Thông tin y tế trên các báo ngày 5/6/2021
Nội dung chính
Dưới đây là tổng hợp một số tin tức y tế đáng chú ý nhất ngày 5/6, mời quý đọc giả đón đọc:
Sáng 5/6: Có 75 ca mắc COVID-19 trong nước, nâng tổng số bệnh nhân tại Việt Nam là 8.364
Bản tin sáng 5/6 của Bộ Y tế cho biết có 77 ca mắc COVID-19, trong đó 2 ca nhập cảnh cách ly ngay, 75 ca còn lại ghi nhận trong nước tại Bắc Giang 45 ca, Bắc Ninh 19, TPHCM 10 và Hà Nam 1. Tổng số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam là 8.364
Thông tin diễn biến dịch COVID-19 ở Việt Nam:
Tính từ 18h ngày 04/6 đến 6h ngày 05/6 có 77 ca mắc mới (BN8288-8364):
- 02 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Tây Ninh.
- 75 ca ghi nhận trong nước tại Bắc Giang (45), Bắc Ninh (19), TP. Hồ Chí Minh (10), Hà Nam (1).
Tính đến 6h ngày 05/6:
Việt Nam có tổng cộng 6.819 ca ghi nhận trong nước và 1.545 ca nhập cảnh.
Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay: 5.249 ca.
Thông tin chi tiết các ca mắc mới:
02 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh
CA BỆNH BN8346, BN8349 được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Tây Ninh. Ngày 01/6/2021, từ nước ngoài nhập cảnh Việt Nam và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Tây Ninh. Kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
75 ca ghi nhận trong nước
CA BỆNH BN8288, BN8303, BN8309, BN8313, BN8318, BN8323-BN8345, BN8347-BN8348, BN8350-BN8354 ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang trong khu cách ly và khu vực đã được phong tỏa, liên quan đến công nhân làm tại các khu công nghiệp. Kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
CA BỆNH BN8299 ghi nhận tại tỉnh Hà Nam: nam, 31 tuổi, địa chỉ tại huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam; là F1 của BN4141, đã được cách ly. Kết quả xét nghiệm ngày 04/6/2021 dương tính với SARS-CoV-2.
CA BỆNH BN8300-BN8302, BN8304-BN8308, BN8310-BN8312, BN8314-BN8317, BN8319-BN8322 ghi nhận tại tỉnh Bắc Ninh: 2 ca là F1, 10 ca liên quan đến ổ dịch Khu công nghiệp Khắc Niệm, 7 ca liên quan đến ổ dịch Khu công nghiệp Quế Võ. Kết quả xét nghiệm ngày 03-04/6/2021 dương tính với SARS-CoV-2.
CA BỆNH BN8355-BN8364 ghi nhận tại TP. Hồ Chí Minh: 2 ca là F1, 8 ca liên quan đến Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng. Kết quả xét nghiệm ngày 04/6/2021 dương tính với SARS-CoV-2.
Tình hình điều trị:
- Số ca âm tính với SARS-CoV-2:
Lần 1: 213; + Lần 2: 82; + Lần 3: 78
Số ca tử vong: 51 ca.
Số ca điều trị khỏi: 3.242 ca.
Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 176.875, trong đó:
- Cách ly tập trung tại Bệnh viện: 2.872
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 32.641
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 141.362
Thông tin tiêm chủng
Tính đến 16 giờ ngày 04/6/2021, tổng cộng đã thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh/TP với 1.217.607 liều. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 là 32.401 người.
Có thêm 60.701 người được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại 7 tỉnh/TP trong ngày 04/6/2021 như sau:
1-Hà Nam: 33
2-Bắc Giang: 36.321
3-Bắc Ninh: 19.097
4-Yên Bái: 444
5-Lào Cai: 2.811
6-Khánh Hòa: 137
7-Các đơn vị TƯ tại Hà Nội: 2.708
(Báo Sức khoẻ & đời sống)
Phát hiện vitamin D3 dùng cho trẻ nhỏ nghi giả tại 4 nhà thuốc ở Hà Nội
Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết, đã nhận được công văn của Văn phòng đại diện Pharmaceutical Works Polpharma S.A tại Hà Nội báo cáo về việc phát hiện mẫu sản phẩm Aquadetrim vitamin D3 nghi ngờ thuốc giả.
Trên mẫu sản phẩm ghi nhà sản xuất: Medana Pharma S.A.; SĐK: VN-21328-18, lô SX: 050419, NSX: 080419, HD: 080422; DNNK: Công ty cổ phần Dược thiết bị y tế Đà Nẵng, số 2 Phan Đình Phùng, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, Việt Nam.
Theo đó, công ty báo cáo mẫu sản phẩm do Công ty TNHH dược Thống Nhất mua tại 2 quầy thuốc là: Nghĩa Hưng (số 484 phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và quầy thuốc 330 (tại Hapu Medicenter, số 1 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, Hà Nội).
Ngoài ra, Cục Quản lý dược cũng nhận được báo cáo từ Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội. Theo đó, đơn vị này đã lấy mẫu kiểm nghiệm sản phẩm trên nhãn ghi: Aquadetrim vitamin D3 (SĐK: VN-21328-18, lô SX: 050419, NSX: 080419, HD: 080422; Nhà sản xuất: Medana Pharma S.A.; DNNK: Công ty cổ phần Dược thiết bị y tế Đà Nẵng số 2 Phan Đình Phùng, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) được lấy tại quầy 111 (Công ty TNHH thương mại và dược phẩm Châu Anh) và quầy 103 (Công ty TNHH thương mại dược phẩm Hưng Thịnh) tại Hapu Medicenter.
Kết quả các mẫu không đạt tiêu chuẩn chất lượng về các chỉ tiêu tỷ trọng, định tính chất bảo quản (Benzyl alcohol), định lượng và có nhiều dấu hiệu khác biệt so với mẫu thuốc do nhà phân phối (Công ty TNHH dược Thống Nhất) cung cấp.
Cục Quản lý dược cho hay, qua so sánh, đối chiếu các đặc điểm với mẫu thuốc do Công ty TNHH dược Thống Nhất phân phối và Văn phòng đại diện Pharmaceutical Works Polpharma S.A tại Hà Nội cung cấp, các mẫu thuốc nói trên nghi ngờ là thuốc giả.
Để bảo đảm an toàn cho người sử dụng, Cục Quản lý dược đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc về các đặc điểm, dấu hiệu phân biệt giữa sản phẩm nghi ngờ là giả và thuốc do Công ty TNHH dược Thống Nhất phân phối. Tổ chức tiếp nhận thông tin và phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra xác minh, truy tìm nguồn gốc xuất xứ của lô hàng Aquadetrim vitamin D3 nghi ngờ là giả nêu trên
Ngoài ra, Cục Quản lý dược đề nghị Sở Y tế Hà Nội khẩn trương phối hợp các cơ quan chức năng liên quan tiến hành kiểm tra quầy thuốc Nghĩa Hưng, quầy 111, quầy 103 và quầy thuốc 330 để truy tìm nguồn gốc của lô hàng Aquadetrim vitamin D3 nghi ngờ giả nêu trên, xử lý vi phạm theo quy định hiện hành.
Trên thị trường, Aquadetrim vitamin D3 là sản phẩm phổ biến tại các quầy thuốc, được nhiều người sử dụng cho trẻ sơ sinh nhằm bổ sung vitamin D3.
(Báo Hà Nội mới)
Ngày 5/6, Quỹ vaccine phòng chống Covid-19 sẽ chính thức ra mắt tại Hà Nội
Tối 5/6, Quỹ vaccine phòng chống Covid-19 sẽ chính thức ra mắt tại Hà Nội với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có bài phát biểu quan trọng kêu gọi đồng bào chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài chung sức đồng lòng với Chính phủ góp sức, góp tiền cho Quỹ vaccine để có vaccine sớm nhất tiêm cho nhân dân.
Theo Thông tư số 41/2021/TT-BTC hướng dẫn về tổ chức, hoạt động, quản lý, sử dụng và chế độ kế toán, quyết toán, công khai tài chính Quỹ Vaccine phòng Covid-19, Quỹ vaccine phòng Covid-19 được sử dụng để hỗ trợ, tài trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng Covid-19.
Quyền hạn của Quỹ: được vận động và tiếp nhận các khoản tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền, vaccine và các loại hình vật chất khác (không bao gồm vật tư, sinh phẩm, trang thiết bị y tế hỗ trợ cho phòng chống dịch) cho Quỹ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
Được sử dụng các nguồn tài chính của Quỹ để tài trợ, hỗ trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu vaccine , nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng Covid-19 cho người dân theo nội dung phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ và đề nghị của Bộ Y tế.
Được mở tài khoản giao dịch tại Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước và ngân hàng thương mại để tiếp nhận các khoản đóng góp, tài trợ, hỗ trợ bằng tiền của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Quỹ được sử dụng vốn nhàn rỗi bằng Đồng Việt Nam của Quỹ để gửi có kỳ hạn tối đa không quá 3 tháng tại các ngân hàng thương mại theo quy định tại Điều 18 Thông tư này nhằm mục đích bảo toàn và phát triển vốn cho Quỹ, nhưng phải đảm bảo an toàn.
Nguồn thu của Quỹ gồm: các khoản tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước cho Quỹ, gồm: tiền (tiền Đồng Việt Nam, ngoại tệ), vaccine và các loại hình vật chất khác.
Lãi tiền gửi của Quỹ tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng thương mại; các nguồn thu hợp pháp khác (nếu có).
Về xác định trách nhiệm tiếp nhận, Thông tư nêu rõ, các khoản tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước cho Quỹ bằng tiền được chuyển vào tài khoản của Quỹ tại Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước và ngân hàng thương mại.
Các khoản tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước cho Quỹ bằng vaccine, Bộ Y tế thực hiện tiếp nhận để quản lý, phân phối và sử dụng theo quy định.
Bộ Y tế có trách nhiệm xác định giá trị quy tiền Đồng Việt Nam của vaccine được tài trợ cho Quỹ và định kỳ 10 ngày lập báo cáo gửi Quỹ theo Mẫu số 03-BC/QVX tại Phụ lục kèm theo Thông tư này, để hạch toán phản ánh vào thu, chi của Quỹ. Việc xác định giá trị quy tiền của căn cứ các hóa đơn, chứng từ do nhà tài trợ cung cấp; trường hợp không có hóa đơn, chứng từ của nhà tài trợ thì xác định theo giá tạm tính để phản ánh kịp thời vào thu của Quỹ, Bộ Y tế có trách nhiệm xác định giá chính thức theo quy định của pháp luật và báo cáo Quỹ để điều chỉnh hạch toán (nếu có chênh lệch).
Các khoản tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước cho Quỹ bằng các loại hình vật chất khác (không bao gồm vật tư, sinh phẩm, trang thiết bị y tế hỗ trợ cho phòng chống dịch), Quỹ thực hiện tiếp nhận để quản lý, theo dõi và hạch toán phản ánh vào thu của Quỹ khi xuất bán theo quy định.
Xác nhận khoản tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện cho Quỹ
Trường hợp tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu xác nhận về khoản tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện cho Quỹ, Ban Quản lý Quỹ có trách nhiệm xác nhận đối với các khoản tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền, các hình thức vật chất khác; Bộ Y tế có trách nhiệm xác nhận đối với các khoản tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng vaccine.
Biên bản xác nhận theo mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 44/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19.
Thẩm quyền quyết định chi của Quỹ
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp nhu cầu kinh phí để mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng Covid-19, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chi từ Quỹ để tài trợ, hỗ trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng Covid-19 theo quy định.
Căn cứ các nội dung chi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Y tế lập hồ sơ đề nghị xuất Quỹ để chi theo quy định.
Hồ sơ đề nghị xuất Quỹ bao gồm: văn bản của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nội dung chi từ Quỹ; văn bản đề nghị của Bộ Y tế về việc chi từ Quỹ (trong đó nêu rõ: nội dung chi; số tiền; tên đơn vị nhận tiền, địa chỉ, số tài khoản, tên ngân hàng).
Bộ Y tế chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, trước Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, sử dụng số tiền được cấp từ Quỹ để mua, nhập khẩu vaccine, tài trợ, hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước; quản lý, sử dụng vaccine đã mua, nhập khẩu và vaccine đã tiếp nhận từ các nhà tài trợ theo đúng quy định.
Công khai báo cáo tài chính quỹ
Thông tư cũng quy định chi tiết các nội dung liên quan đế chế độ kế toán, quyết toán, báo cáo và công khai tài chính quỹ. Theo đó, Quỹ có trách nhiệm công khai báo cáo tài chính quỹ hàng tháng, 6 tháng, năm và báo cáo quyết toán Quỹ theo các mẫu biểu tại Phụ lục kèm theo Thông tư này.
Nội dung công khai bao gồm: Số tiền huy động, danh sách các tổ chức, cá nhân tài trợ, đóng góp, nội dung và số tiền đã chi, số dư quỹ còn lại.
Thời điểm công khai báo cáo tháng, 6 tháng chậm nhất sau ngày 10 kể từ ngày kết thúc tháng, 6 tháng; công khai báo cáo năm chậm nhất ngày 31 của tháng 1 năm sau và báo cáo quyết toán chậm nhất 30 ngày sau khi báo cáo được Bộ Tài chính phê duyệt.
Việc công khai của Quỹ được thực hiện qua Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính và một hoặc một số hình thức: công bố tại các cuộc họp, niêm yết tại trụ sở của Quỹ, phát hành ấn phẩm, thông báo bằng văn bản đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Theo số liệu cập nhật tới 16h ngày 4/6 của Ban Quản lý Quỹ Vaccine phòng Covid-19, Quỹ đã tiếp nhận được hơn 264,8 tỷ đồng, hơn 8.700 USD và hơn 2.700 EUR.
(Báo Kinh tế & đô thị)
Trẻ dưới 5 tuổi cách ly y tế tại nhà, 5 đến 15 tuổi cách ly tập trung 7 ngày
Sáng 5/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ký công văn khẩn gửi Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bắc Giang về việc điều chỉnh cách ly y tế cho trẻ em dưới 15 tuổi tại trên toàn tỉnh.
Theo đó, trong thời gian qua, dịch xuất hiện tại nhiều địa bàn của tỉnh Bắc Giang, nhiều trường hợp tiếp xúc gần với các trường hợp mắc bệnh được yêu cầu bắt buộc thực hiện cách ly y tế tập trung, trong đó có nhiều trường hợp là trẻ em dưới 15 tuổi.
Để tiếp tục chủ động công tác phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời đảm bảo điều kiện sinh hoạt an toàn, thuận lợi cho trẻ em trong thời gian thực hiện cách ly y tế, giảm tải các cơ sở cách ly cũng như phòng lây nhiễm chéo cho trẻ em, Bộ phận thường trực đặc biệt Bộ Y tế chỉ đạo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện cách ly y tế cho trẻ em dưới 15 tuổi theo các nội dung quy định tại Công văn số 897/BYT-MT ngày 07/2/2021 về việc hướng dẫn cách ly y tế cho trẻ em dưới 15 tuổi.
Cụ thể, thời gian cách ly y tế cho trẻ em dưới 15 tuổi là 21 ngày. Đối với trẻ dưới 5 tuổi, thực hiện cách ly y tế tại nhà riêng khi đảm bảo đủ các yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.
Trường hợp trẻ từ 5 tuổi đến 15 tuổi, thực hiện cách ly y tế tập trung trong 7 ngày. Sau khi có kết quả xét nghiệm 3 lần âm tính với SARS-CoV-2 (lần 1 khi bắt đầu thực hiện cách ly, lần 2 vào ngày thứ 3 và lần 3 vào ngày thứ 7), cho phép thực hiện cách ly y tế tại nhà riêng khi đảm bảo đủ các yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Việc di chuyển từ cơ sở cách ly y tế tập trung về nhà phải tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch.
(Báo Kinh tế & đô thị)
Bộ Y tế hướng dẫn xử lý khi xảy ra các tình huống dịch tại khu công nghiệp
Bộ Y tế vừa có hướng dẫn xử lý khi xảy ra các tình huống dịch COVID-19 tại cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp.
Bộ Y tế vừa ra Quyết định số 2787/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn các phương án phòng, chống dịch khi có trường hợp mắc COVID-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp.
Hướng dẫn này nhằm chủ động phát hiện sớm và xử lý kịp thời trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 tại cơ sở sản xuất kinh doanh, khu/cụm công nghiệp để đảm bảo sản xuất an toàn và thực hiện mục tiêu kép; hạn chế tác động của dịch bệnh đến phát triển kinh tế và an sinh xã hội .
Hướng dẫn đã đưa ra cách xử lý trong các tình huống cụ thể như: Khi xuất hiện trường hợp mắc COVID-19 tại 1 cơ sở sản xuất kinh doanh, khi có ca bệnh tại nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh.
Trong đó, Bộ Y tế yêu cầu khi xuất hiện ca bệnh tại 1 cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp cần kích hoạt ngay các phương án phòng, chống dịch như: Quyết định phong tỏa tạm thời toàn bộ cơ sở sản xuất kinh doanh, khu/cụm công nghiệp hoặc từng phân xưởng, dây chuyền sản xuất, tổ sản xuất, khu vực sản xuất, vị trí làm việc có trường hợp mắc bệnh (F0) trên cơ sở tình hình thực tế. Cách ly các trường hợp F0 tại chỗ và thông báo ngay cho cơ quan y tế để chuyển cách ly, điều trị và thực hiện khoanh vùng, khử khuẩn theo quy định. Thông báo cho toàn thể người lao động đang có mặt tại cơ sở sản xuất kinh doanh, khu/cụm công nghiệp; yêu cầu người lao động nghiêm túc khai báo y tế, thực hiện nguyên tắc 5K, phân xưởng nào ở yên phân xưởng đó; không để xảy ra hoang mang, lo lắng với người lao động.
Các khu công nghiệp cũng rà soát toàn bộ người lao động trong cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp theo danh sách quản lý; khẩn trương truy vết tất cả các trường hợp tiếp xúc gần (F1), các trường hợp tiếp xúc với F1 (F2), tuyệt đối không để bỏ sót; thực hiện cách ly tập trung với tất cả các trường hợp F1 và cách ly tại nhà, nơi lưu trú với các trường hợp F2. Trước khi đưa các trường hợp F1 đi cách ly tập trung, thực hiện phân nhóm theo vị trí làm việc và nguy cơ tiếp xúc để bố trí cách ly y tế trong cùng khu với những trường hợp có cùng vị trí làm việc và nguy cơ tiếp xúc.
Các đơn vị lập danh sách người lao động là F1, F2, các trường hợp khác không có mặt tại cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp tại thời điểm phong tỏa và gửi cho Sở Y tế, Trung tâm y tế cấp huyện nơi người lao động đang lưu trú để xử trí theo quy định; đồng thời phối hợp với cơ quan y tế thông báo cho các đối tượng này ở yên tại nhà/nơi lưu trú, khai báo y tế và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo yêu cầu của cơ quan y tế.
Các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp cũng phối hợp với Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để triển khai lấy mẫu xét nghiệm cho những người lao động theo nguy cơ. Đánh giá mối liên quan dịch tễ của các phân xưởng, dây chuyền sản xuất, tổ sản xuất, khu vực sản xuất, vị trí làm việc khác với khu vực có F0…
Đặc biệt, khi có kết quả xét nghiệm của ca bệnh, các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp có các phương án xử lý tình huống tiếp theo như:
Tình huống phát hiện nhiều trường hợp mắc bệnh làm việc tại hầu hết các phân xưởng, dây chuyền sản xuất, tổ sản xuất, khu vực sản xuất, vị trí làm việc. Cách ly các trường hợp F0 tại chỗ và thông báo ngay cho cơ quan y tế để chuyển cách ly, điều trị và thực hiện khoanh vùng, khử khuẩn theo quy định. Khẩn trương truy vết tất cả các trường hợp F1, F2 của các F0 mới để thực hiện cách ly theo quy định. Tất cả người lao động trong cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp được coi là F1 thực hiện cách ly tập trung ngay. Đồng thời, tiến hành phong tỏa tạm thời toàn bộ khu vực cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp. Thông báo ngay cho chính quyền địa phương, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 các cấp; khẩn trương điều tra, truy vết tất cả các trường hợp có liên quan và thông tin cho các cơ quan liên quan, các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu/cụm công nghiệp lân cận; thiết lập phương án cách ly tập trung ngay tại cơ sở sản xuất kinh doanh, khu/cụm công nghiệp trong trường hợp cần cách ly tập trung số lượng lớn người lao động.
Tình huống phát hiện nhiều trường hợp mắc bệnh tập trung trong cùng 1 phân xưởng hoặc dây chuyền sản xuất, tổ sản xuất, khu vực sản xuất, vị trí làm việc phải cách ly các trường hợp F0 tại chỗ và thông báo ngay cho cơ quan y tế để chuyển cách ly, điều trị và thực hiện khoanh vùng, khử khuẩn theo quy định. Đồng thời, khẩn trương truy vết tất cả các trường hợp F1, F2 của các F0 mới để thực hiện cách ly theo quy định. Tất cả người lao động trong cùng phân xưởng, dây chuyền sản xuất, khu vực sản xuất, vị trí làm việc nơi có trường hợp mắc bệnh được coi là F1 và thực hiện cách ly tập trung ngay. Yêu cầu toàn bộ người lao động khai báo y tế bắt buộc với chính quyền địa phương và y tế cơ sở nơi cư trú để phối hợp theo dõi và quản lý.
Tình huống không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh; tất cả các mẫu xét nghiệm trong cơ sở sản xuất kinh doanh, khu/cụm công nghiệp âm tính thì các đơn vị rà soát toàn bộ người lao động trong cơ sở sản xuất kinh doanh, khu/cụm công nghiệp theo danh sách quản lý để tiếp tục theo dõi, giám sát và định kỳ thực hiện xét nghiệm sàng lọc để kịp thời phát hiện các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh.
Đặc biệt, trong trường hợp xuất hiện ca bệnh tại nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh, khu/cụm công nghiệp, các đơn vị cũng áp dụng các biện pháp xử lý như trường hợp có ca bệnh. Đồng thời, từng cơ sở sản xuất kinh doanh, khu/cụm công nghiệp thường xuyên đánh giá nguy cơ lây nhiễm. Căn cứ vào kết quả đánh giá nguy cơ và diễn biến dịch thực tế tại cơ sở sản xuất kinh doanh, khu/cụm công nghiệp; Chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét quyết định việc tiếp tục hoặc dừng hoạt động để đảm bảo quy định phòng chống dịch và an toàn sản xuất.
(Báo Tin tức)
Bình luận
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!