Thông tin y tế trên các báo ngày 30/5/2021

Dưới đây là tổng hợp một số tin tức y tế đáng chú ý nhất ngày 30/5, mời quý đọc giả đón đọc:

Hà Nội thêm 6 ca dương tính mới, trong đó 2 ca liên quan đến Công ty T&T

Sáng 30-5, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trên địa bàn thành phố ghi nhận 6 trường hợp dương tính mới với vi rút SARS-CoV-2, đều là những trường hợp đã được cách ly tập trung từ trước. Trong đó, có 3 trường hợp thuộc chùm ca bệnh tại tỉnh Bắc Ninh, 2 trường hợp thuộc chùm ca bệnh tại Công ty T&T và 1 trường hợp thuộc chùm ca bệnh tại thành phố Đà Nẵng.

3 bệnh nhân liên quan đến tỉnh Bắc Ninh:

Trong 3 bệnh nhân này có 2 bệnh nhân ở huyện Sóc Sơn và 1 bệnh nhân ở huyện Thanh Oai. Cụ thể, 2 nam bệnh nhân (N.V.S, sinh năm 1988 và N.V.T, sinh năm 1993 ở xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn) cùng là F1 của bệnh nhân 3.140 (ở xã Mão Điền, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Cả hai trường hợp này được lấy mẫu và chuyển cách ly tập trung ngày 8-5, kết quả xét nghiệm âm tính. Đến ngày 29-5, hai bệnh nhân xuất hiện triệu chứng của bệnh, nên đã được lấy mẫu xét nghiệm và kết quả dương tính với vi rút SARS-CoV-2.

Trường hợp còn lại liên quan đến chùm ca bệnh tại tỉnh Bắc Ninh là T.Q.K (nam, sinh năm 1986; ở xã Kim Thư, huyện Thanh Oai), F1 của bệnh nhân 3.173 (liên quan đến ổ dịch tại xã Mão Điền, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), đã được cách ly tập trung từ ngày 8-5. Ngày 29-5, bệnh nhân K có triệu chứng của bệnh và được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính với vi rút SARS-CoV-2.

2 bệnh nhân liên quan đến Công ty T&T:

Hai bệnh nhân là N.L.H.A (nữ, sinh năm 2009) và N.T (nam, sinh năm 1978) đều có địa chỉ tại phường Thịnh Quang, quận Đống Đa và cùng là F1 của bệnh nhân 5.469 (nữ, sinh năm 1981, dương tính ngày 25-5). Cả hai bệnh nhân này đều được lấy mẫu xét nghiệm lần 1 ngày 25-5 cho kết quả âm tính. Ngày 29-5, hai bệnh nhân xuất hiện triệu chứng của bệnh và được lấy mẫu xét nghiệm lần 2, kết quả dương tính với vi rút SARS-CoV-2.

Bệnh nhân liên quan đến chùm Đà Nẵng:

Bệnh nhân này là P.T.D, nữ, sinh năm 1986; có địa chỉ tại xã Thống Nhất, huyện Thường Tín. Bệnh nhân là F1 của bệnh nhân 3.105 (nữ, sinh năm 1983; tại xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín; được xác định dương tính ngày 7-5). Ngày 28-5, bệnh nhân có triệu chứng của bệnh và được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính với vi rút SARS-CoV-2.

Với việc ghi nhận thêm 6 bệnh nhân dương tính với vi rút SARS-CoV-2, kể từ ngày 29-4 đến nay, Hà Nội đã có 171 ca bệnh. Trong đó, 4 chùm ca bệnh ghi nhận nhiều bệnh nhân nhất là chùm Đà Nẵng (47 ca), chùm Công ty T& T (45 ca), chùm Bắc Ninh (26 ca) và chùm Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 (20 ca).

Ngoài ra, 7 quận, huyện có số mắc nhiều nhất là: Thanh Xuân (25 ca), Thường Tín (21 ca), Hoàng Mai (18 ca), Gia Lâm (17 ca), Sóc Sơn (11 ca), Đông Anh (10 ca) và Hà Đông (9 ca).

(hanoimoi.com.vn)

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, TS Trần Thị Nhị Hà: Khóa chặt nguồn lây Covid-19

Hiện nay, dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng Hà Nội đang kiểm soát được nguồn lây ở từng ổ dịch. Đến giờ phút này, Hà Nội vẫn đang nỗ lực chống dịch với những cách làm hiệu quả, kiên trì, quyết thực hiện các mục tiêu, giải pháp đã đề ra.

Báo Kinh tế & Đô thị đã trao đổi với TS Trần Thị Nhị Hà – Giám đốc Sở Y tế Hà Nội xung quanh vấn đề này.

Hiệu quả mô hình cách ly 3 lớp

Bà có nhận định, đánh giá như thế nào về tình hình, công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Hà Nội hiện nay?

– Những ngày qua, Hà Nội đã vào cuộc hết sức chủ động, vừa phòng, chống dịch vừa triển khai công tác bầu cử. Với kinh nghiệm của Thủ đô, để công tác chống dịch được thần tốc, Hà Nội đã tận dụng 48 giờ vàng, tích cực xét nghiệm, truy vết, có biện pháp khoanh vùng hợp lý. Cùng với đó, rà soát các cơ sở khám chữa bệnh (KCB), bệnh viện, khu công nghiệp, chung cư, khu công sở cao tầng, đặc biệt là trong khu cách ly tập trung để đánh giá nguy cơ và lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc ngẫu nhiên. Qua công tác xét nghiệm sàng lọc cũng như truy vết, Hà Nội đã phát hiện ra rất nhiều ca F0 trong cộng đồng.

Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Hà Nội đã khống chế dịch kịp thời, ngăn chặn sự lây lan dịch trong cộng đồng, không để lọt các trường hợp F1, trường hợp liên quan, không để mất dấu trong quá trình truy vết.

Mô hình cách ly 3 lớp, khóa chặt nguồn lây trong công tác phòng, chống dịch của Hà Nội rất đáng để các địa phương khác học tập, tham khảo, bà có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?

– Hà Nội không thực hiện giãn cách toàn TP mà với phương châm khoanh vùng, phong tỏa hẹp nhưng quản lý một cách chặt chẽ, không để sót F1, F2. Chính vì vậy, TP vẫn thực hiện được mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh một cách an toàn vừa phát triển kinh tế. Đây là cách làm linh hoạt, chủ động, sáng tạo, phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh của từng địa phương cũng như phù hợp với địa bàn của Hà Nội. Đặc biệt, Hà Nội đã thực hiện rất tốt việc phong tỏa 3 lớp, trong đó, mô hình cách ly 3 lớp của huyện Đông Anh đã phát huy hiệu quả trong phòng, chống dịch.

Thời gian tới, Hà Nội sẽ nhân rộng mô hình này tại một số quận, huyện, cùng với việc áp dụng nhuần nhuyễn Chị thị 15, 16, 19 của Chính phủ. Trong đó, lớp lõi có dịch giãn cách theo Chỉ thị 16 (cách ly tuyệt đối); lớp tiếp theo thực hiện theo Chỉ thị 15; lớp ngoài cùng theo Chỉ thị 19. Cách thức thực hiện phong tỏa 3 lớp là nhằm khóa chặt nguồn lây theo từng mức độ và giảm thiểu tối đa ảnh hưởng tới hoạt động sinh hoạt và lao động, sản xuất, kinh doanh của người dân và DN.

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tại một số cơ sở KCB chưa sát sao trong công tác phòng, chống dịch, người bệnh đến khám vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ. Sở Y tế đã chỉ đạo, xử lý và có yêu cầu như thế nào để các đơn vị thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn trong khám chữa bệnh?

– Sở Y tế Hà Nội đã có nhiều buổi tập huấn, công văn, văn bản gửi tới các cơ sở KCB trong và ngoài công lập. Trong đó, Sở Y tế yêu cầu các cơ sở phải thực hiện phân luồng, cách ly, khám sàng lọc với những bệnh nhân đến khám. Coi mỗi bệnh nhân là một bệnh nhân Covid-19 nhằm thực hiện triệt để nghiêm túc công tác phân luồng, cách ly. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở KCB chủ quan, lơ là, không thực hiện nghiêm túc các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Chúng tôi đã đề nghị các cơ sở phải thực hiện chấm điểm “Bộ tiêu chí phòng khám an toàn phòng, chống dịch Covid-19” trên hệ thống công nghệ thông tin của Bộ Y tế, có sự giám sát của các cơ quan y tế trên địa bàn. Nhờ cách làm này, chúng tôi đã giám sát và xử lý nghiêm một số cơ sở vi phạm trong quá trình thanh, kiểm tra. Ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính, Sở Y tế Hà Nội đã đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép của một số cơ sở. Cụ thể, Sở Y tế đã thu hồi 25 giấy phép của các phòng khám chuyên khoa, đa khoa không đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch bệnh.

Cần các biện pháp quyết liệt hơn

Nguy cơ dịch xảy ra không chỉ ở trong cộng đồng mà còn là các trường hợp nhập cảnh, bà có cảnh báo thế nào về vấn nạn nhập cảnh trái phép hiện nay?

– Nhập cảnh trái phép không chỉ là gây khó khăn mà còn làm cho công tác phòng, chống dịch trở nên bị động với những tình huống khó lường. Để phát hiện trường hợp nhập cảnh trái phép, Hà Nội đã huy động sự vào cuộc của tổ Covid-19 cộng đồng, chính quyền địa phương, tổ dân phố, cụm dân cư, đặc biệt, vận động mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng chống dịch với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”. Nhờ cách làm này, lực lượng chức năng phát hiện được nhiều trường hợp nhập cảnh trái phép và ngay lập tức đưa đi cách ly tập trung, quản lý chặt chẽ, lấy mẫu xét nghiệm.

Chúng tôi cho rằng, các đơn vị cần quản lý chặt chẽ hơn trường hợp nhập cảnh trái phép, đồng thời có những hình thức xử lý nghiêm (ví dụ như truy tố) để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật cũng như giúp cho công tác phòng, chống dịch bệnh của Hà Nội được tốt hơn. Ngoài ra, việc quản lý chặt chẽ trong các khu cách ly tập trung và quản lý người sau cách ly trở về cộng đồng phải được các đơn vị phân công rõ trách nhiệm, xác định cá thể hóa trách nhiệm của người đứng đầu, cấp chính quyền địa phương, trong đó, có sự hỗ trợ của lực lượng công an và tổ Covid-19 cộng đồng.

Mặc dù các hoạt động phòng, chống dịch của Hà Nội trong diện kiểm soát được nhưng nguy cơ dịch vẫn ở mức cao. Bà có nhận định như thế nào về tình hình dịch ở Hà Nội thời gian tới?

– Về cơ bản, thời gian qua, Hà Nội đã cố gắng, nỗ lực nhằm kiểm soát tình hình dịch bệnh. Với cách làm hiện nay, Hà Nội đang đi đúng hướng bằng việc truy vết thần tốc, xét nghiệm nhanh, kịp thời ngăn chặn dịch bệnh. Tuy nhiên, Hà Nội là nơi có nhiều hoạt động giao dịch, giao lưu, hoạt động di biến động của người dân từ các tỉnh về Hà Nội và ngược lại. Do vậy, công tác phòng, chống dịch của Hà Nội cực kỳ khó khăn và phức tạp. Trong khi đó, các trường hợp Hà Nội phát hiện lây nhiễm trong cộng đồng, có một số ca mắc chưa tìm được nguồn lây.

Dự báo thời gian tới, TP tiếp tục có những ca mắc mới trong cộng đồng, vì vậy, cần có các biện pháp quyết liệt hơn trong việc quản lý người dân đi, đến, ở từ những vùng có dịch, có bệnh nhân ở các tỉnh, TP cũng như quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm trong phòng, chống dịch Covid-19.

Mặt khác, công tác phòng, chống dịch Covid-19 rất cần sự đồng thuận, tự giác, chấp hành nghiêm túc khuyến cáo 5K cũng như việc tuân thủ chặt chẽ những quy định về cách ly của người dân. Nếu người dân đồng lòng, thực hiện đúng những quy định của Chính phủ, Bộ Y tế, công điện của UBND TP, chắc chắn, dịch bệnh ở Hà Nội mặc dù phức tạp nhưng sẽ được khống chế một cách kịp thời và có những thành công nhất định.

Xin cảm ơn bà!

(kinhtedothi.vn)

Hơn 62.000 người TP HCM liên quan hai cụm dịch lớn

Sở Y tế TP HCM đến sáng 30/5 xác định được 2.199 F1 và 60.209 F2 của các ca Covid-19 liên quan Hội thánh Truyền giáo Phục hưng và cụm dịch quận Tân Phú.

Trong số 2.199 F1 ghi nhận 1.151 mẫu xét nghiệm âm tính nCoV, 1.048 chờ kết quả. Trong 60.209 F2, ghi nhận 34.567 mẫu âm tính, 25.642 chờ kết quả.

Thông tin được Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh nêu tại cuộc họp khẩn với Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình và lãnh đạo TP HCM, sáng 30/5.

Theo ông Bỉnh, hôm qua, thành phố đã lấy mẫu toàn bộ người dân phường 3, quận Gò Vấp, phường có cơ sở sinh hoạt của Hội thánh Truyền giáo Phục hưng. Hôm nay, ngành y tế tiếp tục lấy mẫu tầm soát diện rộng toàn bộ phường 14, phường 15. Một số phường khác của Gò Vấp như phường 5, phường 9 cũng được lấy mẫu toàn bộ người dân.

“Ngành y tế dự kiến công suất mỗi ngày lấy khoảng 100.000 mẫu”, ông Bỉnh nói. Tính từ đầu dịch đến nay, TP HCM đã thực hiện tổng số 527.960 mẫu xét nghiệm.

Trong bốn ngày qua, thành phố đã ghi nhận tổng cộng 133 ca nhiễm. Trong đó, chuỗi lây nhiễm liên quan đến Hội thánh Truyền giáo Phục hưng là chuỗi lớn nhất với 126 ca nhiễm. Chuỗi lây nhiễm liên quan đến hai vợ chồng ở quận Tân Phú (khám ở Bệnh viện Hoàn Mỹ xét nghiệm dương tính) đến nay ghi nhận 7 ca.

16 trong số 22 quận huyện thành, ghi nhận ca Covid-19, gồm TP Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Nhà Bè, Bình Tân, Bình Chánh, các quận 1, 3, 4, 5, 10, 12. Trong đó, quận Gò Vấp ghi nhận 44 ca, quận 12 phát hiện 21 ca, Tân Phú 18 ca, Tân Bình 13 ca, còn các quận huyện khác rải rác một vài ca.

Sở Y tế TP HCM đã chỉ đạo các bệnh viện thành phố huy động nhân sự hỗ trợ ngành y tế quận Gò Vấp khẩn cấp lấy mẫu diện rộng. Các đơn vị đang tham gia lấy mẫu xét nghiệm gồm Trung tâm Y tế quận Gò Vấp, Bệnh viện Bình Dân, Nguyễn Tri Phương, Phục hồi chức năng – Điều trị bệnh nghề nghiệp, An Bình, Đa khoa Sài Gòn, Phạm Ngọc Thạch, Trưng Vương, nhóm sinh viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch…

Giám đốc Sở Y tế đề xuất giãn cách theo Chỉ thị 16 đối với các phường 3, 14, 15, 9,11, 15 Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12, trước diễn biến dịch bùng phát mạnh.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC) dự báo số ca nhiễm liên quan đến hội truyền giáo có thể tăng tiếp trong thời gian tới vì số hội viên đến nay vẫn có thể chưa ra khai báo hết. HCDC đề nghị người từng tham gia Hội thánh Truyền giáo Phục hưng chủ động liên hệ y tế địa phương để khai báo, kể cả khi không có dấu hiệu bệnh.

HCDC khuyến cáo mầm bệnh có thể đã có trong cộng đồng, người dân cần nâng cao cảnh giác nhưng cũng không hoang mang. Tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch của chính quyền và hợp tác với ngành y tế trong thực hiện phong tỏa, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Trung thực trong khai báo y tế về nguy cơ, yếu tố tiếp xúc của bản thân. Khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, mất vị giác, khứu giác… đi khám bệnh ngay và khai báo trung thực khi đến cơ sở y tế. Khi khám bệnh phải mang khẩu trang và di chuyển bằng xe cá nhân.

(vnexpress.net)

Thêm nhiều ca dương tính SARS-CoV-2 trong công ty Canon và các công ty khác

Tỉnh Bắc Ninh đã ghi nhận 793 ca dương tính SARS-CoV-2, trong đó có 28 ca mắc mới trong 24 giờ, tỉnh này đang có hơn 43.000 trường hợp F1, F2.

Tính đến 6 giờ ngày 30-5, toàn tỉnh Bắc Ninh ghi nhận 793 ca dương tính với SARS-CoV-2 tại 8 huyện, thị xã, TP với 140 ổ dịch, trong đó có 28 ca mắc mới; đã rà soát được 5.382 trường hợp F1, 38.341 trường hợp F2.

Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh hiện có 1.120 doanh nghiệp nằm trong 10 khu công nghiệp tập trung và 26 cụm công nghiệp với khoảng 450.000 công nhân. Tính đến hết ngày 29-5 đã ghi nhận 176 ca mắc tại 49 doanh nghiệp.

Khu Công nghiệp Yên Phong có 134 doanh nghiệp, trong đó có 6 doanh nghiệp có ca dương tính (18 ca). Khu công nghiệp Quế Võ (1,2,3) có 71 doanh nghiệp, trong đó có 11 doanh nghiệp có ca dương tính (46 ca). Khu công nghiệp Tiên Sơn có 237 doanh nghiệp, trong đó có 4 doanh nghiệp có ca dương tính (8 ca). Khu công nghiệp Thuận Thành (2,3) có 73 doanh nghiệp, trong đó có 10 doanh nghiệp có ca dương tính (32 ca). Khu công nghiệp VSIP có 89 doanh nghiệp, trong đó có 2 doanh nghiệp có ca dương tính (2 ca).

Các Cụm công nghiệp: Có 70 ca mắc/16 công ty. Trong ngày 28, 29-5, ghi nhận 27 ca mắc tại 5 công ty: Công ty TNHH Canon Việt Nam – Nhà máy Tiên Sơn: Tổng số ca liên quan đến công ty là 4 ca; Công ty Viettech: Ngày 29-5 ghi nhận thêm 17 ca, tổng số ca dương tính liên quan đến công ty là 52 ca; Công ty TNHH Spica ghi nhận thêm 3 ca, tổng số ca mắc liên quan đến công ty 31 ca; Công ty TNHH AAC ghi nhận 1 trường hợp dương tính. Kết quả qua rà soát được 14 F1; Công ty TNHH JARVIS TECH VINA ngày 29-5 ghi nhận thêm 3 ca mắc mới, tổng số ca mắc liên quan đến công ty là 5 ca.

Tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch. Trong ngày, lập biên bản, xử phạt 47 trường hợp, trong đó có 9 trường hợp không đeo khẩu trang (TP Bắc Ninh 1, Từ Sơn 8); 36 trường hợp ra khỏi nhà khi không cần thiết (TP Bắc Ninh 10, Yên Phong 26); 1 trường hợp đăng tải thông tin trên mạng có nội dung vi phạm quy định pháp luật (Tiên Du); 1 trường hợp không chấp hành các biện pháp phòng chống dịch (chèo thuyền qua sông từ Việt Yên, Bắc Giang sang Bắc Ninh), với tổng số tiền phạt 92,5 triệu đồng.

(nld.com.vn)

Bắc Giang đã có 2.092 ca mắc COVID-19

Tính đến 17h30 ngày 29/5, tỉnh Bắc Giang đã ghi nhận tổng số 2.092 ca mắc COVID-19, tăng 170 ca so với ngày 28/5.

Theo thông tin từ Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Giang, số ca mắc COVID-19 mới trong ngày 29/5 tập trung chủ yếu tại:

Tại Khu công nghiệp Vân Trung: Tăng 10 trường hợp (có 358 trường hợp F0). Ổ dịch này đã được kiểm soát, các trường hợp mới phát hiện đều là các trường hợp chuyển từ F1 sang F0, đã ở trong khu vực cách ly, phong tỏa.

Tại Khu công nghiệp Quang Châu: Tăng 141 trường hợp, đều trong các khu cách ly hoặc khu vực phong tỏa (có 1.577 trường hợp F0).

Một số trường hợp F0 không phải là công nhân trong các khu công nghiệp do lây từ công nhân sang người nhà, người có tiếp xúc gần. Các ca mắc mới phát hiện tại khu vực tập trung nhiều công nhân trên địa bàn huyện Việt Yên, đã ở trong khu vực phong tỏa, cách ly y tế.

Theo nhận định của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Giang, trong những ngày tới, số lượng ca F0 vẫn tiếp tục tăng do hiện nay đang tiến hành xét nghiệm lần 3, lần 4 đối với các khu vực, đối tượng có nguy cơ nhiễm cao (công nhân của Công ty Hosiden, công nhân và người dân tại thôn Núi Hiểu, Tam Tầng, Trung Đồng – nơi đã có số lượng ca F0 cao); qua kết quả test nhanh số lượng công nhân bị phơi nhiễm cao, số lượng mẫu đang chạy khẳng định PCR còn lớn.

Tuy nhiên, các trường hợp F0 mới phát hiện chủ yếu đã được cách ly, theo dõi y tế, trong vùng phong tỏa. Có một số trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, song các ca bệnh phát hiện trong cộng đồng chủ yếu là người thân, tiếp xúc gần với công nhân nhiễm bệnh, đã trong các khu vực đã cách ly, phong tỏa.

(vtv.vn)

Người phải cách ly do dịch COVID-19 có thể được hưởng bảo hiểm xã hội

Bộ LĐ-TB&XH đề xuất hỗ trợ cho người lao động phải cách ly y tế phòng dịch COVID-19, với mức có thể khoảng 175.000 đồng/ngày, trong 21 ngày, lấy từ Quỹ Bảo hiểm xã hội.

Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, dịch COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng lớn tới thị trường lao động, hoạt động xản xuất, kinh doanh, đặc biệt đã vào khu công nghiệp tại Bắc Giang, Bắc Ninh. Theo Bộ luật Lao động, người lao động ngừng việc do dịch bệnh được chủ sử dụng trả lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên. Tuy nhiên, thực tế việc cách ly y tế phòng dịch COVID-19 có thể trên 14 ngày.

Do đó, Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng báo cáo Chính phủ xem xét, giải quyết chế độ Bảo hiểm xã hội đối với người lao động phải cách ly y tế để phòng, chống dịch COVID-19, theo chế độ ốm đau.

Mức hưởng sẽ theo khoản 1 Điều 28 Luật Bảo hiểm xã hội, về mức hưởng chế độ ốm đau, tức là bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Bộ LĐ-TB&XH tính toán, với lương bình quân tháng đóng bảo hiểm xã hội năm 2020 là 5,6 triệu đồng/tháng, mức hưởng chế độ ốm đau trong trường hợp cách ly y tế phòng dịch khoảng 175.000 đồng/ngày. Dự kiến có khoảng 300.000 người lao động được hỗ trợ trong 21 ngày cách ly (tương ứng với 18 ngày làm việc), tổng số tiền hỗ trợ ước tính khoảng 945 tỷ đồng (bằng 7,4% kết dư quỹ ốm đau và thai sản hiện nay).

Về điều kiện để được hưởng hỗ trợ trên, cơ quan soạn thảo đề xuất, với người lao động phải thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và đã đóng tới tháng liền trước khi nghỉ đi cách ly phòng dịch COVID-19; có giấy tờ hợp pháp liên quan tới việc phải cách ly y tế như “quyết định cách ly y tế”…

Đối với địa phương, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra 2 phương án: Phương án 1, tại thời điểm áp dụng chính sách, địa phương có số ca dương tính với SARS-CoV-2 bằng 0,1% dân số trở lên; Phương án 2, tại thời điểm áp dụng chính sách, địa phương có tỷ lệ người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 bằng 0,1% trở lên.

(tienphong.vn)

5/5 - (6 bình chọn)

Bình luận

Thông tin y tế trên các báo ngày 30/5/2021

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hỗ trợ
Bạn cần tư vấn?

Tin mới

TOP 10 thuốc đặt âm đạo trị nấm phổ biến nhất hiện nay [ĐỪNG BỎ QUA]

Thuốc đặt âm đạo Polygynax có tốt không? Nên dùng cho đối tượng nào?

Viêm cổ tử cung sau sinh: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách chữa trị [ĐỌC NGAY]

Viêm cổ tử cung khi mang thai và cách chữa trị hiệu quả [TÌM HIỂU NGAY]

Điều trị viêm cổ tử cung bằng các phương pháp tốt nhất hiện nay [ĐỪNG BỎ QUA]

Chữa viêm lộ tuyến cổ tử cung ở đâu tốt? TOP 8 địa chỉ uy tín [THAM KHẢO NGAY]

Bà bầu bị viêm lộ tuyến cổ tử cung nguy hiểm không? Chuyên gia tư vấn cách điều trị hiệu quả

Thuốc trị viêm lộ tuyến cổ tử cung cực kỳ an toàn, hiệu quả [TÌM HIỂU NGAY]

TOP 12 cách CHỮA VIÊM LỘ TUYẾN TẠI NHÀ cực hiệu quả [ĐỪNG BỎ QUA]

Khám viêm cổ tử cung ở đâu tốt? TOP 10 địa chỉ uy tín toàn quốc [XEM CHI TIẾT]

Ẩn