Thông tin y tế trên các báo ngày 31/3/2021

Dưới đây là một số thông tin y tế đáng chú ý trên các báo ra ngày 31/3/2021, mời quý đọc giả đón đọc:

63 tỉnh, thành phố đã được tập huấn để chuẩn bị tiêm vắc xin Covid-19

Theo tin từ Bộ Y tế, tính từ 18h ngày 30-3 đến 6h ngày 31-3, nước ta không ghi nhận ca mắc mới. Ngoài ra, có thêm 1.840 người được tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca trong ngày 30-3 tại 9 tỉnh, thành phố, nâng tổng số người được tiêm lên 48.256 người.

Như vậy, có 19 tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm phòng vắc xin Covid-19 thuộc giai đoạn 1, tính từ ngày 8-3 đến nay, gồm: Hải Dương, Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Gia Lai, Long An, Đà Nẵng, Hòa Bình, Khánh Hòa, Hà Giang, Điện Biên, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Quảng Ninh, Tây Ninh và Đồng Tháp.

Trong các ngày 29 và 30-3, dự án Tiêm chủng mở rộng đã tổ chức tập huấn triển khai vắc xin phòng Covid-19 cho sở y tế, trung tâm kiểm soát bệnh tật, trung tâm y tế dự phòng, bệnh viện đa khoa tỉnh và đại diện khối quân y của 3 khu vực Bắc, Trung, Nam. Kinh nghiệm triển khai tại 19 địa phương vừa qua đã được chia sẻ kịp thời đến các địa phương. Đến nay, toàn bộ 63 tỉnh, thành phố đã được tập huấn để chuẩn bị cho triển khai tiêm vắc xin.

Cũng theo Bộ Y tế, tính đến 6h ngày 31-3, tổng số ca mắc Covid-19 tại nước ta vẫn là 2.594 ca, trong đó có 1.603 ca lây nhiễm trong nước. Tính từ ngày 27-1 đến nay, nước ta ghi nhận 910 ca mắc mới do lây nhiễm trong cộng đồng tại 13 tỉnh, thành phố: Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hòa Bình, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Điện Biên, Gia Lai, Hà Giang và Bình Dương.

Có 10 tỉnh, thành phố: Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh và thành phố Hồ Chí Minh đã qua 46 ngày không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Riêng tại Hà Nội đã 43 ngày và Hải Phòng 36 ngày không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 37.008 người, trong đó có 506 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 19.093 người cách ly tại các cơ sở khác và số còn lại cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Theo báo cáo của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), nước ta đã có 2.359 ca bệnh Covid-19 được điều trị khỏi, 35 ca tử vong.

(hanoimoi.com.vn)

Sáng 31/3, không có ca mắc COVID-19 mới, hơn 48.200 người đã tiêm vaccine

Bản tin sáng 31/3 của Bộ Y tế cho biết tiếp tục không có ca mắc COVID-19. Đã có 48.256 người Việt Nam tại 19 tỉnh, thành phố tiêm chủng vaccine COVID-19.

Tính từ 18h ngày 30/3 đến 6h ngày 31/3: Việt Nam không có ca mắc mới, tổng số ca mắc vẫn là 2.594 ca. Như vậy đã 12h trôi qua, nước ta chưa ghi nhận ca bệnh.

Đến 18h chiều nay, Việt Nam vẫn có tổng cộng 1603 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay: 910 ca, riêng Hải Dương có 726 ca, Quảng Ninh (61 ca), Gia Lai (27 ca), Hà Nội (34 ca), Bắc Ninh (5 ca), Bắc Giang (2 ca), TP Hồ Chí Minh (36 ca ), Hoà Bình (2 ca), Hà Giang (1 ca), Điện Biên (3 ca), Bình Dương (6 ca), Hải Phòng (4 ca ), Hưng Yên (3 ca).

10 tỉnh, thành phố (Hoà Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh và TP. Hồ Chí Minh) đã qua 46 ngày không ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Hà Nội đã 43 ngày và Hải Phòng 36 ngày không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.

Số ca mắc COVID-19 của thế giới

Cả thế giới có 128.761.047 ca mắc, trong đó 103.788.230 ca đã khỏi bệnh; 2.814.381 2.805.973 ca tử vong và 22.158.436 ca đang điều trị (95.160 ca diễn biến nặng). Trong 12 giờ qua, số ca mắc của thế giới tăng 447.903 ca (24 giờ tăng 570.886 ca) tử vong tăng 8.408 ca (11.416 ca).

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 37.008, trong đó:

– Cách ly tập trung tại bệnh viện: 506

– Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 19.093

– Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 17.409

Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế, đến thời điểm này nước ta đã chữa khỏi 2.359/2.594 bệnh nhân COVID-19.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước có 68 bệnh nhân đã âm tính với virus SARS-CoV-2 từ 1-3 lần gồm: 18 ca âm tính lần 1, 15 ca âm tính lần 2, 35 ca âm tính lần 3.

Số ca tử vong liên quan đến COVID-19 ở nước ta đến nay là 35 ca, đây là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (03) và Quảng Trị (01).

Để sống chung an toàn với đại dịch COVID-19, người dân cần tuân thủ thực hiện nguyên tắc 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang; Khử khuẩn; Khoảng cách; Không tụ tập và Khai báo y tế.

Có thêm 1.840 người được tiêm chủng vaccine COVID-19 trong ngày 30/3/2021, chi tiết như sau:

Hà Nội: 102 người

Hải Dương : 249 người

Hải Phòng: 117 người

Hòa Bình: 72 người

Hưng Yên: 10 người

Bắc Giang: 79 người

Hà Giang: 549 người

Điện Biên: 192 người

TP. Hồ Chí Minh : 470 người.

Tính đến 16 giờ ngày 30/3/2021, tổng cộng đã thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại 19 tỉnh/TP cho 48.256 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch.

Trong các ngày 29-30/3, Dự án TCMR đã tổ chức tập huấn triển khai vắc xin COVID-19 cho Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật/Y tế dự phòng, Bệnh viện đa khoa tỉnh và đại diện khối quân y của 3 khu vực miền Bắc, miền Trung, miền Nam. Kinh nghiệm triển khai tại 19 địa phương vừa qua đã được chia sẻ kịp thời đến các địa phương. Đến nay toàn bộ 63 tỉnh/thành phố đã được tập huấn để chuẩn bị cho triển khai.

(vtv.vn)

Cảnh báo: Thực phẩm hút chân không có thể gây ngộ độc cho người dùng

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các ca ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là vụ ngộ độc botulinum sau bữa ăn tại khu vực miếu Chiêu Liêu ở TP Thủ Dầu Một, Bình Dương làm 6 người nhập viện, trong đó có 1 người tử vong.

Việc chế biến thức ăn, bảo quản thực phẩm “hút chân không”, đóng hộp thực phẩm không đúng cách đang là mối nguy rất lớn, gây nhiễm độc tố chết người botulinum..

Vô tư đóng gói hút chân không

Túi hút chân không được người dùng đánh giá là sản phẩm giúp bảo quản thực phẩm hiệu quả trong một thời gian nhất định. Thế nhưng nếu sử dụng không đúng cách, không đủ điều kiện tiệt trùng theo quy định thì có thể sinh ra vi khuẩn nguy hiểm trong môi trường yếm khí, gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Hiện nay, túi hút chân không thực phẩm được bày bán khá phổ biến. Chỉ từ 70.000 – 120.000 đồng đã có thể mua được sản phẩm với vô số hình thức như cân ký, bán theo cuộn, theo bịch đủ mọi kích cỡ. Và chỉ cần 500.000 đồng là các bà nội trợ đã mua được một chiếc máy hút chân không mini.

Chị N.T.K. (nhân viên một cửa hàng bao bì ở quận 6) cho biết mỗi ngày cơ sở bán ra cả trăm ký bao bì hút chân không. “Mặt hàng này rất đắt khách vì tiện dụng, có khách đến mua cả chục ký về để dành xài cho gia đình. Cửa hàng còn bán cả máy hút chân không để phục vụ nhu cầu của khách hàng”, chị K. cho biết.

Thị trường online (bán hàng trên mạng) sôi nổi không kém khi chỉ cần tìm kiếm từ khóa “túi hút chân không” là hàng loạt các đường liên kết hiện ra, từ các trang thương mại điện tử đến các fanpage, các group trên mạng xã hội.

Là nhân viên văn phòng không có nhiều thời gian cho việc đi chợ, chị Lê Ngọc Trúc (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết chị thường tự đặt mua các loại túi chân không trên mạng để bảo quản thức ăn nhiều ngày. “Vì mình chỉ đi chợ mỗi tuần hai lần, nên các thực phẩm như cá, thịt heo, thịt bò mình thường cho vào túi hút chân không để bảo quản, giữ được độ tươi lâu hơn, khi cần dùng cũng không tốn thời gian rã đông như khi đông lạnh thực phẩm”, chị Trúc nói.

Việc dùng túi “hút chân không” mà các hộ gia đình tự làm không đảm bảo an toàn thực phẩm, có nguy cơ gây ngộ độc đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo trước đó.

Cẩn trọng cách bảo quản trong môi trường yếm khí

Bà Trần Việt Nga – phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế – cho biết độc tố botulinum sinh ra trong quá trình chế biến, bảo quản thực phẩm trong môi trường yếm khí (đóng hộp, hút chân không) không bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó có chế biến tại nhà.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 29-3, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế Nguyễn Thanh Phong cho biết vừa nhận báo cáo từ Kon Tum cho biết có thêm ca ngộ độc nghi do botulinum. Đây là trường hợp độc lập với nhóm ca bệnh xuất hiện giữa tháng 3 và người bị ngộ độc cũng ăn cá suối muối trong âu đậy kín.

Đây là vụ ngộ độc thứ 3 nghi do botulinum trong tháng 3 này, gồm 2 vụ ở Kon Tum, 1 vụ ở Bình Dương.

Chuyên gia Cục An toàn thực phẩm lưu ý các hộ gia đình, cơ sở sản xuất thủ công không tự đóng gói, đóng kín thực phẩm (dạng hút chân không) để bảo quản thực phẩm trong thời gian dài. Bởi khi không đủ điều kiện công nghệ để tiệt trùng thực phẩm được đóng gói kín sẽ có nguy cơ sinh ra độc tố botulinum gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng con người.

(tuoitre.vn)

WHO công bố báo cáo nguồn gốc Covid-19, 14 nước lập tức phản ứng

Mỹ và 13 nước khác đã lên tiếng phản ứng sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố báo cáo 120 trang liên quan đến kết quả điều tra chung với Trung Quốc về nguồn gốc đại dịch Covid-19.

4 giả thuyết chính

WHO ngày 30/3 công bố báo cáo kết quả điều tra nguồn gốc Covid-19. Báo cáo không đưa ra một kết luận chắc chắn nào, nhưng đánh giá về mức độ có thể xảy ra với 4 giả thuyết chính. Theo báo cáo 120 trang này, giả thuyết virus SARS-CoV-2 “nhiều khả năng” lây sang người từ một động vật trung gian là một động vật hoang dã bị bắt và nuôi trong trang trại. Tuy nhiên, báo cáo chưa chỉ ra được đây là loài vật nào.

Một giả thuyết khác được đánh giá “có khả năng” khác là virus lây truyền từ một loại động vật mang virus corona tương tự như dơi hay tê tê. Trong khi đó, giả thuyết virus lây lan qua thực phẩm đông lạnh “ít khả năng” và giả thuyết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm “rất khó xảy ra”.

Báo cáo cũng cho rằng, virus lây lan trên người không quá 1-2 tháng trước khi nó được phát hiện vào tháng 12/2019. Trước đó, một số ý kiến cho rằng, virus SARS-CoV-2 đã âm thầm lây lan “nhiều tháng” trước khi được phát hiện ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.

Bản báo cáo là kết quả điều tra phối hợp giữa nhóm chuyên gia do WHO dẫn đầu và giới chức Trung Quốc trong chuyến điều tra tại tâm dịch Vũ Hán hồi cuối tháng 1, đầu tháng 2 năm nay. Mặc dù báo cáo chưa giải đáp được nhiều câu hỏi liên quan đến đại dịch Covid-19, nhưng báo cáo nêu ra đánh giá với một số giả thuyết vốn gây nhiều tranh cãi.

Báo cáo được công bố sau nhiều lần trì hoãn và vấp phải sự chỉ trích của nhiều nước. Nhóm chuyên gia của WHO thừa nhận, họ đối mặt với nhiều sức ép, trong đó có cả sức ép chính trị, trong quá trình điều tra, nhưng họ không bao giờ bỏ qua “các yếu tố quan trọng” trong báo cáo.

Cần điều tra thêm

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã hoan nghênh báo cáo và cho rằng báo cáo “góp phần đáng kể nâng cao hiểu biết” về đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, người đứng đầu WHO cũng nhấn mạnh, cần điều tra hơn và tất cả các giả thuyết về nguồn gốc SARS-CoV-2 vẫn để ngỏ.

“Quan điểm của WHO là tất cả các giả thuyết vẫn để ngỏ. Báo cáo này là một khởi đầu rất quan trọng, nhưng chưa phải là cuối cùng. Chúng ta chưa tìm ra nguồn gốc virus, chúng ta phải tiếp tục dựa vào khoa học và không bỏ qua bất cứ giả thuyết nào”, ông Tedros nói.

Ngoài ra, ông Tedros cho biết, nhóm chuyên gia đã gặp phải những khó khăn trong quá trình tiếp cận dữ liệu thô khi điều tra nguồn gốc Covid-19 tại Trung Quốc. Trước đó, một thành viên trong nhóm chuyên gia phàn nàn việc Trung Quốc từ chối cho họ tiếp cận dữ liệu thô về các ca bệnh Covid-19 đầu tiên ở nước này.

“Tôi đã trao đổi với nhóm chuyên gia và họ bày tỏ những khó khăn mà họ gặp phải trong việc tiếp cận dữ liệu thô. Tôi hy vọng các nghiên cứu hợp tác trong tương lai sẽ bao gồm việc chia sẻ dữ liệu toàn diện và kịp thời hơn”, Tổng giám đốc WHO nói.

Phản ứng của Mỹ và 13 nước

Theo Reuters, Mỹ và 13 nước gồm Australia, Canada, Séc, Đan Mạch, Estonia, Israel, Nhật Bản, Latvia, Lithuania, Na Uy, Hàn Quốc, Slovenia và Anh hôm qua đã ra một tuyên bố chung chỉ trích báo cáo của WHO phối hợp với Trung Quốc về nguồn gốc Covid-19.

Tuyên bố chung chỉ trích việc điều tra nguồn gốc đại dịch bị trì hoãn và việc nhóm chuyên gia không được tiếp cận đầy đủ dữ liệu thô trong quá trình điều tra.

“Mối quan ngại của chúng tôi là nghiên cứu của chuyên gia quốc tế về nguồn gốc SARS-CoV-2 đã bị trì hoãn quá lâu và không được tiếp cận đầy đủ dữ liệu ban đầu cũng như các mẫu xét nghiệm”, tuyên bố chung đăng trên trang chủ của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu.

Tuyên bố chung cũng ủng hộ tiến hành thêm các nghiên cứu, điều tra để xác định cách thức virus lây truyền sang người, đồng thời kêu gọi một cam kết mới từ WHO và các nước thành viên về khả năng tiếp cận, minh bạch và kịp thời.

“Điều quan trọng là các chuyên gia độc lập phải có quyền tiếp cận đầy đủ các dữ liệu thích hợp về con người, động vật, môi trường cũng như những người liên quan đến giai đoạn đầu bùng phát dịch nhằm xác định cách thức mà đại dịch bùng phát”, tuyên bố nhấn mạnh.

Mỹ và một số nước từng đưa ra giả thuyết cho rằng, virus gây đại dịch Covid-19 có thể thoát ra từ một phòng thí nghiệm của Trung Quốc và rằng Trung Quốc đã che giấu quy mô của dịch. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã nhiều lần bác bỏ và cáo buộc các nước phương Tây tìm cách “chính trị hóa” một vấn đề mang tính khoa học. Bắc Kinh cũng cho rằng, ngoài Vũ Hán, chuyên gia quốc tế cũng cần điều tra nguồn gốc đại dịch ở những nơi khác trên thế giới.

(dantri.com.vn)

Bình luận

Thông tin y tế trên các báo ngày 31/3/2021

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hỗ trợ
Bạn cần tư vấn?

Tin mới

TOP 10 thuốc đặt âm đạo trị nấm phổ biến nhất hiện nay [ĐỪNG BỎ QUA]

Thuốc đặt âm đạo Polygynax có tốt không? Nên dùng cho đối tượng nào?

Viêm cổ tử cung sau sinh: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách chữa trị [ĐỌC NGAY]

Viêm cổ tử cung khi mang thai và cách chữa trị hiệu quả [TÌM HIỂU NGAY]

Điều trị viêm cổ tử cung bằng các phương pháp tốt nhất hiện nay [ĐỪNG BỎ QUA]

Chữa viêm lộ tuyến cổ tử cung ở đâu tốt? TOP 8 địa chỉ uy tín [THAM KHẢO NGAY]

Bà bầu bị viêm lộ tuyến cổ tử cung nguy hiểm không? Chuyên gia tư vấn cách điều trị hiệu quả

Thuốc trị viêm lộ tuyến cổ tử cung cực kỳ an toàn, hiệu quả [TÌM HIỂU NGAY]

TOP 12 cách CHỮA VIÊM LỘ TUYẾN TẠI NHÀ cực hiệu quả [ĐỪNG BỎ QUA]

Khám viêm cổ tử cung ở đâu tốt? TOP 10 địa chỉ uy tín toàn quốc [XEM CHI TIẾT]

Ẩn