Thuốc nội tiết cho bà bầu: Hiểu như thế nào cho đúng và đủ?
Nội dung chính
Bước vào giai đoạn mang thai đồng nghĩa với việc phụ nữ phải đối mặt với rất nhiều thay đổi lớn, trong đó suy giảm hay rối loạn nội tiết tố là điều khó lòng tránh khỏi, điều này gây ra nhiều tác hại tới sắc đẹp, sinh lý đặc biệt là sức khỏe của mẹ và bé. Để mẹ có thể chuẩn bị tốt nhất cho quá trình vượt cạn thì một số loại thuốc nội tiết cho bà bầu là giải pháp không thể thiếu của nhiều chị em.
Thế nhưng mang thai là giai đoạn khá nhạy cảm, đặc biệt là khi sử dụng các loại thuốc hay thực phẩm chức năng, bởi nó có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn tới thai nhi. Do đó, bài viết sau đây sẽ cung cấp cho bạn những thông tin quan trọng về thuốc nội tiết cho bà bầu cũng như phương pháp giúp cân bằng nội tiết hiệu quả, lành tính.
Tìm hiểu về thuốc nội tiết cho bà bầu
Với khoa học – công nghệ ngày càng hiện đại, phụ nữ ngày càng có nhiều giải pháp đảm bảo an toàn và cải thiện sức khỏe trước và trong quá trình thai kỳ. Trong đó các loại thuốc nội tiết đang nhận được khá nhiều sự quan tâm bởi nhu cầu cấp thiết của các bà bầu.
Thuốc nội tiết cho bà bầu là gì?
Theo nhận định của các chuyên gia, thuốc nội tiết sử dụng khi mang thai (hay còn gọi là thuốc dưỡng thai) là loại thuốc có khả năng bổ sung hormone trong thời gian thai kỳ nhằm giúp bà bầu điều tiết và cân bằng lượng hormone ở mức cần thiết, tạo điều kiện tốt nhất cho thai nhi phát triển. Trong đó, các sản phẩm được sử dụng phổ biến nhất là thuốc bổ sung progesterone và estrogen.
Ngoài ra, các loại thuốc nội tiết cho bà bầu cũng được sản xuất với nhiều hình thức đa dạng như: Viên nang, dạng tiêm, dạng đặt âm đạo. Tất cả đều được khuyên chỉ sử dụng khi có chỉ định, kê đơn và theo dõi của bác sĩ, đặc biệt không tự ý mua sử dụng khi chưa đi thăm khám bởi có thể tác động xấu tới thai nhi.
Tác dụng của việc bổ sung nội tiết trước và trong quá trình mang thai
Việc bổ sung đủ lượng nội tiết tố cần thiết cho cơ thể không chỉ giúp chị em có được sức khỏe, sắc đẹp mà còn hỗ trợ mẹ bầu có được điều kiện tốt nhất, tự tin song hành cùng thai nhi cho tới khi con chào đời và cả sau này. Những tác dụng cụ thể mà thuốc nội tiết tố mang lại khi mang thai như:
- Tăng cường sức khỏe: Khi cơ thể được bổ sung đầy đủ nội tiết tố sẽ giúp chị em loại bỏ tình trạng thường xuyên mệt mỏi, uể oải, giảm nồng độ cholesterol trong máu, ổn định huyết áp, ngủ ngon giấc hơn, hạn chế đột quỵ. Ngoài ra còn làm giảm các triệu chứng khi thai nghén như mất ngủ, buồn nôn, nhạy cảm với mùi đồ ăn, đau lưng,… giúp bà bầu vượt qua thời kỳ mang thai một cách tốt nhất.
- Cải thiện sắc đẹp: Khi mang thai, đặc biệt là với những người suy giảm nội tiết tố làn da phụ nữ sẽ có nhiều thay đổi, dẫn đến nổi mụn, nám, tàn nhang, da mất độ đàn hồi,… Khi sử dụng các sản phẩm bổ sung nội tiết tố chị em có thể cải thiện và ngăn ngừa tình trạng trên một cách hiệu quả.
- Giúp mẹ và thai nhi phát triển khỏe mạnh hơn: Trong tam cá nguyệt đầu tiên, thai nhi hình thành và phát triển chủ yếu nhờ vào sự điều hòa và cân bằng nội tiết tố của mẹ. Vì vậy, khi cơ thể mẹ đáp ứng đủ lượng nội tiết tố cần thiết sẽ giúp em bé khỏe mạnh hơn.
- Cải thiện tâm sinh lý: Nội tiết tố khi được bổ sung đầy đủ sẽ giúp chị em không còn bị khô hạn, đảm bảo đời sống tình dục. Mặt khác nó còn giảm các cảm xúc tiêu cực, tình trạng trầm cảm, hay cáu gắt, dễ khóc, dễ xúc động ở phụ nữ mang thai.
Tác dụng phụ của thuốc nội tiết cho phụ nữ mang thai
Sử dụng các loại thuốc cân bằng nội tiết tố được coi là an toàn chỉ khi mẹ bầu sử dụng theo đúng chỉ định của bác sĩ, bởi chúng có thể gây ra một số tác dụng phụ nguy hiểm nếu sử dụng sai cách, sai liều lượng hoặc do thể trạng phản ứng lại với thuốc. Trong một số trường hợp, thuốc có thể gây ra những biến đổi trong cơ thể như:
- Tạo cảm giác thèm ăn, dẫn đến nguy cơ tăng cân, béo phì.
- Gây ra tình trạng đau bụng, rối loạn tiêu hoá, táo bón, phù nề.
- Xuất hiện các tổn thương trên da, nổi mụn trứng cá, dị ứng da, nổi mề đay,…
- Dẫn đến tình trạng khó ngủ, mất ngủ, rối loạn giấc ngủ.
- Gây trầm cảm, thay đổi cảm xúc thất thường.
- Gây nhức đầu, nghẹt mũi, sổ mũi, sưng vú, sốt nhẹ,…
Tuỳ vào cơ địa của từng người mà thuốc sẽ gây ra các tác dụng phụ khác nhau. Nếu phát hiện ra các triệu chứng bất thường trong quá trình sử dụng, mẹ bầu nên dừng sử dụng và đến bác sĩ thăm khám để tìm cách khắc phục, cải thiện tình trạng và đặc biệt là tránh làm ảnh hưởng tới thai nhi.
Nên sử dụng thuốc nội tiết cho bà bầu ở dạng nào?
Như đã đề cập tới ở trên, thuốc nội tiết tố cho bà bầu hiện nay có 3 dạng đó là: Dạng viên, dạng tiêm và dạng đặt âm đạo. Tuy nhiên các chuyên gia khuyến cáo nữ giới nên ưu tiên sử dụng dạng đặt âm đạo thay vì các phương pháp khác bởi:
- Nồng độ đỉnh trong máu (9,7ng/ml) của thuốc dạng đặt âm đạo cao hơn hẳn so với các dạng khác.
- Có khả năng duy trì ổn định và lâu hơn lên đến 24 giờ.
- Ít gây ra các tác dụng phụ, đặc biệt là các triệu chứng chóng mặt, buồn nôn,…
Có nên sử dụng thuốc nội tiết cho bà bầu hay không?
Theo khuyến cáo từ bác sĩ và chuyên gia thì mẹ bầu có thể cung cấp dinh dưỡng và cải thiện nội tiết tố từ chính chế độ ăn uống hàng ngày, sử dụng thuốc bổ, vitamin tổng hợp chất lượng, kết hợp chế độ tập luyện, nghỉ ngơi hợp lý là đã đủ. Nếu không cần thiết thì không nên sử dụng thuốc nội tiết tố dành cho bà bầu.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bà bầu cần thiết phải sử dụng tới sự hỗ trợ của loại thuốc này. Chẳng hạn như thời gian nghén quá lâu, tiền sử mang thai hoặc dọa sảy thai… thường bị thiếu hụt nội tiết tố. Điều này có thể ảnh hưởng tới sức khỏe và sự phát triển của thai nhi, do đó bà bầu cần được bổ sung nội tiết tố kịp thời.
Theo khuyến cáo của bác sĩ, thuốc tăng nội tiết tố cho bà bầu được xem là cần thiết và chỉ nên dùng cho các trường hợp như: Phụ nữ có nồng độ hormone quá thấp mà không thể bổ sung bằng các phương pháp tự nhiên, phụ nữ mắc hội chứng u nang buồng trứng, phụ nữ có nguy cơ sảy thai, sinh non cao, phụ nữ đã từng sảy thai hoặc thai lưu.
Chính vì vậy, phụ nữ khi mang thai cần dùng thuốc theo đúng hướng dẫn và theo dõi nghiêm ngặt của bác sĩ. Sử dụng đúng liều lượng được kê đơn nhằm hạn chế tối đa các tác dụng phụ hoặc sự cố không mong muốn. Điều cần làm nhất đó là đi khám và kiểm tra định kỳ để bác sĩ dựa trên kết quả xét nghiệm để đưa ra chỉ định chính xác nhất về việc có nên uống thuốc nội tiết khi mang thai hay không.
Cách sử dụng thuốc nội tiết cho bà bầu an toàn
Trong nhiều trường hợp sử dụng phương pháp điều trị vô sinh để thụ thai, bác sĩ có thể duy trì kê đơn cho bà bầu uống thuốc nội tiết như một phần trong phác đồ điều trị. Đây được xem là nhu cầu điều trị tiêu chuẩn của thụ tinh trong ống nghiệm hay chuyển phôi nhân tạo. Ngoài ra nó còn được dùng cho phụ nữ sử dụng trứng của người hiến tặng hoặc thai phụ tiêm gonadotropin.
Lúc này bác sĩ sẽ đo nồng độ progesterone và estrogen trong cơ thể và quyết định khi nào thì nên bắt đầu sử dụng thuốc nội tiết như một biện pháp phòng ngừa rủi ro trong giai đoạn thai kỳ. Một số cách sử dụng thuốc hỗ trợ nội tiết khi mang thai an toàn và thường được áp dụng như:
Bổ sung progesterone
Thuốc bổ sung progesterone có khá nhiều dạng, nhưng phổ biến nhất vẫn là tiêm bắp hoặc đặt vùng âm đạo (thuốc đạn, gel hoặc viên nén). Cách dùng sẽ tùy thuộc vào chỉ định của bác sĩ. Cụ thể:
- Nếu dùng progesterone dạng tiêm, hãy dùng theo đúng chỉ định, bà bầu có thể chườm lạnh vùng da chuẩn bị tiêm để làm tê. Sau khi tiêm xong thì chường nóng và xoa bóp nhẹ nhàng để thuốc được thẩm thấu tốt nhất.
- Nếu dùng thuốc đạn hoặc dạng viên nén đặt âm đạo thì cần nằm nghỉ ngơi ít nhất nửa tiếng sau khi đặt thuốc để đảm bảo thuốc được hấp thụ vào niêm mạc âm đạo, đồng thời mặc quần lót để ngăn “rò rỉ” thuốc.
Bổ sung Estrogen
Estrogen thông thường được điều chế dưới dạng miếng dán và thuốc tiêm, tuy nhiên dạng tiêm ít phổ biến hơn. Nếu được bác sĩ chỉ định sử dụng miếng dán chứa thuốc, chị em cần đảm bảo về số lượng, tần suất và thời gian thay miếng dán. Hãy hỏi ý kiến của bác sĩ về vị trí cụ thể để dán chính xác hoặc dán ở vị trí mà bà bầu cảm thấy thoải mái nhất.
Một số lưu ý khi sử dụng thuốc nội tiết cho mẹ bầu
Không chỉ riêng thuốc nội tiết mà đối với bất cứ loại thuốc nào bà bầu cũng nên đặc biệt cẩn trọng khi sử dụng để tránh làm ảnh hưởng tới sức khỏe và thai nhi. Trong đó cần đặc biệt lưu ý tới những điểm quan trọng sau đây:
- Chỉ sử dụng thuốc tăng nội tiết cho bà bầu khi có sử chỉ định hoặc kê đơn của bác sĩ.
- Cần thăm khám kỹ lưỡng trước khi quyết định áp dụng bất cứ cách bổ sung hormone nào để cải thiện nội tiết cho cơ thể.
- Bên cạnh đó mẹ bầu cần kết hợp với chế độ ăn uống, tập luyện và nghỉ ngơi điều độ, khoa học để cân bằng nội tiết tố tự nhiên.
- Trong quá trình sử dụng thuốc, nếu thấy xuất hiện bất cứ dấu hiệu bất thường nào, mẹ bầu nên ngừng sử dụng và gặp ngay bác sĩ để kiểm tra càng sớm càng tốt.
- Mẹ bầu cần đi kiểm tra sức khỏe định kỳ và thường xuyên để theo dõi tình hình cũng như phát hiện kịp thời các vấn đề về sức khỏe và tìm cách khắc phục, tránh để ảnh hưởng tới thai nhi.
Như vậy, chúng ta đã vừa cùng nhau tìm hiểu những thông tin quan trọng nhất về thuốc nội tiết cho bà bầu. Hy vọng với nội dung mà bài viết cung cấp có thể giúp chị em có thêm kinh nghiệm hữu ích cho thời gian thai kỳ của mình. Qua đó nâng cao sức khỏe của bản thân, nuôi dưỡng thai nhi một cách tốt nhất để cùng con vượt cạn thành công.
Bình luận
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!