với số lượng đối tượng lớn và nhiều loại vaccine khác nhau.
Báo cáo thêm về việc thực hiện chiến lược vaccine, Bộ trưởng Y tế cho biết, mục tiêu là tạo miễn dịch cộng đồng trong năm 2021, tuy nhiên, nhu cầu vaccine ở các nước rất lớn, tình trạng khan hiếm trên toàn cầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tại Việt Nam, bên cạnh việc đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, trong đó có một loại chuẩn bị thử nghiệm giai đoạn thứ 3, Bộ Y tế đã tích cực đàm phán, tìm kiếm tất cả các nguồn vaccine phòng Covid-19 trên thế giới. Cho tới nay, Việt Nam đã ký kết, cam kết khoảng hơn 100 triệu liều vaccine để tiêm cho 70% dân số từ 18 tuổi trở lên và đang nỗ lực để mua thêm 40 triệu liều để có thể thực hiện được mục tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, tiến độ cung ứng vaccine cũng cần hết sức được quan tâm để các lô vaccine về sớm nhất. Bộ Y tế khẳng định ưu tiên cho Bắc Giang, Bắc Ninh để tiêm cho hai địa phương này nhanh nhất có thể. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, việc bảo vệ các KCN trong bối cảnh hiện nay là hết sức quan trọng để bảo vệ sản xuất công nghiệp. Chúng ta đã xác định nguy cơ đối với các KCN là cao nhất, có thể lây nhiễm rất nhanh chóng, khó khăn trong vấn đề kiểm soát. Bộ Y tế đã xây dựng kịch bản ứng phó chi tiết với tình huống lây nhiễm trong KCN, phải lên phương án giãn cách sản xuất cụ thể trong từng nhà máy, khu công nghiệp khi có dịch bệnh. Đặc biệt, phải tiến hành quản lý chặt chẽ công nhân từ nơi làm việc, khi đi trên phương tiện giao thông, đến nơi cư trú. Các KCN phải thực hiện xét nghiệm sàng lọc thường xuyên, tối thiểu từ 20% số công nhân trở lên. Trách nhiệm của các chủ doanh nghiệp, cơ quan quản lý doanh nghiệp phải được tăng cường. Tăng cường khả năng tiếp cận vaccine cho công nhân trong các KCN.
Giãn cách xã hội là biện pháp rất quan trọng để phòng chống dịch, các địa phương đã rất chủ động thực hiện khoanh vùng, cách ly quyết liệt nhưng ở phạm vi gọn nhất có thể, hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân.
(nhandan.vn)
Chủ tịch Hà Nội đề nghị được mua sắm trang thiết bị y tế theo hình huống khẩn cấp
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đề nghị Thủ tướng, các bộ, ngành quan tâm hướng dẫn việc mua sắm vật tư trang thiết bị y tế theo tình huống khẩn cấp để đáp ứng công tác phòng chống dịch.
Báo cáo Thủ tướng tại Hội nghị toàn quốc triển khai giải pháp cấp bách nhằm chống dịch, sáng 29/5, Chủ tịch UNND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, từ 27/4 đến nay, thành phố có 197 ca F0, trong đó có 159 ca cộng đồng, 38 ca từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, Bệnh viện Phổi Trung ương.
Đặc biệt, từ 23/5, thành phố rất “căng thẳng”, “gồng mình” với chùm ca bệnh mới phức tạp liên quan đến hai địa điểm là Times City và Công ty T&T. Đây là chùm ca bệnh lần đầu tiên trên địa bàn Thủ đô mà bị mất dấu F0, rất phức tạp, có nhiều ca mắc liên quan.
Trước diễn biến phức tạp của dịch, Chủ tịch Hà Nội cho rằng cần tăng cường siết chặt quản lý cư dân ở các khu đô thị, cao tầng, tổ hợp văn phòng để đối phó với dịch trong trạng thái mới.
Về vaccine, ông Chu Ngọc Anh kiến nghị Thủ tướng, Ban Chỉ đạo Quốc gia tiếp tục có chính sách ưu tiên phân bổ vaccine cho các thành phố lớn, có nguy cơ cao như Hà Nội, TP.HCM và có cơ chế để triển khai tiêm vaccine theo hình thức dịch vụ, đặc biệt là khu công nghiệp. Đồng thời cho phép Hà Nội chủ động để tiếp cận và đàm phán tiếp cận các nguồn để chủ động thực hiện.
Chủ tịch Hà Nội cũng đề nghị Thủ tướng, các bộ, ngành quan tâm hướng dẫn việc mua sắm vật tư trang thiết bị y tế theo tình huống khẩn cấp để đáp ứng công tác phòng chống dịch.
Từ đầu cầu TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch thành phố cho biết qua giải trình tự gene SARS-CoV-2 cho thấy sự lưu hành đồng thời của cả hai biến thể Ấn Độ và Anh có khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng.
Các ca bệnh đã xuất hiện tại hơn 50% số quận huyện của thành phố, với đặc điểm chủng virus lây nhanh, mạnh nên nguy cơ dịch tiếp tục lây lan trong thành phố là rất cao, do mức độ người dân đi lại và giao lưu, tiếp xúc trong lao động, học tập, sinh hoạt.
Chủ tịch UBND TP HCM kiến nghị, trong tình hình liên tiếp phát hiện nhiều chùm ca bệnh từ cộng đồng, đề xuất Ban Chỉ đạo quốc gia có chỉ đạo về biện pháp giám sát người đến từ những địa phương đang có nhiều ca bệnh trong cộng đồng để các địa phương kiểm soát chặt chẽ nguy cơ nguồn bệnh xâm nhập.
(tienphong.vn)
Ca COVID-19 ở Gia Lai đi máy bay, đến nhiều hàng quán ở Hà Nội
Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch tỉnh Gia Lai tổ chức cuộc họp khẩn về việc ghi nhận 1 ca dương tính với SARS-CoV-2 tại huyện Krông Chro. Đồng chí Võ Ngọc Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ phòng, chống dịch tỉnh Gia Lai chủ trì cuộc họp.
Theo báo cáo nhanh của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Gia Lai, qua công tác xét nghiệm các ca nghi nhiễm tại khu cách ly tập trung đã phát hiện 1 trường hợp ghi nhận dương tính lần đầu với SARS-CoV2.
Trường hợp dương tính là công dân L.H.L sinh năm 1977, trú tại thị trấn Krông Chro, huyện Krông Chro, công dân là F1 của bệnh nhân số 5410 và đã được cách ly tập trung, có kết quả xét nghiệm âm tính vào ngày 25/2/2021.
Các địa điểm dịch tễ liên quan đến ca dương tính như sau:
Quán bún cá tại ngõ Nam Đồng, Xã Đàn, phường Thổ Quan, quận Đống Đa, Hà Nội;
Quán cà phê Tâm Linh, Xã Đàn, Thổ Quan, quận Đống Đa, Hà Nội;
Tầng hầm, tầng 2 (gian hàng Uniqualo), tầng 6 (Nhà hàng Shogum), VinComs Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội;
Nhà số 3, ngách 164/39, Đê La Thành, Phổ Quang, Đống Đa, Hà Nội;
Chuyến bay VJ437, từ sân bay Nội Bài đến sân bay Phù Cát, Bình Định;
Nhà số 28, Lê Hồng Phong, thị trấn Krông Chro, huyện Krông Chro;
Quán Hi Tea, số 340, Nguyễn Huệ, thị trấn Krông Chro.
Qua quá trình truy vết các trường hợp tiếp xúc với trường hợp dương tính có 18 trường hợp F1 và 965 trường hợp F2.
BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo tiến hành cách ly tập trung đối với các F1 và cách ly với các F2, các địa điểm có yếu tố dịch tễ liên quan đến trường hợp ghi nhận dương tính đã được đóng cửa, dán cảnh báo và phun, khử khuẩn theo quy định.
Đề nghị Quân Khu 5 hỗ trợ phun, khử khuẩn khu vực trung tâm thị trấn Krông Chro và khu vực đang thi công các dự án điện gió trên địa bàn huyện.
Các ngành, địa phương nâng cao mức cảnh báo đối với việc phòng, chống dịch; đề nghị người dân không hoang mang, lo lắng, không chủ quan, tin tưởng và tích cực phối hợp với chính quyền địa phương triển khai thực hiện tốt các biện pháp khuyến cáo phòng, chống dịch.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi họp, đồng chí Võ Ngọc Thành yêu cầu hình thành nhanh khu cách ly tại huyện Krông Chro, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm ngay trong đêm đối với các F2 trở thành F1; quản lý chặt chẽ các trường hợp F2; rà soát kỹ về hành trình di chuyển của F0, F1 để tiếp tục truy vết các đối tượng có liên quan;
BCĐ phòng, chống dịch huyện Krông Chro và Thị xã An Khê kích hoạt công tác phòng, chống dịch ở mức độ cao, thường xuyên
Đề nghị người dân không tập trung đông người, nếu như không có việc cần thiết không nên ra khỏi tỉnh, nếu từ ngoài tỉnh về phải thực hiện khai báo y tế. Kiểm soát người đi từ ngoài tỉnh về, đặc biệt là những người đi về từ vùng dịch.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đề nghị Thành viên BCĐ phòng, chống dịch tỉnh trực tiếp về vùng dịch để kiểm tra, hướng dẫn, đưa ra những biện pháp xử lý phù hợp; tổ chức thực hiện cam kết phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp; lực lượng biên phòng siết chặt quản lý biên giới, phát động phong trào tố giác những đối tượng vượt biên trái phép.
Tăng cường công tác giám sát, quản lý khoa học tại các khu cách ly; chuẩn bị nhanh các khu điều trị, ứng dụng công nghệ thông tin kích hoạt nhanh bản đồ truy vết. Làm tốt công tác tư tưởng cho đội ngũ cán bộ y bác sĩ để có thể sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.
Giao CDC khẩn trương tiến hành xét nghiệm, để đưa ra phương án xử lý cụ thể; thông báo cho CDC tỉnh Bình Định về ca nhiễm COVID-19 tại Gia Lai. Đồng thời, tiếp tục quản lý người đã hết thời gian cách ly cũng như người đang thực hiện cách ly tại nhà./.
(baochinhphu.vn)
Vợ mục sư Hội thánh truyền giáo Phục Hưng từng đi Hà Nội 7 ngày
Từ 23 đến 29/4, vợ mục sư Hội thánh truyền giáo Phục Hưng đi Hà Nội và 2 tuần sau có triệu chứng liên quan dịch Covid-19.
Thông tin trên được Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh báo cáo tại cuộc họp khẩn Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tối 28/5 do chủ tịch UBND TP.HCM chủ trì.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, liên quan đến ổ dịch tại Hội thánh truyền giáo Phục Hưng (quận Gò Vấp) đã phát hiện được 58 trường hợp nhiễm Covid-19. Trong đó có một số ca bệnh có triệu chứng từ ngày 13/5, một số ca không ghi nhận hoặc không rõ triệu chứng.
Ngành Y tế TP đã truy vết 708 F1, có 639 mẫu âm tính, 69 mẫu chờ kết quả; 11.644 F2 có 5.658 mẫu âm tính, 5.986 mẫu chờ kết quả.
Đáng chú ý, ông Bỉnh cho biết, theo điều tra bệnh nhân 6293 là vợ mục sư Hội thánh truyền giáo Phục Hưng đi Hà Nội ngày 23/4 và về TP.HCM ngày 29/4. Cơ quan công an, hàng không cũng đã xác nhận thông tin này.
“Ngày 13/5, bà có triệu chứng đầu tiên trong nhóm và hiện đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Đây là thông tin rất quan trọng”, ông Bỉnh nhấn mạnh.
Giám đốc Sở Y tế TP cũng thông tin, hiện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM đã giải trình tự gene từ 5 bệnh nhân trong nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, kết quả xác định đều nhiễm biến chủng Ấn Độ.
(vietnamnet.vn)
Việt Nam xuất hiện biến chủng nCoV lai hoàn toàn mới
Một biến chủng virus mới, lai giữa biến chủng Ấn Độ và Anh, có tốc độ lây nhanh, phát tán mạnh trong không khí, đang được ghi nhận ở Việt Nam.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết như trên tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống Covid-19, sáng 29/5.
Ông Long cho biết hiện nay giải trình tự gene virus trên các bệnh nhân ở Việt Nam cho thấy có hai biến chủng thường thấy là Ấn Độ và Anh. Trong đó, chủng từ Ấn Độ phổ biến nhất, ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội… Chủng Anh xuất hiện ở Đà Nẵng và một số địa phương khác.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế phát hiện một chủng mới có sự lai tạo giữa hai biến chủng trên. Trên chủng Ấn Độ có những đột biến gene của chủng Anh.
“Bộ Y tế sẽ công bố chủng này trên bản đồ gene thế giới”, ông Long nói.
Theo Bộ trưởng Long, đặc điểm của đợt dịch lần này là lây nhanh, virus phát tán rộng và mạnh trong không khí. Mức độ đào thải mầm bệnh cũng rất nhanh.
Khi nuôi cấy trong phòng thí nghiệm và môi trường ngoài, nồng độ virus trong dịch hầu họng tăng rất nhanh và phát tán rất mạnh trong môi trường không khí. Do đó, số ca mắc đợt này tăng rất nhanh và lan rộng trong thời gian ngắn.
Như tại công ty Hosiden Bắc Giang, môi trường không khí hạn hẹp, thông khí kém, đông người, có tới gần 1.000 người nhiễm trong số 4.800 công nhân. Đây là ví dụ điển hình của lây lan nhanh. Vòng lây nhiễm của chủng virus này chỉ 1-2 ngày, tức là sau từng ấy ngày đã có một tầng F nữa nhiễm bệnh. Số ca nhiễm có thể lây theo cấp số nhân.
“Đây là một trong những lý do dịch ở Bắc Giang, Bắc Ninh khó kiểm soát dù đã thực hiện nhiều biện pháp chống dịch rất quyết liệt”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 7 biến chủng của nCoV, gồm: B.1.222, B.1.619, D614G, B.1.1.7 (biến chủng Anh), B.1.351, A.23.1 và B.1.617.2 (biến chủng Ấn).
Đợt dịch thứ 4 bùng phát từ ngày 27/4 đến nay. Tổng số ca nhiễm cộng đồng là 3.595, ghi nhận ở 33 tỉnh thành. 5 tỉnh nhiều ca nhiễm nhất là Bắc Giang 1881, Bắc Ninh 736, Hà Nội 356 ca (trong đó Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 90 ca, 50 ca ở Bệnh viện K), Đà Nẵng 155, Vĩnh Phúc 89. TP HCM 69 ca Covid-19, đứng thứ 6 cả nước.
(vnexpress.net)
28.000 người sẵn sàng đến Bắc Giang chống dịch
Ngoài 1.400 nhân viên y tế đang hỗ trợ Bắc Giang, 28.000 người khác cũng đã đăng ký, sẵn sàng lên đường khi có lệnh.
Bắc Giang hiện là tâm dịch Covid-19 nóng nhất cả nước với hơn 1.800 ca mắc. Bộ Y tế đã dồn tổng lực chi viện cho Bắc Giang, đặt Bộ phận thường trực do Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn điều hành tại địa phương chống dịch.
Thứ trưởng Sơn cho biết, ngay từ những ngày đầu bùng dịch Covid-19 tại Bắc Giang, lực lượng y tế cả nước luôn dõi theo tình hình, rất nhiều địa phương cử nhân viên y tế đến hỗ trợ. Chỉ tính riêng từ ngày 18/5 đến nay, khi Bộ phận thường trực của Bộ Y tế có mặt tại Bắc Giang, đã có gần 1.400 bác sĩ, điều dưỡng, sinh viên từ trung ương đến địa phương đến hỗ trợ truy vết, lấy mẫu, xét nghiệm, điều trị.
“Đây là những nhân viên y tế tinh nhuệ nhất”, Thứ trưởng nói.
Theo Thứ trưởng Sơn, hiện còn có hơn 28.000 giáo viên, sinh viên các trường y trên cả nước đã đăng ký đến tâm dịch Bắc Giang, sẵn sàng lên đường ngay khi có lệnh. Bộ trưởng Y tế cũng đã gửi thư hiệu triệu kêu gọi hỗ trợ và ngành y tế 63 tỉnh, thành đều sẵn sàng tiếp sức để thay quân.
Số ca bệnh tại Bắc Giang đang tăng từng ngày, đặc biệt xuất hiện những ca bệnh nặng, đòi hỏi phải được bác sĩ theo dõi, chăm sóc hồi sức hết sức sát sao. Ngành y tế đã chuẩn bị sẵn các ekip hồi sức từ các bệnh viện lớn để hỗ trợ.
Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Phổi Trung ương… đang có mặt hỗ trợ Bắc Giang về điều trị.
Sắp tới, Bắc Giang cũng bước vào chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 rộng rãi, nếu nguồn lực địa phương không đủ, Bộ sẽ tiếp tục huy động thêm điều dưỡng có kinh nghiệm từ các cơ sở y tế trong cả nước đến hỗ trợ.
Ngoài nhân lực, Bộ Y tế cùng các cơ sở y tế, cơ quan, cũng hỗ trợ vật lực cho Bắc Giang. Ngày 28/5, Phó giáo sư Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, đã trao tiền và hiện vật ủng hộ Bắc Giang cùng cam kết sẽ tiếp tục ủng hộ và chi viện nhân lực, vật lực.
Trong đó, gần 140 triệu đồng là số đóng góp một ngày lương của công nhân viên chức của bệnh viện, hơn 10.000 khẩu trang y tế N95, 12.500 chiếc khẩu trang y tế cùng với nhiều nước uống bổ sung vitamin, 720 bộ quần áo phòng hộ. Tổng giá trị 700 triệu đồng đã được trao đến ông Từ Quốc Hiệu, giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Giang, đại diện tiếp nhận các phần quà ủng hộ.
Bệnh viện Tim Hà Nội hỗ trợ Bắc Giang phòng chống dịch, ngày 28/5. Ảnh: Quang Hùng.
Bệnh viện K dù đang cách ly song cũng “chia lửa” với Bắc Ninh, Bắc Giang 350.000 khẩu trang y tế, trong đó mỗi tỉnh 175.000 khẩu trang y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch. Ngoài ra, hơn 1.000 thùng mỳ tôm; hàng nghìn thùng nước tinh khiết và 50.000 khẩu trang y tế hướng về tâm dịch Bắc Giang.
“Với sự nỗ lực như vậy, chúng tôi hy vọng sẽ giúp Bắc Giang sớm ngăn chặn được dịch Covid-19 để hoạt động sản xuất trở lại, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và ổn định đời sống cho người dân”, Thứ trưởng Sơn nói.
(vnexpress.net)
Bình luận
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!