Thông tin y tế trên các báo ngày 31/5/2021

Dưới đây là tổng hợp một số tin tức y tế đáng chú ý nhất ngày 31/5, mời quý đọc giả đón đọc:

Thêm 27 ca dương tính đều đã được cách ly, Hà Nội có 209 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2

Sáng 31-5, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trên địa bàn thành phố ghi nhận thêm 27 trường hợp dương tính mới với SARS-CoV-2 đều là F1 đã được cách ly tập trung tại Trường Quân sự Sơn Tây. 27 trường hợp dương tính này được ghi nhận tại 9 quận, huyện: Mê Linh (4 ca), Thanh Oai (3 ca), Sóc Sơn (5 ca), Thường Tín (7 ca), Phúc Thọ (2 ca), Thanh Xuân (2 ca), Long Biên (1 ca), Cầu Giấy (1 ca), Đông Anh (2 ca).

Huyện Mê Linh có 4 bệnh nhân: Đó là N.V.M (nam, sinh năm 1976 ở thôn 3, Đông Cao, xã Tráng Việt); T.T.T.M (nữ, sinh năm 1987, ở 47 tổ 7, thị trấn Quang Minh); P.T.P (nam, sinh năm 1994, ở Do Thượng, xã Tiền Phong); H.T.L (nữ, sinh năm 1973, tổ 1, thị trấn Quang Minh).

Huyện Thanh Oai có 3 bệnh nhân: Đó là T.V.C (nam, sinh năm 1998, thôn Thượng, xã Cự Khê); L.H.A (nữ, sinh năm 2000, khu đô thị Thanh Hà, xã Cự Khê); P.V.P (nam, sinh năm 1981, khu đô thị Thanh Hà, xã Cự Khê).

Huyện Sóc Sơn có 5 bệnh nhân: Đó là N.T.D (nữ, sinh năm 1989, thôn Thắng Trí, xã Minh Trí); L.N.L (nam, sinh năm 1993, xã Hiền Ninh); N.T.H (nữ, sinh năm 1997, thôn Lai Cách, xã Xuân Giang); N.T.T.M (nữ, sinh năm 1982, xóm 4, Đồng Trầm, xã Tiên Dược); N.V.T (nam, sinh năm 1989, Quảng Hội, xã Quang Tiến).

Huyện Thường Tín có 7 bệnh nhân: Đó là V.Q.M (nam, sinh năm 2007, thôn Tử Dương, xã Tô Hiệu); T.V.T (nam, sinh năm 1993, xã Tân Minh); N.T.H (nữ, sinh năm 2006, An Định, xã Tô Hiệu); N.V.T.T (nam, sinh năm 2010, thôn Ba Lăng, xã Dũng Tiến); N.Q.C (nữ, sinh năm 2005, tiểu khu Nguyễn Du, thị trấn Thường Tín); N.Đ.L (nam, sinh năm 2010, thôn Ba Lăng, xã Dũng Tiến); V.T.H (nữ, sinh năm 1988, thôn Ba Lăng, xã Dũng Tiến).

Huyện Phúc Thọ có 2 bệnh nhân: Đó là Đ.H.H (nam, sinh năm 1945, Hiệp Lộc 3, xã Hiệp Thuận); N.V.T (nam, sinh năm 1987, Hiệp Thuận 1, xã Hiệp Thuận).

Quận Thanh Xuân có 2 bệnh nhân: Đó là T.T.H.A (nữ, sinh năm 1972, phường Kim Giang); N.T.L (nữ, sinh năm 1992, phường Khương Đình).

Quận Long Biên có 1 bệnh nhân: N.V.B (nam, sinh năm 1989, phường Việt Hưng).

Quận Cầu Giấy có 1 bệnh nhân: N.T.L.H (nữ, sinh năm 1977, Nguyễn Khang, phường Yên Hòa).

Huyện Đông Anh có 2 bệnh nhân: Đó là N.V.T (nam, sinh năm 1991) và  L.V.V (nam, sinh năm 1996) đều ở Sáp Mai, xã Võng La.

Với việc ghi nhận thêm các ca ở khu cách ly tập trung, Hà Nội đã có 209 trường hợp dương tính với vi rút SARS-CoV-2 kể từ ngày 29-4 đến nay. Riêng tại khu cách ly tập trung Trường Quân sự Sơn Tây, từ ngày 23-5 đến nay ghi nhận 50 trường hợp, trong đó, ngày 30-5 có 35 trường hợp.

Hiện CDC Hà Nội đã có báo cáo gửi Sở Y tế Hà Nội, đồng thời, đề xuất thực hiện giảm mật độ trong khu cách ly, giảm mật độ người/phòng để hạn chế lây lan. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt các quy định phòng, chống dịch Covid-19 tại khu cách ly.

Được biết, từ ngày 26-2, Trường Quân sự Sơn Tây tiếp nhận cách ly tập trung các trường hợp cách ly y tế bắt buộc trong phòng, chống dịch Covid-19. Khu cách ly có 2 tòa nhà TT1 và TT2 gồm 67 phòng, hiện có hơn 900 người là đối tượng tiếp xúc gần đang được cách ly tại đây. Số cán bộ phục vụ là 40 người (28 quân nhân và 12 nhân viên y tế).

(hanoimoi.com.vn)

51 người tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang liên quan ca Covid-19 ở Long Biên

Bệnh viện xác định được 51 người liên quan ca Covid-19 (tính cả trường hợp chỉ đi thoáng qua bệnh nhân). Tới nay, tất cả đều âm tính SARS-CoV-2.

Chiều hôm qua 30/5, CDC Hà Nội thông tin về ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng, chưa rõ nguồn lây. Người này tên Đ.T.P., nữ, sinh năm 1992, ở Ngọc Thụy, Long Biên, là nhân viên văn phòng, làm việc tại Công ty Nhân Hòa, số 99 Láng Hạ, Đống Đa.

Theo điều tra dịch tễ ban đầu, chị P. từng về quê tại Hải Dương từ ngày 8/5 (phường nhà bệnh nhân ở Hải Dương có ca dương tính). Ngày 23/5, bệnh nhân xuất hiện đau họng, đau đầu, đến ngày 24/5 đi khám tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, được lấy mẫu sàng lọc, kết quả âm tính SARS-CoV-2.

Sau đó, bệnh viện kê đơn để người bệnh điều trị ngoại trú. Ngày 27/5, chị P. đau bụng, quay lại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang khám, được nhập viện điều trị. Đến ngày 28/5, Bệnh viện tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện người này dương tính với SARS-CoV-2.

Thông tin với VietNamNet trưa 31/5, TS. Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho hay, đơn vị đã xác định được 51 người liên quan ca bệnh Đ.T.P., gồm nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân.

Diện liên quan được mở rộng tới cả trường hợp chỉ đi thoáng qua ca mắc. Tới nay, tất cả 51 người này đều âm tính SARS-CoV-2.

Ông Thường đánh giá, nguy cơ lây nhiễm của trường hợp này ra bệnh viện không cao. Thứ nhất, các quy trình phòng lây nhiễm Covid-19 đang được đơn vị triển khai rất nghiêm ngặt, người dân đến khám phải ngồi cách xa nhau. Số lượng bệnh nhân tới khám cũng rất thưa. Mỗi ngày, bệnh viện chỉ tiếp nhận khám 700-800 lượt thay vì 1500 lượt/ngày như trước đây.

“Với ca bệnh Đ.T.P., ngay từ cổng, bệnh nhân đã được phân luồng vào khu khám sàng lọc, đi theo lối riêng. Dù có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1, người này vẫn thuộc diện cần theo dõi vì phim chụp có dấu hiệu nghi ngờ Covid-19. Bởi vậy, khi thực hiện các chụp chiếu, nội soi cho người bệnh, chúng tôi lựa chọn những thời điểm ít người nhất và yêu cầu đảm bảo khoảng cách an toàn”, TS. Thường thông tin.

Lý giải nguyên nhân ca bệnh âm tính lần 1, sau đó lại dương tính, ông Thường cho biết kết quả xét nghiệm còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độ đặc hiệu, chất lượng mẫu bệnh phẩm, tải lượng virus trong bệnh phẩm,… Thực tế, nước ta đã ghi nhận nhiều trường hợp xét nghiệm tới lần thứ ba, thậm chí thứ năm mới phát hiện dương tính.

Được biết, tất cả địa điểm liên quan ca bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã được phun khử khuẩn. Bệnh viện cũng có báo cáo lên UBND quận Long Biên để phối hợp xác định nguồn lây.

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang khẳng định, khả năng người này lây từ bệnh viện là “gần như không có”.

“Thứ nhất, trong ngày 24/5, chúng tôi có 292 bệnh nhân được phân luồng vào khu khám sàng lọc, tất cả đều âm tính. Toàn bộ nhân viên y tế làm việc tại khu này tới nay cũng đều âm tính. Thứ hai, ngay trong phim chụp ngày 25/5, phổi bệnh nhân đã có những dấu hiệu tổn thương, có thể do đã ủ bệnh từ nhiều ngày trước đó”, TS. Thường nói.

(vietnamnet.vn)

Hà Nội dự kiến có 72 cơ sở cách ly tập trung cho trên 30.000 chỗ

Dự kiến tại các quận, huyện, thị xã của Hà Nội có 72 cơ sở các ly tập trung với khả năng cách ly trên 30.000 chỗ. Thành phố đang tập huấn cho các bộ phận tham gia phục vụ cách ly tập trung không để lây nhiễm chéo dịch COVID-19 trong khu cách ly và lây từ khu cách ly ra cộng đồng.

Chiều 30/5, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng chủ trì họp trực tuyến về công tác thực hiện nhiệm vụ cách ly các công dân về nước và các trường hợp F1 tại các khu cách ly tập trung.

Trước đó, tại cuộc họp Ban chỉ  đạo phòng, chống COVID-19 ngày 17/5, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết Thường trực Thành ủy đã chỉ đạo cần chuẩn bị sẵn sàng 30.000 chỗ cho trường hợp cách ly bắt buộc trên địa bàn toàn thành phố và yêu cầu mỗi quận, huyện, thị xã chuẩn bị sẵn sàng 30.000 chỗ cho trường hợp cách ly bắt buộc. Mỗi quận, huyện, thị xã cần nhanh chóng chuẩn bị sẵn 1.000 chỗ cho các trường hợp cách ly bắt buộc là các F1; sẵn sàng kích hoạt ngay khi cần thiết.

Tại cuộc họp, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cho biết, đã lãnh đạo, chỉ đạo Ban Chỉ huy quân sự các quận, huyện, thị xã tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức rà soát, triển khai các khu cách ly tập trung phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn theo phương châm “4 tại chỗ”. Đồng thời, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội nhanh chóng triển khai đến Ban Chỉ huy quân sự các địa phương thực hiện chỉ đạo của Thành phố về việc chuẩn bị cơ sở vật chất tại các quận, huyện, thị xã để thành lập các khu cách ly tập trung.

Bộ Tư lệnh Thủ đô đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương thành lập các khung tiếp nhận bảo đảm đầy đủ thành phần; tổ chức quản lý, chỉ huy điều hành, bảo đảm phục vụ tại các khu cách ly y tế tập trung. Chỉ đạo 30 Ban Chỉ huy quân sự quận, huyện, thị xã tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức tập huấn cho các khung chỉ huy vận hành khu cách ly.

Dự kiến, sẽ có 72 cơ sở các ly tập trung với khả năng cách ly trên 30.000 chỗ, trong đó: Tiếp tục duy trì 09 cơ sở cách ly trong doanh trại Quân đội với 2.260 chỗ; 12 cơ sở cách ly tập trung dân sự đã kích hoạt với 7.955 chỗ; đã chuẩn bị 43 cơ sở các ly tập trung với 12.580 chỗ; 08 cơ sở đã thẩm định với 7.300 chỗ.

Từ ngày 29/4 đến nay, 12 cơ sở cách ly đã tiếp nhận, cách ly 5.105 công dân, chuyển bệnh viện 527 trường hợp, trong đó, có 163 ca dương tính; hết thời hạn cách ly 1.596 công dân.

Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và các quận, huyện, thị xã đã sẵn sàng, quyết tâm sẽ tiếp tục làm tốt nhiệm vụ tổ chức cách ly cho công dân. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, rà soát, theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh, chuẩn bị các kịch bản, sẵn sàng ứng phó với các tình huống.

Kết luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng đánh giá cao các đơn vị của thành phố đã vào cuộc nhanh chóng thực hiện bài bản, kịp thời các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 không để lây nhiễm chéo các trường hợp trong khu cách ly tập trung.

Tuy nhiên, do biến chủng và sự lây lan của virus ngày càng nhanh nên phải linh hoạt trong công tác phòng, chống dịch, cần có sự điều chỉnh phù hợp tại các khu cách ly tập trung.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch TP. Hà Nội thống nhất quan điểm: “Thành phố là đơn vị điều phối chung, chỉ đạo chung tổ chức cách ly”. Vì vậy, Sở Y tế Hà Nội rà soát hệ thống văn bản liên quan đến phân loại riêng biệt các trường hợp vào cách ly đối với các trường hợp nguy cơ cao và nguy cơ thấp hơn để tránh lây nhiễm chéo; rà soát số lần xét nghiệm để hướng dẫn các địa phương, cơ sở cách ly thực hiện nhiệm vụ.

Phó Chủ tịch Hà Nội cũng đề nghị các cơ sở cách ly giảm mật độ, số lượng người trong phòng cách ly tập trung; thường xuyên khử khuẩn khu dùng chung đảm bảo an toàn về mặt vệ sinh dịch tễ.

Các địa phương tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm đáp ứng đủ các điều kiện trong khu cách ly tập trung; kịp thời khen thưởng nhưng cũng xử lý nghiêm đối với các cán bộ, công dân vi phạm trong khu cách ly tập trung.

Lãnh đạo các quận, huyện, thị xã (nơi có khu cách ly tập trung) trực tiếp chỉ đạo công tác tổ chức tạo sự đồng thuận tốt nhất giữa các đơn vị khi thực hiện nhiệm vụ. Toàn thành phố siết chặt tổ chức cách ly tập trung, gồm có: Tuyên truyền, làm tốt công tác tư tưởng với các công dân thuộc diện cách ly; rà soát quy trình tổ chức đảm bảo 1 chiều khép kín và đảm bảo quy định về chuyên môn; tập huấn cho các bộ phận tham gia phục vụ cách ly tập trung không để lây nhiễm chéo trong khu cách ly và lây từ khu cách ly ra cộng đồng./.

(baochinhphu.vn)

Người hút thuốc lá đối diện nguy cơ tử vong cao khi mắc COVID-19

“Cam kết bỏ thuốc lá” là khẩu hiệu của Ngày thế giới không thuốc lá 31/5 năm nay, thông tin tại buổi gặp mặt báo chí do Bộ Y tế tổ chức về sự kiện này, các chuyên gia cho hay, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, người hút thuốc nhiễm virus SARS-CoV-2 có nguy cơ tử vong cao. Các loại thuốc lá, kể cả thuốc lá điện tử, đều dẫn đến những tổn thương phổi khó hồi phục.

Hàng triệu người muốn bỏ thuốc lá vìo ngại hút thuốc làm tăng nguy cơ nhiễm COVID-19

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh – Bộ Y tế, Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá cho hay, theo Tổ chức Y tế thế giới, trên thế giới có khoảng 780 triệu người muốn bỏ thuốc lá. Đặc biệt trong đại dịch COVID-19 đã có thêm hàng triệu người muốn bỏ thuốc vì lo ngại hút thuốc làm tăng nguy cơ nhiễm COVID-19 (ở những người đã mắc các bệnh về tim mạch, hô hấp, ung thư, tiểu đường).

Năm 2021 Tổ chức Y tế thế giới chọn chủ đề “Cam kết bỏ thuốc lá” cho Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 nhằm giảm tỷ lệ hút thuốc lá, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong trên toàn cầu do các bệnh liên quan đến thuốc lá.

Thông qua chủ đề này, Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi các quốc gia tăng cường thực hiện các dịch vụ cai nghiện thuốc lá, khuyến khích người hút thuốc tiếp cận các dịch vụ cai nghiện thuốc lá theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

“Ngày 31/5 hàng năm là ngày đáng nhớ đối với người bệnh và thầy thuốc về phòng, chống tác hại thuốc lá. Đây là ngày cả thế giới cùng nâng cao nhận thức chung tay phòng, chống tác hại thuốc lá. Việt Nam đã ký công ước quốc tế về phòng, chống tác hại thuốc lá để ngăn chặn, đẩy lùi “kẻ giết người thầm lặng”- PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

Theo báo cáo của 1.400 bệnh viện trên cả nước, có tới 70-75% bệnh nhân mắc các bệnh không lây nhiễm (tiêu đường, tim mạch,…). Rõ ràng, thuốc lá là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh không lây nhiễm.

Hiện, tỷ lệ bệnh nhân ung thư, đột quỵ do tác hại của thuốc lá đang là gánh nặng của cả xã hội. Vì thế, Bộ Y tế đã nghiên cứu, xây dựng chính sách và văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về môi trường không khói thuốc. Kết quả, trên 96% người dân đã hiểu được nguyên nhân của ung thư là do thuốc lá, nhận thức được ảnh hưởng, tác hại của thuốc lá.

Hoạt động Phòng chống tác hại của thuốc lá đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Theo điều tra toàn quốc năm 2020, tỷ lệ thanh niên trưởng thành hút thuốc đã giảm, nhất là trong nhóm công nhân, viên chức. Hàng chục ngàn công nhân, viên chức đã bỏ thuốc lá. Các bộ, ban, ngành cũng đã triển khai nhiều hoạt động để phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn trong nhóm 15 nước có tỷ lệ người hút thuốc cao nhất thế giới.

Sức khoẻ là vốn quý giá nhất, hãy “Cam kết bỏ thuốc lá”

“Chủ đề phòng, chống tác hại thuốc lá năm nay là “Cam kết bỏ thuốc lá”. Đây là chiến lược quan trọng để giúp các thành viên, cá nhân trong cộng đồng để những ai chưa hút thuốc lá thì cam kết không hút thuốc, những ai đã hút thuốc thì cam kết bỏ thuốc. Mặc dù việc bỏ hút thuốc hết sức khó khăn nhưng hoàn toàn có thể thực hiện được. Trong đại dịch COVID-19, sức khoẻ là vốn quý giá nhất đối với mỗi con người. Vì thế, phòng chống tác hại thuốc lá sẽ giúp mỗi người có được cuộc sống khoẻ mạnh, chống lại dịch bệnh” – PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm – cán bộ của Tổ chức Y tế thế giới cho biết, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, người hút thuốc mắc COVID-19 sẽ có nguy cơ cao gặp phải các biến chứng nặng. Không chỉ vậy, những người nghiện thuốc lá còn phái đối mặt với nguy cơ tử vong cao khi mắc COVID-19.

Mục tiêu chính của chiến dịch ngày Thế giới không thuốc lá năm 2021 là “Cam kết bỏ thuốc lá”, hướng tới đạt được 100 triệu người cam kết và bắt đầu nỗ lực bỏ thuốc lá. Thông qua chủ đề này, WHO kêu gọi các quốc gia tăng cường các dịch vụ cai nghiện thuốc lá, khuyến khích người hút thuốc lá tiếp cận các dịch vụ cai nghiện thuốc lá theo khuyên cáo của WHO.

Để thực hiện được mục tiêu này, các chuyên gia khuyến cáo 3 hình thức can thiệp cần có trong Chương trình cai nghiện thuốc lá Quốc gia gồm: Đưa lời khuyên cai thuốc lá vào các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu; cung cấp đường dây hướng dẫn bỏ thuốc miễn phí và tiếp cận với các loại thuốc cai nghiện thuốc lá miễn phí hoặc chi phí thấp.

Bà Phan Thu Phương, Giám đốc Trung tâm hô hấp Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết kể từ khi mở tổng đài cai nghiện thuốc lá, 8.000 người đã sử dụng dịch vụ cai nghiện thuốc lá tại đây và đã có 1.500 người dừng thuốc lá từ 1 năm trở lên.

 (suckhoedoisong.vn)

5/5 - (7 bình chọn)

Bình luận

Thông tin y tế trên các báo ngày 31/5/2021

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hỗ trợ
Bạn cần tư vấn?

Tin mới

TOP 10 thuốc đặt âm đạo trị nấm phổ biến nhất hiện nay [ĐỪNG BỎ QUA]

Thuốc đặt âm đạo Polygynax có tốt không? Nên dùng cho đối tượng nào?

Viêm cổ tử cung sau sinh: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách chữa trị [ĐỌC NGAY]

Viêm cổ tử cung khi mang thai và cách chữa trị hiệu quả [TÌM HIỂU NGAY]

Điều trị viêm cổ tử cung bằng các phương pháp tốt nhất hiện nay [ĐỪNG BỎ QUA]

Chữa viêm lộ tuyến cổ tử cung ở đâu tốt? TOP 8 địa chỉ uy tín [THAM KHẢO NGAY]

Bà bầu bị viêm lộ tuyến cổ tử cung nguy hiểm không? Chuyên gia tư vấn cách điều trị hiệu quả

Thuốc trị viêm lộ tuyến cổ tử cung cực kỳ an toàn, hiệu quả [TÌM HIỂU NGAY]

TOP 12 cách CHỮA VIÊM LỘ TUYẾN TẠI NHÀ cực hiệu quả [ĐỪNG BỎ QUA]

Khám viêm cổ tử cung ở đâu tốt? TOP 10 địa chỉ uy tín toàn quốc [XEM CHI TIẾT]

Ẩn