Thông tin y tế trên các báo ngày 2/6/2021

Dưới đây là tổng hợp một số tin tức y tế đáng chú ý nhất ngày 2/6, mời quý đọc giả đón đọc:

Sáng 2/6: Thêm 53 ca mắc COVID-19 trong nước, Bắc Giang và Bắc Ninh chiếm 51 ca

Bản tin sáng 2/6 của Bộ Y tế cho biết có thêm 53 ca mắc COVID-19 trong nước ghi nhận tại 3 tỉnh, thành phố là: Bắc Giang 48 ca, Bắc Ninh 3 ca và TP Hà Nội 2 ca. Việt Nam hiện có 7.625 bệnh nhân.

Thông tin diễn biến dịch COVID-19 ở Việt Nam:

Tính từ 18h ngày 01/6 đến 6h ngày 02/6 có 53 ca mắc mới (BN7573-7625):

0 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.

53 ca ghi nhận trong nước tại Bắc Giang (48), Bắc Ninh (3), Hà Nội (2).

Tính đến 6h ngày 02/6:

Việt Nam có tổng cộng 6.118 ca ghi nhận trong nước và 1.507 ca nhập cảnh.

Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay: 4.548 ca.

Thông tin chi tiết các ca mắc mới:

CA BỆNH BN7373-BN7577, BN7580-BN7582, BN7585-BN7593, BN7595-BN7625 ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang trong khu cách ly và khu vực đã được phong tỏa, liên quan đến công nhân làm tại các khu công nghiệp. Kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

CA BỆNH BN7578-BN7579, BN7594 ghi nhận tại tỉnh Bắc Ninh: 1 ca là F1, 2 ca đang điều tra dịch tễ. Kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

CA BỆNH BN7583-BN7584 ghi nhận tại TP. Hà Nội: 2 ca là F1, đã được cách ly. Kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Tình hình điều trị:

  • Số ca âm tính với SARS-CoV-2:

Lần 1: 161

Lần 2: 91

Lần 3: 79

  • Số ca tử vong: 48 ca.
  • Số ca điều trị khỏi: 3.043 ca.

Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 149.013, trong đó:

Cách ly tập trung tại Bệnh viện: 3.107

Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 28.310

Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 117.596.

Thông tin tiêm chủng:

Ngày 1/6 đã thực hiện tiêm chủng được tổng cộng 29.773 liều tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Yên Bái, Lào Cai. Trong đó số tổng mũi tiêm thứ hai là 507.

(Báo Sức khỏe &đời sống)

Vắc xin COVID-19 “made in Viet Nam” Nano Covax sẵn sàng thử nghiệm giai đoạn 3

Dự kiến, đầu tháng 6/2021, vắc xin phòng COVID-19 đầu tiên của Việt Nam- Nano Covax sẽ bắt đầu giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng nhằm đánh giá hiệu lực bảo vệ đối với cộng đồng trước khi cấp phép lưu hành trong tình huống khẩn cấp.

Vắc xin phòng COVID-19 Nano Covax do các nhà khoa học của Công ty Nanogen và Học viện Quân y nghiên cứu, phát triển, đến nay đã trải qua 2 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Giai đoạn 1 bắt đầu từ ngày 18/12/2020; giai đoạn 2 từ ngày 26/2/2021. Riêng giai đoạn 2, được triển khai tại 2 địa điểm là Học viện Quân Y và Trung tâm y tế Bến Lức- Long An.

100% tình nguyện viên tiêm vắc xin Nano Covax đều sinh kháng thể

Theo PGS.TS. Hồ Anh Sơn, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự (Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng), đến thời điểm hiện tại, giai đoạn 2 thử nghiệm vắc xin Nano Covax đã đi được gần hết chặng đường. Các tình nguyện viên tiếp tục theo dõi sức khỏe đến hết 6 tháng, tính từ thời điểm tiêm mũi đầu tiên.

Sau mũi tiêm thứ 2, các tình nguyện viên được khám sức khỏe (xét nghiệm máu, đo huyết áp…) 1 lần/tuần để đánh giá lượng kháng thể xuất hiện trong cơ thể; sau đó tiếp tục được theo dõi trong vòng 6 tháng để lấy thông tin, đánh giá sức khỏe cũng như khả năng sinh miễn dịch. Đến nay 100% tình nguyện viên tiêm vắc xin Nano Covax đều sinh kháng thể trong máu.

“Lượng kháng thể với virus SARS-CoV-2 của tất cả các tình nguyện viên đều tăng, sức khỏe an toàn, không có trường hợp phải xử lý thuốc, cấp cứu… Đây là một tín hiệu rất mừng, là thông tin cực kỳ đáng khích lệ, cho thấy đến hiện tại, vắc xin an toàn với người được tiêm”- PGS.TS. Hồ Anh Sơn chia sẻ.

Trung tướng, GS.TS. Đỗ Quyết, Giám đốc Học viên Quân y, Bộ Quốc phòng cho rằng tính sinh miễn dịch thể hiện qua 2 yếu tố chính: Nồng độ kháng thể và tính sinh miễn dịch kháng thể. Cụ thể, nồng độ kháng thể virus SARS-CoV-2 sau khi tiêm thử nghiệm giai đoạn 2 cho thấy, hiệu giá kháng thể tăng rất cao, từ hàng chục cho đến hàng trăm lần.

Tính sinh miễn dịch kháng thể để đánh giá khả năng chống lại virus SARS-CoV-2 sống ở ngày thứ 35 đáp ứng tốt, trên mức ngưỡng quy định. Đối với khả năng chống lại virus ở ngày thứ 42, hiện nhóm nghiên cứu đã đánh giá được 22/110 mẫu; dự kiến hoàn thiện toàn bộ 110 mẫu vào đầu tháng 6/2021để báo cáo Hội đồng Đạo đức quốc gia trong nghiên cứu y sinh học.

GS.TS Đỗ Quyết bày tỏ niềm tin vào sự an toàn của vắc xin Nano Covax với những kết quả đã đạt được qua 2 giai đoạn thử nghiệm trước đó.

Đối tượng tiêm thử nghiệm mở rộng

Theo dự kiến đầu tháng 6/2021 sẽ bước vào giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng vắc xin Nano Covax với số lượng tình nguyện viên tham gia dự kiến khoảng 13.000 người. Học viện Quân y đã huy động đông đảo bác sĩ, kỹ thuật viên, học viên tham gia quá trình thử nghiệm để có thể sẵn sàng triển khai cùng lúc trên 10 tỉnh/thành phố trên cả nước.

Tiêu chí tuyển tình nguyện viên tham gia giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng là những người từ 18-75 tuổi, chỉ cần kiểm tra công thức máu và kháng thể với virus SARS-CoV-2. Những người đã phơi nhiễm với virus SARS-CoV-2 hoặc có sẵn kháng thể sẽ bị loại khỏi nhóm đối tượng thử nghiệm.

Giai đoạn 3 nhằm mục đích đánh giá hiệu lực bảo vệ của vắc xin đối với cộng đồng, được thiết kế ở nhiều trung tâm, mở rộng sang các địa phương khác với số lượng mẫu nhiều hơn chỉ với 1 liều tiêm. Dựa theo kết quả đánh giá, Hội đồng Đạo đức quốc gia trong nghiên cứu y sinh học chọn tiêm thử nghiệm liều 25 mcg.

GS. TS. Trương Việt Dũng, Chủ tịch Hội đồng Đạo đức quốc gia trong nghiên cứu y sinh học cho biết, trong giai đoạn 3, đối tượng tiêm thử nghiệm sẽ mở rộng hơn. Đối tượng ở đây có nghĩa là địa bàn, có thể mở rộng đến địa bàn khác như công nhân trong các khu công nghiệp. Tuy nhiên, những vùng hay khu công nghiệp đang có các ca mắc COVID-19 không được lựa chọn thử nghiệm lâm sàng vì sẽ bị hiểu là do tình hình dịch khiến gười dân đang quá lo lắng và chấp nhận tham gia nghiên cứu.

Do đó, nghiên cứu chỉ có thể thực hiện ở các khu công nghiệp có nguy cơ xuất hiện dịch bệnh, không thực hiện ở những khu công nghiệp đang có dịch. Việc xét nghiệm COVID-19 cho người tham gia thử nghiệm để xác nhận không có kháng thể là điều kiện bắt buộc.

Trên tinh thần “thử nghiệm càng nhanh càng tốt” của Chính phủ, Bộ Y tế giao cho các đơn vị thử nghiệm. Nhanh không có nghĩa cắt đoạn, bỏ qua giai đoạn. Bất cứ giai đoạn nào cũng phải tuân thủ yêu cầu, tiêu chuẩn của quốc tế. Làm rất nhanh nhưng phải rất chuẩn, đưa ra Hội đồng phải phê duyệt được ngay.

“Nhìn chung, theo đúng quy trình và từng bước của mỗi giai đoạn, để Bộ Y tế có đủ cơ sở khoa học để có thể cấp phép khẩn cấp, sử dụng có điều kiện vắc xin Nano Covax ở Việt Nam”- GS.TS Trương Việt Dũng cho hay.

(Báo Sức khỏe &đời sống)

BV Phụ sản Hà Nội lên đường chi viện Bắc Giang phòng chống COVID- 19

Ngày 1/6, đoàn cán bộ  bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đã lên đường hỗ trợ tỉnh Bắc Giang triển khai tiêm chủng vắc xin COVID-19 theo công văn 4414/BYT của Bộ Y tế và công văn 175/SYT của Sở Y tế Hà Nội.

Nhiệm vụ của đoàn công tác đến Bắc Giang lần này là cấp cứu và phối hợp vận chuyển kịp thời các trường hợp bị phản ứng sau tiêm chủng vắc xin COVID- 19 đến các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, hoặc chuyển về các bệnh viện của Hà Nội để điều trị theo quy định.

Tổ cấp cứu bệnh viện Phụ Sản Hà Nội gồm ThS.BS Trịnh Duy Hưng – khoa Hồi sức tích cực & chống độc cùng hai điều dưỡng là Trần Đăng Lợi, Bùi Công Hoàng, lái xe cấp cứu Đinh Hữu Đức.

Đây đều là cán bộ y bác sĩ xung phong lên tuyến đầu chống dịch, đã được tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin phòng chống COVID-19. Đoàn công tác sẽ đi từ 1/6 đến khi kết thúc đợt tiêm chủng vắc xin trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Là một bệnh viện chuyên ngành sản phụ khoa, nhưng trong tình hình cả nước căng mình phòng chống dịch bệnh COVID- 19, Cán bộ công nhân viên Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội trên tinh thần xung phong tình nguyện, sẵn sàng lên đường khi có yêu cầu chi viện.

(Báo Sức khỏe &đời sống)

Lực lượng y tế Hà Nội lên đường hỗ trợ Bắc Giang

Đoàn cán bộ y tế Hà Nội đã lên đường hỗ trợ tỉnh Bắc Giang triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

Đoàn cán bộ y tế gồm 20 đội cấp cứu thuộc 12 bệnh viện công lập và 12 cơ sở y tế ngoài công lập trên địa bàn Hà Nội đã lên đường nhận nhiệm vụ hỗ trợ Bắc Giang. Mỗi đội cấp cứu gồm 01 bác sĩ, 02 điều dưỡng và 01 xe cứu thương, đảm bảo cơ số thuốc, trang thiết bị y tế theo quy định của Bộ Y tế.

Các đội có nhiệm vụ thường trực cấp cứu tại các điểm tiêm chủng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, cấp cứu và phối hợp vận chuyển kịp thời các trường hợp bị phản ứng sau tiêm chủng vắc xin COVID-19 đến các bệnh viện trên địa bàn tỉnh hoặc chuyển về các bệnh viện của Hà Nội để điều trị theo quy định.

Dự kiến thời gian đoàn tăng cường hỗ trợ Bắc Giang trong đợt này là khoảng 7-10 ngày, bắt đầu từ ngày 1/6/2021.

Tại lễ xuất quân, TS Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã ghi nhận và biểu dương tinh thần đoàn kết chung tay đầy lùi dịch bệnh COVID-19 của các cán bộ y tế tham gia hỗ trợ tỉnh Bắc Giang đợt này.

Hiện nay, tỉnh Bắc Giang đang rất cần sự giúp đỡ, hỗ trợ từ các đơn vị y tế của Hà Nội. Trên tinh thần đó, TS Trần Thị Nhị Hà đề nghị 20 đội cấp cứu thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, phát huy kiến thức, chuyên môn hỗ trợ tỉnh bạn trong công tác cấp cứu, vận chuyển kịp thời các trường hợp phản ứng sau tiêm vắc xin. Đồng thời các cán bộ y tế vào vùng dịch cần cố gắng  đảm bảo an toàn, giữ gìn sức khoẻ cho bản thân để tiếp tục bảo vệ Thủ đô trong thời gian tới.

Sở Y tế cũng sẽ tạo điều kiện đảm bảo vật chất tốt nhất cho đoàn cán bộ tham gia công tác hỗ trợ tỉnh bạn.

Trước đó, ngày 16/5, đoàn công tác gồm 20 cán bộ y tế của Hà Nội cũng đã lên đường hỗ trợ tỉnh Bắc Giang xét nghiệm, điều tra, truy vết, khoanh vùng các ổ dịch.

(Báo Sức khỏe &đời sống)

Hà Nội thêm 3 ca Covid-19, nâng số ca mắc lên 212 ca tại 22 quận, huyện

Cuối giờ chiều 1/6, CDC Hà Nội thông tin về 3 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trên địa bàn. Đây đều là các ca F1 thuộc chùm ca bệnh tại Công ty T&T (số 2A Phạm Sư Mạnh, quận Hoàn Kiếm) đã được cách ly tập trung từ trước đó.

Bệnh nhân thứ nhất là nam, sinh năm 2020, tại Yên Sở, Hoàng Mai là con trai và là F1 của BN5408 (bệnh nhân 5408 là nhân viên làm việc tại 2A Phạm Sư Mạnh và được xác định dương tính với SARS-CoV-2 ngày 24/5). Ngày 25/5, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần 1 và chuyển cách ly tập trung tại khu nhà ở sinh viên Tứ Hiệp, Hoàng Mai. Ngày 30/5, bệnh nhân bị sốt và chuyển cách ly tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang. Tại đây, bệnh nhân được Bệnh viện đa khoa Đức Giang lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Bệnh nhân thứ hai là nam, sinh năm 1984, địa chỉ Trung Hòa, Cầu Giấy, là F1 và là người làm việc tại tầng 5 tòa nhà Công ty T&T 2A Phạm Sư Mạnh. Ngày 24/5, được chuyển cách ly tập trung tại trường Cao đẳng Đường sắt, Long Biên. Ngày 31/5, bệnh nhân được TTYT quận Long Biên lấy mẫu xét nghiệm lần 2 gửi CDC Hà Nội và cho kết quả khẳng định dương tính với SARS-CoV-2.

Bệnh nhân thứ ba là nữ, sinh năm 1991, tại Trần Phú, Hoàng Mai, là vợ và là F1 của BN5410 (bệnh nhân 5410 là nhân viên làm việc tại tầng 5 tòa nhà Công ty T&T, 2A Phạm Sư Mạnh, được xác định dương tính ngày 24/5). Ngày 24/5, được lấy mẫu xét nghiệm và chuyển cách ly tập trung tại khu nhà ở sinh viên Tứ Hiệp, Hoàng Mai. Ngày 30/5, bệnh nhân có triệu chứng của bệnh, được TTYT Hoàng Mai lấy mẫu gửi CDC Hà Nội xét nghiệm, kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Như vậy, hiện tại Hà Nội có 212 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 kể từ ngày 29/4 đến nay ở 22 quận, huyện. 8 địa phương có số ca mắc nhiều nhất là Thường Tín (30 ca), Thanh Xuân (27 ca), Hoàng Mai (24 ca), Gia Lâm (18 ca), Sóc Sơn (17 ca), Đông Anh (12 ca), Phúc Thọ (11 ca), Long Biên (10 ca).

Với việc ghi nhận thêm 3 bệnh nhân trong ngày hôm nay, chùm ca bệnh tại Công ty T&T, số 2A Phạm Sư Mạnh có tổng số 51 trường hợp, là chùm có nhiều ca bệnh nhất.

Trong ngày hôm nay, Hà Nội cũng đã thống kê được ở 30 quận, huyện, thị xã số người về từ Bắc Giang là 2448 trường hợp và 1583 trường hợp là người về từ TP Hồ Chí Minh đã khai báo y tế trực tuyến từ ngày 15/5 đến nay. CDC Hà Nội đã báo cáo và đề xuất với Sở Y tế Hà Nội tổ chức lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 đối với những trường hợp trên.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, CDC Hà Nội khuyến cáo những người về từ các tỉnh, TP Bắc Ninh, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh cần khai báo y tế trực tuyến hoặc khai báo trực tiếp tại trạm y tế xã, phường, thị trấn. Thực hiện tự cách ly y tế tại nhà, hạn chế tiếp xúc, không đi đến nơi đông người trong vòng 14 ngày tính từ ngày về. Trong trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở cần báo ngay với cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, lấy mẫu xét nghiệm và chuyển cách ly y tế.

(Báo Kinh tế & đô thị)

Thực hư thông tin dùng smartphone không cài Bluezone sẽ bị phạt?

Chỉ người thuộc diện cách ly y tế hoặc giám sát y tế sau cách ly có điện thoại thông minh phải cài đặt ứng dụng khai báo y tế (VHD) và ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần.

Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định 2666/QĐ-BYT hướng dẫn sử dụng ứng dụng khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. Công văn do Thứ trưởng Trần Văn Thuấn ký.

Trên mạng xã hội sau đó lan truyền thông tin cho rằng dùng smartphone mà không cài app khai báo phòng dịch sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt. Tuy nhiên, hướng dẫn này chỉ nhằm hỗ trợ thực hiện khai báo y tế điện tử giúp quản lý, theo dõi y tế và phát hiện sớm ca bệnh phục vụ hiệu quả công tác phòng chống dịch Covid-19; Đồng thời, quy định cụ thể về địa điểm, thời điểm, đối tượng cài đặt và sử dụng ứng dụng khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.

Cụ thể, hiện nay, có 3 ứng dụng dùng để khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần gồm ứng dụng VHD (VietNam Health Decleration) và tokhaiyte.vn; Bluezone; NCOVI.

Trong đó, người dân có điện thoại thông minh cần cài đặt, sử dụng các ứng dụng khai báo y tế để thực hiện khai báo y tế điện tử và sinh mã QR. Khi đến nơi công cộng, tập trung đông người phải cài đặt ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần (Bluezone) và bật chế độ Bluetooth.

Người thuộc diện cách ly y tế hoặc giám sát y tế sau cách ly có điện thoại thông minh phải cài đặt ứng dụng khai báo y tế (VHD) và ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần.

Đồng thời, sử dụng mã QR được in ra hoặc đã lưu trong điện thoại để thực hiện khai báo y tế và chịu trách nhiệm về các thông tin khai báo y tế của mình. Khi đến các địa điểm cần khai báo y tế, đưa mã QR cho nhân viên kiểm soát thực hiện quét hoặc dùng điện thoại để tự quét mã QR tại điểm đó.

Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xử phạt các trường hợp có điện thoại thông minh nhưng không thực hiện cài đặt, sử dụng ứng dụng theo quy định trên cơ sở tình hình dịch Covid-19 và điều kiện thực tế tại địa phương.

UBND tỉnh, thành phố quyết định khu vực, địa điểm đang có ổ dịch Covid-19 trên cơ sở tham mưu của Sở Y tế để áp dụng nghiêm các biện pháp chống dịch phù hợp mà không áp dụng hướng dẫn này.

(Báo Kinh tế & đô thị)

4.8/5 - (5 bình chọn)

Bình luận

Thông tin y tế trên các báo ngày 2/6/2021

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hỗ trợ
Bạn cần tư vấn?

Tin mới

TOP 10 thuốc đặt âm đạo trị nấm phổ biến nhất hiện nay [ĐỪNG BỎ QUA]

Thuốc đặt âm đạo Polygynax có tốt không? Nên dùng cho đối tượng nào?

Viêm cổ tử cung sau sinh: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách chữa trị [ĐỌC NGAY]

Viêm cổ tử cung khi mang thai và cách chữa trị hiệu quả [TÌM HIỂU NGAY]

Điều trị viêm cổ tử cung bằng các phương pháp tốt nhất hiện nay [ĐỪNG BỎ QUA]

Chữa viêm lộ tuyến cổ tử cung ở đâu tốt? TOP 8 địa chỉ uy tín [THAM KHẢO NGAY]

Bà bầu bị viêm lộ tuyến cổ tử cung nguy hiểm không? Chuyên gia tư vấn cách điều trị hiệu quả

Thuốc trị viêm lộ tuyến cổ tử cung cực kỳ an toàn, hiệu quả [TÌM HIỂU NGAY]

TOP 12 cách CHỮA VIÊM LỘ TUYẾN TẠI NHÀ cực hiệu quả [ĐỪNG BỎ QUA]

Khám viêm cổ tử cung ở đâu tốt? TOP 10 địa chỉ uy tín toàn quốc [XEM CHI TIẾT]

Ẩn